Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010
Biển Đông – cái biển hay cái ao?
Nguyễn Trung, Hà Nội
Vốn hay lan man theo kiểu “trông người lại nghĩ đến ta”, dưới đây xin chia sẻ với bạn đọc một vài suy nghĩ rất riêng của cá nhân tôi về “câu chuyện Biển Đông” của chúng ta, nhân xảy ra sự kiện “Senkaku” giữa Nhật và Trung Quốc hiện nay.
I. Bối cảnh
Trong nhiều thập kỷ nay, quan hệ Nhật – Trung có lẽ chưa có sự kiện nào căng thẳng đến mức rất cao như vụ thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc Zhan Qixiong đầu tháng 9-2010 bị bắt giam do xâm phạm vào vùng biển do Nhật Bản kiểm soát và do đã va chạm vào tàu tuần tra của Nhật Bản. Ngày 25-09-2010 phía Nhật Bản đã phải thả người thuyền trưởng này do áp lực rất mạnh và gần như toàn diện của Trung Quốc. Hiện nay sự kiện căng thẳng này chưa thể nói là đã kết thúc.
Trong khi đó riêng từ đầu năm 2009 đến nay phía Trung Quốc đã bắt giam hàng trăm ngư dân Việt Nam ngay trong vùng biển của Việt Nam, băt tù, đòi phạt tiền, tịch thu tàu…; có những vụ tàu Trung Quốc đã vào cách bờ biển Việt Nam 65 hải lý, ghĩa là sâu trong hải phận của Việt Nam. Gần đây nhất, các vụ bắt ngư dân Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam vẫn liên tiếp xảy ra trong tháng 10-2010, trong lúc đó Trung Quốc tưng bừng đón Zhan Qixiong trở về Bắc Kinh ngày 27-09-2010 như một anh hùng.
Dư luận thế giới rất bất bình về cách ứng xử theo “tiêu chuẩn kép” [1]) như thế của Trung Quốc và đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi ngờ vực về thái độ mềm yếu của Việt Nam.
Cần nhắc lại, dù là tồn tại tranh chấp vùng đảo Senkaku giữa Nhật và Trung Quốc, song hiệu lực pháp lý quốc tế còn nguyên vẹn cho đến nay của Hội nghị San Francisco và Hiệp nghị Yalta vẫn quy định để cho Nhật tiếp tục quản lý đảo Senkaku mà không trao cho phía Trung Quốc. Thực tế này có nghĩa: Nếu Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp này thì phải thông qua thương lượng, chứ không thể cứ chủ động cho tàu cá của mình thâm nhập vùng đảo này, đâm vào tàu tuần tra của Nhật, rồi gây áp lực chính trị như đã diễn ra. Chẳng lẽ một quốc gia theo đuổi chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc lại thực hiện một phong cách ngoại giao như vậy?[2] Tình hình căng thẳng tới mức còn nhiều điều chưa đoán định được, chính phủ Nhật đang chịu nhiều sức ép bên trong và bên ngoài. Trên thế giới còn nhiều tranh chấp biển đảo chưa có cách giải quyết. Vấn đề là lựa chọn giải pháp hòa bình hay xung đột. Nếu cả hai bên cùng leo thang, tình hình sẽ đi tới đâu?[3] Senkaku hiện nay chắc chắn sẽ không là chuyện chỉ giữa Trung Quốc và Nhật.
Cũng phải nhắc lại, trong trả lời Bộ Ngoại giao ta ngày 06-10-2010, phía Trung Quốc nói đại ý: Sở dĩ bắt các ngư dân Việt Nam hồi tháng 09-2010 là do các thuyền đánh cá Việt Nam mang thuốc nổ (mà phía Việt Nam đã chính thức phủ nhận trong phản đối của mình). Trả lời như thế của phía Trung Quốc thích hợp cho môt “sen đầm biển” hơn là cho một quốc gia trong cộng đồng thế giới. Bởi lẽ, thuyền đánh cá Việt Nam bị bắt trong vùng biển của Việt Nam, và giả thử có mang thuốc nổ đi nữa thì ai giao cho Trung Quốc nhiệm vụ “sen đầm biển” như thế trong vùng biển ở khu vực không phải của Trung Quốc? Ngay hiện tại, “tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam để khai thác hải sản trái phép với cường độ ngày càng gia tăng, trong khi tàu cá của ngư dân ta bị bắt và bị các "tàu lạ" to lớn đâm chìm ngày càng nhiều” [4].
Có lẽ không phải ngẫu nhiên chuyện “căng thẳng tột độ” Nhật – Trung chung quanh vụ Senkaku xảy ra ngay sau khi có tuyên bố ngày 23-07-2010 của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại hội nghị ARF 17 ở Hà Nội. Nói dân dã, tuyên bố của Hillary Clinton là “giọt nước làm tràn ly”, khiến cho ngọai trưởng Dương Khiết Trì mất bình tĩnh. Sự mất bình tĩnh này có thể đo được qua cách phản ứng của Trung Quốc chung quanh vụ Senkaku hiện nay.
Toàn bộ những câu chuyện trình bày trên nằm trong một bối cảnh sâu rộng hơn và nhạy cảm hơn của quan hệ Mỹ - Trung trên bàn cờ quốc tế. Phải chăng đã manh nha trên bàn cờ quốc tế những nét đầu tiên của cục diện tranh chấp “2 siêu cường[5]” trong một thế giới ngày càng nhiều nét của xu thế đa cực rất phức tạp?
Tuy nhiên, do phụ thuộc lẫn nhau rất sâu sắc ở phạm vi toàn cầu, nên cuộc “duel” ồn ào vừa qua (tuyên bố của H. Clinton 23-07-2010 và vụ Senkaku 09-2010) cũng vẫn chỉ nằm trong ranh giới ý đồ chiến lược của Mỹ là đẩy mạnh, chứ không phải là phá vỡ thương lượng Mỹ - Trung, do Mỹ đi bước trước, với chủ đích chỉnh lý lại sự mất cân bằng nhất định đang xảy ra không lợi cho Mỹ trong tình hình hiện nay.
Xẩy ra “duel” như vậy, quy luật muôn đời vẫn là các nước bên thứ ba nhỏ yếu phải chịu nhiều tác động, có thể sẽ người này được lợi, kẻ kia bị hại…
Về Mỹ - Trung: Vì chủ đích người viết ở đây là bàn về Biển Đông, nên bàn sâu về quan hệ Mỹ - Trung xin để vào một dịp khác. Chỉ xin nói khái quát là Trung Quốc đã “lấn” Mỹ quá sự chịu đựng đối với yêu cầu bảo vệ vị thế quốc tế “số 1” của Mỹ trên tất các các phương diện kinh tế, chính trị, an ninh, quân sự - bao gồm cả những vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên, Iran, Pakistan… Hệ quả trực tiếp của sự “lấn lướt” này là đồng minh của Mỹ lo lắng, khu vực châu Á – nhất là Đông Nam Á – gần như bỏ trống cho Trung Quốc hoành hành. Trong khi đó suy thoái kinh tế toàn cầu (đặc biệt là suy thoái kinh tế Mỹ) chưa có dấu hiệu chấm dứt. Để Trung Quốc tiếp tục lấn nữa là điều Mỹ không thể chấp nhận. Mối lo ngại này đã trở thành sức ép lớn bên trong nước Mỹ đối với chính quyền Obama. Hy vọng ban đầu về hợp tác “G2” (Mỹ - Trung) của chính Obama khi mới trúng cử cũng ngày càng mong manh.
Chính xu thế “bị lấn sân” này là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho Obama phải thực hiện điều chỉnh chiến lược toàn cầu, đại thể: hạn chế tới mức gần như từ bỏ chính sách “hành động đơn phương”, tăng cường đồng minh, tập hợp thêm bạn (rõ nét nhất là những thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với Nga và Ấn Độ), đồng thời tăng cường hỗ trợ sự “tự lực” của các nơi trọng yếu (rõ nét nhất là trong hai vấn đề Iraq và Afghanistan), tập hợp thêm bạn.., tất cả để ưu tiên bảo vệ vai trò số 1 của Mỹ và cải thiện vị thế của Mỹ đối với Trung Quốc. Trong những năm gần đây Mỹ chủ động đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam trước hết vì những lý do này.
Trong bối cảnh hiện nay, cục diện châu Á nói chung – nhất là trong khu vực Biển Đông – phần nào “nóng” lên. Trước hết là hoạt động của các tàu ngư chính Trung Quốc gia tăng, tiếp đến là các cuộc tập trận của hải quân cả hai bên Mỹ và Trung, tiếp theo nữa qua việc Mỹ tăng cường sự có mặt hải quân của mình tại khu vực này. Ở phạm vi nhất định, sự “nóng” lên này còn là câu trả lời đầu tiên và trực tiếp nhất của Mỹ trước việc Trung Quốc ráo riết tăng cường lực lượng hải quân trong những năm gần đây[6] và có quá nhiều biểu hiện “lỏng tay” với Bắc Triều Tiên (nhất là trong vụ đánh đắm tàu Cheonan), bênh vực Iran, vân vân… Gần đây lại xảy ra đấu pháo trực tiếp giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc – một bước leo thang mới của Bắc Triều tiên với nhiều tính toán song phương và đa phương.
Tuy nhiên, khung khổ Mỹ đã xác lập cho đến nay[7] là tùy tình hình mà làm “cân bằng” hay làm “nóng lên” quan hệ song phương Mỹ-Trung, đã được phía Mỹ nói lên khá rõ vào các dịp khác nhau trong lập trường 4 điểm:
- Mỹ không chấp nhận chia đôi Thái Bình Dương như Trung Quốc đề nghị.
- Mỹ không chấp nhận bất kỳ sự uy hiếp nào đối với Đài Loan.
- Mỹ kiên trì bảo vệ tự do thông thương hàng hải trên Biển Đông.
- Mỹ không can thiệp vào tranh chấp giữa các quốc gia về chủ quyền biển và đảo trên Biển Đông, song đòi hỏi mọi tranh chấp trên Biển Đông phải xử lý hòa bình trong khung khổ diễn đàn đa phương, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và không được dùng bạo lực.
Đấy chính là nội dung “quyền lợi quốc gia” của Mỹ mà ngoại trưởng Hillary Clinton đã phát biểu tại Hà Nội ngày 23-07-2010.
Song, mấy tháng trước đó, Trung Quốc cũng khẳng định yêu sách của họ ở Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình – được định nghĩa là có tầm quan trọng như Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan… “Cái lưỡi bò” được Trung quốc nêu ra từ lâu rồi. Tuy nhiên, nâng “cái lưỡi bò” lên thành “lợi ích cốt lõi” như thế là một bước leo thang mới trên chính trường ngoại giao.
Trung Quốc hiện đang trong quá trình tiến hành nhiều động thái kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao… để thử thách thần kinh và sức mạnh của mọi đối tác, đối tượng có liên quan (trong đó có Việt Nam). Trên thực tế, Trung Quốc cũng đang ngày càng tự tin hơn trong việc thể hiện, thử nghiệm và kiểm tra xem sức khỏe hiện nay của mình cho phép làm gì? Đi tới đâu?.. Cũng có thể coi đây là thời kỳ mà Trung Quốc “nắn gân cốt” mọi người ở mức quyết liệt hơn và rất thực dụng[8], chỉ xảy ra sau khi Trung Quốc đã đi được khá xa trên con đường “trỗi dậy hòa bình”. Sức mạnh đang lên và đòi hỏi tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bước vào thế kỷ 21 tự nó cũng thôi thúc phải làm các “tests” khác nhau như thế.
Nhìn chung với tầm vóc hiện nay, nhiều hành động đầy tham vọng của Trung Quốc đang được triển khai theo cách nghĩ “thế giới đang nghiêng về phương Đông”[9], Trung Quốc muốn tranh thủ cơ hội này – trước mắt tập trung vào châu Á.
Cần lưu ý: Tuy là chế độ một đảng và chỉ có một mục tiêu chung, nhưng ở Trung Quốc lúc này đang hình thành 2 phái khá rõ rệt: phái diều hâu (chủ yếu trong giới quân sự và các nhóm lợi ích có liên quan) và phái ôn hòa hơn. Riêng trong vụ Senkaku thì tiếng nói phái diều hâu có vẻ mạnh hơn.
Một nét khác trong bức tranh toàn cầu: Kinh tế Trung Quốc đang lên dù gây nhiều hậu quả về môi trường, tác động tiêu cực khác đến nhiều quốc gia và kinh tế thế giới (nhất là trong thương mại, hàng lậu và trong vấn đề tỷ giá đồng Yuan…), song vẫn là một trong các nhân tố quan trọng “giảm sốc” những tác động suy thoái cho nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới – trong đó có Mỹ. Cho nên dù có lúc cương, nhu khác nhau, những thỏa hiệp giữa các “vai chính” trên sân khấu thế giới là điều đã xảy ra và chắc chắn còn tiếp tục xảy ra. Cái chưa rõ chỉ là mức độ và hình thức thỏa hiệp này luôn luôn thay đổi, cũng có nghĩa là “các bên thứ ba” luôn luôn ở thế bị động, lợi hay thiệt!
Có thể khái quát: Thế giới ngày nay cần, ngán và phần nào sợ Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn chưa đủ sức về mọi măt để có thể nắm vị trí có ảnh hưởng lãnh đạo thế giới như Mỹ. Còn cầm đầu thế giới thì chỉ là câu chuyện khoa học xã hội hoang tưởng của bộ óc điên rồ nào đó mà thôi.
Thế giới cũng không muốn Trung Quốc giữ một vai trò lãnh đạo như thế. Thế giới vẫn cần vai trò số một của Mỹ. Không loại trừ khả năng: Nếu Trung Quốc “quá trớn”, Trung Quốc sẽ có thể bị nhiều nước ngoảnh mặt đi, mà như thế sẽ không có lợi cho cường quốc đang “đói” đủ mọi thứ này để mau trở thành siêu cường. Cho đến bây giờ, Trung Quốc chủ yếu vẫn phải tìm cách đi với cả thế giới bằng mọi thủ đoạn khác nhau – kể cả cái gọi là “tiêu chuẩn kép”, miễn là có lợi nhất cho Trung Quốc. Nhìn tổng thể trên phương diện phát triển, Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ và nhiều nước phát triển khác một khoảng cách lớn.
Ngoài ra, trong thế giới mà Trung Quốc đang muốn vươn lên thành siêu cường, không đơn giản chỉ có quan hệ Mỹ - Trung, mà còn liên quan đến nhiều cường quốc khác, nhiều quốc gia hoặc các nhóm quốc gia khác, nhiều vấn đề khác…
Về các nước ASEAN: Là các nước trực tiếp bị Trung Quốc đe dọa hoặc chịu tác động sâu sắc, song do mối quan hệ riêng của từng nước với Trung Quốc khác nhau nên cách ứng xử cũng khác nhau, thuận lợi cho chính sách “bẻ từng que đũa trong bó đũa” của Trung Quốc[10].
Riêng trong vấn đề Biển Đông, có 3 nước là Lào, Campuchia và Myanma trong thâm tâm không muốn tham gia, phần vì ít liên quan hơn đến Biển Đông, phần vì có lợi ích gắn bó với Trung Quốc. Có lúc Campuchia đã phản đối nêu vấn đề Biển Đông thành một số hoạt động chung của ASEAN. Thái Lan muốn tránh né vấn đề Biển Đông, vì vị thế riêng của mình và có quan hệ khá đặc biệt với Trung Quốc. Như vậy, là 4/10 quốc gia thành viên ASEAN trên thực tế “không mặn mà”, nếu được thì chỉ muốn đứng ngoài vấn đề Biển Đông.
Trong số 6 quốc gia ASEAN còn lại, Việt Nam là nước bị Trung Quốc chiếm mất quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo và bãi đá ở Trường Sa, vùng biển của Việt Nam bị Trung Quốc tranh chấp quyết liệt nhất, gây sức ép lớn nhất về mọi mặt. 4 nước ASEAN khác (Philippnes, Malaisia, Indonesia, Brunei) chủ yếu có tranh chấp với Trung Quốc chung quanh các đảo ở Trường Sa với nhiều mức độ khác nhau. Tình hình này phần nào cũng do chính sách “bẻ từng que đũa” của Trung Quốc. Indonessia kiên trì đường lối đối ngoại riêng của mình, ngoài ra còn tồn tại một số vấn đề lịch sử để lại do chính sách can thiệp của Trung Quốc trước đây. Singapore hiện nay là nước có không gian chính trị rộng nhất cho những hoạt động của mình liên quan đến vấn đề Biển Đông…
Giữa Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia có tranh chấp với nhau về chủ quyền một số đảo ở Trường Sa.
Bức tranh trên cho thấy cả trong hợp tác kinh tế và hợp tác chính trị, ASEAN còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua để có thể trở thành một cộng đồng thống nhất, trong vấn đề Biển Đông lại càng như vậy.
Cho đến nay tiếng nói chung đạt được của 10 nước ASEAN về Biển Đông thể hiện rõ nét nhất trong Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) ký năm 2002, không phải lúc nào cũng được thực hiện suôn sẻ. Tiếng nói chung này xuất phát chủ yếu từ nguyện vọng giữ gìn hòa bình vùng biển và phải cùng nhau đối phó với sức ép mọi mặt ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Những năm gần đây, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường hải quân và ráo riết đòi thực hiện “cái lưỡi bò”, các nước ASEAN buộc phải tìm cách gắn kết với nhau hơn. Sự hậu thuẫn của các nước lớn bên thứ ba cũng trực tiếp thúc đẩy những nỗ lực xích lại với nhau của ASEAN.
Gần đây nhất, tự Trung Quốc cũng cảm thấy phản ứng nói trên của cộng đồng khu vực và thế giới có xu hướng tăng lên. Mặt khác yêu sách cái “lưỡi bò” của Trung Quốc rất đuối lý, nên Trung Quốc đã cải tiến nó thành “đường lưỡi bò 9 vạch”. Tháng 5-2009 Trung Quốc đã chính thức trình lên cơ quan của Liên Hiệp Quốc “cái lưỡi bò 9 vạch” này, chiếm khoảng 80% diện tích toàn Biển Đông, lấn chiếm phần lớn hải phận và nhiều đảo của hầu hết các nước ASEAN có liên quan. Toàn bộ thực tế này trực tiếp uy hiếp an ninh của mọi quốc gia liên quan và có thể làm tê liệt thông thương quốc tế trong vùng biển này và của Thái Bình Dương.
Mặc dù tùy nước có thái độ “ngại”, “sợ”, và thậm chí có những hoạt động “ăn mảnh” để có lợi hoặc yên thân cho riêng mình, song nét nổi bật mới là nỗi lo chung của các nước ASEAN về Trung Quốc đang tăng lên. Nét mới này thể hiện rõ nhất là những cố gắng gần đây trong cộng đồng ASEAN muốn nâng DOC (Declaration of the Conduct of Parties in the South China Sea) lên thành COC (“Code of Conduct in the South China Sea” to resolve disputes – Quy tắc ứng xử trên Biển Đông). Đồng thời ASEAN cũng chủ động có nhiều sáng kiến mới tăng cường những hoạt động của mình theo hướng này trên các diễn đàn của ASEAN với các bên khác nhau (“ASEAN + 1”, “ASEAN + nhóm”, “ARF”, “ASEM”…). Thực tế này góp phần tăng thêm triển vọng cho việc đi tới COC. Câu chuyện thời sự bây giờ là sẽ phấn đấu được một COC như thế nào.
Tuy không nói ra công khai là không muốn COC, Trung Quốc kiên trì lập luận cho rằng DOC là đủ, mọi chuyện còn lại chỉ cần giải quyết trên cơ sở “song phương” trong đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. Vì thế con đường đi tới COC vẫn còn nhiều khó khăn.
Cuộc gặp cấp cao Mỹ - ASEAN và tuyên bố chung 25-09-2010 với nội dung Mỹ coi ASEAN là đối tác chiến lược[11] và khẳng định nguyên tắc hòa bình trên Biển Đông[12] là một bước tiến mới quan trọng trong quan hệ Mỹ - ASEAN, tăng thêm tính cộng đồng và ý chí độc lập của ASEAN, đồng thời có tác dụng lớn ngăn cản Trung Quốc bành trướng thế lực của mình trong vùng. Phải nói đấy cũng là thắng lợi ngoại giao to lớn của ASEAN, trong đó có đóng góp quan trọng của Việt Nam với tính cách là nước chủ tịch ASEAN năm 2010. Diễn đàn “ADMM +…” phiên đầu tiên ở Việt Nam ngày 11-10-2010 là một thắng lợi ngoại giao quan trọng mới nữa của ASEAN và của hòa bình trong khu vực Biển Đông. Đồng thời sự kiện này cũng làm cho chính bản thân cộng đồng ASEAN tự tin hơn, vị thế của ASEAN cũng được nâng thêm một bước.
Văn bản chính thức của tuyên bố chung Mỹ - ASEAN 25-09-2010 phần nói về Trung Quốc và Biển Đông mềm hơn một chút so với dự thảo phía Mỹ đưa ra, song vẫn khẳng định rõ được yêu cầu phải duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực này trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thực tế này một mặt cho thấy cả Mỹ và ASEAN phải chấp nhận sự mềm dẻo nhất định, song mặt khác cũng cho thấy ASEAN lúc này muốn giữ thái độ độc lập hơn, không muốn ngả vào tay ai – dù là Mỹ hay Trung Quốc.
Có thể kết luận: Trong năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN (2010), đặc biệt là kể từ sau ARF 17 (07-2010), (1) đã xuất hiện thêm nhiều yếu tố mới thuận lợi hơn so với cách đây một vài năm cho hòa bình giải quyết vấn đề Biển Đông, (2) triển vọng về COC rõ nét hơn, (3) nhiều khó khăn nghiêm trọng trong vấn đề Biển Đông vẫn còn ở phía trước.
Những nguyên nhân chính làm cho tình hình ĐNÁ được cải thiện như vậy là: (1) những nỗ lực mới của cả cộng đồng ASEAN, đặc biệt là của Việt Nam với tư cách nước chủ tịch ASEAN năm 2010; (2) sự trở lại châu Á của Mỹ; (3) hậu quả những bước đi quá trớn của Trung Quốc trong khu vực này.
Những chuyển biến mới hiện nay tại khu vực Biển Đông đang đòi hỏi cộng đồng ASEAN phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy hoàn thành COC, mở ra những triển vọng mới trong giảm thiểu tranh chấp và đụng độ, khuyến khích các họat động đa phương có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực. Vai trò chủ động của Việt Nam trong quá trình này góp phần xứng đáng, rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Sức ép gia tăng của Trung Quốc, những chuyển biến vừa nêu trên trong khu vực, cục diện thế giới mới – đó là 3 yếu tố quan trọng đòi hỏi đường lối đối ngoại hòa bình của Việt Nam phải sớm chuyển sang giai đoạn năng động, chủ động, tích cực hơn hẳn so với 35 năm qua kể từ 30-04-1975. Xin tạm đặt tên: “đường lối đối ngoại dấn thân”, sẽ bàn tiếp sau.
II. Đánh giá tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam chung quanh vấn đề Biển Đông
Việt Nam là nước có nhiều mâu thuẫn nhất với Trung Quốc trong mọi vấn đề liên quan đến Biển Đông, do ba nguyên nhân chính: (1) Trung Quốc muốn lấn chiếm nhiều biển đảo của Việt Nam – cũng là phần lớn nhất trong Biển Đông; (2) như một chướng ngại vật tự nhiên, Việt Nam nằm ngang con đường xuống phía Nam của Trung Quốc đang muốn vươn lên thành siêu cường; (3) Việt Nam không thể chấp nhận yêu sách lấn chiếm của Trung Quốc.
Ba nguyên nhân trực tiếp nói trên làm rõ tính quyết liệt và phức tạp của cuộc tranh chấp này, song lại đặt ra cho nước ta yêu cầu rất phức tạp và ưu tiên số một là phải nỗ lực tìm giải pháp thông qua thương lượng hòa bình để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình. Giải pháp chiến tranh không thể không đặt ra – nhưng là giải pháp cực chẳng đã, vạn bất đắc dỹ, giải pháp cuối cùng khi bị ép buộc.
Do điều kiện địa lý, Việt Nam trở thành chướng ngại vật tự nhiên của Trung Quốc trên con đường chiếm lĩnh Biển Đông để vươn ra Thái Bình Dương. Quan hệ Việt – Trung càng trở nên phức tạp ở điểm quan trọng này. Khó có thể hình dung siêu cường số 1 thế giới Trung Quốc không có Thái bình Dương! Đây là hướng bành trướng quyền lực thuận lợi nhất so với mọi hướng khác mà Trung Quốc hiện có. Khuất phục được Việt Nam thành một nước lệ thuộc, đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ nắm được ảnh hưởng chi phối sâu sắc đối với các nước trong vùng. Làm được như vậy, vị thế toàn cầu của Trung Quốc sẽ thay đổi lớn. Không làm được như vậy, chiến lược bành trướng xuống hướng này coi như bị tác động nghiêm trọng, tham vọng siêu cường số 1 của Trung Quốc bị thách thức ở phạm vi toàn cầu. Việc Trung Quốc cho đến nay đã chiếm thêm được một số đảo trên Biển Đông và thái độ của 4 nước ASEAN không “mặn mà” trong vấn đề Biển Đông cho thấy Trung Quốc đã đi xa tới đâu. Những nguyên nhân liên quan đến việc Trung Quốc tìm cách vơ vét tài nguyên trên Biển Đông chỉ làm phức tạp thêm tình hình này, chứ không phải là những nguyên quyết định hàng đầu.
Mặt khác, bản thân các nước ASEAN và hầu hết các nước lớn trên thế giới – dù là đối thủ hay đối tác của Trung Quốc – trong thâm tâm muốn Việt Nam là một “lá chắn” đối với sự bành trướng quyền lực của Trung Quốc để “nhẹ gánh” cho họ, chí ít là không ai muốn Việt Nam rơi vào “vòng tay” của Trung Quốc. Vì những lẽ này, lần đầu tiên trên thế giới xuất hiện tình hình: Ngoại trừ Trung Quốc, nhiều nước xa gần trên thế giới đang cần có một Việt Nam mạnh, độc lập, tự chủ. Họ tin rằng một Việt Nam như thế mà là bạn của Trung Quốc thì càng tốt, vì họ biết Việt Nam không có lợi ích nào chống họ… Song những nước này không muốn có một Việt Nam èo uột trong vòng tay của Trung Quốc. Cũng xin nói ngay tại đây: Một Việt Nam èo uột như thế cũng sẽ không yên thân được, muốn làm bạn với Trung Quốc cũng không được. Để được yên thân như thế, Việt Nam sẽ phải chuốc vào mình một dạng nô dịch mới tự bên trong và chịu tác động của quyền lực mềm Trung Quốc. Lô-gích này rõ như ban ngày.
Lúc này lúc khác Trung Quốc đưa ra lập luận có nguy cơ các nước lớn tập hợp lực lượng bao vây Trung Quốc. Song nói như thế là dành cho các mục đích đối nội của Trung Quốc nhiều hơn và không có ý nghĩa gì lắm cho đối ngoại - vì trên thực tế các nước lớn ngày nay không ấu trĩ như vậy. Đúng hơn là trên thế giới có nhiều nỗ lực muốn đòi Trung Quốc phải có phần gánh vác nghĩa vụ đúng với tầm vóc của mình vào những vấn đề chung của thế giới, song sự đáp ứng còn xa mong muốn. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc quá tay, không loại trừ sẽ bị cô lập. Hành động thái quá của Trung Quốc vừa qua nâng tham vọng cái lưỡi bò thành “lợi ích cốt lõi” ngang với Tân cương, Tây Tạng, Đài Loan…đã cho thấy Trung Quốc phải trả giá như thế nào, bây giờ Trung Quốc đang phải điều chỉnh. Điều không bao giờ thay đổi là mọi điều chỉnh chỉ có thể trang điểm, chứ không thể thay đổi khát vọng trở thành siêu cường số một của Trung Quốc.
Toàn bộ cục diện vừa trình bầy trên tự nó đặt ra cho Việt Nam phải lựa chọn cho mình một trong 3 kịch bản:
1. Chịu khuất phục Trung Quốc, với nghĩa ngày càng lệ thuộc và đến một lúc nào đó là một nước phụ thuộc..
2. Đi với Mỹ (cũng có nghĩa đi với cả thế giới phương Tây) để đối phó với Trung Quốc.
3. Tạo ra cho mình vai trò cầu nối – một dạng như Thụy Sỹ, mà cả thế giới đều thấy là có ích, hoan nghênh, tuy Trung Quốc không thích nhưng cũng buộc phải chấp nhận và cũng thấy có ích cho mình.
Xin đừng bao giờ quên: Ta lựa chọn kịch bản nào không phải chỉ đơn thuần một chiều phụ thuộc vào ý chí và thiện chí của ta, mà còn phụ thuộc vào bên đối tác hay đối tượng của ta, nhưng – xin nhấn mạnh - trước hết phụ thuộc vào trí tuệ, tầm nhìn và bản lĩnh của ta! Trong quan hệ quốc tế không tồn tại “tình yêu một chiều”[13].
Toàn bộ cục diện trên đặt ra cho Trung Quốc tình huống:
- Thượng sách là: nỗ lực tối đa tạo ra một Việt Nam èo uột và bằng mọi cách không cho chế độ èo uột của nó sụp đổ để Trung Quốc tiện dụng. Hiện nay Trung Quốc theo đuổi “thượng sách” này, để chờ thời, để khi có cơ hội sẽ đẩy Việt Nam vào kịch bản “1” là làm cho Việt Nam chịu khuất phục thành một nước lệ thuộc hay phụ thuộc.
- Hạ sách là: với tầm nhìn dài hạn, duy trì nguyên trạng một Việt Nam “tranh tối tranh sáng” như hiện nay, tạo cơ hội làm cho Việt Nam èo uột và phân hóa bên trong dần dần, khi có cơ hội sẽ chuyển sang thượng sách.
Sẽ có người hỏi: Thế mối quan hệ hữu nghị, hợp tác hiện có giữa Trung Quốc và Việt Nam là không đáng kể, là giả dối hay sao?
Trả lời: Là yếu tố rất quan trọng đã tạo dựng được, là thành quả lớn mang tính chiến lược, phải gìn giữ, song chỉ một Việt Nam bản lĩnh mới có thể duy trì và phát huy được yếu tố này. Tự nó hay một chiều, yếu tố này sẽ mất dần ý nghĩa.
Xin lưu ý, trong giới học giả trên thế giới có câu hỏi: Phải chăng hiện nay Việt Nam có vẻ như đang ngập ngừng, hầu như không dám tiến hành bước đi cải cách đáng kể nào trước Trung Quốc, và phía Trung Quốc cũng không muốn để điều này xảy ra – vì lý do cần kiềm chế Việt Nam? Đấy là cơ hội cho Trung Quốc? Quan trọng hơn nữa là Trung Quốc càng không muốn để bất kể một cải cách dân chủ nào của Việt Nam có thể ảnh hưởng vào nội tình Trung Quốc, vì dân chủ là vấn đề nhậy cảm mất còn đối với Trung Quốc. Phản ứng của Trung Quốc đối với việc tặng giải thưởng Nobel cho ông Lưu Hiểu Ba càng khiến họ tin như vậy.
Đứng trước thực tế này, chẳng lẽ nhân dân ta không tự hỏi mình: Vậy Trung Quốc muốn có một Việt Nam như thế nào?
- Một Bắc Triều Tiên mới là hoàn toàn loại trừ.
- Một Myanma mới chăng?
- Một Thái Lan mới mà Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng và quan hệ chăng - mà ai cũng biết cứ vài ba năm lại xảy ra ở đây một cuộc đảo chính.
- Hay một Philippines?
- Hay là gì nữa?
- Chắc chắn không phải là một Singapore lớn!…
- Vân vân…
Hiển nhiên quyền lực mềm của Trung Quốc không biết nhàn rỗi là gì, nên nhân dân ta không thể dửng dưng với những câu hỏi đại loại như vậy.
Các sự việc diễn ra cho thấy:
1. Hiện nay Trung Quốc hiện đang kiên trì hạ sách, vì cho rằng nó hiện thực nhất và Trung Quốc có lực, có thời gian, lúc nào đó thuận tiện sẽ chuyển sang thượng sách.
2. Bằng mọi cách Trung Quốc, trước hết là bằng “diễn biến hòa bình kiểu Trung Quốc”, cố gắng ngăn cản Việt Nam đi vào kịch bản “3”.
3. Trung Quốc đánh giá rằng Việt Nam như hiện nay không muốn, không có khả năng, và không dám lựa chọn kịch bản “2” (đi hẳn với Mỹ…).
Báo chí Trung Quốc nói toạc, vừa khuyên dụ vừa dọa dẫm: Việt Nam đừng dại gì, cứ liệu, đừng để cho Mỹ chia rẽ quan hệ Việt – Trung…[14]. Để xem cách nói trực ngôn như thế của báo chí Trung Quốc sẽ đi đến đâu.
Muốn hay không, thực tế khách quan nêu trên đặt ra cho nhân dân ta vấn đề sống còn: Trước sự xuất hiện của siêu cường Trung Quốc đang lên, tổ quốc Việt Nam chúng ta sau 35 năm độc lập thống nhất lại đứng trước một tình huống hiểm nghèo mới, là phải đối phó với tình thế “hạ sách > thượng sách” như Trung Quốc đang theo đuổi; đồng thời luôn luôn có thể là nạn nhân trong mối quan hệ lúc tranh chấp, lúc thỏa hiệp, lúc hợp tác giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Mỹ.
Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, đây là lần thứ tư nước ta đứng trước thách đố lớn như vậy! Một lần nữa nhân dân ta lại phải từ những bài học của chính quốc gia mình trong suốt chiều dài lịch sử - chí ít là từ chiến tranh thế giới thứ II cho đến nay - để rút ra cho đất nước mình sự lựa chọn cho hôm nay[15].
Trên đây là những nét chính của bối cảnh toàn cục đặt ra cho nước ta trong vấn đề Biển Đông, chuyện duy trì và phát huy yếu tố hữu nghị sẽ bàn lúc khác cho hết nhẽ. Cũng với cách suy nghĩ hết nhẽ như vậy, thử đánh giá xem “sức mạnh” mỗi bên trong cuộc tranh chấp này trên Biển Đông như thế nào. Xin nói ngay, muốn bàn hết nhẽ như thế, phải tạm thời đặt sang một bên các vấn đề chủ nghĩa xã hội, ý thức hệ, 16 chữ, hay “4 tốt”, hay là cái gì gì nữa, có “vàng” hay không có “vàng”, vân vân…[16].
III. Câu hỏi lớn
Hỏi: Trung Quốc mạnh hay yếu trong tranh chấp với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông?
Trả lời: Trung Quốc mạnh áp đảo về nhiều mặt so với Việt Nam, nhưng theo đuổi quá nhiều tham vọng không có tính chính đáng, Trung Quốc có nhiều vấn đề đi ngược với trào lưu tiến bộ trên thế giới, nên Trung Quốc yếu về thế. Vì vậy chung cuộc và nhìn tổng thể, Trung Quốc yếu hơn Việt Nam trong những tranh chấp bành trướng nhằm vào xâm phạm chủ quyển biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông[17]. Dưới đây xin xới lên một số khía cạnh để xem xét có phải như vậy không.
Trước hết, trong ba cuộc kháng chiến chống ngoại xâm Pháp, Mỹ, Trung Quốc (chiến tranh tháng 2-1979), nước ta cả ba lần phải đứng trước câu hỏi tương tự như thế này, và đều có chung một kết luận được cuộc sống khẳng định: Về tổng thể ta có mạnh hơn đối phương thì mới thắng được.
Lần này trong chiến lược của Trung Quốc nhằm lấn chiếm biển đảo của nước ta, xin gọi tắt là tranh chấp Biển Đông[18], chúng ta cũng có thể kết luận tương tự như thế, với nhiều nét mới.
So sánh theo kiểu dùng các “con số”, hoặc theo kiểu “lấy thịt đè người”, dễ kết luận Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam nhiều lần, Việt Nam sẽ thua.
Thế nhưng trong thế kỷ trước Pháp, Mỹ và cả Trung Quốc đã thua Việt Nam trong chiến tranh, trong đó có nguyên nhân cả ba đối phương của nước ta ít nhiều chịu ảnh hưởng của tư duy theo kiểu so sánh này.
Vây trong tranh chấp Biển Đông, nhìn tổng thể Trung Quốc yếu hơn Việt Nam vì những lẽ gì?
Vài nét về bản chất và sức mạnh của Trung Quốc
Điều chưa từng có trong lịch sử thế giới về sự phát triển của một quốc gia là: Kể từ khi tiến hành cải cách năm 1976 đến nay – nghĩa là chưa đầy 5 thập kỷ - Trung Quốc đã tạo ra được cho mình nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 thế giới tính theo giá trị GDP. Hiện đang có nhiều dự báo nền kinh tế này sẽ có quy mô lớn số 1 vào khoảng từ giữa thế kỷ này trở đi.
Sự kiện một nền kinh tế lớn mạnh khác thường như đang diễn ra ở Trung Quốc cho thấy rõ nét nhất: (a) Toàn cầu hóa và (b) tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày nay có thể tạo ra sự thay đổi nhanh chóng và sâu rộng như thế nào trong tổng thể nền kinh tế thế giới và tác động sâu sắc vào các mối quan hệ giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế ngày nay.
Chính đặc điểm cực kỳ quan trọng nói trên chi phối có ý nghĩa quyết định và thúc đẩy xu thế phát triển của thế giới ngày nay.
Cũng chính điều rất quan trọng nói trên đặt ra vấn đề: Nắm bắt được đặc điểm này trở thành đòi hỏi sống còn của mỗi quốc gia.
Đặt mọi chuyện thuộc phạm trù đạo đức và mỹ học sang một bên để nhìn nhận sự vật một cách trần tục cho dễ so sánh, phải nói lãnh đạo Trung Quốc là người thành công nhất trên thế giới trong nắm bắt đặc điểm này.
Cần khách quan nhận định: Trong 5 thập kỷ vừa qua Trung Quốc là nước thành công bậc nhất trong việc nắm bắt đặc điểm nêu trên của xu thế phát triển của thế giới, tiến hành những biện pháp quyết liệt, nhiều khi rất tàn bạo đối với trong nước và thực dụng một cách triệt để đối với thế giới bên ngoài, mục tiêu biện minh cho biện pháp, tất cả để giành lợi thế cho Trung Quốc, tất cả đã làm cho Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới” - gần như với bất kỳ giá nào, với nhiều tác động đối với toàn thế giới[19]. Xin lưu ý điều này để thoát khỏi cái lăng kính “ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” trong khi nhìn nhận Trung Quốc và thế giới. Nhất là đừng nên coi thành công của Trung Quốc là thành công của chủ nghĩa xã hội. Vì ngộ nhận như thế, chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với một cái gì đó có nhiều cái vô nhân đạo, vô cùng đáng sợ, không thể chấp nhận được!
Nói khái quát: Kể từ khi tiến hành cải cách năm 1976, trong vòng gần 5 thập kỷ lãnh đạoTrung Quốc đã đưa đất nước mình đi được chặng đường mà về nhiều mặt các nước tư bản trước kia phải đi mất khoảng 2 thế kỷ. Trung quốc hiện nay là cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới, có thể trở thành nền kinh tế có tổng lượng GDP vượt Mỹ trong thời gian không xa (khoảng từ cuối thập kỷ thứ ba trở đi). Với tất cả sức mạnh là công xưởng của thế giới, là chủ nợ lớn nhất toàn cầu, cùng với cái “đói siêu cường” đầy nguy hiểm, Trung Quốc đang đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho toàn thế giới – nhất là đối với các nước láng giềng và các nước đang phát triển. Đồng thời Trung Quốc là một cường quốc quân sự có khả năng uy hiếp nhiều nước, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Trong lịch sử cận đại cho đến hiện tại, sự ra đời của tất cả các “đế quốc” – kể từ đế quốc Anh, đều mang một nét chung có tính quy luật là ồn ào, tốn nhiều súng đạn và xương máu nhân loại. “Đế quốc Đức” (Đức Quốc Xã) và “đế quốc Nhật” (nếu tính toàn bộ “phe trục” trong chiến tranh thế giới II thì phải kể thêm cả Ý) là các đế quốc chết yểu trong biển máu của nhân loại. Sau đó, thời đại đế quốc kết thúc, nhường sân khấu thế giới cho thời đại của các cường quốc và các nước đang phát triển – đã trải qua nhiều giai đoạn, giai đoạn gần đây nhất là “chiến tranh lạnh”; hiện nay là giai đoạn “hậu chiến tranh lạnh”. Trong giai đoạn hiện tại này, thế giới có cục diện “một siêu, đa cường”, với một Trung Quốc đang khát vọng trở thành siêu cường mới. Bối cảnh thế giới ngày nay không còn tồn tại sơ đồ lộ trình ra đời ồn ào của một đế quốc để cho cái đói siêu cường Trung Quốc lựa chọn và thỏa mãn khát vọng của nó, song tính chất phức tạp của vấn đề, của cái “đói” này, thì không thay đổi. Toàn bộ những “vũ khí mới” được sản sinh ra trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới hiện nay và “quyền lực mềm” đang được Trung Quốc vận dụng tối đa để làm đầy cái “đói siêu cường” của nó. Rõ ràng lộ trình ra đời của siêu cường Trung Quốc không thể ồn ào như trong thời đại đế quốc, nhưng tính phức tạp của lộ trình này và những hệ quả của nó đối với toàn bộ thế giới còn lại chưa thể lường hết được – trước hết bởi các lẽ: (a) tìm đường đi lên siêu cường là lẽ cạnh tranh sinh tồn tất yếu của Trung Quốc, (b) lộ trình đi lên siêu cường của nó rất đặc sắc Trung Quốc, (c) quá trình này diễn ra trong thời đại thế giới xuất hiện những mối nguy mới cũng chưa lường hết được – tính nguy hiểm của toàn bộ vấn đề “siêu cường Trung Quốc” là ở chỗ này. Phải hiểu cặn kẽ lịch sử và văn hóa Trung Quốc rất “Chiến quốc” (Đông chu Liệt Quốc) và rất “Tam Quốc” (xem “Tam Quốc Chí”) và hiểu những phức tạp mới của thế giới toàn cầu hóa ngày nay mới có thể tiếp cận được vấn đề. Tuy nhiên, thế giới toàn cầu hóa ngày nay cũng tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ chưa từng có, cho phép tạo ra tình huống: Nếu cộng đồng các quốc gia có sự lựa chọn đúng đắn, sẽ có thể kiểm soát bất kể sự phát triển “ồn ào” nào của bất kể siêu cường đang lên nào. Hơn nữa, siêu cường Trung Quốc sẽ bước vào một thế giới không phải là hoang sơ như đầu thế kỷ 20 trở về trước, mà là một thế giới đã có đủ mặt các cường quốc, các nền kinh tế lớn và vai trò ngày càng quan trọng của các nước đang phát triển ở tất cả các châu lục, với một trật tự thế giới chung ngày nay không một cường quốc nào có thể bẻ gẫy được – kể cả siêu cường Mỹ.
Việt Nam không thể lựa chọn vị trí địa lý cho mình, nhưng trong thời đại ngày nay, hơn bao giờ hết, Việt Nam cần, phải và hoàn toàn có thể lựa chọn thế giới cho mình: thế giới của dân chủ, hòa bình và tiến bộ. Chủ nghĩa yêu nước của Việt Nam ở thời đại ngày nay chính là phải thực hiện sự lựa chọn này, sự lựa chọn duy nhất.
Hơn bao giờ hết, nhân dân ta cần ý thức sâu sắc vận mệnh quốc gia lúc này và nắm lấy thời cơ thế cuộc đem lại cho nước ta: Thế kỷ 19 bắt đầu thời kỳ ta mất nước; thế kỷ 20 nước ta chỉ có chết đói, chống hết chiến tranh xâm lược này đến chiến tranh xâm lược khác và đất nước bị giằng xé tứ phía; thế kỷ 21 lần đầu tiên thế cuộc ngày nay tự nó tạo ra cho Việt Nam khả năng lựa chọn thế giới cho chính mình: Thế giới cần một Việt Nam mạnh! Từng người Việt Nam cần bảo nhau mở to mắt nắm lấy thời cơ này! Gạt hết quá khứ sang một bên, toàn thể cộng đồng dân tộc ta hãy đồng tâm hiệp lực nắm lấy bằng được thời cơ này! Tự mình, dân tộc ta đã để chậm việc này mất 35 năm rồi, không thể chậm trễ hơn được nữa.
Vì sự tồn tại và phát triển phồn vinh của Tổ quốc mình, cả nước hãy bắt đầu từ thực hiện dân chủ để thực hiện được đoàn kết hòa hợp dân tộc, đem hết trí tuệ và nhiệt huyết hình thành chí hướng chung của toàn dân tộc trong bối cảnh quốc tế mới, quyết tâm dốc sức xây dựng và bảo vệ một Việt Nam mà thế giới tiến bộ ngày nay đang cần!
Tình hình thế giới đã thay đổi, toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy đứng lên quyết tâm lựa chọn thế giới cho chính mình, mở ra trang sử mới cho đất nước!
Ngày nay chế độ chính trị của nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa với chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc do ĐCSTQ lãnh đạo có nhiều sắc thái của một nhà nước toàn trị tư bản chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Đặc biệt là trong những vấn đề cốt lõi của một chế độ chính trị như phân bổ quyền lực và của cải, phân hóa giầu nghèo, công bằng xã hội, tham nhũng, tính chất toàn trị, các quyền tự do dân chủ của con người.., chế độ chính trị của nhà nước mới này có nhiều vấn đề nghiêm trọng không khác Trung Quốc dưới thời Quốc Dân Đảng trước đây bao nhiêu, chưa nói đến là có quá nhiều sự kiện tàn bạo và đẫm máu hơn nhiều - một số ví dụ: đại cách mạng văn hóa đầy đọa khủng khiếp nhân phẩm và làm chết hàng chục triệu người, thảm sát vụ Thiên An Môn, mất dân chủ và tham nhũng nghiêm trọng; báo chí thế giới đã nói tới hiện tượng Hán hóa và đồng hóa ở Tây Tạng, Tân Cương…
Xã hội Trung Hoa ngày nay pha trộn giữa văn minh và lạc hậu, thật khó mà nói được cái nào nhiều hơn cái nào, tuy đã đạt được nhiều tiến bộ lớn rất đáng khâm phục và trân trọng mà nhiều nước đang phát triển khác chưa làm được. Trên thế giới có không ít lời ca ngợi về “sự thần kỳ Trung Quốc”. Là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, lại có vị thế nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có trong tay nhiều khả năng rất to lớn đóng góp vào hòa bình và thúc đẩy tiến bộ chung của nhân loại ngày nay, nếu Trung Quốc chuyển mình phát triển theo hướng này. Trong sự chuyển biến như thế nếu diễn ra, Trung Quốc có thể còn đi xa rất nhiều so với hôm nay. Cái chắc chắn nói được hôm nay là cái toàn trị ở Trung Quốc đang toàn thắng, và còn ở thế thượng phong một thời gian nhất định nào đấy.
Dù là một nền kinh tế lớn, năng động đến mức uy hiếp nhiều nước có liên quan xa gần, song về cơ bản, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay vẫn là một nền kinh tế yếu, năng suất lao động nói chung còn thấp so với các nước phát triển, đẩy dẫy những khuyết tật, được điều hành bởi một nền chính trị chuyên chính rất nhiều sự kiện tàn bạo, quan liêu tham nhũng nặng nề. Quá trình phát triển này đang tích tụ ngày càng nhiều các vấn đề đối nội nghiêm trọng, nguy cơ phân rã là thường trực. Bản thân Trung Quốc cũng tự thấy sớm muộn sẽ phải cải cách quyết liệt.
Thị phần kinh tế Trung Quốc trong thị trường thế giới rất lớn về nhiều mặt, gây ra cho thế giới sự phụ thuộc nhất định. Nhưng “quy mô nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới” của nó cũng có nghĩa là Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào cả thế giới.
Nhìn tổng thể toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, động lực hàng đầu tạo ra sức mạnh của nó là lãnh đạo Trung Quốc (a) theo đuổi quan điểm “mục tiêu biện minh cho biện pháp”, (b) có tầm nhìn sắc sảo, (c) đủ khôn ngoan tận dụng một cách thực dụng đến lạnh lùng (nhiều khi rất tàn bạo) mọi lợi thế của nền kinh tế nước lớn và có số dân đông nhất thế giới. Nhờ 3 yếu tố hết sức quan trọng này, lãnh đạo Trung Quốc đã vận dụng thành công “các lợi thế về quy mô trong kinh tế học” (economics of scale) trong đặc điểm mới của nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay. Và thực sự Trung Quốc đã thành công lớn, đương nhiên với cái giá phải trả không ít máu và nước mắt, tàn phá môi trường.
Dưới cái mũ “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, khi cần và bất kể lúc nào, lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng “hy sinh” (đúng ra phải nói là “vứt bỏ”) mọi cái được coi là giáo lý rường cột cho chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc để thực hiện triệt để chủ nghĩa thực dụng, điển hình là chuyện “mèo trắng, mèo đen”, vấn đề “một nước hai chế độ”, vân vân và vân vân... Giới nghiên cứu kinh tế của thế giới - trong đó có các học giả nổi tiếng, WB, IMF, ADB, diễn đàn DAVOS… - cho rằng hiên nay 60% sức tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc dựa vào bóc lột lao động rẻ trong nước, hy sinh môi trường của chính nước mình, vơ vét nguyên nhiên liệu khắp nơi trên thế giới.
Sự phát triển hiện nay của Trung Quốc cũng đang tạo ra một lực lượng trung lưu và trí thức ngày càng mạnh. Lực lượng này sẽ thay đổi xã hội Trung Hoa theo trào lưu tiến bộ chung của nhân loại. Song đây là chuyện lâu dài của tương lai. Liên quan đến vấn đề này. Khỏi phải nói, chung sống hòa bình, giữ mối quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác luôn luôn là mong mỏi, là lợi ích căn bản và lâu dài của nước ta.
Chỗ mạnh nguy hiểm nhất của cường quốc Trung Quốc đang vươn lên siêu cường hiện nay là: Với quan điểm “mục tiêu biện minh cho biện pháp”[20], Trung Quốc có khả năng tùy tình hình giành những thắng lợi tức thời cho một số mục tiêu của mình, hoặc tạo ra tình hình “việc đã rồi” (fait accompli), thực hiện các bước đi mà việc tăng cường quyền lực Trung Quốc đòi hỏi…[21]. Đồng thời cũng với quan điểm thực dụng nhiều khi rất tàn bạo này, lại có lợi thế xoay trở nhanh của một nước lớn khi tình hình đặt ra, Trung Quốc luôn luôn tính những bước đi của nước lớn trên bàn cờ quốc tế, với tầm nhìn dài hạn, có trí tuệ, và thường là với những ý đồ thâm sâu rất “đặc sắc Trung Quốc” như trong Đông Chu liệt quốc và trong Tam quốc chí nhưng đã được hiện đại hóa.
Là chủ nợ lớn nhất thế giới với khoảng 2400 tỷ USD dự trữ, Trung Quốc sẵn sàng mua tươi, mua đứt, ngắn hạn, dài hạn ở mọi nơi, mọi thứ - cái vô hình, cái hữu hình – mua tất cả những gì ai muốn bán, thực hiện chính sách kiểm soát tỷ giá rất chặt chẽ để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình, nếu cần thì “viện trợ” lớn để triển khai quyền lực mềm... Hầu như không có một trường hợp ngoại lệ nào trong toàn bộ thế giới các nước đang phát triển: Hàng hóa, công trình và viện trợ hàng tỷ USD của Trung Quốc đi tới đâu, tham nhũng, lũng đoạn chính trị, tàn phá môi trường, công nghệ lạc hậu, tổn thất cho tiến bộ xã hội… tràn lan đến đấy. “Chủ nghĩa thực dân mới” kiểu Trung Quốc chứng tỏ thành công nhanh hơn nhiều so với các tác giả chính của nó là các nước đế quốc phương Tây trong những thế kỷ trước… Trên báo giấy và báo mạng của thế giới có rất nhiều bài viết về đề tài này, báo chí Trung Quốc đang ra sức cải chính. Đáng chú ý: Tháng 6-2010 thủ tướng Úc Kevin Rudd đột ngột bị Quốc hội phế truất, báo chí Úc đưa ra lý do: ông ta quá thân Trung Quốc, có con rể người gốc Hoa, một số thành viên trong nội các của ông ta có những biểu hiện nhận quà cáp của Trung Quốc, có một số hợp đồng kinh tế gây tranh cãi…
Mở rộng khu vực đồng Yuan trong thương mại thế giới đang là một vũ khí mới không ít nguy hiểm cho nhiều quốc gia, nhất là cho những nền kinh tế nhỏ yếu[22]. Tất cả để tạo cơ hội, để chờ thời cho những việc tính kế lâu dài, gây cho mọi đối tượng hay đối tác của Trung Quốc không ít khó khăn hoặc nhiều khi nguy hiểm chết người.
Thời kỳ phát triển năng động hiện nay của Trung Quốc tuy còn có thể kéo dài một vài thập kỷ nữa, song tích tụ ngày càng nhiều hiểm họa lớn về nội trị cũng như về kinh tế, môi trường. Chưa ai nói được Trung Quốc trong những thập kỷ tới sẽ phải trả giá như thế nào cho những hiểm họa bên trong này do chính tự Trung Quốc gây ra cho mình trong quá trình phát triển của mình.
Tham vọng lớn quá phi lý, mặt trái của sự phát triển quá “nóng” trong lòng Trung Quốc, nguy cơ phân hóa xã hội, nguy cơ đất nước phân rã.., tất cả những nguyên nhân này tất yếu tạo ra ngay trong lòng hệ thống kinh tế - chính trị - xã hội Trung Quốc gót chân Achilles của nước quốc gia đang trên con đường phát triển thành siêu cường này - đó chính là vấn đề dân chủ. Kinh tế Trung Quốc phát triển càng mất cân đối càng tham nhũng và nóng, càng mất dân chủ. Người Trung Quốc cũng tự nhận rằng kẻ thù lớn nhất của Trung Quốc là chính Trung Quốc[23]. Trong khi đó “sự phát triển nóng, có nhiều nét tàn bạo” của Trung Quốc khiến cho mối lo ngại của thế giới về nó đang tăng lên. Vì những lẽ này, trên một số phương diện nhất định, Trung Quốc đang trở thành vấn đề của cả thế giới.
Trung Quốc hôm nay so với Trung Quốc trước cải cách 1976 có thể nói đã đạt được bước tiến phát triển mọi mặt. Tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong thế giới toàn cầu hóa sẽ tiếp tục làm nên nhiều bất ngờ mới nữa, tốt và xấu. So sánh Đài Loan hôm nay với cái đảo của dân làng chài năm 1949 cũng có thể rút ra kết luận như vậy, có không ít ấn tượng đặc biệt, không thể không chú ý. Nhưng nếu làm một cuộc “tổng giải phẫu” để đánh giá một quốc gia theo những tiêu chí của những quan điểm tiên tiến trong văn minh nhân loại, sẽ có thể là những cuộc tranh luận không dứt. Song dù thế nào đi nữa, có một thực tế hiển nhiên là: Ngày nay văn minh nhân loại về nhiều mặt đã vượt xa văn hóa Trung Quốc. Chính điều này là nguyên nhân quyết định khiến Trung Quốc hiện tại chưa hay không thể hội đủ điều kiện để giành cho mình vai trò siêu cường lãnh đạo thế giới ngày nay, kể cả một khi Trung Quốc có nền kinh tế quy mô đo theo GDP đứng số 1 thế giới. Đấy là chưa nói đến sự đang lên của một số nền kinh tế lớn khác đang đặt ra nhiều vấn đề mới khác. Vì vậy, những dự báo Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường với vị thế như của Mỹ, sẽ thay thế vị trí số 1 của siêu cường Mỹ trên thế giới… chỉ là sản phẩm hoang tưởng của nỗi sợ Trung Quốc, ít nhất là trong thế kỷ này, ngoại trừ trường hợp Trung Quốc chuyển mình theo hướng phát triển dân chủ.
(1) Tham vọng của Trung Quốc quá lớn và phi lý, (2) sự phụ thuộc của Trung Quốc vào cả thế giới, (3) nỗi lo đang tăng lên của cả thế giới về Trung Quốc “nóng”, (4) những yếu kém nội trị ngày càng tích tụ trong lòng Trung Quốc[24] - đấy chính là bốn nguyên nhân chủ yếu khiến Trung Quốc phải rất thận trọng – đến mức cả về đối nội cũng như đối ngoại lãnh đạo Trung Quốc bây giờ hầu như không dùng nữa khẩu hiệu “trỗi dậy hòa bình”. Gần đây nhất, sự “mềm giọng” ít nhiều của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tại hội nghị “ADMM+…” tại Hà Nội 13-10-2010 về vấn đề Biển Đông cũng chứng tỏ như vậy. Tuy nhiên, là Việt Nam thì không bao giờ được quên 4 lần Trung Quốc lợi dụng thời cơ đánh đòn bất ngờ: 1956, 1974, 1979 và 1988.
Tất cả những điều vừa trình bầy phản ánh rõ nét những mặt yếu cơ bản của Trung Quốc.
Trung Quốc khuyến khích chủ nghĩa dân tộc trong nước mình để hậu thuẫn cho tranh chấp Biển Đông – nhất là trong vấn đề đẩy mạnh tăng cường lực lượng hải quân của mình và hậu thuẫn hoạt động quân sự nào đó khi cần thiết – kể cả những hành động gây áp lực quân sự hay đột kích lấn chiếm mới… nếu tình thế nào đó cho phép.
Ý đồ lâu dài và mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược của Trung Quốc là tạo ra một Việt Nam èo uột, với tính toán: đạt mục tiêu này sẽ đạt tất cả. Trung Quốc chú ý tác động vào nội bộ Việt Nam theo hướng kiềm chế những đòi hỏi dân chủ ở Việt Nam, tránh đi những bước quá trớn làm tổn thương nghiêm trọng hay làm trỗi dậy tinh thần dân tộc của Việt Nam mà lo rằng phía Việt Nam có thể không kiểm soát nổi. Trung Quốc theo đuổi các chính sách dùng “quyền lực mềm” để uy hiếp, phân hóa, diễn biến nội bộ Việt Nam. Với những tính toán lâu dài[25], Trung Quốc chủ trương tránh, hoặc thậm chí ngăn cản tình huống để cho một Việt Nam èo uột sụp đổ, nghĩ rằng mình có lực và thời gian trong tay để làm việc này.
Thực tiễn mọi hoạt động của Trung Quốc diễn ra trên Biển Đông kể từ khi Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa 1974 đến nay, cùng với những diễn biến của biết bao nhiêu sự việc khác kể từ trước và sau khi có “16 chữ” và “4 tốt” nói lên rõ ràng chính sách của Trung Quốc đối với nước ta trong vấn đề Biển Đông.
Song cũng chính thực tiễn các sự việc nói trên cho thấy: Ngoài việc khai thác những tình huống nào đó để lấn chiếm dần trên Biển Đông (1974, 1988…), trong cục diện thế giới ngày nay Trung Quốc khó có điều kiện thực hiện tham vọng của mình theo kiểu ăn sống nuốt tươi được.
Thực tế vừa nêu trên của Trung Quốc, tham vọng bị lên án, cùng với mối lo của thế giới về Trung Quốc gia tăng, tất cả khách quan tạo ra tình hình: Ngoại trừ Trung Quốc, hầu hết các nước lớn và nhiều nước khác đều muốn có một Việt Nam mạnh, đều không hoan nghênh và có thể phản ứng chống lại những bước đi quá trớn của Trung Quốc. Tổng thể khách quan tình hình này tạo nên thế yếu của Trung Quốc trong các ý đồ xâm chiếm biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.
Điều không thể bỏ qua là bàn cờ thế giới ngày nay có những thay đổi hẳn về thế: sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ, quan hệ Mỹ - Nga và quan hệ Mỹ - Ấn có những cải thiện mang tính bước ngoặt, gần đây nhất là Nga và NATO trở thành đối tác chiến lược của nhau và đang để ngỏ vấn đề Nga gia nhập NATO. Những bước phát triển này củng cố trật tự thế giới hiện nay, đồng thời cũng phản ảnh đòi hỏi chung phải tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức mới truyền thống và phi truyền thống. Những diễn biến mới này và cuộc đấu pháo giữa hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên (23-11-2010) liệu có mối liên quan xa gần nào với nhau không? Bởi vì trong khi hành động của Bắc Triều Tiên bị lên án thì Trung Quốc là nước duy nhất trong Hội đồng Bảo an giữ im lặng trước sự kiện này. (Nga và Trung Quốc vừa mới đây nhất thỏa thuận dùng đồng tiền của nhau trong thương mại song phương, song hai nước còn nhiều vấn đề tồn tại với nhau). Có thể nói tình hình thế giới hiện nay tạo ra thời cơ rất thuận lợi cho Việt Nam với tất cả tinh thần độc lập tự chủ của mình vươn lên trở thành một quốc gia cầu nối có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển mà tất cả các bên hữu quan đều cần tới. Xu thế chung của hầu hết các đối tác quan trọng của ta hiện nay cũng muốn có một Việt Nam bản lĩnh như vậy. Là đối tác tin cậy của cả thế giới, Việt Nam mới có thể là đối tác được tôn trọng của Trung Quốc.
Về quan hệ Việt – Trung, cần nói thêm: Riêng trên phương diện quân sự, qua 3 cuộc chiến tranh chống xâm lược ở thế kỷ trước, Việt Nam đã trải nghiệm thực tế là vấn đề lực lượng quân sự tổng số của đối phương và vấn đề lực lượng tại chỗ của ta là hai vấn đề khác nhau, không thể đơn thuần dùng số lượng đo đếm mạnh/yếu của nhau. Ngày nay trên lĩnh vực quân sự, thế giới còn có rất nhiều chuyện khác nữa. Tuy nhiên cần nhấn mạnh: Về phía Việt Nam, chiến tranh luôn luôn và duy nhất chỉ là tình huống Việt Nam bị ép buộc.
IV. Sự lựa chọn cần thiết của Việt Nam
Kịch bản thứ 3 là kịch bản Trung Quốc không muốn Việt Nam lựa chọn và bằng mọi cách muốn ngăn cản sự lựa chọn này. Đấy lại chính là kịch bản Việt Nam phải lựa chọn trong cục diện thế giới ngày nay: Tạo ra cho mình vai trò cầu nối – một dạng như Thụy Sỹ[26], mà cả thế giới đều thấy là có ích, hoan nghênh, đều cần đến, và Trung Quốc cũng buộc phải chấp nhận, cũng có lợi cho chính Trung Quốc. Muốn duy trì được và tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu ghị - hợp tác hiện có của ta với Trung Quốc, chỉ có kịch bản này. Đây chính là kịch bản dấn thân.
Đường lối đối ngoại của Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới như đã được đề ra lâu nay chỉ có thể trở thành hiện thực trên cơ sở Việt Nam lựa chọn kịch bản thứ 3 này. Nghĩa là Việt Nam phải có khả năng đi cùng với xu thế phát triển của cả thế giới, cùng với cả thế giới phấn đấu cho trào lưu của hòa bình, tiến bộ, dân chủ, văn minh; cùng phấn đấu như thế để tự phát triển và để có khả năng hợp tác được, hợp tác có thực chất với mọi đối tác; và chỉ “đi” như thế mới có thể trở thành bạn của tất cả các quốc gia trên thế giới. Không là bạn có thực chất như vậy của cả thế giới thì dù có quỳ xuống cũng không thể làm bạn với Trung Quốc. Không làm được như vậy, mọi chuyện mới chỉ dừng lại ở cầu xin, ở thiện chí.
Cần nhấn mạnh: Đấy chính là đường lối đối ngoại dấn thân, dựa trên cơ sở tạo ra cho mình khả năng dấn thân – phấn đấu vì lợi ích chính đáng của chính mình, và đồng thời phấn đấu vì các lợi ích của cộng đồng thế giới (nghĩa là phải tham gia gánh vác việc chung, không được ích kỷ, hay ỷ lại, không được ăn không – no free lunch!).
Trong quan hệ quốc tế, những phạm trù như “hợp tác chay”, “bạn chay”, “tình hữu nghị cho không” (gratuite)… đều trống rỗng... Song trong quan hệ quốc tế có rất nhiều cái giá khác nhau phải trả cho sự “cầu xin”, “nhờ vả”, “khờ dại”, “sự tin cậy”, “dựa dẫm”, “gởi gắm”, “tình yêu một chiều”, “ý thức hệ”… mà chính nước ta đã trải nghiệm không ít.
“Đi” như thế, trước hết mình phải là chính mình, là của mình, phải có cái đầu và đôi chân cho phép mình đứng vững được trên vị thế độc lập tự chủ của mình, không là công cụ cho ai, không là tốt đen hay tốt trắng của bất kỳ ai, song thực sự có ích cho mọi người và ai cũng cần mình. Trên thao trường đối ngoại mênh mông của thế giới ngày nay, đôi chân của sự khôn lỏi bao giờ cũng quá ngắn ngủi, và vì thế hoàn toàn không thích hợp với nước ta về mọi mặt.
Dù chỉ là một nước cỡ trung bình và còn nghèo, Việt Nam chẳng có, hay không thể có cái lợi lâu dài trong việc bắt chước nước lớn áp dụng cái thuật ngoại giao “tiểu sảo”. Về lâu dài, nhân dân mình vẫn phải noi gương cha ông mình “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, phải có bản lĩnh và thực lực để “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, phải thúc giục nhau làm cho đất nước sớm giầu mạnh lên để ngày càng làm được tốt hơn “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”.
Tâm lý “bài Hoa”, chủ nghĩa dân tộc "sô-vanh", hay bất kỳ phản ứng cảm tính nào khác là sai lầm, chỉ làm mất đi sự tỉnh táo cần thiết và chỉ có thể gây thêm nguy hại mới cho đất nước ta. Mặt khác, không bao giờ được quên: Nuôi dưỡng tinh thần hữu nghị và hợp tác láng giềng tốt với Trung Quốc đòi hỏi rất nhiều nỗ lực lớn và sự kiên trì dũng cảm. Lịch sử quan hệ hai nước Việt-Trung ghi lại nhiều trang lẫm liệt: Ngay sau khi đưa được khách không mời mà đến ra khỏi nhà mình, Việt Nam đã phải nghĩ đến cầu hòa. Không ai có thể phủ nhận nhân dân ta có nguyện vọng sâu xa và truyền thống quý báu trong xây dựng mối quan hệ đời đời này với Trung Quốc. Bản lĩnh ấy ngày nay càng quan trọng hơn bất cứ giai đoạn nào khác.
Nền ngoại giao dấn thân cùng với tất cả những điều vừa trình bày trên không mới, nhưng vẫn hoàn toàn mới – bởi vì sau 35 năm độc lập thống nhất cho đến nay nước ta vẫn chưa tạo được cho mình nền ngoại giao như thế, vẫn đang thiếu một nền tảng quốc gia cho một nền ngoại giao như thế.
Nhìn chung, ngoại giao Việt Nam trong 35 năm qua có nhiều nét là nền ngoại giao bị động và xử lý tình huống; không ít hoạt động ngoại giao không phải lúc nào cũng giữ được vị thế và thể diện quốc gia; lúc này lúc khác chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm; bởi vì về phía ta: cho đến nay lãnh đạo nước ta vẫn thiếu một nhãn quan thế giới cần phải có, và nước ta vẫn chưa tạo ra được cho mình một nền nội trị lành mạnh làm nền tảng quốc gia cho phép thực hiện một nền ngoại giao dấn thân như thế. Thực tế này giải thích những yếu kém tồn tại hay những thành công đạt được còn nhiều măt rất hạn chế trong đối ngoại của nước ta 35 năm qua.
Ngoại giao dấn thân như phải có như thế chính là một nền ngoại giao mạnh của một quốc gia có nền nội trị lành mạnh và đầy sức sống. Và cũng chỉ một nền ngoại giao dấn thân như thế mới bảo vệ được đất nước ta và luôn luôn tạo ra cho nước ta sức phát triển mới. Đây chính là câu hỏi “tồn tại hay không tồn taị?” do cục diện quốc tế mới và do “cái công xưởng thế giới” ngay sát nách áp đặt cho nước ta hôm nay. Nói là áp đặt, vì nước ta không tránh né được, có muốn cũng không quẫy ra được – vì chúng ta không có quyền lựa chọn vị trí địa lý cho Tổ quốc mình!
Trả lời thành công câu hỏi này là cơ sở để giải quyết thành công một cách chính đáng trong xử lý những tranh chấp trên Biển Đông, trước hết là những tranh chấp với Trung Quốc.
Vấn đề không phải là nước ta còn nghèo nên khó thực hiện được một nền ngoại giao dấn thân, mà là cả nước – và trước hết là đội ngũ lãnh đạo đất nước – còn thiếu một ý chí chính trị cần thiết để xây dựng cho đất nước một nền nội trị lành mạnh đầy sức sống làm nền tảng quốc gia cho một nền ngoại giao dấn thân như thế. Cần thẳng thắn biết mình biết người, tự đánh giá mình như vậy, để quyết tâm lựa chọn kịch bản phải lựa chọn.
Đúng ra, vì nghèo, lại càng phải tự trọng, càng phải nỗ lực tìm đường dấn thân. Ý chí này, nền ngoại giao này là điều kiện tiên quyết cho giải quyết mọi vấn đề đối ngoại của nước ta, trong đó có vấn đề Biển Đông. Đã đến lúc từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân thường nước ta phải tự hỏi mình: Trong thời bình, lòng tự trọng của chúng ta đang xuống thấp? Chẳng lẽ chỉ trong chiến tranh chống xâm lược ta mới ý thức được đầy đủ về ta?..
Xin đừng lúc nào quên: Biển Đông chỉ là một mặt trận nóng, thậm chí có lúc có thể rất nóng. Nhưng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, mặt trận chính quyết định giành thắng lợi ở mọi mặt trận khác, là nhân dân ta phải xây dựng bằng được nền nội trị lành mạnh làm nền tảng quốc gia cho mọi quốc sách phát triển kinh tế, xã hội, ngoại giao và quốc phòng. Đây mới là vấn đề, là mặt trận quyết định vận mệnh của Tổ quốc. Thiết nghĩ từng người Việt Nam chúng ta không một phút được phép lơ là nhiệm vụ sống còn này, cần thấy rõ cục diện thế giới vừa thách thức, vừa đem lại cho nước ta cơ hội lớn để thực hiện nhiệm vụ này.
Giả định rằng nhóm cuồng vọng lấn chiếm của Trung Quốc chủ trương dùng vũ lực đánh chiếm đảo mới hay phong tỏa Biển Đông, cố gây ra chuyện đã rồi (fait accompli) như đã làm 1988, trong tình hình đó chắc chắn Việt Nam, cộng đồng ASEAN và cộng đồng thế giới sẽ không khoanh tay ngồi yên như năm 1988. Năm 2010 không phải là năm 1988. Đến năm 2010, nghĩa là hơn hai thập kỷ rồi, sức mạnh Trung Quốc nhân lên gấp ba rồi, mà vẫn chưa lặp lại kịch bản 1988, có thể một phần vì nhóm cuồng vọng lấn chiếm Trung Quốc cũng thấy rằng làm tổn thương chủ nghĩa yêu nước của Việt Nam đến mức mất còn như vậy, chính kịch bản 1 của Trung Quốc, duy trì một Việt Nam èo uột với lộ trình hạ sách > thượng sách sẽ đổ vỡ thảm hại, mà như thế sẽ là Trung Quốc tự mình kéo dân chủ đến sát nách mình, cái mà Trung Quốc ngán nhất. Tư duy và văn hóa Xuân Thu Chiến Quốc thừa khôn ngoan hiểu rõ điều này, vì thế thượng sách gặm nhấm dần dần để duy trì một Việt Nam èo uột vẫn đang được ưu tiên “kiên trì”. Trung Quốc cũng có chuyện kể rằng: Biến đối tượng thành con nghiện thì dễ hơn và sẽ có thể sai khiến nó suốt đời; nhưng tát nó, làm cho nó phát khùng, nó sẽ nổi đóa đánh lại! Còn người Việt Nam ta ai không hiểu xuất xứ của tư duy: Không đánh mà thắng mới là thượng sách? Tuy nhiên, chắc chắn sự “kiên trì” này cũng rất giới hạn và đầy bất định, có thể tính bằng năm, hoặc khi có biến động đột xuất truyền thống hay phi truyền thống trong khu vực hay trên thế giới, hoặc khi Trung Quốc vượt Mỹ, hoặc khi “các đại gia” vì những lý do nào đó phải thỏa hiệp với nhau nhất thời hay tạm thời và đem lợi ích các nước nhỏ ra mua bán - một kịch bản mà Việt Nam đến nay vẫn còn đem các thương tích đầy mình, vân vân...
Thực tế ngày càng làm rõ, dĩ bất biến ứng vạn biến cho mọi tình huống là hơn bao giờ hết: Xây dựng nội trị lành mạnh là mặt trận chính yếu hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta. Đấy sẽ là bức trường thành bất khả xâm phạm bảo vệ tổ quốc và là nền tảng xây dựng đất nước phồn vinh.
Nói khác đi, xây dựng một nền nội trị lành mạnh và đầy sức sống như thế là một nhiệm vụ trọng yếu, một đòi hỏi không thể ăn bớt, không thể thực hiện ẩu hay làm hình thức. Cốt lõi của nguồn sức mạnh này là dân chủ. Cải cách chính trị để xây dựng bằng được một thể chế dân chủ với đúng nghĩa của nó nhìn từ góc độ đối nội hay đối ngoại đều thấy đây là vấn đề sống còn của đất nước, phải thực hiện ngay từ bây giờ và phải tiến hành thường xuyên đời này sang đời khác. Nắm quyền lãnh đạo đất nước, Đảng không có cách gì tránh né nhiệm vụ sống còn này, ngoại trừ chịu khuất phục và từng bước rơi vào kịch bản 1 mà Trung Quốc đã sẵn sàng cả lộ trình. Đương nhiên, nhân dân ta không bao giờ chấp nhận kịch bản và lộ trình này, - mà để xảy ra một tình huống như thế, làm sao có thể mong chờ nhân dân bảo vệ Đảng và chế độ chính trị?
Thế giới tiến bộ cũng mong muốn Việt Nam thực hiện một nền ngoại giao dấn thân như thế. Không phải ngẫu nhiên các nước như Mỹ, Nhật, Nga, Pháp, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc và nhiều nước khác… muốn, và có thể nói là họ thực lòng muốn và chấp nhận Việt Nam là đối tác chiến lược, trong lúc thâm tâm họ chắc chắn không yêu thích gì chủ nghĩa xã hội hay định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Thực tế này nói lên nhiều điều.
Tự mình, suốt những năm qua, Việt Nam cũng chủ động có nhiều nỗ lực theo hướng tạo ra mối quan hệ đối tác chiến lược như thế. Song trong mọi tiếp xúc cấp cao với những đối tác này, năm này qua năm khác phía ta luôn luôn phải thừa nhận “hợp tác đạt được chưa xứng với tiềm năng của hai bên” – không phải chỉ vì ta còn nghèo và lạc đâu, mà còn vì nhiều thứ khác nữa về phía ta. Phải thẳng thắn thừa nhận: Coi nhau là đối tác chiến lược mà như thế, thì mới chỉ đạt được ở mức “ngoại giao” thôi (…giúp Việt Nam học ngoại ngữ, giúp Việt Nam kỹ thuật y tế cứu hộ trên biển, thăm viếng các tàu của nhau…), còn xa mới đi tới được mức “chiến lược”, và vị trí thực của ta trong chính sách đối ngoại của những đối tác chiến lược này hiện nay đang thấp hơn ta mong đợi.
Vì vậy nước ta còn phải có rất nhiều nỗ lực quyết liệt, để phát triển một nền nội trị lành mạnh của mình làm nền tảng quốc gia cho một nền ngoại giao dấn thân. Ví dụ, thiếu một nền nội trị lành mạnh làm nền tảng quốc gia cho đường lối đối ngoại dấn thân như thế, tuyên bố của ta về ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia sẽ được Trung Quốc tôn trọng bao nhiêu? Một ví dụ nữa, lời khuyên của lãnh đạo ta với Myanma nên “tiếp tục nỗ lực hơn nữa để tổ chức tổng tuyển cử công bằng và tự do trong năm 2010, vì lợi ích của nhân dân Myanmar, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực…” có thể có ý nghĩa thiết thực như thế nào? (tìm xem – ANTĐ 03-04-2010), vân vân...
Cục diện thế giới khách quan tạo ra đòi hỏi phải có một Việt Nam mạnh, trào lưu tiến bộ trên thế giới cũng mong muốn như vậy. Vì mình, và cũng vì mong muốn như vậy của trào lưu tiến bộ thế giới trong bối cảnh quốc tế ngày nay, Việt Nam không có quyền chối bỏ mọi nỗ lực phải làm để có mọi điều kiện tự thân cho phép thực hiện một nền ngoại giao dấn thân như thế. Đất nước càng giầu mạnh trên một nền nội trị lành mạnh như thế, càng thuận lợi cho thực hiện một nền ngoại giao dấn thân; Hàn quốc đã cho nước ta một ví dụ tốt. Là nước đi sau, Việt Nam có thể tận dụng biết bao nhiêu kinh nghiệm đáng giá của cả thế giới cho sự nghiệp phấn đấu này của mình.
Cần thiết phải cảnh báo: Mặc dù nước ta có những nỗ lực rất lớn, đã có những nhân nhượng quá mức cho phép, mặc dù quan hệ hai nước Việt – Trung đã được bình thường hóa từ Hội nghị Thành Đô năm 1990, mặc dù đã hoàn tất việc cắm mốc biên giới giữa hai nước trên đất liền và làm xong việc phân chia Vịnh Bắc Bộ, mặc dù quan hệ kinh tế và những mối quan hệ hữu nghị hợp tác khác giữa hai nước đang phát triển, mặc dù có “16 chữ” và “4 tốt”, vân vân.., song không thể bỏ qua thực tế là kể từ hội nghị Thành Đô 1990 chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với nước ta vẫn là tiếp tục xu thế lấn tới. Tính đến nay Trung Quốc đã thực hiện được sự can thiệp hay thâm nhập đáng lo ngại vào tình hình nội bộ nước ta, tạo ra cho nước ta nhiều mối nguy tiềm tàng. Chỉ cần điểm lại các sự kiện như chiếm thêm 7 đảo ở Trường Sa năm 1988, các hoạt động ngày càng thường xuyên và nhiều lên nhằm uy hiếp nước ta trên biển, xâm phạm rất sâu vào bên trong lãnh hải nước ta, tình trạng nhập siêu, tình trạng hàng nhập lậu và vấn đề biên mậu, vấn đề bauxite Tây Nguyên, vấn đề cho thuê rừng, các hoạt động can thiệp vào nội bộ nước ta, chỉ cần vẽ lên bản đổ nước ta những nơi Trung Quốc đã trúng thầu các dự án kinh tế quan trọng (hạng mục công trình quốc gia, mà nhìn chung là đắt, chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, tiến độ xây dựng chậm…) tại những địa bàn nhậy cảm để bổ sung thêm cho cái nhìn tổng thể,… vân vân và vân.., có thể dễ dàng hình dung mức độ nguy hiểm nghiêm trọng như thế nào. “Hòa hiếu và giữ đại cục” theo kiểu như thế, ta chỉ khuyến khích Trung Quốc siêu cường vừa xoa vừa tiếp tục lấn tới. Trong khi đó vì ta giữ hòa hiếu và đại cục như thế nên cái Trung Quốc núi liền núi sông liền sông teo dần. Không thể không đặt ra câu hỏi vì ta chủ trương “giữ đại cục” như thế, Trung Quốc siêu cường đã đi xa tới đâu trong kịch bản và lộ trình của họ đối với Việt Nam, sắp tới sẽ muốn đi tới đâu?
Tổng thống Chile nói tai nạn và việc cứu nạn được thợ mỏ mắc kẹt trong lòng đất đã đoàn kết nhân dân Chile lại với nhau hơn bao giờ hết. Lãnh đạo nước ta có thể nói với nhân dân ta như vậy được không liên quan đến vấn đề ngư dân ta bị bắt, đến Hoàng Sa, Trường Sa?..
Nguyên nhân sâu xa của tình hình nguy hiểm nêu trên chủ yếu bắt đầu từ những sai lầm và yếu kém của lãnh đạo ta, chứ không phải chủ yếu vì sự chênh lệch quá lớn không lợi cho ta trong so sánh lực lượng của ta với Trung Quốc[27]. Lật các trang báo mạng và báo giấy hàng ngày của Trung Quốc, có thể kết luận: Lãnh đạo và báo chí Trung Quốc nắm rất rõ thực tế này và không cần giữ bí mật việc họ tiếp tục thúc đẩy xu thế vừa xoa vừa lấn tiếp này. Họ nói thẳng là họ đi guốc trong bụng ta! Báo chí Trung Quốc công khai và ồn ào cổ vũ cho xu thế này. Thậm chí trên báo chí đã có ý kiến cho rằng “xử lý” Việt Nam lúc này là thuận lợi nhất và không cần phải làm công tác tư tưởng cho nhân dân Trung Quốc như hồi tháng 2-1979 – ta hỏi lại, được giải thích đây chỉ là ý kiến của một kẻ điên rồ, xin các bạn đừng hiểu nhầm... Đương nhiên, đất nước 1,3 tỷ người thì cũng có thể có 1,3 tỷ ý kiến, trong đó có thể có 1 ý kiến điên rồ.., nhưng câu chuyện phức tạp ở chỗ ai là kẻ có ý kiến điên rồ đó.
Nếu muốn coi tình hình và xu thế như thế vừa kể trên là bí mật quốc gia, thì đấy chỉ là bí mật quốc gia đối với nhân dân ta mà thôi; bởi vì phía Trung Quốc tự cho là đi guốc trong bụng ta và tự đánh giá họ đang có cơ hội lớn nhất cơ mà! Mặt khác, nhân dân ta đủ trưởng thành về chính trị không để cho kẻ “đục nước béo cò” nào có thể lợi dụng việc nhân dân ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia chính đáng vào việc kích động gây chia rẽ trong quan hệ Việt – Trung, hoặc vào việc chia rẽ nội bộ nước ta.
Trước khi bàn về những giải pháp cụ thể cho tranh chấp ở Biển Đông, việc đầu tiên là phải thay đổi lại quan điểm cơ bản về đối ngoại theo hướng thực hiện một nền ngoại giao dấn thân trên nền tảng một nền nội trị lành mạnh của quốc gia như đã trình bầy trên[28]. Không đặt lại vấn đề một cách cơ bản như vậy, mọi khôn ngoan “vụ việc” không thay đổi hay đảo ngược được tình thế cơ bản, thậm chí không hiếm trường hợp chỉ chuẩn bị thêm những tổn thất lớn hơn cho đất nước ta mà thôi.
Trên cơ sở theo đuổi đường lối ngoại giao dấn thân, hoàn toàn có khả năng gìn giữ hòa bình trên Biển Đông, tạo điều kiện mở đường tìm kiếm những giải pháp hòa bình cho những vấn đề tranh chấp.
Ngay trước mắt, cần có ý chí tập hợp hậu thuẫn của nhân dân nước mình và hậu thuẫn của dư luận thế giới cho mỗi bước đi ngoại giao của mình, thực hiện công khai minh bạch để huy động được sự hậu thuẫn không thể thiếu này, lý lẽ sòng phẳng, lời nói điềm đạm như đinh đóng cột[29]. Ý chí và cách làm này là bắt buộc, vì giả thử ta có nhũn nhặn đến mấy, im hơi lặng tiếng đến mấy, để giữ đại cục cho yên thân cũng không yên thân được đâu – đơn giản là vì Biển Đông ta gọi là biển, Trung Quốc gọi là cái ao nhà, hôm trước cam kết với ta hữu nghị, nhưng ngay hôm sau lại bắt ngư dân ta trong biển ta rồi. Rõ ràng cây muốn lặng, nhưng gió chẳng đừng,...
Không thể chờ đợi và sẽ không có chuyện Trung Quốc rút yêu sách “đường lưỡi bò 9 vạch”, nhưng ngoại giao dấn thân và công khai minh bạch có thể huy động được dư luận trong nước và thế giới ngăn cản sự lấn tới của Trung Quốc, và trên cơ sở đó tiếp tục giữ được hòa bình trên Biển Đông, mở đường cho những triển vọng mới sau này. Đây còn là hướng đi cụ thể thúc đẩy quá trình hoàn thành COC, nhất thiết cần xúc tiến.
Có đặt lại một cách căn bản vấn đề đường lối đối ngoại trên nền tảng quốc gia như vậy để xây dựng một nền ngoại giao dấn thân, việc đi tìm các giải pháp cho các vấn đề ở Biển Đông mới có ý nghĩa. Có thể nói ngay, trên cơ sở một nền ngoại giao dấn thân giành được sự hậu thuẫn của trong nước và của cộng đồng thế giới như thế, nước ta có không ít điều kiện để đề xuất những giải pháp phong phú cho đàm phán hòa bình song phương và đa phương nhiều vấn đề trên Biển Đông, dù rằng có nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông phải cần nhiều thời gian và rất nhiều nỗ lực đa phương.
Cũng xin nói ngay với bất kỳ quốc gia thành viên nào trên diễn đàn bàn về Biển Đông, dù là nước lớn hay nước nhỏ, “ngoại giao đi đêm” chẳng những lạc hậu với thế giới ngày nay mà chỉ có tác dụng đầu độc thêm bầu không khí Biển Đông.
Có thể kết luận nước ta hội đủ các điều kiện bảo vệ chủ quyền các vùng biển đảo của mình và gìn giữ hòa bình ở Biển Đông, trở thành đối tác cầu nối của mọi quốc gia trong cộng đồng thế giới, ngoại phi chúng ta nhận thức không đúng về thế giới và tự làm yếu mình.
Dân tộc ta không thể chọn vị trí địa lý cho Tổ quốc mình, nhưng dân tộc ta hoàn toàn có quyền và có khả năng lựa chọn thế giới. Suốt cả thế kỷ XX cho đến nay thế giới chứng kiến: Sự thành/bại của một quốc gia suy cho cùng và trước hết vẫn là là sự thành/bại của nó trong lựa chọn thế giới. Chắc chắn nhân dân ta sẽ có sự lựa chọn của mình.
Tây Hồ, tháng 10-2010, cập nhật tháng 11-2010
Nguyễn Trung
Tài liệu tham khảo
Dan Blumenthal, 2009, "The Erosion of U.S. Power in Asia", Far Eastern Economic Review 1 tháng 5
Hillary Clinton, 2010, Remarks at the ASEAN-U.S. Ministerial Meeting, US State Department 22 tháng 7
Jerome R. Corsi, 2009, America for Sale, New York: Thresholds
Dương Danh Dy, 2010, Cựu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Trương Thanh đã viết những gì trong bài viết của mình, boxitvn 30 tháng 9
Trần Quang Cơ, Hồi ký và suy ngẫm.
Trì Hạo Điền, 2010, Chính sách hoà bình và phát triển của Trung Quốc 20 năm qua đã đi đến đầu cuối, Hoangsa.org
Niall Ferguson, 2009, "This was the decade the world tilted to the East", Financial Times, 28 tháng 12
Martin L. Gross, 2009, National Suicide – How Washington is destroying the American Dream from A to Z, N.Y.: Berkley Trade
H. A. Hynes, 1998, China: the Emerging Superpower, Candian Department of Defense
La Khắc Hoà, 2010, 10 nước tạo thành nguy cơ lớn nhất với Trung Quốc, Văn Hoá Nghệ An 25 tháng 9.
Martin Jacques, 2009, “When China Rules the World: The End of the Western World and the Birth of a New Global Order” , New York: Penguin.
Jesse Lee, 2009, A Dialogue with China, The White House, 27 tháng 7
Edward Luce, 2009, “Obama urged to fix policy vacuum”, Financial Times, 9 tháng 11.
Scot Marciel, 2009, Maritime Issues and Sovereignty Disputes in East Asia, Testimony before US Congress, 15 tháng 7.
Barack Obama, 2009, Remarks by the President at the U.S./China Strategic and economic dialogue, The White House, 27 tháng 7
Robert Service, 2007, Comrades! A History of World Communism, Cambridge, MA.: Harvard University Press
Hoàn cầu Thời Báo, 2010, "Không thể để cho Mỹ xúc xiểm chia rẽ mối quan hệ Trung-Việt", 21 tháng 10.
Greg Torode, 2010a, "Vietnam revives guerilla tactics, South China Morning Post, 4 tháng 10
Greg Torode, 2010b, "US, neighbours push China on sea rights", South China Morning Post, 13 tháng 10
Nguyễn Trung, 2006, Dòng Đời, NXB Văn Nghệ, TPHCM.
Nguyễn Trung, 2010, “Nỗi lo chệch hướng”, viet-studies 4 tháng 10.
Nguyễn Trung, 2010a, “Trách nhiệm lịch sử”, Thời Đại Mới, số 19.
Nguyễn Trung, 2010b, “Việt Nam trong thế giới thập kỷ thứ hai thế kỷ 21”, Thời Đại Mới, số 18.
Nguyễn Trung, 2010c, Biển Đông: Hòa bình song phương? Đa phương? Quốc tế hóa?, Tuần Việt Nam 28 tháng 7
Nguyễn Trung, 2010d, Đoàn kết mới khắc chế được tham vọng của nước lớn, Tuần Việt Nam 3 tháng 8
Jim Webb, 2009, Opening Remarks of Senator Jim Webb at the Senate Foreign Relations Committee Hearing on Maritime & Sovereignty Disputes in Asia, US. Senate, 15 tháng 9
VOA, 2009, ASEAN Meetings End With Promises of Closer Integration, 23 tháng 7
Yoichi Yubanashi, 2010, "Japan-China relations stand at ground zero" , Asahi Shimbun, 9 tháng10
Chú thích
[1] Xem, chẳng hạn, Torode (2010a,b)
[2] Có thể sẽ có câu hỏi, ví dụ: Mỹ đã tiến hành cả một cuộc chiến tranh lớn đánh Iraq thì sao? Xin trả lời: tính chính đáng của mỗi cuộc chiến tranh nào đó có hay không, nhìn nhận dưới góc độ luật pháp quốc tế như thế nào? vv… xin bàn vào một dịp khác. Sống trong cộng đồng thế giới có luật pháp ngày nay không thể xử sự theo cách nghĩ, đại thể: Thế giới còn nhiều sự việc vi phạm luật pháp quốc tế, nên cũng có thể tự cho phép mình vi phạm – môt sự biện hộ như vậy sẽ chỉ thuận lợi cho cái hoang dã còn tồn tại trên thế giới.
[3] Xem Fubanashi (2010): “There are still some uncertainties because the emotions of the people are still boiling over. However, if China continues to act as it has, we Japanese will be prepared to engage in a long, long struggle with China” Để ý: bù lại cho việc Nhật chủ động “xuống thang” (tha bổng truyền trưởng đánh cá Trung Quốc Zhan Qixiong), Nhật và Mỹ hiện nay tăng cường đưa tàu chiến ra tuần tiễu chung quanh Senkaku, kết quả là các tàu ngư chính (còn gọi là các tàu hải giám) của Trung Quốc đã lùi xa khỏi vùng này – phản ánh thái độ mềm nắn rắn buông của Trung Quốc.
[4] Theo số liệu tạm thời thống kê được không chính thức qua điểm lại các báo chí (nghĩa là chỉ có giá trị tham khảo), 63 tàu cá với 725 thuỷ thủ đã bị bắt giữ kể từ năm 2005 tại các khu vực biển của Việt Nam mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, còn thiếu các số liệu ngư dân bị chết... Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sưu tầm và xác lập số liệu chính xác.
[5] Trung Quốc tuy đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhưng vẫn chưa là siêu cường.
[6] Về điều chỉnh chiến lược này, rất nên đọc các bài và sách như sau về quan hệ Mỹ - Trung: (1) Luce (2009) (2) Blumenthal (2009), và nhiều bài báo khác đánh giá sự phát triển hiện nay của hải quân Trung Quốc; (3) Scot Marciel (2009), Robert Scher (2009), và phát biểu của thượng nghị sỹ Jim Webb (2009) (4) Clinton(2010) (5) Obama (2009), Lee (2009) (6) H.A. Hynes (1998), v.v.
[7] Nghĩa là sẽ có thể thay đổi trong tương lai nếu tình thế thay đổi.
[8] Tìm xem VTC News 12-10-2010.
[9] Ferguson (2009)
[10] Nguyễn Trung (2010c, d)
[11] (Điểm 3): “. ..Chúng tôi ghi nhận những yếu tố gắn kết tốt hơn giữa ASEAN và Mỹ. Chúng tôi nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác hiện nay để cung cấp khuôn khổ cho sự phát triển tiếp tục trong quan hệ ASEAN - Mỹ và mở rộng đóng góp đáng kể sự hợp tác vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á cũng như khu vực Đông Á. Chúng tôi hoan nghênh ý tưởng nâng cao quan hệ đối tác của chúng tôi tới một tầm chiến lược và sẽ coi đây là lĩnh vực tập trung ưu tiên của ASEAN - Mỹ. Nhóm Danh nhân sẽ gánh vác việc này nhằm phát triển cụ thể và thiết thực các khuyến nghị hoàn tất vào năm 2011. Chúng tôi cũng hướng tới việc thông qua Kế hoạch Hành động 2011 - 2015…”
[12] (Điểm 18): “…Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của ổn định và hòa bình khu vực, an ninh hàng hải, không cản trở thương mại và tự do hàng hải theo những quy định liên quan được nhất trí của luật pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và những điều luật hàng hải quốc tế khác, đồng thời giải quyết hoà bình các tranh chấp…”
[13] Nguyễn Trung [2010b]
[14] Xem Hoàn Cầu Thời Báo (2010): “…Việt Nam phải cảnh giác, đừng để mình biến thành quân cờ trong chính sách chiến lược ngăn chặn và phòng ngừa Trung Quốc trỗi dậy của Mỹ. Giải quyết vấn đề lãnh thổ Trung Việt đã có được tiền lệ về biên giới đường bộ giữa hai nước và Vịnh Bắc bộ, những kinh nghiệm ấy hoàn toàn không tương hợp với việc đưa lực lượng của Mĩ vào. Trung Quốc sẽ không cho phép Mỹ tùy tiện nêu “ lợi ích quốc gia ” của mình trên biển Nam Hải, hi vọng là Việt Nam cũng chớ có dao động trước sự mơ hồ lẫn lộn của Phương Tây…”
[15] Nguyễn Trung [2010a] đặt vấn đề: Phải chăng ngoại giao nước ta sau 30-04-1975 vấp phải 4 sai lầm lớn là: (1) đất nước rất sớm rơi vào cái bẫy của “vấn đề Campuchia”, (2) để cho Trung Quốc trở thành thế lực đối kháng thù địch đến mức ghi vào Hiến pháp, rồi sau đó lại phải tìm đường liên minh ý thức hệ với Trung quốc ở hội nghị Thành Đô năm 1990, với kết quả hôm nay không đúng như mong đợi, (3) kháng chiến kết thúc 20 năm mới bình thường hóa được quan hệ với Mỹ (1994-95), và (4) sau kháng chiến 35 năm vị thế quốc tế của Việt Nam và ảnh hưởng của nó đối với thế giới bên ngoài không đáp ứng thỏa đáng đòi hỏi của xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hệ quả là những sai lầm này là (a) ngoại giao không đủ sức tránh cho quốc gia những đòn hiểm độc của bên ngoài, và (b) không tạo ra được bối cảnh bên ngoài thuận lợi cho quốc gia sau khi vừa mới bước ra khỏi chiến tranh tàn khốc kéo dài… vân vân…
[16] Trong thực tế những khái niệm, khẩu hiệu nêu trên như đang dùng, trên thực tế đã bị phía Trung Quốc lạm dụng, lợi dụng; phía Việt Nam cũng tự kiềm chế quá mức cần thiết mà yêu cầu ngoại giao đòi hỏi – nghĩa là nịnh và sợ Trung Quốc, trên thực tế là tự làm yếu mình.
[17] Một cuộc điều tra của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn ở Oasinhtơn, cho thấy rằng hầu hết giới lãnh đạo ở châu Á nói rằng trong 10 năm tới, Mỹ sẽ là cội nguồn lớn nhất cho hòa bình trong khu vực, trong khi Trung Quốc sẽ là mối đe dọa lớn nhất. Vì lý do đó, các quốc gia Đông Nam Á gần đây đã hoan nghênh sự hiện diện mạnh hơn về quốc phòng của Mỹ. - “Newsweek” ngày 4/10/2010
[18] Thuật ngữ “tranh chấp Biển Đông” dùng trong bài này xin được hiểu cụ thể là như vậy.
[19] Một ví dụ: Ngay tại nhiều nước phát triển, hàng loạt sản phẩm biến mất và được thay thế bởi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, với không ít hệ quả kinh tế - xã hội tốt và xấu…
[20] Trong ngôn từ, điển hình cho lối tư duy này có lẽ là bài nói của thượng tướng Trì Đạo Hiền (2010)
[21] Vài ví dụ: chuyện “mèo trắng – mèo đen”, thẳng tay đàn áp trong các vụ Thiên An Môn, Tân Cương, Tây Tạng.., trước đó nữa là đại cách mạng văn hóa, sẵn sàng hy sinh miền Tây cả một thời gian dài để phát triển miền duyên hải, chiếm Hoàng Sa của Việt Nam 1956 và 1974, chiếm thêm 7 đảo ở Trường Sa của Việt Nam 1988, chiến tranh biên giới chống Việt Nam 2-1979 gây sức ép và lấn át biên giới Việt – Trung, chính sách ngoại giao “tiêu chuẩn kép”, chính sách duy trì tỷ giá thấp đồng Yuan, các sách báo trên thế giới viết về “chủ nghĩa thực dân mới của Trung Quốc ở Châu Phi”; sự can thiệp ráo riết bằng mọi cách của quyền lực mềm vào các nước, đặc biệt là các nước ráp ranh trong đó có nước ta; một số nước đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng người Trung Quốc di dân ồ ạt, vân vân…
[22] Hàng chục năm nay kinh tế nước ta ra sức khắc phục nạn “đô-la hóa” không xong, hiện nay đồng tiền VNĐ và xuất nhập khẩu của ta đang gặp khó khăn mới là đồng USD mất giá. Hiện nay, toàn bộ xuất siêu của nước ta vào thị trường phương Tây không đủ bù cho nhập siêu của ta từ Trung Quốc; trong những năm gần đây hầu hết những công trình lớn tại những địa bàn quan trọng đều do Trung Quốc thắng thấu dưới dạng chìa khóa trao tay (EPC), đắt, công nghệ lạc hậu, tiến độ thực hiện chậm, gây ra nhiều khó khăn mới cho nước ta trong kinh tế... Rồi còn nạn cho thuê rừng, bauxite Tây Nguyên, sự đổ bể của Vinashin… Trong tình hình nước ta như thế, lại thêm những biến động của thị trường tiền tệ thế giới, thử hình dung nếu xuất hiện thêm sự lũng đoạn của đồng Yuan đối với nền kinh tế nước ta, mọi chuyện sẽ ra sao?! Tự thân tình hình bắt buộc nước ta phải tìm ra cho mình một hướng phát triển mới.
[23] Xem La Khắc Hoà (2010)
[24] Đặc biệt trong 3 vấn đề: (a) môi trường, (b) nguy cơ phân rã; (c) vấn đề dân chủ.
[25] Một trong những ví mẫu mực điển hình cho tầm nhìn dài hạn, với ý đồ lâu dài, thâm sâu và đầy tính thực dụng trong đường lối chính sách của lãnh đạo Trung Quốc là vấn đề Hongkong và Macao. Năm 1949 việc giải phóng 2 khu tô nhượng này hoàn toàn là “chuyện vặt”, quân đội muốn xử lý ngay, nhưng lãnh đạo Trung Quốc hạ lệnh không được đụng tới. 50 năm sau, khi tô nhượng hết thời hạn, Trung Quốc đã mạnh lên rất nhiều, song lãnh đạo Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách “một nước 2 chế độ”. Kết quả của đường lối chính sách này ngày nay mọi người đều rõ.
[26] Xem Nguyễn Trung (2006), quyển một, tập I, trang 366.
[27] Xin lẩy ra một ví dụ: Trong hồi ký của mình, nguyên đại sứ Trung Quốc Trương Thanh viết về hội nghị Thành Đô 1990: “… Giang Trạch Dân biểu thị… hai bên chúng ta nên quán triệt lý luận Đặng Tiểu Bình “kết thúc quá khứ, mở ra tương lai”. […] Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Văn Linh đã nói: “… Đáng tiếc là Lê Duẩn người lãnh đạo tiền nhiệm đã thi hành chính sách sai lầm khiến người ta khó lý giải, khiến quan hệ Trung Việt bị phá hoại nghiêm trọng, nhân dân Việt Nam vô cùng đau lòng. Bây giờ chúng tôi quyết tâm sửa chữa chính sách sai lầm trước đây, khôi phục tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai đảng; cùng đi con đường xã hội chủ nghĩa tốt đẹp”. […] “Chúng tôi tiếp nhận văn kiện khung, kết thúc cuộc xung đột Việt Nam-Campuchia…”. [Dương Danh Dy 2010)- Thử ngẫm nghĩ về đoạn trích này, liên hệ với bài viết của nguyên Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ về hội nghị Thành Đô 1990. Nếu Trương Quốc Thanh viết như vậy, báo chí Trung Quốc nói họ đi guốc trong bụng ta có lẽ không phải là đại ngôn.
[28] Xin nói ngay, trong những năm qua nước ta không ít hoạt động ngoại giao đóng góp được phần đáng kể vào nhiều vấn đề của khu vực và thế giới, đó chính là ý chí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái tiến bộ, là hoạt động ngoại giao dấn thân. Ngoại giao dấn thân như vậy không mới mẻ gì, không hề có nghĩa phải đem của cải đi cho thiên hạ, không cần phải chờ kinh tế giầu lên mới làm được, cũng không phải chỉ có nước lớn mới làm được ngoại giao dấn thân.
[29] Có nhiều nhà ngoại giao và nhà báo đã nói thẳng với ta, đại ý: Bạn là người mất cắp, chúng tôi nhìn thấy kẻ cắp, nhưng bạn không dám la làng, chúng tôi làm sao lên tiếng bênh bạn được! Một năm qua Biển Đông xảy ra bao nhiêu chuyện, lãnh đạo bạn lại nói không có vấn đề gì mới! V.v.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét