Pages

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Giải pháp nhân quyền, một trò hề?



Đằng sau bộ mặt đoàn kết của Đảng là những bất mãn ngấm ngầm, giống như trong đảng Mafia. (Hình: AFP/Getty Images)


Hai bộ mặt của nước Việt Nam: phát triển kinh tế, đàn áp nhân quyền


Đầu năm, tôi đọc được bản tin từ báo Công An TP Hồ Chí Minh về giải thưởng Nhân quyền của tổ chức Mạng lưới Nhân quyền cho Việt Nam (VHRN) do nhà báo Hà Trình (ngày 23/12/2010) tường thuật. Giải thưởng đã được tổ chức ở Houston, Texas ngày 10-12-2010. Giải thưởng này đã được phát từ năm 2002.
Những người đoạt giải trong quá khứ lên đến con số 20, với những tên tuổi nổi tiếng trong thành phần đối kháng từ Hòa thượng Thích Quảng Độ cho đến Ls Nguyễn Văn Đài và Ls Lê Thị Công Nhân. Những tên tuổi trong tổ chức đã được ký giả Hà Trình liệt kê từ Ls Đoàn Thanh Liêm, Gs Nguyễn Ngọc Bích đến Hòa thượng Thích Huyền Việt, LM Vũ Thành v.v… lời lẽ bản tin hậm hực với những ngôn từ “kích động những kẻ chống đối nhà nước”, “tổ chức khủng bố từ năm 1997” nay “lợi dụng chiêu bài dân chủ nhân quyền để chống phá Việt Nam cho hợp thời”. Giải thưởng năm nay được trao cho hai ông Trương Minh Đức và Đoàn Huy Chương, số tiền 3,000 Mỹ kim được hai bà vợ ông Trương Minh Đức (Nguyễn Thị Kim Thành) và vợ ông Đoàn Huy Chương (bà Chiêm Thị Tường Mạnh) nhận lãnh, số tiền “đồng đô la bẩn thỉu” theo kịch bản của thế lực ngoại bang. Nhà báo Hà Trình dùng tất cả những vốn liếng ngôn ngữ như “báo lá cải”, “những trò nhảm nhí của bọn bịp bợm” dành cho báo hải ngoại và đài phát thanh.

Bản tin đã được các độc giả xem là ghi nhận của Lãnh sự quán của Việt Cộng ở Houston. Tôi không tin ông Tổng Lãnh sự Lê Dũng, một người đã ở Mỹ nhiều năm từ tham vụ báo chí ở Tòa Đại sứ VN ở Hoa Thịnh Đốn đến Tổng Lãnh sự ở Houston có thể có những nhận định thấp kém hằn học và bất lợi cho chính quyền CSVN. Bài viết về Giải Nhân Quyền của ông Hà Trình hơi lạ. Những năm qua, báo chí ở trong nước hoàn toàn không đề cập đến nhân quyền, các nhà phản kháng v.v… Những người Việt được đi du lịch ra nước ngoài đều ngạc nhiên về những sự thật của cuộc đấu tranh ngấm ngầm trong nước và ở hải ngoại những điều họ đã hoàn toàn không biết khi ở trong nước.

Có lẽ cũng chung tình trạng với những ngưòi Việt ở nước ngoài “trong bối cảnh khủng hoảng tài chánh, suy thoái kinh tế thế giới – đồng bào phải lo chật vật lo công ăn việc làm” nên họ không để ý đến chính trị vì vậy ông Hà Trình có tội với Đảng và Nhà nước khi cố tình loan báo cho đồng bào trong nước về những hoạt động đấu tranh nhân quyền, những hoạt động hoàn toàn đi theo đúng chính sách của Hoa Kỳ và thế giới “Tự do Mậu dịch và tôn trọng nhân quyền”. Và giải thưởng nhân quyền ở Houston là kết quả của cuộc đụng độ giữa ông Lê Dũng khi làm phát ngôn viên chính phủ đã kết án khối 8406 “lợi dụng danh từ dân chủ, với lý luận giả tạo làm sai lạc bôi nhọ tình hình ở Việt Nam” với ông Lê Công Bằng (không phải Nguyễn như Hà Trình viết) đảng Vì Dân và khối 8406, bốn năm sau ở Houston đúng như tiên liệu của người viết trong số báo NN số 670 đọc “Việt Nam Rising Dragon của Bill Hayton”.

Hai bộ mặt của Việt Nam

Giải thưởng Nhân quyền của VHRN, đã khiến nhà cầm quyền CSVN nổi giận vì hình thức tổ chức giống giải thưởng Nobel Hoà Bình năm 2010 cho ông Lưu Hiểu Ba. Đại sứ 44 nước ở Na Uy tham dự, 19 quốc gia từ chối tham dự trong đó có Việt Nam.

Trong những năm qua chánh quyền CSVN đi theo mô hình Trung Quốc từ mô thức chính trị cho đến đàn áp nhân quyền. Báo chí Việt Nam không đề cập đến giải thưởng cao quý giống như giới truyền thông Trung Quốc. Buổi lễ trao giải là một buổi lễ cảm động nhất từ trước đến nay với giọng đọc của nữ tài tử Liv Ullman từ bài viết của ông Lưu Hiểu Ba năm 2009 đã khiến “những người chật vật đến công ăn việc làm” phải để ý đến tình trạng nhân quyền ở Trung cộng và Việt Nam.

Từ khi VN theo chánh sách đổi mới kinh tế và nhất là sau khi gia nhập WTO ngày 11/1/2007, kinh tế đã phát triển nhanh chóng, 7,8% mỗi năm, được xem như là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất ở Á châu (mặc dù con số so sánh không chính xác khi một quốc gia khởi đầu từ con số không).

Những năm gần đây những người Việt về thăm nhà đã trấm trồ với những sự xây cất hiện đại. Nhưng giống như ở Trung Quốc, sự phát triển kinh tế không đi đôi với sự “giải phóng” dân chúng ra khỏi cảnh nghèo. Trong khi kinh tế phát triển ở thành phố, cảnh nghèo ở vùng quê chỉ bớt được 4%-5%. Con số người nghèo năm 2004 bớt 20% (theo định nghĩa của CSVN là 15 Mỹ kim mỗi tháng, so với con số thế giới dùng là 1 Mỹ kim mỗi ngày). Công nhân trung bình lãnh lương từ 60-80 Mỹ kim mỗi tháng trong khi cán bộ cao cấp chạy xe ngoại Mercedes, BMW ở Hà Nội và Saigon. Vùng quê chiếm 70% diện tích quốc gia nhưng dân quê bỏ làng về thành phố – 1/3 dân mất đất – Các công ty và các nhà đầu tư chiếm đất, hủy hoại môi trường sống của dân ở vùng quê. Những người nghèo bị đuổi ra khỏi nhà hoặc giá nhà tăng không thể kham nổi. Người nghèo càng nghèo trong khi đất được cho các công ty quốc doanh và ngoại quốc mướn dài hạn trong đó hợp đồng cho mướn không rõ ràng, các công ty mập mờ. Rừng bị đốn để các công ty khai thác, đất chia cho quân đội “phát triển” bất hợp pháp dựa trên tham nhũng chia chác giữa các nhân viên cao cấp chánh quyền và quân đội. Hối lộ ăn sâu vào rễ xã hội từ trường học đến bịnh viện.

Vào WTO ngày 11/1/2007, Việt Nam theo đường lối tự do mậu dịch nhưng phản bội nhân quyền. Các cán bộ CSVN học từ Trung Cộng, lập công ty tư nhưng giữ căn bản công ty quốc doanh có phần hùn của ngoại quốc. Các công ty quốc doanh giúp các nhà lãnh đạo CSVN làm giầu hợp pháp và bất hợp pháp. Mỗi ông trong Bộ Chánh Trị coi mỗi “thái ấp”. Các công ty lớn đẻ ra các công ty nhỏ như những “con chó vẫy đuôi”. Khi các công ty sập như công ty Vinashin, công ty đóng tầu lớn nhất, người ta không tìm được số tiền thất thoát như vụ Năm Cam trong quá khứ.

Tình trạng đất đai Việt Nam giống như nước láng giềng Kampuchia. Đất nước chia xẻ ra từng thái ấp, tài sản công cộng bị chiếm. Báo chí Mỹ dùng chữ mỉa mai “Quốc gia đang bán” (Country for sale) giống như nhà bán. Dầu hỏa, hơi đốt, khoáng sản được khai thác như Bauxite ở Tây Nguyên. Công nhân là những nguồn lợi bị các công ty khai thác tệ hơn phu đồn điền thời Tây, họ là những nô lệ mới, chống đối thì bị mất việc hay bị bắt, bị Công an theo dõi. Giống như ở Nga, cán bộ xây biệt thự trong những khu nhà sang trọng có cổng gác, đi xe ngoại quốc đắt tiền.

So với Kampuchia, Việt Nam còn thua Hun Sen, chưa có bầu cử tự do (mặc dù giả tạo) tự do hội họp. Báo chí và đài truyền hình bị chánh quyền kiểm soát ngay cả đến những cơ quan nhân quyền cũng bị áp lực, hăm dọa. Giống như ở Trung Cộng, đề cập đến tự do dân chủ nhân quyền là một “tội ác”.

Việt Nam bây giờ là một nước với nạn ô nhiễm và tham nhũng với sự lãnh đạo độc quyền của đảng Cộng Sản cấm tiếng nói đối lập, đối lập thật sự chứ không phải như ông Nguyễn Minh Triết nói “trong đảng cũng có khác biệt”. Nguyên do sâu xa gây ra sự bất mãn của dân chúng đến từ nền tảng “Kinh tế thị trường với định hướng Xã hội Chủ nghĩa” dựa trên các công ty quốc doanh độc quyền kinh tế với phần hùn của các công ty ngoại quốc như Bill Hayton nhận định, cấu trúc dựa trên “quan hệ” như ở Trung Cộng.

Đằng sau bộ mặt đoàn kết của Đảng là những bất mãn ngấm ngầm, giống như trong đảng Mafia, những bất mãn từ quyền lợi, các đảng viên và thành phần trong quân đội đã thấy một sự khác biệt trầm trọng về quyền lợi giữa cấp lãnh đạo và công nhân viên.

Những nhà trí thức trong đảng đã lên tiếng trong buổi hội thảo khoa học kinh tế Việt Nam, gồm các trí thức còn lương lâm như cựu phó thủ tướng Vũ Khoan, Gs Đào Xuân Sâm trưởng bộ môn quản lý kinh tế trường Nguyễn Ái Quốc, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh v.v… góp ý cho kỳ Đại hội Đảng lần thứ 11 vào tháng 1 năm 2011. Họ đòi nhận định lại Chủ nghĩa Xã hội, giáo điều cũ kỹ, lạc hậu, nhiều sai lầm, đòi cải cách chính trị chứ không phải chỉ cải cách kinh tế, nhận định lại vai trò của đảng và Nhà nước trong khi “lòng tin của dân đối với chế độ và Đảng đã giảm”. Họ nhận thức “dân được nói mới là dân chủ” không ai còn quan tâm đến cương lĩnh của Đảng. Những nhận xét không có gì mới nhưng là tiếng nói của Đảng viên, những người được phép phê bình chính quyền để làm cho Đảng “mạnh”.

Đại hội Đảng lần thứ 11 phơi bầy sự tranh dành quyền lực, hay đúng hơn là tranh dành quyền lợi giữa các phe nhóm mà công an như ông Hà Trình có nhiệm vụ bảo vệ. Những bức thư tố cáo lẫn nhau do những người thân cận của các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang cho thấy họ xem quyền lợi cá nhân trên quyền lợi dân và nước cũng như cho thấy đảng CSVN muốn bắt chước Trung Cộng với Tập Cận Bình là hoàng đế kiêm nhiệm Chủ tịch Quân Ủy, Chủ tịch Nhà nước và Tổng bí thư Đảng. 15 ông vua “Thái ấp” đánh nhau như thời “Thập nhị Sứ quân” bằng kinh tế, tham nhũng, hối lộ thay vì bằng súng ống (để dành riêng cho thành phần dân nghèo chống đối!).

Nhân quyền ở Việt Nam

Tiếng nói đối lập ở Việt Nam bị dập tắt sau ngày 30 tháng 4, 1975. Người ta có thể hiểu vì lý do an ninh chính quyền CSVN đã đi qua giai đoạn “quá độ chủ nghĩa xã hội”. Nhưng sau 35 năm cầm quyền, đảng CSVN thiếu tự tin vẫn sợ tiếng nói đối lập. Rất ít tiếng nói của những người cầm quyền như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt “Chánh quyền không nên tránh né nói chuyện với những người khác quan điểm chính trị và đối thoại phải thẳng thắng và lương thiện” (điều đáng chú ý là cựu TT Võ Văn Kiệt chỉ phát biểu khi ông không còn cầm quyền).

Đối lập những năm đầu có mầu sắc của những người Việt lưu vong, như đảng CSVN đã dán nhãn hiệu “lực lượng bạo động”. Đối lập của những thập niên đầu đã bị dán nhãn “tàn dư Mỹ Ngụy” nhưng đối lập của thời gian này bị ảnh hưởng của chính Lenin, những người đã sống trong chế độ Cộng sản, không theo trào lưu thế giới đã đi theo con đường “bạo lực cách mạng” của cộng sản.

Tiếng nói tranh đấu cho dân chủ nhân quyền ở VN trong thập niên qua khác hẳn giai đoạn đầu. Người Cộng Sản không còn có thể đổ tội cho những người sinh ra và lớn lên trong những thời gian chánh quyền CS đã đứng vững là những tay sai Mỹ Ngụy. Những nhà đấu tranh cho nhân quyền trong giai đoạn mới là những người trẻ có giáo dục, bằng cấp như Ls Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Ls Cù Huy Hà Vũ, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung…. Những chuỗi dài các chân dung tranh đấu được cơ quan giám sát nhân quyền ở Nữu Ước ủng hộ. Những hành động hành hung đối với bà Trần Khải Thanh Thủy bị lên án, những sự đe dọa, giam tại gia đối với Ls Lê Thị Công Nhân đã khiến thế giới nhìn về VN so sánh bà với người phụ nữ đã đoạt giải Nobel Hòa Bình ở Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi. Đối với chế độ CSVN họ là những người có tội, nguy hiểm cho an ninh quốc gia, những kẻ âm mưu lật đổ chế độ bằng phương pháp bất bạo động như Lưu Hiểu Ba, như Martin Luther King, như thánh Gandhi. Những cuộc tranh đấu ấy hoàn toàn hợp pháp đối với thế giới. Cựu Đại sứ Mỹ Michael Marine đã gọi nhóm 8406 là “những người yêu nước thật sự” trong khi chánh quyền kết án nhóm 8406 tranh đấu theo hình thức của Vaclav Havel ở Ba Lan trong thập niên 1970-1980, hai năm trước khi hiến chương 08 của nhóm Lưu Hiểu Ba ra đời ở Trung Quốc.

Tiếng nói đối lập bị dập tắt khi phong trào đối kháng bùng nổ hai năm 2006-2007, cha Nguyễn Văn Lý, nổi tiếng khi bị bịt miệng bị cầm tù. Phòng trào bị đàn áp.

Tôn giáo bị đàn áp, báo chí và các Blog cũng bị đàn áp. Hội Nhân quyền sắp hạng VN hàng thứ nhì về đàn áp báo chí sau Trung Cộng. Năm 2006 sau hội nghị APEC, TT George W.Bush đã nhắc nhở Hà Nội, nhưng kỳ rồi trong chuyến viếng thăm VN, bà Ngoại trưởng Hilary Clinton đã phải lên tiếng cảnh cáo VN về nhân quyền thì Hà Nội không thể nào nói rằng “phong trào bị ngoại bang xúi dục” trong khi chính quyền Hoa Kỳ nay là bạn và Hà Nội đã mong Hoa Kỳ có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Biển Đông.

Không dùng chánh sách khủng bố bằng vũ khí như những năm chiến tranh VN, chính quyền CSVN đã dùng chánh sách khủng bố mới đối với những người yêu nước qua việc ngăn chận thơ điện tử, lấy tin từ các công ty Google, Yahoo để bịt miệng giới đối lập, tin tặc phá quấy báo chí ở hải ngoại thường trực (như báo Người Việt ở quận Cam mấy tháng qua, tin tặc đến từ Houston) gởi thơ điện tử đến các nhà báo dò xét tin tức trên máy điện toán. Đàn áp nhân quyền nhưng chánh quyền CSVN cũng rõ cơ chế nhà nước hiện tại không thể tồn tại lâu nếu chánh sách cai trị không công bằng. Các nhà lãnh đạo CSVN đang tiếp tục cho con cháu qua Mỹ, đến các thành phố lớn định cư như Los Angeles hay Houston. Con cái được gởi đi du học không trở về (con số về nước từ 25-30%). Chính họ cũng thiếu tin tưởng vào chế độ mặc dù Việt Nam hiện nay đang được các quốc gia đổ nhau vào đầu tư, đứng đầu là Hoa Kỳ rồi đến Trung Quốc, Nhật và Âu Châu.

Việt Nam bị chỉ trích về nhân quyền nhưng nhân quyền là bộ mặt phụ đằng sau chính sách chống khủng bố và hợp tác quân sự. Liên Hiệp Quốc trong hội nghị thiên niên phát triển kinh tế 2000 MDG nhấn mạnh nhân quyền đi đôi với phát triển kinh tế nhưng không giữ lời hứa. Ngân hàng Phát triển Á châu, Ngân hàng Thế giới, quỹ Tiền tệ Thế giới, cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc đều né tránh vấn đề nhân quyền. Mục đích chánh của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc là giữ an ninh để các công ty ngoại quốc đầu tư và phát triển.

Ông Chủ tịch Ủy ban giải Hòa bình Nobel Thorbjorn Jingland nói đối lập “tốt cho chánh quyền” như Marther Luther King đã giúp chánh quyền Hoa Kỳ trưởng thành qua giai đoạn kỳ thị chủng tộc, các ông Lech Walesa và Vaclev Havel đã giúp Ba Lan và Tiệp Khắc tiến bộ, bộ mặt Âu Châu thay đổi khác hẳn thời đại Sô viết.

Tháng 12 cũng là kỷ niệm ngày nhà bác học Nga, giải Nobel Andrei Sakharov mất. Nhà bác học nguyên tử nổi tiếng muốn dân chủ cho nước Nga đã để lại một di sản với các nguyên tắc: tôn trọng, kiên nhẫn, đa nguyên, sẵn sàng đối thoại thẳng thắn và lương thiện khi bất đồng ý kiến nhất là phải theo phương pháp bất bạo động. Thời Sô Viết ông và những nhà tranh đấu dân chủ bị xem là “bọn thua cuộc” nhưng ông luôn luôn tin vào dân chủ, nhân quyền và nhất là “tự do và nhân phẩm của cá nhân”. Ông không tin vào đám đông cuồng tín như Marx-Lenin, chủ trương con người phải thoát bỏ tất cả giáo điều “Ism” không theo một chủ thuyết nào. Những nguyên tắc của Sakharov được các nhà tranh đấu như Vaclav Havel giữ được, nó là điều cần thiết trong lúc này ở Á Châu khi phong trào quốc gia (Nationalism, và chủ nghĩa vật chất (Materialism) đang lên.

Ông Lezeck Kolakowski theo Sakharov, đã nhắn các nhà phản kháng thời Sô viết: “Không có chiến thắng nào không đổi ngược được, không có chiến bại nào vĩnh viễn, những điều ấy làm cho đời đáng sống”. Giới đối lập ở Trung Hoa, ngoài Lưu Hiểu Ba, còn đòi hỏi một điều cần thiết: “đảng Cộng Sản phải thành thật tự mình nhìn lại quá khứ sau 60 năm cầm quyền. Sách vở vẫn tiếp tục viết về nạn đói trong thời kỳ Mao Trạch Đông cầm quyền cũng như những lỗi lầm của đảng CS, vì dân giận dữ khi tượng Stalin đã bị giật sập còn ông Mao cũng như ông Hồ ở VN vẫn được thờ nhự thánh.

Nếu không thành thật nhìn về quá khứ, không nghe tiếng nói đối lập thì những người CSVN cũng như chánh quyền Trung Quốc đang tạo ra một xã hội như nhà văn Hồ Phái trong cuốn truyện được tái bản tám lần ở Hồng Kông, cấm bán ở Trung Quốc: Ruyan@sars.com:

Không ai biết chính quyền CS sập đổ lúc nào nhưng: “ở đây ai biết được khi nào địa ngục bùng cháy và biết sẽ trốn ở đâu để tránh tai họa?”

Phần tôi, đọc lại Tư Bản Luận của Marx vào thế kỷ thứ 21, giờ đây nó là một bản án cho các chế độ “Ngụy Tư Bản” ở Việt Nam và Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: