Pages

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Hiện tượng mới mà không lạ ở Việt Nam

Ðại Dương


Bối cảnh lịch sử đã hình thành hai khối người Việt quốc nội và hải ngoại với tư duy dân chủ và độc tài đối chọi nhau mà đôi lúc cũng có hiện tượng thỏa hiệp vì quyền lợi cá nhân.

Một cuộc biểu tình chống Cộng của cộng đồng Việt Nam tại New York. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)



Do đó, công cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam tự do, dân chủ, phú cường ngày càng phức tạp và khó khăn, thậm chí có vẻ muốn tuột khỏi tầm tay dân tộc.

Khối người Việt hải ngoại ngày càng phình to về số lượng mà sụt giảm về phẩm chất khi công dân xã hội chủ nghĩa thâm nhập qua các đường dây buôn người, di dân chính thức hoặc bất hợp pháp, du lịch đã mang theo các tệ nạn buôn lậu, ăn cắp, lường gạt, trồng cần sa, rửa tiền. Tỉ lệ tị nạn Cộng Sản, tị nạn chính trị ngày càng giảm so với di dân kinh tế nên “tiền là tiên là phật đánh bật lý tưởng tự do.”

May ra, người Việt hải ngoại chỉ còn nửa phần hồn hướng tới tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam vì họ chẳng có trách nhiệm và bổn phận trực tiếp đối với vận mệnh dân tộc.

Vì thế, sự thay đổi tại Việt Nam nằm trong tay khối người Việt quốc nội đang bị chi phối bởi nhiều ngộ nhận lịch sử và điều kiện tư duy khuất phục cứ như bị sa vào đầm lầy.

Hai khối này trông chờ, canh chừng nhau trong ngờ vực và đều bị nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa giám sát hoặc theo dõi với từng mức độ khác nhau.

Niềm tin về biện pháp xuyên thủng bức màn sắt bằng vũ khí tin học để làm thay đổi thể chế độc tài hình như ngày càng bớt lạc quan vì hai yếu tố chính.

Thứ nhất, Internet vốn là một phương tiện trung lập không hề thiên vị với độc tài hoặc dân chủ nên lan truyền tin tức, thu thập dữ kiện từ nhiều nguồn khác nhau chưa chắc đã dẫn tới một sự thay đổi tư duy của mỗi con người.

Tình trạng nhiễu loạn thông tin khi những tài liệu về dân chủ, nhân quyền cứ chuyển đi, truyền lại lòng vòng khiến cho người nhận không còn thích thú với hộp thư điện tử đầy ắp nội dung tương tự. Chủ nhân không còn thì giờ để tìm kiếm thông tin cần thiết nên mất hết kiên nhẫn để đọc mà chỉ có bực dọc xóa bỏ.

Rất nhiều người Việt quốc nội cũng như hải ngoại miệt mài thu thập tin tức thượng vàng hạ cám rồi chuyển cho nhiều địa chỉ cùng một lúc mà không tự hỏi người nhận sẽ thích thú hay khó chịu. Thực tế, chẳng phải ai cũng có nhu cầu tri thức giống nhau và họ đã có phương tiện truy cập tương tự ắt không cần nhờ đến kẻ khác. Cách sử dụng Internet vô trách nhiệm đã tác hại không ít đến khát vọng tự do, dân chủ mà người Việt hằng ấp ủ.

Mỗi công dân mạng đều có nhu cầu phục vụ cá nhân riêng biệt tùy thị hiếu nên khó biết lĩnh vực họ thích tìm biết, học hỏi về chính trị, kinh tế, quân sự, văn học, nghệ thuật, giáo dục hoặc giải trí. Hơn nữa, chưa chắc họ đọc để gạn lọc tinh túy hữu dụng hoặc chỉ nhằm mục đích bài xích.

Vì thế, tự do thông tin như con dao hai lưỡi mà người sử dụng cần tính toán cẩn thận mới mang lại hiệu quả như mong muốn.

Thứ hai, các chế độ độc tài biết rõ không thể ngăn cản luồng thông tin trong thế giới ảo nên tìm cách gây nhiễu loạn và lèo lái công luận, theo dõi phản ứng của quần chúng.

Chế độ độc tài không chịu sự giám sát của dư luận nên có thể đổi chác tài nguyên, lợi thế thị trường để đòi các công ty đa quốc, nhà đầu tư nước ngoài phải chia sẻ kỹ thuật tin học và trợ giúp kỹ năng nhằm tạo ra mạng lưới giám sát hoạt động của công dân trong thế giới ảo. Nhờ thế, nhà nước có thể theo dõi, hạn chế thông tin từ khắp nơi Việt Nam.

Tài liệu luân chuyển trong thế giới ảo có trung thực, thật hay giả quả khó lường vì có thể sử dụng nhiều bút hiệu, tên giả sẽ khiến cho “cộng đồng mạng” như bị rơi vào tâm bão chẳng còn phân biệt được phương hướng. Mỗi bài tiểu luận dài khoảng 5,000 chữ, rất lang bang khiến cho độc giả mệt nhừ mà chỉ tóm được toàn râu ria, kém phần bổ ích.

Nhà nước còn có thể thuê những ngòi bút hưu trí từng tham chính để đánh bóng đường lối đúng đắn của đảng Cộng Sản và phê bình đại khái các sai lầm nhỏ nhặt.

Hôm 7 tháng 10, 2010, Chủ Tịch Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam Trần Phương đã mở cuộc hội thảo với cả tá cán bộ hưu trí từng phục vụ cho tổng bí thư, thủ tướng, hoặc cầm đầu viện nguyên cứu, hoặc cựu phó thủ tướng nhằm “Góp ý cho các Dự thảo Văn kiện Ðại hội XI của Ðảng.”

Ða số chê bai dự thảo luộm thuộm, thụt lùi so với Ðại hội X, đòi cải tổ chính trị, nới rộng dân chủ nghe rất khoa trương, nhưng, thiếu thuyết phục vì cứ như nhai lại phát biểu của giới lãnh đạo cao cấp từng được phổ biến rộng rãi mà không lọt tai dân chúng. Họ phải than “có bao giờ góp ý lọt được vào nghị quyết đâu”.

Lớp cán bộ cao cấp này khi còn tại chức, có nhiều lợi thế và môi trường để thực hiện những điều họ đòi hỏi bây giờ thì tại sao không làm? Vì sợ mất ghế hoặc vẫn chưa hiểu thấu đáo hay cố tình không phân biệt giữa dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản?

Tại Quốc Hội, Dân Biểu Boris Yeltsin đứng lên tuyên bố từ bỏ đảng Cộng Sản Liên Xô và phủi đít ra đi trước sự sững sờ của đồng viện đã truyền tải tâm tư chán ghét chủ nghĩa cộng sản của dân chúng nên trở thành con chim đầu đàn trong công cuộc dân-chủ-hóa nước Nga mà chẳng ai lầm lẫn. Tổng bí thư Mikhail Gorbachev còng lưng cải tổ chính trị Liên Xô vẫn thất bại. Nhưng, Yeltsin rất thực tế “đảng cộng sản chỉ xóa bỏ chứ không thể cải cách”.

Ngược lại, nhiều cây bút dù với nhãn hiệu “phản kháng” hoặc “chuyên gia có lòng với dân tộc” vẫn khư khư giữ chặt chiếc vòng kim cô khi phát biểu. Những “dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng” hoặc “đảng cộng sản nên tách thành 2 đảng cấp tiến và bảo thủ để phục vụ đất nước tốt hơn” hoặc “phải dân chủ trong đảng trước”.

Tất cả mớ lý luận như thế không hề sai đường lối “đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện xã hội”. Dĩ nhiên, chẳng còn mảnh đất nào cho dân chúng trồng cây dân chủ!

“Dân Việt Nam không muốn chiến tranh mà chỉ cần xây dựng đất nước, tránh xáo trộn làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế”.

Nếu Lech Walesa của Ba Lan và Vavlav Havel cũng sợ làm đất nước xáo trộn như trí thức Việt Nam thì các quốc gia Ðông Âu phải gắn thêm chiếc đuôi kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa!

Dân Việt Nam chẳng muốn chiến tranh huynh đệ tương tàn, không thích xâm lăng nước khác bằng nghĩa vụ quốc tế vô sản. Nhưng, cần quyết liệt với kẻ nội thù đang dìm dân tộc trong cảnh lạc hậu, chuyên bán tài nguyên thiên nhiên, trinh tiết phụ nữ, cho thuê sức lao động với giá bèo để lập lại niềm hãnh diện Hồng Lạc.

Vài khuôn mặt phản kháng được thổi phồng từ quốc nội cho chí hải ngoại vì những tuyên bố hùng hồn cứ như Từ Hải “gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”, nhưng, mới bị nhà nước nháng một cái đã than “bó thân về với triều đình, hàng thần lơ láo phận mình ra sao”. Họ tự kiểm duyệt từ lời nói lẫn hành động khiến cho dư luận chỉ còn biết chép miệng “À, ra thế!”.

Bà Aung San Suu Kyi âm thầm nuốt lệ với tin người chồng đang hấp hối ở Luân Ðôn vì ra đi sợ phản bội niềm tin của người Miến Ðiện. Tấm thân tưởng như gió thổi bay của bà không hề khuất phục trước giới tướng lãnh trang bị tận răng chỉ vì dốc tâm mang lại dân chủ cho dân tộc.

Người Việt hải ngoại chỉ có nửa phần hồn hướng về Việt Nam, trong khi người Việt quốc nội cứ khư khư giữ chặt chiếc vòng kim cô do đảng cộng sản đặt lên đầu, thế thì, đến bao giờ đất nước mới được tự do, dân chủ, phú cường.

(Nguồn: Báo Tổ Quốc)

Không có nhận xét nào: