Pages

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Đại hội đảng – đại hội của những kẻ cai trị

Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, khai mạc ngày 12-01-2011 và đang diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Trong bài diễn văn khai mạc, ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban bí thư, tuyên bố lý do của đại hội đảng là theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản.
Điều này có nghĩa do nắm vị trí độc tôn lãnh đạo chính trị, đảng cộng sản đã biến đại hội của một đảng phái chính trị thành hội nghị chính trị toàn quốc nhằm thông qua cương lĩnh chính trị, đề cử nhân sự và vạch hướng đi cho một đất nước với gần 90 triệu dân.

Điều lệ đảng phái trở thành luật lệ điều hành đất nước và xã hội – thay vì do Hiến pháp và pháp luật quy định.

Tính đại diện của đại hội

Theo báo điện tử đảng Cộng sản Việt Nam, đại hội đảng XI có sự tham dự của 1377 đại biểu đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên đảng cộng sản sinh hoạt ở gần 54.000 tổ chức cơ sở đảng trên cả nước. Trước khi đại hội đảng toàn quốc diễn ra, tại các cấp cơ sở đảng bộ từ cấp tỉnh, thành phố, đến cấp thị xã, huyện, phường xã đã lần lượt tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở.

Bên cạnh đó các cơ quan, ban ngành trực thuộc bộ máy nhà nước và chính phủ từ dân sự, các hiệp hội, đến công an, quân đội đều lần lượt tổ chức đại hội đảng bộ – với mọi chi chí do ngân sách quốc gia đài thọ do người dân Việt Nam thọ thuế đóng góp.

Các đại biểu đại diện được lựa chọn từ các đại hội đảng bộ này. Họ đại diện cho đảng bộ cơ sở của chính họ, họ đại diện cho chính họ – và trên hết – họ đại diện cho quyền lợi chính trị và vật chất của đảng cộng sản và những người cộng sản.

Người dân Việt Nam – những người trong số còn lại của gần 90 triệu dân không phải đảng viên cộng sản – được hoặc bị thọ hưởng “chính sách ba không”: không dự phần, không có phần, và không có bất kỳ tiếng nói nào về các chủ trương và chính sách được thông qua trong đại hội đảng, cũng như trong việc bầu chọn thành phần nhân sự trong guồng máy lãnh đạo đất nước.

Cương lĩnh xây dựng đất nước

Trong bài diễn văn khai mạc đại hội, ông Trương Tấn Sang nêu rõ mục đích của đại hội đảng XI là nhằm

“thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), quyết định Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, bàn phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011-2015; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và bầu Ban Chấp hành Trng ương Đảng khóa XI.”

Điều thật khôi hài, dù không ngạc nhiên, và khó hiểu là sau hơn 65 năm khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – vốn đã kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa ngay từ lúc mới ra đời – và sau hơn 35 năm đất nước có hòa bình và hai miền Nam-Bắc thống nhất (về mặt địa lý), Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cho rằng đất nước đang trong thời kỳ quá độ đi lên (xuống) chủ nghĩa xã hội.

Các câu hỏi được đặt ra là vậy đến bao giờ thời kỳ quá độ – tức thời kỳ chuyển tiếp chính trị – mới chấm dứt và mất bao lâu nữa để tiến lên chủ nghĩa xã hội? Tại sao đảng cộng sản luôn cho rằng đất nước vẫn trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội?

Người viết bài này tin rằng đảng cộng sản dùng tên gọi thời kỳ quá độ một cách kiên trì, có chủ ý và mang tính chiến lược nhằm mục đích ru ngủ người dân Việt rằng đất nước vẫn đang trong thời kỳ chuyển tiếp do hậu quả của chiến tranh. Mà chuyển tiếp thì không nên hoặc không thể đòi hỏi hay trông mong gì nhiều – từ mức độ cởi mở chính trị, việc thực thi và bảo vệ các quyền con người, cũng như cơ hội vươn lên trong xã hội – nếu bạn không phải là đảng viên đảng cộng sản.

Hay nói cách khác, đảng cộng sản đặt ra các mục tiêu phát triển về chính trị, kinh tế và dân quyền ở chuẩn mực thấp nhất có thể và đầy tính mơ hồ. Vì thế bất kỳ sự lãnh đạo yếu kém nào của Đảng Cộng sản Việt Nam – qua các chính sách và chủ trương – không thể xem là một thất bại chính trị hoặc đảng cộng sản phải chịu trách nhiệm.

Và mục tiêu cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam là bằng mọi giá duy trì quyền lãnh đạo chính trị độc tôn nhằm quy trì quyền lợi vật chất cho đảng cộng sản và người cộng sản. Cương lĩnh chính trị, chính sách hay các nghị quyết được đại hội đảng thông qua, việc chọn lựa hoặc thay đổi thành phần lãnh đạo chỉ nhằm đạt đến mục tiêu này.

Đó là chủ trương nhất quán của đảng cộng sản.

Tương lai nước Việt

Với sự tiếp tục thống trị chính trị độc tài của đảng cộng sản, với các chính sách chính trị, kinh tế xã hội – trước và trên hết – nhằm phục vụ quyền lợi chính trị và vật chất cho đảng cộng sản và đảng viên cộng sản, viễn tượng tương lai một nước Việt phồn thịnh với các quyền căn bản con người được bảo vệ, với các khuynh hướng chính trị khác nhau được chấp nhận, với bờ cõi và quyền lợi đất nước được gìn giữ sẽ khó trở thành hiện thực, nếu không nói là xa vời dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Nguyên nhân sâu xa là con đường đi đến một Việt Nam phồn thịnh – có tự do và dân chủ – bị đảng cộng sản và những người cộng sản án ngữ – với chủ trương độc đảng toàn trị, đặt quyền lợi và sinh mạng của đảng cộng sản lên trên quyền lợi đất nước.

Đại hội đảng XI, như bao kỳ đại hội trước, chỉ là một dịp để giai cấp thống trị và những kẻ cai trị ngồi lại ca tụng nhau, kể lể thành tích (phá) trong quá khứ, bầu bán cho nhau, cân đo và phân chia quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế cho nhau. Họ không hề đếm xỉa gì đến vai trò của người dân Việt hoặc những người không cộng sản.

Vì lẽ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiêu hủy tương lai đất nước – tương lai của gần 90 triệu công dân – khi người cộng sản đã và đang mải mê trên con đường theo đuổi và mưu cầu quyền lợi chính trị và vật chất cho chính họ.

Với bản chất cố chấp, cực đoan, thiển cận và hẹp hòi – Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ thực hiện những thay đổi về chất nhằm đưa vận mạng đất nước đi lên.

Không có nhận xét nào: