Pages

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

2016: Giá điện và dịch vụ công sẽ vét cạn túi tiền người dân? *

“Rục rịch” tăng giá điện, dịch vụ công: Từ mối lo tăng trưởng đến túi tiền của người dân


“Rục rịch” tăng giá điện, dịch vụ công: Từ mối lo tăng trưởng đến túi tiền của người dân


Cơ hội điều chỉnh giá đầu vào của nhiều mặt hàng thiết yếu, dịch vụ công khi lạm phát thấp năm 2015 đã bị bỏ lỡ đang đặt ra gánh nặng cho năm 2016…

Vấn đề điều hành giá cả các mặt hàng và dịch vụ đầu vào là một trong những nội dung được nhắc đến trong cuộc họp vào cuối tuần trước của Bộ Tài chính – cơ quan đầu mối về quản lý giá.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết trong năm 2015 đã phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện điều hành giá đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Đơn cử như tăng giá điện 7,5% vào tháng 3/2015; ba lần điều chỉnh giá than theo cơ chế thị trường... đồng thời chuẩn bị các điều kiện để điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế để phản ánh sát hơn chi phí thực tế.
Đồng loạt tăng năm 2016?
Tuy nhiên, khi đánh giá về việc điều hành giá cả năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ sự "nuối tiếc” khi không tận dụng cơ hộilạm phát thấp của năm 2015 để điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế, giáo dục.
"Giá cả liên quan rất lớn đến người dân nên việc điều chỉnh giá phải thận trọng, hợp lý. Năm 2015 lạm phát thấp, dự định là điều chỉnh giá các mặt hàng mà Nhà nước quản lý để tận dụng cơ hội này và giảm áp lực cho năm 2016 nhưng làm không kịp nên bị lỡ cơ hội và sang năm sẽ phải điều chỉnh” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Mặc dù chưa có lộ trình cụ thể nhưng việc điều chỉnh giá chắc chắn sẽ diễn ra trong năm nay. Hiện lạm phát vẫn đang trong xu hướng tăng thấp, nên về nguyên lý việc điều chỉnh giá các mặt hàng này sẽ có nhiều thuận lợi hơn và giảm gánh cho người dân.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ cơ quan thống kê với các chỉ số mà Quốc hội đề ra trong năm 2016 là GDP tăng 6,7%, lạm phát dưới 5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10% và nhập siêu ở mức 5%, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, lại lo ngại rằng, việc điều chỉnh giá các mặt hàng này có thể là mối “đe dọa” cho tăng trưởng trong năm mới.
“Nhiều khả năng các bộ ngành liên quan điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục và giá điện theo thị trường, để ngành sản xuất dịch vụ công tiến tới thị trường. Song chúng tôi cho rằng đây không hẳn là yếu tố thuận lợi vì người dân phải chi tiêu nhiều hơn cho những dịch vụ này” – Tổng cục Thống kê nhận định.
Nhận định về lạm phát năm 2016, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng có nhiều khả năng lạm phát sẽ không còn giữ ở mức tăng thấp như năm 2015. Theo đó, giá dầu thô được dự báo sẽ tăng trở lại, kéo theo giá nguyên liệu hàng hóa đầu vào tăng lên. Việc điều chỉnh giá dịch vụ công, tăng lương cũng sẽ khiến cho CPI tăng.
“Cần phải lường được các thuận lợi và khó khăn cho nền kinh tế. Do điều chỉnh những dịch vụ này không kích thích cung và sản xuất nên nhiều khả năng làm giảm tăng trưởng kinh tế, vì khi chi phí cho y tế, giáo dục tăng thì ít chi tiêu cho các hoạt động khác” – ông Lâm phân tích.
Nỗi ám ảnh tăng trưởng và sức mua
Như vậy, thách thức lớn đặt ra cho các nhà điều hành trong năm 2016, làm thế nào để điều chỉnh tăng giá của những mặt hàng đầu vào thiết yếu và dịch vụ công cho phù hợp, để CPI tăng “vừa phải” và vừa kích thích tăng trưởng.
Bài học từ cú sốc lạm phát năm 2011 cho thấy việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ công không đúng thời điểm và cân nhắc liều lượng thích hợp, thì “bóng ma” lạm phát sẽ là nỗi ám ảnh tăng trưởng.
Và không chỉ vậy, CPI tăng còn là câu chuyện túi tiền chi tiêu của người dân. Với mức giảm mạnh của giá xăng dầu hiện nay, cũng khiến cho giá nguyên liệu đầu vào giảm theo, song một thực tế “phi lý” được ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP.Hà Nội chỉ ra là giá hàng hóa ở Việt Nam vẫn đang đứng ở mức cao.
“Với mặt bằng giá cả hiện tại thì thu nhập của người lao động trong biên chế nhà nước chỉ đảm bảo 56-60% nhu cầu đời sống hằng tháng. Dẫn chứng từ nghiên cứu của Nielsen vào tháng 11/2015 cho thấy người Việt Nam đang có xu hướng chi tiêu dè dặt hơn” – ông Phú thông tin.
Dẫn chứng, có 60% số người Việt Nam tiết kiệm các chi phí liên quan tới sử dụng gas, điện và các chi phí khác, 56% giảm chi phí mua quần áo và 47% giảm chi phí cho điện thoại di động. Theo vị Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, người dân đang sống khó khăn và sẽ chi tiêu dè dặt hơn.
Còn theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng quá thấp sẽ gây ra những tác dụng phụ khi người tiêu dùng tạm hoãn chi tiêu để chờ giá giảm sâu hơn. Đây là điều đáng lo ngại khi sức mua thấp có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
“Giá tiêu dùng tăng thấp mà do giá dầu giảm là không bền vững. Bởi sự đề kháng của nền kinh tế còn yếu trước sự tác động của biến đổi kinh tế thế giới. Nên việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như điện, dịch vụ công trong năm 2016 cần hết sức thận trọng” – chuyên gia Ngô Trí Long khuyến cáo.
Cẩm An
Theo Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét