Pages

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Cớ sao phải sợ?

Tuệ Vân



Ông Lê Hiếu Ðằng có thời từng là phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Thành Phố Sài Gòn sau ngày thành phố này rơi vào tay Cộng Sản hồi tháng 4, 1975. (Hình: Người Việt Online)




Những thời gian gần đây trong nước đã có những phát biểu tạo sự chú ý cho dư luận. Một trong những phát biểu đó là lời tuyên bố của ông Lê Hiếu Ðằng, Luật gia, nguyên phó tổng thư ký UBTƯ Liên Minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình VN, nguyên phó chủ tịch MTTQVN TP Sài Gòn. Hiện là phó chủ nhiệm Hội Ðồng Tư Vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc UBTƯMTTQVN. Ông Lê Hiếu Ðằng cho rằng: “Toàn dân không thể thụ động ngồi chờ chính quyền tự thay đổi. Trong đời hoạt động của mình tôi luôn được dạy rằng: không có người cai trị nào tự nguyện từ bỏ quyền lực, ghế ngồi của mình. Dân chủ chỉ có được qua đấu tranh. Ðấu tranh mà không phá vỡ sự ổn định xã hội, đó là bài toán phải giải quyết, nhưng quyết không thể nhân danh ổn định mà kìm hãm cuộc đấu tranh để xây dựng nền dân chủ.”

Những phát biểu trên của ông Lê Hiếu Ðằng đã nói lên điều gì? Liệu nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam có thể nào gán ghép cho lời phát biểu của ông Lê Hiếu Ðằng với tội hình sự 88, âm mưu lật đổ chính quyền hiện hữu?

Ði vào nội dung câu nói thì phát biểu của ông Lê Hiếu Ðằng đã chỉ ra được thực trạng của chế độ độc tài là không chia sẻ quyền lực cai trị với bất cứ ai. “Dân chủ chỉ có được qua đấu tranh.”

Cũng theo ông Ðằng, đường lối của chính quyền cộng sản Việt Nam ngày nay đã đi ngược lại với lợi ích của đại đa số dân tộc Việt Nam. Ông Ðằng nói: “Cách làm ăn của chúng ta liệu có khác gì thời kỳ tư bản man rợ: xua đuổi nông dân để chiếm đất, bần cùng hóa một bộ phận dân cư để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bàn tay lông lá của các tập đoàn lợi ích ngày càng thọc sâu vào các chính sách quốc gia. Thật hết sức đáng lo. Lòng dân đang rất bất an, dân không thể tiếp tục tin yêu chế độ nếu tình hình cứ tiếp tục thế này. Những vấn đề trên không thể nào giải quyết nếu không nhanh chóng thực hiện dân chủ thực sự.”

Lo ngại của ông Ðằng là đúng, người dân Việt Nam không thể ngồi yên, chịu đựng mãi những cảnh tàn nhẫn bất công của chế độ biến thái đang liên kết với những nhóm lợi ích thẳng tay tước đoạt tài sản, đất đai nhà cửa của người dân, biến dân thành những người vô gia cư, với những số tiền đền bù không đủ sống, gia đình phải phân ly, trong khi những quan chức đảng viên của chế độ thì cười hả hê qua những phần tiền được chia chác từ các nhóm quyền lợi.

Thấy được sự mỉa mai của sự ám ảnh của cái còng sắt trước tội hình sự 88, trước những đôi mắt cú vọ của đồng chí, ông Lê Hiếu Ðằng đã lên tiếng trấn an ông và các đồng chí của ông: “Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, chúng ta không có gì phải sợ, tôi muốn nhắc lại điều tâm niệm này cho chính mình mà cũng là điều muốn nhắn gửi các đồng chí, đồng đội, bạn hữu của mình và tất cả những ai còn trăn trở với những vấn đề của đất nước, của dân tộc. Mà tại sao chúng ta phải sợ? Những người phải sợ là những người đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chắc chắn họ sẽ bị nhân dân chối bỏ, bị lịch sử phủ nhận.”

Có người cho rằng những lời nói trên của ông Ðằng tuy đúng nhưng đến quá muộn. Ông Nguyễn Hộ vào thập niên 80s đã phát biểu: “Hơn 60 năm đi theo con đường cách mạng Cộng Sản, nhân dân Việt Nam đã chịu đựng vô vàn hy sinh và rồi cuối cùng chẳng được gì cả. Ðất nước vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu như thủa xưa, nhân dân không được no ấm và hạnh phúc, không được tự do và dân chủ. Ðó là một sỉ nhục.”

Những người lạc quan tuy nhiên lại bảo rằng đấu tranh không lúc nào bị coi là muộn, miễn là có tấm lòng thành thật và có sự quyết tâm.

Ðúng thế, chế độ cộng sản đang hủy diệt đất nước. Tương lai dân tộc đang trên bờ vực thẳm. Cha ông Việt Nam ngày xưa đã xả thân vì hạnh phúc cho những đời sau. Ông Lê Hiếu Ðằng ít nhiều cũng đã có sự trăn trở của ông, còn những đồng chí cật ruột của ông nay đâu? Ðấu tranh cho đất nước cớ sao phải sợ? (Nguồn: Báo Tổ Quốc)

Không có nhận xét nào: