Pages

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

2015: Biểu tình của dân bắt đầu có kết quả

Nửa cuối năm 2015, hai cuộc biểu tình chống phá hủy môi trường thủy sản của ngư dân Cam Ranh, và chống xây dựng trung tâm thương mại của người dân Ninh Hiệp – Hà Nội đã mang lại kết quả tương đối khả quan so với những vụ biểu tình tiểu thương trước: hai dự án này đã phải tạm ngừng.

                                                   Học sinh Ninh Hiệp theo cha mẹ biểu tình

Hiển nhiên cuối 2015, phản kháng xã hội đã trở thành hiện tượng lan truyền thế hệ: đồng thanh tập thể đã ăn vào máu não của cả lớp thiếu nhi chưa biết “đảng” là gì.

Trước đó trong hai năm 2013 và năm 2014 đã bắt đầu vang dội tiếng thét “Đả đảo quân giết người!” và “Đả đảo chính quyền!”.

Kết quả tệ hại mà một chính quyền tạo dựng được là khiến cho tiếng thét phản kháng biến vọt từ cá nhân đến nỗ lực đồng thanh tập thể.

Còn năm 2015 đã chứng nhận hàng loạt phong trào xã hội phản đối chính sách nhà nước như phong trào chống chặt hạ cây xanh ở Hà Nội, phong trào chống lấn sông Đồng Nai, phong trào đình công của công nhân về chính sách nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, phong trào giáo dân Đông Yên chống cưỡng chế ở Nghệ An, phong trào học sinh chống xây trung tâm thương mại Ninh Hiệp.

Với những người dân cần có thời gian để tiêu hóa nỗi sợ hãi luôn gặm nhấm trong tâm hồn và thể xác, họ đã có ít nhất 4-5 minh họa sống động từ đầu năm 2013 đến nay: khi đám đông biểu tình lên tới hàng ngàn người, chính công an lại phải tìm cách tiêu hóa nỗi e sợ trong chính từng bộ sắc phục.

Những đám đông dù hình thành tự phát, nhưng cùng một tình cảm và hơn nữa cùng chung mục đích, luôn khiến ngay cả lực lượng cảnh sát cơ động và phòng chống bạo loạn biểu tình cũng phải thoái lui.

Lòng dân đã uất hận đến mức đang vượt nhanh qua giới hạn sợ hãi tự thân, đặc biệt trong điều kiện đám đông được chia sẻ và được nhân rộng về con số.

Xã hội Việt Nam đang chứng kiến mọi kìm nén của người dân từ những năm trước đã gần đạt đến điểm kích nổ.

Lượng đổi chất đổi. Đặc biệt tại những vùng xa - nơi các chính quyền địa phương có khuynh hướng dùng “luật rừng” để cai trị và đàn áp dân chúng. Trong khi người dân lại không quá dốt nát để không thể nắm được những thông tin liên quan đến quyền được tự do biểu đạt của họ.

Thực trạng quá khốn quẫn giờ đây đối với chính quyền là trên khắp các vùng đất nước, mũi dùi của nhân dân đang chĩa thẳng vào công an, đặc biệt là khối cảnh sát mang tần suất o ép và va chạm với dân chúng nhiều nhất, cùng các quan chức hành chính có nhiều tì vết đen đúa và mang thói quen biến dân chúng thành đày tớ cho tầng lớp quan lại.

Trong quá nhiều thất vọng về đảng và nhà nước, người dân và trí thức tự tìm đến với nhau để nương tựa vào một niềm tin còn sót lại, dù rằng niềm tin ấy đã chết.

 Lê Dung 

 (SBTN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét