Pages

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

VN cần 'tổ chức và lãnh đạo chính trị mới'

Lãnh đạo Việt Nam
Image copyrightGetty
Image captionĐại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 sắp diễn ra trong vài ngày tới.
Bất luận kết quả Đại hội 12 của đảng Cộng Sản Việt Nam thế nào thì người được chọn cũng sẽ là người đại diện cho một hệ thống chính trị đã không làm tròn nhiệm vụ sau hơn 40 năm độc quyền lãnh đạo toàn bộ đất nước.
Việc có nhiều thế lực tranh giành quyết liệt quyền lãnh đạo đảng Cộng Sản xét cho cùng là một dấu hiệu tích cực cho nền chính trị Việt Nam, và trong một chừng mực nào đó tốt cho hình ảnh đảng cộng Sản.

Kết quả thế nào thì cũng sẽ có những đảng viên cộng sản tự cho là họ đã chọn lựa một cách dân chủ người lãnh đạo đảng của họ.
Tuy nhiên, điều người dân Việt Nam quan tâm không phải là dân chủ, hay không, trong đảng Cộng Sản.
Điều họ mong muốn là một nền dân chủ thật sự cho Việt Nam, khi họ có thể trực tiếp, hay gián tiếp thông qua chế độ nghị viện, bầu ra những lãnh đạo thực hiện những mong muốn của người dân và đại diện cho đất nước.
Do đó mặc dầu theo dõi thông tin về Đại hội đảng cộng sản Việt Nam là điều hoàn toàn tự nhiên, việc tập trung thông tin, bàn luận, ủng hộ hay chỉ trích một ứng cử viên nào đó hay cả đại hội đã vô tình một lần nữa dành cho sự kiện này nói riêng và đảng cộng sản nói chung nhiều sự chú ý hơn mức cần thiết, ít nhất là so với những gì họ chứng minh có thể làm được.
Thay vào đó, những nhà hoạt động dân chủ và chính trị Việt Nam cần tập trung thời gian và cộng sức bàn luận, chuẩn bị cho một tương lai khi đảng cộng sản, nếu còn, chỉ là một trong nhiều đảng tại Việt Nam.

Nhu cầu bức thiết

Điều này cần thiết và không nên trễ nải thêm.
Vì khi đảng Cộng Sản Việt Nam, vốn cứng nhắc về đường lối, đã có dấu hiệu phân hóa thành nhiều phương hướng lãnh đạo khác nhau; thì việc phong trào dân chủ, những nhà hoạt động chính trị, giới ưu thời mẫn thế Việt Nam vẫn chưa có một hay nhiều đảng phái chính trị với những đường hướng rõ ràng cho Việt Nam là một điều đáng tiếc!
Dầu cho điều này có thể giải thích và thông cảm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Người dân Việt Nam ngay từ bây giờ cần có nhiều hơn nữa những lãnh đạo và tổ chức chính trị với những hoạch định chính trị, kinh tế rõ ràng, nghiêm túc và khả thi.
Image copyrightAP
Image captionNgười dân Myanmar, quốc gia láng giềng của Việt Nam trong khối Asean, đã được hưởng bầu cử tự do, dân chủ trong năm 2015.
Mặc dầu chế độ chính trị tại Việt Nam hiện nay hạn chế sự thành lập của các tổ chức này, nhưng với sự góp sức internet, truyền thông, mạng xã hội và sự lớn mạnh từng ngày của phong trào dân sự tại Việt Nam, điều này hoàn toàn có thể.
Những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam nên nhận lấy trách nhiệm cũng như tên gọi của những nhà hoạt động chính trị, và tiến đến thành lập những đảng phái chính trị cho Việt Nam.
Bằng cách đó, họ một mặt đấu tranh cho dân chủ, một mặt tập hợp được sự ủng hộ của người dân vì đã cho người dân cơ hội thấy rõ những lựa chọn chính trị trong tương lai.
Ngoài ra việc tự tin nhận trách nhiệm như những người lãnh đạo hay hoạt động chính trị cho họ một tiếng nói đối lập rõ ràng, những kinh nghiệm tổ chức quý giá, và giúp họ phê phán hay tìm cách giải quyết vấn đề của Việt Nam khi được bầu chọn thành những lãnh đạo trong tương lai.

Ba vấn đề chính

Có thể khái quát ngắn gọn ít nhất 3 vấn đề chính của Việt Nam: kinh tế xã hội, đạo đức, quan hệ với Trung Quốc.
Người dân Việt Nam cần thấy được những lực lượng chính trị đủ bản lĩnh để đưa ra lời giải cho các vấn đề trên một cách nghiêm túc.
Mô hình kinh tế xã hội mà một chính đảng mới được bầu chọn lên cầm quyền ở Việt Nam trong tương lai sẽ theo đuổi là gì? Trả lời câu hỏi trên không hề đơn giản.
Một chế độ lãnh đạo mới trong một xã hội dân chủ cũng không thể một sớm một chiều tăng lương công nhân, giảm giờ làm, hay tinh giảm tối đa biên chế cán bộ công nhân viên nhà nước.
Trừ khi chế độ đó muốn lập lại những chính sách mị dân ngắn hạn để đạt được quyền lực và tạo nên những bất ổn xã hội mới.
Tuy nhiên một chính đảng lãnh đạo trong một xã hội dân chủ biết, và phải lắng nghe tiếng nói của từng người dân của các tầng lớp khác nhau, vì đơn giản từng cá nhân là từng lá phiếu quyết định sự ra đi hay tiếp tục của chính đảng đó.
Chính đảng đó tạo điều kiện cho người dân thể hiện các bức xúc xã hội qua các tổ chức công đoàn độc lập cũng như các tổ chức xã hội dân sự.
Bằng sự minh bạch và có giám sát từ nhiều tổ chức chính trị của một xã hội dân chủ, tham nhũng sẽ được kiềm chế, cơ hội và nguồn lực do đó sẽ được chia đều cho tất cả thành phần dân chúng.
Sự cạnh tranh công bằng dựa trên tài năng không phân biệt tôn giáo, đảng phái sẽ tạo sức bật mới cho nền kinh tế, phát huy mọi sức mạnh.
Đạo đức xã hội là một vấn đề lớn trong xã hội Việt Nam mà bất cứ một chính đảng nào được bầu chọn lãnh đạo cũng cần quan tâm.
Image copyrightZing
Image captionCác lực lượng đặc biệt của Việt Nam vừa diễn tập bảo vệ an ninh, an toàn cho Đại hội Đảng 12 tại Hà Nội.
Khi những khái niệm đạo đức-tôn giáo như luật nhân quả, lương tâm càng mơ hồ thì con người càng có khuynh hướng xa rời thiện tính.

Tiêu chuẩn và chuẩn bị

Một chính đảng tiến bộ cần hướng người dân tiến đến một xã hội phát triển khi người dân sống trong tinh thần tương ái, khi họ được tự do tín ngưỡng, khi những giá trị đạo đức và truyền thống của người Việt Nam như lá lành đùm lá rách, bầu ơi thương lấy bí cùng được đề cao và chắc chắn không phải những tấm gương đạo đức và thờ bái lãnh đạo!
Một môi trường đạo đức và hài hòa cùng với nền pháp luật được chính người dân bầu chọn sẽ giúp người Việt Nam hàn gắn lại và sống hài hòa, tử tế với nhau.
Một chính đảng lãnh đạo mới trong một xã hội dân chủ cũng không thể đẩy nước Việt Nam ra xa khỏi Trung Quốc, và dĩ nhiên đối đầu liên tục với Trung Quốc không bao giờ là giải pháp khôn ngoan.
Tuy nhiên chính đảng đó chắc chắn không nâng ly chúc tụng hay tay bắt mặt mừng với lãnh đạo Trung Quốc trong khi nước này đang chiếm đóng Hoàng Sa, Trường Sa, cải tạo đảo, xây dựng sân bay, đâm húc tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Chính đảng mới sẽ biết lắng nghe nguyện vọng giữ gìn biên cương lãnh thổ của người Việt, sẽ tham khảo các góp ý nhân dân thông qua các tổ chức xã hội dân sự để giải quyết vấn đề.
Các giải pháp pháp lý quốc tế sẽ được sữ dụng, cụ thể là yêu cầu Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa ra tòa án công lý quốc tế; kiện Trung Quốc theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS vì nước này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ủng hộ vai trò của Mỹ, Nhật trong Biển Đông.
Đó không phải là những giải pháp hiếu chiến, mà là những giải pháp văn minh của những quốc gia bình đẳng xử lý quan hệ với nhau. Đó cũng không phải là sự lệ thuộc phương Tây, mà là sự xích lại gần nhau trong tin tưởng của các thể chế văn minh tôn trọng người dân của họ nhằm bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của quốc tế và khu vực.
Người dân Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những lựa chọn lãnh đạo và tổ chức chính trị cùng với những đường hướng chính trị, kinh tế rõ ràng, nghiêm túc và khả thi.
Đây là lúc để lực lượng dân chủ Việt Nam củng cố đội hình, thành lập những chính đảng, đề ra những đường lối rõ ràng và tranh đấu để thực hiện nó. Chuẩn bị và xây dựng những lựa chọn chính trị tốt cho người dân trong tương lai là cách đấu tranh và tiến đến dân chủ hiệu quả nhất từ bây giờ.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, hưởng ứng chuyên mục ' Viết về Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12' của BBC Việt ngữ. Mời quý vị tham khảo thêm thể thức gửi bài vở, ý kiến đóng góp tại đây.

1 nhận xét:

  1. Như thế nào là "không làm tròn nhiệm vụ sau hơn 40 năm độc quyền lãnh đạo toàn bộ đất nước". Bốn mươi năm qua những gì đảng làm, từ đổi mới đến hội nhập quốc tế có phải là chưa có thành quả đâu. Những gì Việt NAm đã làm được không phải mấy người nhận xét chủ quan là xong. Thế giới và tất cả các nước đã công nhận điều đó.

    Trả lờiXóa