Thanh Châu, thông tín viên RFA
2010-11-01
Vụ bắt khẩn cấp và khởi tố blogger Cô gái Đồ Long hay nhà báo Hương Trà tại nhà riêng vào đêm 23.10 là một tin gây nhiều quan tâm của dư luận cũng như giới blogger.
Photo courtesy of VTC
Ảnh Blogger Cô Gái Đồ Long chụp tại tòa án hôm 30/06.
Dư luận trên các trang blog Việt Nam tự hỏi tại sao lại bắt Hương Trà khi tội trạng, nếu có, của blogger này không phải là đặc biệt nghiêm trọng?
Một trang blog “vô hại”
Người ta còn nhớ cách đây không lâu, ca sĩ Phương Thanh đã có đơn kiện Blog Cô Gái Đồ Long tức nhà báo Hương Trà vì tội đưa tin sai sự thật cũng như mạ lỵ cô ca sĩ nổi tiếng này. Vụ việc đã được tòa án thụ lý và kết quả là nhà báo Hương Trà không bị truy cứu bất cứu trách nhiệm gì về việc viết bài trên trang blog của cô với cái tên Cô Gái Đồ Long.
“Những động thái rất mạnh tay qua vụ việc này không những không trấn an được dư luận, mà còn gây những nghi ngại rất bất lợi cho nội tình của ngành công an.
Một Blogger dấu tên
Giới làm báo và blogger Việt Nam hình như ai cũng biết Cô Gái Đồ Long là một trang mạng chuyên viết những chuyện hậu trường nghệ sĩ và thu hút một số lượng rất lớn độc giả. Cô Gái Đồ Long viết nhiều bài báo đi sâu vào đời tư nghệ sĩ cũng như các nhân vật tai to mặt lớn có dính líu đến chuyện tình phía sau hậu trường chính trị hay những mảng tình của các cậu ấm con của đại gia, và rất nhiều độc giả tuổi teen theo dõi trang blog này một cách thích thú. Đây cũng là chuyện dễ hiểu so với một đất nước vừa thoát ra khỏi vùng cấm của truyền thông.
Thế nhưng dư luận hết sức ngạc nhiên vì một trang blog dường như “vô hại” như thế lại bị bắt như một tội phạm nguy hiểm đến an ninh quốc gia, người ta càng tò mò tìm đọc bài viết đã làm cho tác giả của nó bị bắt.
Bài viết dẫn Cô Gái Đồ Long vào tù đã đề cập trực tiếp đến cuộc sống riêng tư trong gia đình thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng Bộ Công An. Trong đó, con trai ông Toàn, Nguyễn Khánh Trọng, được mô tả như một người giàu có, xài tiền như rác, có nhiều cơ sở làm ăn hái ra tiền và bên cạnh là rất nhiều người đẹp.
Đáng chú ý hơn, bài viết của Hương Trà còn tiết lộ một đơn tố cáo của ông Lê Thành Nhất thuộc A17, Tổng cục An ninh, Bộ Công an gởi ông Nông Đức Mạnh. Theo như lá đơn này, ông Toàn được mô tả là một nhân vật mưu mẹo, có nhiều “thành tích” tham nhũng. Gia đình ông Toàn sống xa hoa, giàu có một cách khó giải thích. Ông Trọng, con trai một vị tướng công an, bị tố cáo là ghiền ma túy, rượu mạnh.
Có ý kiến cho rằng, việc bắt bớ này là quá tay. Tội danh vu khống, nếu có, cũng chưa đến mức phải bắt khẩn cấp tại nhà, trước khi có quyết định của tòa án. Giới blogger thì cho rằng, đây là thông điệp răn đe rất rõ rệt của giới công an: Từ nay trở đi, mọi blogger đều có thể bị “bắt khẩn cấp” như Cô Gái Đồ Long Hương Trà, bất chấp điều họ viết là có vi phạm pháp luật hay không!
Ảnh Blogger Cô Gái Đồ Long chụp trước đây. Photo courtesy of themxua.net
Trên khá nhiều diễn đàn mạng, xuất hiện các bài tranh luận kịch liệt về sự vi hiến và vi phạm quyền tự do dân chủ của nhà cầm quyền đối với các trang blog. Theo định nghĩa chính thức từ khi xuất hiện thì Blog là một trang nhật ký cá nhân điện tử. Người viết blog không hề phát tán, trao đổi những điều họ viết cho bất cứ ai. Họ viết ra, ai thích thì đọc, tranh luận. Không thích thì thôi. Nên dựa theo định nghĩa về blog của Bộ Văn hóa thông tin, không thể khép những thông tin trên blog thuộc dạng chống phá Nhà nước hay vu khống cá nhân, như người ta đã gán ghép với Hương Trà.
Việc bắt giữ Hương Trà vì tội danh vu khống chỉ làm xấu thêm hình ảnh của giới công an văn hóa trước dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế.
Để đối phó, trung tướng Phạm Quí Ngọ thuộc bộ Công An, đã phải trả lời trên báo Tuổi Trẻ ngày 29.10: ông nói “việc bắt giữ bà Lê Nguyễn Hương Trà là khách quan, đúng trình tự pháp luật, có chứng cứ cụ thể”.
Báo TT cho biết thêm: “Nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ cho biết việc xử lý bà Lê Nguyễn Hương Trà xuất phát từ ý kiến chính thức của lãnh đạo Bộ Công an chứ không phải từ cá nhân vị cán bộ lãnh đạo có liên quan đến bài viết trên blog “Cô gái đồ long”.
Như vậy, giới Công An dường như đang muốn đánh tan dư luận về những biện pháp cứng rắn gần đây đối với blogger nổi tiếng này. Tuy vậy, động thái này lại gây ra nghi hoặc khác mà theo báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: “cùng tính chất, mức độ như nhau, đối tượng bị xúc phạm, bôi nhọ là quan chức cao cấp có được các cơ quan bảo vệ pháp luật ưu tiên quan tâm, giải quyết một cách nghiêm túc hơn so với đối tượng là công dân bình thường hay không?”
Không riêng gì báo Tuổi Trẻ, rất nhiều người trong cộng đồng blogger cũng đặt câu hỏi nếu không phải là công an cao cấp, bộ máy công an có ra tay nhanh chóng, mạnh mẽ như vậy để bảo vệ “người bị vu khống” hay không?
Xuất phát từ nghi vấn này, đa số lời bàn tán của người dân cho rằng Cô Gái Đồ Long đã “chọc phải ổ kiến lửa”. Ông Toàn đã sử dụng quyền sinh sát của giới công an Việt Nam để triệt hạ một blogger và dằn mặt các đối thủ trong ngành.
“Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”
Tuy nhiên một câu hỏi khác được đặt ra: liệu có phải chính đích thân ông thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, trong vai trò thứ trưởng Bộ Công An đã chính thức phát pháo lệnh trả thù tác giả bài báo đã làm hoen ố thanh danh gia đình ông hay không, hay phía sau còn một điều gì khác nữa?
Một nguồn dư luận khác từ giới thạo tin cho rằng trong lúc đang tranh giành chiếc ghế quyền lực cao hơn, ông Toàn không dại gì ra tay vào lúc này, để nội tình gia đình ông ta gây thêm sự chú ý của dư luận.
Có lời đồn đoán, sự cứng rắn này là từ những đối thủ của ông, nhằm tung hê ra trước dư luận sự xa hoa và những bê bối của bản thân ông Toàn và gia đình. Nếu ông Toàn đang nhắm đến chức Bộ trưởng bộ Công An, thì đây quả là đòn độc để triệt hạ uy tín cá nhân và uy tín chính trị của ông.
Như vậy, có vẻ nhà báo Hương Trà chỉ là nạn nhân của một trò "trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết"!
Cũng theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, trung tướng Phạm Quý Ngọ - tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm thuộc Bộ Công an cho biết vẫn chưa ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Lê Nguyễn Hương Trà hay blogger Cô gái Đồ Long. Từ thông tin này, có thể hy vọng nhà cầm quyền sau khi đạt được mục đích triệt hạ lẫn nhau, sẽ “giương cao đánh khẽ” vào blogger chuyên về chuyện hậu trường sân khấu này.
Một blogger đề nghị dấu tên nhận xét: "Chỉ vì chuyện cá nhân của một viên chức công an cao cấp, những động thái rất mạnh tay qua vụ việc này không những không trấn an được dư luận, mà còn gây những nghi ngại rất bất lợi cho nội tình của ngành công an".
Chắc chắn, vụ việc này sẽ được giới thông tấn quốc tế quan sát kỹ. Nhà cầm quyền đang đứng trước một lựa chọn khó khăn: vừa kiểm soát được luồng thông tin, dư luận qua các blogger, vừa mong muốn giảm thiểu được những hình ảnh rất xấu về tự do ngôn luận trước các lời chỉ trích của cộng đồng thế giới.
Hành động và mong muốn này có đi đôi được với nhau hay không lại là một chuyện khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét