Pages

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Một năm 2016 gập ghềnh

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA

000_Hkg10241828-622.jpg
Chứng khoán Trung Quốc hôm 3/1/2016.
AFP




Trong ngày giao dịch đầu năm từ Á qua Âu về tới Mỹ châu, các thị trường đều sụt giá mạnh. Một trong nhiều nguyên nhân là nạn tuột giá cổ phiếu tại Trung Quốc vào hôm Thứ Sáu đầu năm. Phải chăng đây là điềm xấu về kinh tế cho năm dương lịch, hoặc năm Bính Thân âm lịch?

Bức tranh toàn cảnh có quá nhiều màu xám

Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa trong buổi phát thanh đầu năm và mong là ông đã phục hồi sức khỏe. Thưa ông, hôm Thứ Sáu mùng một, thị trường cổ phiếu của Trung Quốc mất giá nặng khiến nhà chức trách lập tức đóng sàn giao dịch sau khi giá sụt dưới ngưỡng 7%. Lập tức các thị trường Á Châu rồi Âu Châu đều đổ sàn và sang tới Hoa Kỳ thì vừa mở phiên giao dịch đầu năm vào ngày Thứ Hai mùng bốn là cũng sụt giá. Theo dõi tình hình thì giới bình luận quốc tế cho rằng tình hình kinh tế Trung Quốc là một nguyên nhân gây lo ngại, nhưng cũng còn nhiều nguyên nhân khác nữa. Vì vậy, xin đề nghị ông phân tích cho các nguyên nhân đó và nêu ra vài dự đoán kinh tế cho năm 2016 mới khởi đầu mà đã có những điềm xấu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra, chỉ dấu đáng ngại về cả kinh tế lẫn an ninh với hậu quả bất lợi cho kinh tế đã xuất hiện từ cuối năm 2015. Sau đó mới là những biến cố dồn dập trong mấy ngày đầu năm vừa qua.
Trước hết là tình trạng bất ổn lan rộng tại khu vực Trung Đông. Nhồi vào đó là ba cuộc khủng hoảng đã dập vào Âu Châu, là vụ Euro và Hy Lạp, là làn sóng di dân và nạn khủng bố khiến kinh tế của khối Liên Âu khó tránh được nạn suy trầm năm nay. Trong khi ấy, vài nền kinh tế lớn như Nhật Bản hay xứ Brazil tại Nam Mỹ thì đang suy trầm.
Nhiều quốc gia đang phát triển đã bị ngập nợ, với khối nợ tăng 30% kể từ đỉnh cao là 2008. Kịch bản xảy ra với xác suất cao là có khoảng 70 ngàn tỷ đô la của khu vực công quyền sẽ bị mất, tức là chính quyền mặc nhiên vỡ nợ về mặt kỹ thuật. Đấy là bức tranh toàn cảnh có quá nhiều màu xám đã xuất hiện từ cuối năm 2015.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Yếu tố bất ổn thứ hai là việc dầu thô cùng một số thương phẩm khác cũng sụt giá. Nếu dầu thô mất giá, và tôi đoán rằng năm nay sẽ ở dưới 30 đô la một thùng, thì xăng có thể rẻ hơn cho nhà tiêu thụ, nhưng các quốc gia và doanh nghiệp sản xuất lại bị mất lợi tức, là trường hợp của Liên bang Nga, Saudi Arabia tại Trung Đông và Venezuela tại Nam Mỹ. Nguyên vật liệu hay kim loại mất giá thì các nước xuất khẩu cũng bị thiệt, là hoàn cảnh của Úc.
Sau cùng, ta không nên quên rằng nhiều quốc gia đang phát triển đã bị ngập nợ, với khối nợ tăng 30% kể từ đỉnh cao là 2008. Kịch bản xảy ra với xác suất cao là có khoảng 70 ngàn tỷ đô la của khu vực công quyền sẽ bị mất, tức là chính quyền mặc nhiên vỡ nợ về mặt kỹ thuật. Đấy là bức tranh toàn cảnh có quá nhiều màu xám đã xuất hiện từ cuối năm 2015.
Nguyên Lam: Thưa ông, thế rồi qua năm 2016, tình hình lại có những biến động mới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật như vậy vì ngày mùng một là cổ phiếu Trung Quốc tuột giá. Qua mùng hai là vụ khủng hoảng trong Vùng Vịnh của Trung Đông khi Saudi Arabia, mà ở nhà gọi là Ả Rập Xaouđi, hành quyết 47 người và gây phản ứng chống đối từ Cộng hòa Hồi giáo Iran là Sứ quán Saudi tại thủ đô Tehran bị tấn công khiến Saudi Arabia và một số quốc gia Hồi giáo theo hệ phái Sunni lập tức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Trung Đông vốn đã bất ổn vì nạn khủng bố và nội chiến, nay lại có thêm một cuộc khủng hoảng nữa với nguy cơ đối đầu giữa hai cường quốc Hồi giáo, là Iran của sắc tộc Ba Tư theo hệ phái Shia và Saudi Arabia của sắc tộc Á Rập theo hệ phái Sunni. Mà cả hai quốc gia này đều là đại gia về dầu hỏa và còn đang dùng giá dầu như võ khí chiến lược.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin được hỏi ông thêm về chuyện Trung Quốc vì biến cố tài chính tại xứ này lại có thể dẫn tới quyết định chính trị và tác động ngược vào kinh tế. Thưa ông, tình hình Trung Quốc có là đáng ngại hay không cho kinh tế thế giới trong năm 2016 này?

000_Hkg10241831-400.jpg
Một trung tâm chứng khoán ở Phụ Dương, tỉnh An Huy phía đông của Trung Quốc ngày 04 tháng 1 năm 2016. AFP PHOTO.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho là tình hình Trung Quốc rất là đáng ngại và cũng đã giải thích một phần trong chương trình phát thanh hôm 16 tháng trước.
Sau nạn sụt giá cổ phiếu vào giữa năm ngoái, Bắc Kinh quyết định không cho giới đầu tư có trên 5% phần vốn của doanh nghiệp yết giá trên sàn được phép bán. Biện pháp hành chính và phi thị trường ấy chỉ là sự can thiệp duy ý chí hay khiên cưỡng để giữ giá cổ phiếu khỏi sụt. Điều ấy có nghĩa là các nhà đầu tư cò con còn có thể bán tháo và rút vốn nhưng giới đại gia có tiền thì chết kẹt. Thế rồi tuần qua, khi Bắc Kinh thu hồi quyết định này thì giới có tiền đã lập tức bán ra để bỏ chạy, làm thị trường sụt giá mạnh ngay khi mở cửa. Nghĩa là giới đầu tư không tin vào tương lai và họ có lý vì qua ngày Thứ Hai mùng bốn, Chỉ số đặt hàng ráp chế PMI trong Tháng 12, do hệ thống truyền thông Caixin Media ước tính, đã lại sụt nữa. Đây là tháng thứ 10 mà chỉ số PMI bị sụt dưới mức 50, là dấu hiệu tiên báo nạn suy trầm kinh tế trong tương lai.
Khi kinh tế bị suy trầm thì lãnh đạo Trung Quốc không thể tiến hành việc cải cách như đã thông báo từ lâu, và sẽ lại duy ý chí can thiệp vào thị trường, với hậu quả bất lợi về cả kinh tế lẫn chính trị. Vì vậy, tôi dự đoán là trong năm nay, đà tăng trưởng của Trung Quốc chỉ còn là 5% hoặc có thể thấp hơn nữa, chứ không được 6,5% như chỉ tiêu của lãnh đạo vừa công bố. Khi kinh tế suy trầm thì thất nghiệp tăng và rủi ro vỡ nợ cũng vậy. Chu kỳ suy thoái của Trung Quốc đã bắt đầu và có thể kéo dài cả chục năm, như chúng ta đã thấy tại Nhật Bản từ 1991 hay ngay tại Hoa Kỳ này sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Triển vọng cải cách ở TQ

Nguyên Lam: Câu hỏi cuối của Nguyên Lam về Trung Quốc, thưa ông chúng ta có thể thấy gì về triển vọng cải cách để chuyển hướng trong bối cảnh của chiến dịch diệt trừ tham nhũng mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã theo đuổi từ nhiều năm qua?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng năm 2016 sẽ thấy ra một thời kỳ bất ổn chính trị cho lãnh đạo xứ này và xin được giải thích thêm cho quý thính giả của chúng ta. Trước hết là về khung cảnh địa dư hình thể, như một định mệnh của quốc gia.
Về địa dư hình thể thì Trung Quốc có quá nhiều khác biệt bên trong, và 36 năm qua, chánh sách kinh tế lại đào thêm dị biệt giữa vùng duyên hải gồm 15 tỉnh và gần 400 triệu người tương đối khá giả hơn khu vực quá rộng lớn bên trong, nơi có gần một tỷ người thật ra còn nghèo đói. Về chi tiết, chúng ta không nên quên rằng lợi tức bình quân một đầu người tại các tỉnh nghèo ở bên trong còn thấp hơn lợi tức của người dân ở bên ngoài từ 30 đến 50%. Thiết thực hơn nữa thì phải nói đến lợi tức bình quân của các hộ gia đình. Theo Ngân hàng Thế giới thì Trung Quốc có 650 triệu người dân sống trong các hộ gia đình không kiếm ra lợi tức tương đương với bốn đô la một ngày. Trong khi thế giới cứ ngợi ca phép lạ kinh tế của Trung Quốc, tình trạng tôi gọi là “nghèo ngầm” của hơn 600 triệu dân sống trong một xã hội bất công quả là một vấn đề chính trị cho lãnh đạo của một đảng Cộng sản.
Trong khi thế giới cứ ngợi ca phép lạ kinh tế của Trung Quốc, tình trạng tôi gọi là “nghèo ngầm” của hơn 600 triệu dân sống trong một xã hội bất công quả là một vấn đề chính trị cho lãnh đạo của một đảng Cộng sản.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vì vậy, ông Tập Cận Bình muốn tập trung quyền lực về trung ương và trong tay mình để giải quyết sự rạn nứt giữa các tỉnh trù phú miền Đông và các tỉnh nghèo hơn, qua việc tái phân lợi tức cho các tỉnh nghèo bị khóa trong lục địa hầu nâng mức tiêu thụ nội địa thay cho xuất khẩu. Nhưng vì sự cưỡng chống của nhiều đảng bộ địa phương và tay chân các thành phần đảng viên cao cấp đã trục lợi từ mấy chục năm qua, ông tiến hành chiến dịch diệt trừ tham nhũng. Mục tiêu là để vừa thanh lọc đảng viên có tội, vừa thanh trừng các phe phái muốn gây trở ngại cho chiến lược kinh tế của ông ta. Vì tham nhũng là thuộc tính của độc tài đã ăn sâu trong bộ máy hành chánh công quyền cũng do đảng kiểm soát, chiến dịch ấy làm tê liệt bộ máy điều hành quốc gia và gây chống đối còn dữ dội hơn và sự chống đối cũng đã xuất hiện từ quân đội.
Nguyên Lam: Ông nói đến Quân đội Giải phóng Nhân dân của Trung Quốc hay sao? Chuyện ấy có liên hệ gì đến kinh tế trong khi các nước lân bang lại e ngại sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng mình càng phải nói về Quân đội Giải phóng ấy sau khi Bắc Kinh công bố chiến lược quân sự mới. Tại Trung Quốc, quân đội là lực lượng chính trị có nhiệm vụ bảo vệ đảng Cộng sản. Sau gần 70 năm cầm quyền của đảng, quân đội còn là một trung tâm kinh tế khi dân nghèo tòng quân thì có việc làm, được kính nể và là nấc thang xã hội cho sự thăng tiến của nhiều người.
Khi ông Tập Cận Bình tập trung quyền lực để chuyển hướng kinh tế, ông cũng cải cách quân đội và chiến lược quân sự, theo lối hiện đại và xây dựng lực lượng nhân sự trung kiên hơn với bản thân mình qua Trung ương Quân ủy hội. Không chỉ cho truy tố các Đại tướng Từ Tài Hậu và Quánh Bá Hùng, ông còn sa thải nhiều tướng lãnh khác để cất nhắc những người thân tín. Điều ấy gây phản ứng của các tướng lãnh cấu kết với đảng bộ địa phương chống lại trung ương. Đã vậy, chiến dịch diệt trừ tham nhũng còn phá vỡ nhiều cơ sở làm ăn của các đảng viên cao cấp, lan rộng vào mạng lưới tiền tài của tướng lãnh và đảng bộ địa phương, khiến họ thấy đặc quyền lẫn đặc lợi đều bị trung ương đe dọa. Vì vậy, bối cảnh 2016 là mầm phân hóa địa phương, là mâu thuẫn chính trị và cả vai trò rất đáng chú ý của của giới tướng lãnh. Ta không nên quên nạn cát cứ và lãnh chúa có quân đã xuất hiện quá lâu, cho tới khi đảng Cộng sản tập trung lại quyền lực từ những năm 1947 trở về sau. Vì vậy, lịch sử vẫn có thể tái diễn.
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối là về nền kinh tế đứng đầu thế giới là Hoa Kỳ. Ông nghĩ sao về viễn ảnh kinh tế 2016 của nước Mỹ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi e rằng kinh tế Hoa Kỳ sẽ lại bị suy trầm nữa, tương tự như đã thấy từ Tháng 12 năm 2007 đến Tháng Bảy năm 2009. Tôi thiển nghĩ rằng đà tăng trưởng năm nay của Mỹ sẽ khó vượt qua 1% và cổ phiếu Hoa Kỳ sẽ mất giá. Khi cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, và nhiều quốc gia đang phát triển mà bị khốn đốn về gánh nợ hay vì thương phẩm sụt giá, đều sa sút thì thế giới có thể lại bị “Tổng suy trầm”, là điều xảy ra trong các năm 2008-2009. Ngay trong ngắn hạn thì chỉ số MPI của Hoa Kỳ được công bố hôm Thứ Hai mùng bốn cũng lại giống như Trung Quốc, là sụt dưới ngưỡng 50 và báo hiệu nạn suy trầm.
Trong khi ấy và điều này cũng cần nói ra, năm nay nước Mỹ tập trung chú ý vào chuyện bầu cử trong khi lãnh đạo Hành pháp bước vào năm cuối của nhiệm kỳ hai nên không dám lấy rủi ro khi giải quyết các vấn đề quốc tế vốn đã quá phức tạp. Vì vậy, ngoài mối nguy kinh tế thì tình hình bất ổn về an ninh trên thế giới sẽ chỉ tăng chứ không giảm. Kết cuộc thì năm 2016 sẽ có rất nhiều bước gập ghềnh trong những biến động thất thường trên các thị trường tài chính.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Chau Tự Do cùng Nguyên Lam xin cám tạ ông Nghĩa về bài lượng định này và xin kính chúc quý thính giả một năm 2016 an bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét