Gần đây, trong khi lần mò đọc các blogs trong nước, tôi chợt thấy có người nói là ngày nào còn thấy “có ba ông râu xồm” trên “bàn thờ đảng” là ngày đó chúng ta không khá được.
Ðã lâu lắm rồi tôi mới nghe đến “ba ông râu xồm”! Lần cuối tôi nghe đến ba ông là trong một bữa nhậu ở vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long.
Hồi đó, trong những ngày đầu của Ðổi Mới, tại các tỉnh, mỗi tỉnh thường có một hai ông trưởng các ban khoa học kỹ thuật. Ða số họ là những phó tiến sĩ, tốt nghiệp từ các trường đại học nổi tiếng của Ðông Âu, nhưng vì không phải là con ông cháu cha, họ bị đẩy về làm ở các tỉnh. Không có việc làm, bất lực, chướng tai gai mắt, tất cả cộng lại làm cho họ trở thành những người vô cùng bất mãn.
(Cũng xin đính chính một điều là học vị phó tiến sĩ quả là rất đáng kính nể trong hệ thống giáo dục Liên Xô cũ. Ðây là bằng cao nhất mà các trường đại học cấp. Nó tương đương với bằng PhD của các trường đại học Tây phương. Bởi theo hệ thống Liên Xô, bằng tiến sĩ chỉ có Hàn Lâm Viện cấp và phải có nhiều công trình học thuật mới được cấp bằng tiến sĩ. Dĩ nhiên, đại học xã hội chủ nghĩa có nhiều ông là phó tiến sĩ hữu nghị, nghĩa là con nhà, được cho đi học và cấp bằng mặc dầu không học được gì cả. Nhưng đa số các vị phó tiến sĩ đã có học lực thực sự.)
Ở Ninh Bình, tôi đã gặp một ông phó tiến sĩ chuyên về môi trường. Còn trẻ, vẫn còn hăng máu, ông tức mình khi thấy ô nhiễm lan tràn. Hôm tôi tới thăm, ông mời tôi đi xem một hiện tượng mà ông nói chứng tỏ “sự thiếu thông minh ngoài sức tưởng tượng”. Ông đưa tôi ra cuối thành phố, nơi Núi Cánh Diều đứng sừng sững. Những ở xa xa, một làn khói xám đặc đang từ chân núi bốc lên, bị gió đẩy lại và đang lơ lửng trên bầu trời thành phố. Ông phó tiến sĩ bảo tôi “Ðó là nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, xây xong năm 1974, công nghệ Trung Quốc phế thải, ô nhiễm khủng khiếp. Chưa hết, các vị sợ rằng vẫn còn phải đánh Mỹ, đem nhà máy chôn sâu xuống để che cột khói. Thành ra, bây giờ bao nhiêu khói nhà máy thải ra, bình thường không đi đâu được cả, cứ nằm yên trên bầu trời thành phố!” Khi tôi hỏi có đến gần được không, ông cười trả lời “Tôi không dám tới gần. Sau nhiều lần tôi khiếu nại, nhà máy bây giờ cấm cửa tôi. Họ dọa tới gần họ giết! Không biết họ có dám giết tôi không nhưng đánh cho một trận thì hẳn là mấy tên bảo vệ dám làm. Thôi chẳng dại gì!”
Ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long tôi gặp một ông khác. Ông này thì bất mãn về việc nuôi tôm mà ông gọi là “nuôi tôm kiểu làm rẫy”. Ông giải thích “Cũng như người Thượng đốt rừng làm rẫy, họ nuôi tôm bằng cách quây một khu đầm lầy, chặt hết tràm đước, nuôi tôm. Nuôi tôm mà không cần cho ăn. Năm đầu tôm tốt lắm. Sang đến năm thứ nhì, tôm ít dần. Vài ba năm sau, đất hết màu, không còn tôm nữa. Ta bèn bỏ đó đi sang chỗ khác. Cứ như thế, đất mất hết màu, rừng đước tàn phá, bờ biển mất bảo vệ thiên nhiên, chết dần, xoáy mòn, sụp lở. Nhưng nói họ không nghe, bảo là phá hoại chủ trương chính sách”.
Ðêm hôm đó, về ngồi nhậu, ông đứng dậy nâng lon bia không biết thứ bao nhiêu, đi đến nhìn tấm hình vốn thường được đặt ngay giữa nhà của mọi cơ quan, lớn tiếng mời “Chúc sức khỏe anh Sáu Lê-nin!” Nhìn sang hai tấm hình kế bên, ông ngẫm nghĩ rồi hô tiếp “Chúc sức khỏe hai ông râu xồm theo bác đi làm cách mạng!” Và ông quay trở về lầm bầm “Ba thằng râu xồm báo hại, giắt bác đi lầm đường, nhưng đụng vào là chết bỏ!”
Sở dĩ tôi nhớ đến chuyện này cũng vì hôm nay, nhân đọc bài của Bauxite Việt Nam, chân tình khuyên đảng Cộng Sản, có nói đến cái giai đoạn mà “Về thời gian, cách nay vài chục năm, thử hỏi có ai dám công khai đăng báo bàn về việc học thuyết có tên gọi chủ nghĩa xã hội và việc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa là đúng hay sai? Chỉ riêng một ý nghĩ ngờ vực mới thoáng qua trong đầu, mỗi con người định bụng tư duy theo hướng đó đã vội vàng ‘tự kiểm duyệt bỏ’ để tránh tai họa – tấm gương Nguyễn Hữu Ðang, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Dần… vẫn còn nguyên giá trị cảnh báo.”
Các ông trong Bauxite Việt Nam có vẻ nghĩ giai đoạn đó đã xa rồi, nhưng không, nó vẫn còn đó. Chỉ cần nhìn lên tivi hay liếc qua báo Nhân Dân là thấy ngay hình ba ông râu xồm vẫn nhìn xuống các ông bà đại đảng viên nhóm họp. Ðảng Cộng Sản vẫn còn cương quyết thảo luận “Dự thảo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Dĩ nhiên ngày nay chủ nghĩa xã hội chỉ là một cái vỏ để che giấu cho một chế độ mà thực sự là chế độ tư bản hoang dã, trong đó quyền hành tập trung vào một nhóm nhỏ. Như Bauxite Việt Nam đã nhắc nhở họ là “kẻ cai trị chỉ bằng quyền lực tuyệt đối”. Và như ông đại sứ Hoa Kỳ đã nhận xét một cách chua chát “Cũng rất quan trọng chúng ta đừng quên là sự phân chia phe nhóm, trong đó phe nhóm miền vẫn là một đường chia rẽ quan trọng, ngày càng không dựa trên chủ thuyết nữa-nay nó chỉ dựa trên quyền lực, đỡ đầu, và tiền tài.”
Năm nay đảng lại họp để chia phần các chức vị chóp bu. Không biết ai sẽ được những chức vị này nhưng ai có được thì cũng vậy thôi. Mục đích tối hậu của họ vẫn là “quyền lực, đỡ đầu và tiền tài”. Nó cũng chẳng khác gì mục tiêu của hệ thống quyền lực của băng đảng Mafia.
Và cũng chính vì vậy mà dầu cho bao nhiêu lời khuyên chân thành của các nhà trí thức như các nhà trí thức trong Bauxite Việt Nam, họ vẫn lờ đi.
Các ông trong Bauxite Việt Nam nói đến “Cho phép chúng tôi nói một lời nói thẳng cuối cùng: Một Cù Huy Hà Vũ (dù có là tên “nghịch tử”), thì cũng không tạo thành mối nguy mất nước ta – trái lại, chính sự dốt nát, ngạo mạn và tham lam vô độ mới dẫn tới một vụ Vinashin và sẽ dẫn tới những vụ Vinashin khác vẫn có nhiều khả năng tiếp tục bùng nổ, sẽ đẩy dân tộc nợ nần này vào bàn tay người chủ nợ Bắc Kinh, và đó mới chính là nguy cơ mất nước nhỡn tiền.”
Nhưng họ nào có sợ mất nước, họ chỉ sợ mất đảng. Bởi họ biết rằng Trung Quốc rất khôn ngoan, chả dại gì xâm lăng Việt Nam. Họ chỉ cần nắm múi được các lãnh đạo, cai trị gián tiếp qua những người này, rút tỉa hết tài nguyên đất nước. Thành ra các vị này sẽ tiếp tục được cầm quyền, đảng sẽ vẫn còn, chỉ có dân tộc Việt Nam là thua thiệt.
Chả trách mà lần đó, sau thêm vài lon bia nữa, ông phó tiến sĩ ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long đã cất tiếng ngâm, nhái giọng thơ Tố Hữu. Ông ngâm:
“Bốn ngàn năm ta vẫn là ta
Từ trong hang đá chui ra
Nhìn quanh nhìn quẩn rồi ta chui vào!
Quả cũng không khác gì hoàn cảnh của đất nước và dân tộc vậy.”
http://www.nguoi-viet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét