Pages

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Con cọp Việt Nam đang đi cà nhắc

Giới đầu tư ngoại quốc nhận xét:



HÀ NỘI 5-12 (TH) - Khi chế độ Hà Nội bắt đầu chương trình “đổi mới” kinh tế hai thập niên trước, đã có những lời dự báo là Việt Nam sẽ trở thành một trong những con cọp ở Á Châu.


Hai người đàn ông đang đẩy một xe đất tại một địa điểm xây cất gần một khu công nghệ ở ngoại ô Hà Nội hôm mùng 3 tháng 12, 2010. Giới đầu tư ngoại quốc báo động “con cọp” Việt Nam đang đi cà nhắc. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)


Các định chế tài chính quốc tế, các nước kỹ nghệ tân tiến đã yểm trợ tối đa với các khoản tín dụng ưu đãi khổng lồ. Giới đầu tư ngoại quốc cũng nườm nượp theo nhau đổ tiền vào đây, mở các cơ sở sản xuất.

Nhưng bây giờ, các nhà đầu tư ngoại quốc cảnh cáo rằng nếu nước này không tiến hành nhanh các kế hoạch cải cách để cứu nguy nền kinh tế tài chính đang có rất nhiều vấn đề hầu có cơ hội bám theo chân các nước trong khu vực, Việt Nam sẽ càng ngày càng bị bỏ rơi lại phía sau.

Hệ thống hạ tầng quá tải, lực lượng lao động quá kém về khả năng chuyên môn, thủ tục hành chính cồng kềnh chồng chéo, và tham nhũng thì đầy ngập từ trên xuống dưới, đang là một số trong những vấn đề mà giới đầu tư nêu ra để phê bình về bầu khí đầu tư ở Việt Nam.

Các vấn nạn này chẳng có gì mới. Năm nào cũng vậy, trước các kỳ họp cấp viện mà năm nay dự trù diễn ra vào các ngày 7 và 8 tháng 12, 2010, giới đầu tư ngoại quốc lên tiếng đả kích và đòi chế độ Hà Nội hành động nhanh chóng, nhưng rồi có bao nhiêu tác dụng? Ðiệp khúc được lập đi lập lại với các lời hứa hẹn suông từ những người có thẩm quyền cao nhất của chế độ Hà Nội hơn chục năm qua.

“Hầu hết các nhà đầu tư ngoại quốc đều đồng ý rằng, Việt Nam là một thị trường có tiềm năng vô cùng lớn.” Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Phòng Thương Mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) phát biểu với hãng thông tấn AFP. “Tuy nhiên, nước này đang phải vật lộn để với tới cái tiềm năng hiện đang bị cản trở bởi nhiều thứ trở ngại kinh niên đối với đầu tư.”

Trong hai thập niên qua, Việt Nam, có lúc từng được coi là nước có mức tăng trưởng nhanh nhất Á Châu chỉ sau Trung Quốc, tăng trưởng trung bình 7.1% từ 1990 đến 2009 theo tài liệu của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu. Với lợi tức đầu người trung bình $1,200/năm, Việt Nam bây giờ được coi như xứ “có lợi tức đầu người trung bình” theo tiêu chuẩn của Ngân Hàng Thế Giới.

Nhưng Việt Nam còn thua xa lắc xa lơ những mô hình phát triển kinh tế khác trong khu vực như Ðài Loan, Singapore và Nam Hàn (được coi là các con cọp kinh tế Á Châu) mà Việt Nam có tham vọng mô phỏng.

Việt Nam “có cơ nguy sập cái bẫy lợi tức trung bình, không có khả năng vươn lên từ một nền kinh tế dựa vào giá nhân công rẻ và sản xuất dựa vào công nghệ lạc hậu.” Matthias Duhn, giám đốc điều hành Phòng Thương Mại Âu Châu tại Việt Nam (EuroCham) nhận xét.

Những lời khuyến cáo trên được đưa ra vào lúc đảng CSVN chuẩn bị họp đại hội đảng dự trù vào giữa tháng 1 năm 2011 để bầu lãnh tụ mới cùng với sự sắp xếp lại nhân sự trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng, chủ tịch nước, thủ tướng và chính phủ.

Ðại hội vừa kể không phải có kết quả minh bạch từ những cuộc bầu bán, biểu quyết công khai, mà đến từ các cuộc vận động ngầm theo phe cánh hay nhóm lợi ích, chạy đua, không loại trừ mua bán ghế từng được nói đến rất nhiều. “Có chức, có quyền, có tiền, có thế” là những đặc trưng của guồng máy cai trị độc tài đảng trị tại Việt Nam. Những lời kêu gọi chế độ Hà Nội công khai minh bạch ngân sách, chính sách kinh tế tài chính, trả lại các quyền tự do căn bản lại cho người dân, cũng đều rơi vào quãng không.

Từ một tuần qua, nhiều lời khuyến cáo của giới chuyên viên kinh tế tài chính quốc tế trước khi có cuộc họp cấp viện, hy vọng lọt đến tai các lãnh tụ của chế độ, theo lời ông Benoit de Treglode, giám đốc Viện Khảo Cứu Về Ðông Nam Á Hiện Ðại, nói với AFP.

Các nhà đầu tư ngoại quốc lập lại những quan tâm của họ hôm Thứ Năm vừa qua trên Diễn Ðàn Doanh Nghiệp Việt Nam, do Ngân Hàng Thế Giới và Bộ Kế Hoạch Ðầu Tư Việt Nam phối hợp tổ chức. Họ thúc giục cải tiến hạ tầng, nâng cao khả năng chuyên môn cho công nhân, phân quyền hành chính rộng rãi hơn cũng như nhiều vấn đề khác cũng cần cải cách.

Trong cuộc họp vừa nói, đại diện AmCham cũng cáo buộc Việt Nam đã vi phạm cam kết quốc tế khi gia nhập WTO là Việt Nam đã ra luật kiểm soát giá cả đối nhắm vào các công ty ngoại quốc.

Một số viên chức của chế độ nhìn nhận cần phải sửa đổi, theo tin AFP.

“Quá nhiều chú trọng vào việc gia tăng số lượng đầu tư thay vì phẩm chất của cuộc đầu tư, khả năng sản xuất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.” Trần Tiến Cường, viên chức thuộc Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (CIEM) phát biểu gần đây như thế trên tờ báo điện tử TTXVN.

Ước tính của EuroCham cho rằng Việt Nam cần từ $70 tỉ đến $80 tỉ để cải tiến hệ thống hạ tầng từ đường lộ, đường sắt đến cảng biển trong vòng 5 đến 10 năm nữa. Con số này có thể lên đến $120 tỉ nếu cộng cả vào đó các dự án điện năng mà hiện nay, nạn cúp điện xảy ra như cơm bữa khắp nơi.

Những quan tâm mà giới đầu tư ngoại quốc cũng lập lại trong cuộc họp thứ năm tuần trước là tệ trạng tham nhũng vòi vĩnh hối lộ vẫn còn nguyên và sự mất ổn định của đồng bạc Việt Nam, bị phá giá 3 lần trong vòng một năm qua.

Một số quan tâm đặc biệt đến sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam những tháng gần đây khi vỡ lở vụ phá sản của tập đoàn đóng tàu Vinashin và tình trạng bấp bênh của những tập đoàn tổng công ty quốc doanh “chủ đạo của nền kinh tế” nổi tiếng về “lãi giả lỗ thật”.

Ông Sitkoff cho hay rất lấy làm tiếc là chế độ Hà Nội vẫn cứ tiếp tục lấy hệ thống kinh tài quốc doanh làm “kinh tế mũi nhọn” dẫn đầu cho cả guồng máy kinh tế.

“Các nhà đầu tư tự hỏi không biết cái tập đoàn nào sẽ đổ tiếp theo, hoặc công ty nào khác sẽ bị buộc phải ôm cái tài sản xấu của công ty khác (sắp chết) vào mình”. Ông nói.

Một nhà đầu tư ngoại quốc giấu tên nói rằng với một triệu người trẻ tuổi gia nhập thị trường lao động mỗi năm, chế độ độc tài ở Hà Nội chỉ lo làm sao còn giữ được quyền lực.

Không có nhận xét nào: