Pages

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

VN lại tổ chức Hội thảo về Biển Đông


Hội thảo được cho là nỗ lực quốc tế hóa chủ đề Biển Đông của Việt Nam



Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ hai với sự tham gia của các chuyên gia và học giả.

Hội nghị lần hai này sẽ diễn ra trong hai ngày 11-12/11 tại TP Hồ Chí Minh.

Được biết các khách mời là giới nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông và luật quốc tế, bao gồm cả các chuyên gia từ Trung Quốc và khối Asean.

Lần hội thảo trước vào tháng 11/2009 tại Hà Nội, khoảng 50 học giả và diễn giả đã tham gia với các tham luận về chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển Khu vực" trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

Hội thảo về Biển Đông lần đầu tiên được cho như thành công trong cố gắng quốc tế hóa vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Việt Nam.

Trong một năm qua, với tư cách chủ tịch luân lưu của Hiệp hội các nước Đông Nam Á, Việt Nam cũng nỗ lực thúc đẩy chủ đề này trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Có nguồn tin cho hay hội thảo lần này tại TP Hồ Chí Minh sẽ bàn về mở rộng và làm sâu hợp tác quốc tế trong giải quyết tranh chấp.

Gần đây báo chí khu vực nói Trung Quốc và các nước liên quan có thể tiến tới bàn thảo về một Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) thay cho Tuyên bố về cách ứng xử tại Biển Đông (DOC) thông qua từ năm 2002.

'Lợi ích cốt lõi'
Cũng trong thời gian gần đây, một số báo Trung Quốc trích lời giới quan chức nói Nam Hải (Biển Đông) không phải là vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như Đài Loan hay Tân Cương.

Từ đầu năm nay, cụm từ "lợi ích cốt lõi" được nhắc tới như ngầm quy định độ cấp bách và quan trọng của một số vấn đề trong chính trị quốc nội của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc có thể không coi Biển Đông là một trong các "lợi ích cốt lõi" được một số chuyên gia cho là dấu hiệu tích cực, chứng tỏ Bắc Kinh bắt đầu nhượng bộ trước áp lực quốc tế, nhất là từ sau khi Hoa Kỳ tỏ thái độ sẵn sàng tham gia bảo đảm an ninh hàng hải tại khu vực này.

Tuy nhiên, cũng có người nhận định dù có dùng cụm từ "cốt lõi" hay không, thì Biển Đông, cùng với các vấn đề thuộc về chủ quyền và lãnh thổ đều là lĩnh vực mà Trung Quốc không bao giờ nhân nhượng.

Bà Lý Kiến Vĩ, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Biển thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông của chính phủ Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn với BBC nói "lợi ích cốt lõi" không phải là một định nghĩa khép kín mà bất kỳ điều gì liên quan tới chủ quyền đều được cho là "lợi ích cốt lõi".

Mới đây, sau một thời gian tạm không nhắc tới yêu sách đường chín đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, Cục Đo đạc Bản đồ Quốc gia Trung Quốc đã khai trương dịch vụ bản đồ trực tuyến Map World, trong đó đường chín đoạn này được đặc tả rõ ràng.

Việt Nam đã lên tiếng phản đối.

Cũng hồi tuần trước, hải quân Trung Quốc đã điều hơn 1.800 lính tập trận bắn đạn thật vào hôm 02/11 ở Biển Đông, ngoài khơi đảo Hải Nam.

Cuộc tập trận Jiaolong được cho là lời đe dọa và cảnh tỉnh trước sự tham gia của không những Hoa Kỳ, Việt Nam, mà bất kỳ quốc gia nào khác trong việc cản trở tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Một trong các lý do khiến Biển Đông sẽ không bao giờ bớt "nóng" là nguồn tài nguyên dưới lòng biển, tuy thực tế chưa có con số ước tính nào đáng tin cậy.

Tập đoàn BP của Anh, vốn rút khỏi dự án với Việt Nam ở Biển Đông dưới áp lực của Bắc Kinh, được tin nay sẽ ký hợp đồng làm ăn với tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: