Pages

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Cơ Hội Để Sửa Sai và Lịch Sử Sẽ Không Lặp Lại

Nguyễn Hữu Quý


“Tai nạn” đến với tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) bằng sự cố “lũ bùn đỏ” tại Cao Bằng vào đêm 5/11/2010 như là một sự cảnh báo “nhẹ” (không gây thiệt hại về người) của tiền nhân, sau tai họa khủng khiếp về bùn đỏ trên đất nước Hungary xa xôi.

Trong cuộc sống, khi thấy sự bất công, ta thường hay oán trách kẻ gây ra bất công bằng câu “rồi ông trời sẽ có mắt”, hoặc những gì tương đương thế; quả thật, sự cố “lũ bùn đỏ” tại Cao Bằng… như là trời có mắt vậy.

Đối với người Việt Nam, một dân tộc phương Đông, thì tiềm thức về sự linh thiêng của trời đất, vũ trụ lại càng ăn sâu vào tâm trí mọi người, chính vì thế mà mới có: “Hồn dân tộc”, “Hào khí Đông A”, “Hào khí Thăng Long” và lớn hơn tất cả là “Hồn thiêng sông núi”…

Trong suốt chặng đường lịch sử 4000 năm hào hùng của dân tộc, đã không ít lần cha ông ta vận dụng đến “hồn dân tộc” để huy động sức mạnh toàn dân, để đẩy giặc phương Bắc ra khỏi bờ cõi mang lại sự yên lành. Đến tận ngày nay ta như vẫn còn nghe văng vẳng: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ rành rành định phận ở sách trời”; ngay cả đến áng hùng văn bất hủ Đại cáo Bình Ngô, ở đoạn kết, đại thi hào Nguyễn Trãi cũng đúc kết: “Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ”…

Với sự cố “lũ bùn đỏ” tại Cao Bằng, liên hệ đến dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, ta thấy rõ rằng, không thể mang sự an nguy của cả đất nước đặt vào tay TKV được, cũng không thể tin tưởng được ở ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên, khi ông này chỉ dựa vào “về mặt lý thuyết”…

Nhưng trên hết, Hồn thiêng sông núi, như đang cảnh cáo những ai đã trót hứa với… ai đó những lời hứa tưởng như không thể không dừng lại được, mà nhân dân Việt Nam không biết nguyên nhân là từ đâu (!?), để rồi phải tự đặt những câu hỏi: Quyết liệt khai thác bauxite Tây Nguyên bằng mọi giá? [1]; hay: Việc TKV quyết liệt khai thác bauxite Tây Nguyên bằng mọi giá là do một "món nợ " của ai đó cần phải trả, nếu không trả thì không xong chăng? [2].

Sẽ chẳng có ai trả lời được các câu hỏi trên, trừ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mà hôm nay đang họp kỳ họp thứ 8 – khóa XII; bởi vì không có bất kỳ ai, dù ở chức vụ nào, nhân danh nào… được quyền đứng trên Hiến pháp nước CHXHCNVN.

Vì thế, sau sự kiện tại Hungary và bây giờ là lũ bùn đỏ tại Cao Bằng, đây là cơ hội cuối cùng, mà Hồn thiêng sông núi, Trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ… gửi lại cho hậu thế hôm nay.

Hay là người Việt Nam hôm nay còn phải đợi cho đến khi: “Hòn đất mà biết nói năng”…?

Viết đến đây lại nhớ đến thi sĩ Tản Đà : “Dân hai lăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

Thạch Giản trong bài “Câu thơ Tản Đà như sấm” [3] viết: “Dẫu có thế nào thì trẻ con cuối cùng vẫn thành người lớn, vì có sự dạy dỗ của cha mẹ, của xã hội. Nhưng một dân tộc thì ai dạy dỗ? Nếu không phải là chính chúng ta, những người chủ của đất nước này. Cả tôi lẫn bạn hãy suy ngẫm, hãy kiểm điểm thật kỹ bản thân, vì tư duy của chúng ta hãy còn trẻ con lắm, dù đã 4000 năm tuổi. Lạy cụ Tản Đà, mong cụ linh thiêng chỉ bảo chúng con vài lời”.

Tôi thì nghĩ khác tác giả Thạch Giản một chút, rằng Hồn thiêng sông núi, báo về hồng phúc như vậy là đủ rồi ; giờ là lúc Quốc hội nước CHXHCNVN, là cơ quan do nhân dân cử ra, nơi tập hợp những bộ óc thông minh của dân tộc Việt Nam; cần phải đặt lại tính hợp pháp và hợp hiến của dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên từ đầu; và mọi thứ sẽ được giải đáp từ đó mà ra.

Lịch sử sẽ không lặp lại nữa đâu, vì cơ sở để dừng triển khai dự án khai thác bauxite Tây Nguyên đã quá đủ rồi!

Không có nhận xét nào: