Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011
Góc nhìn Đại hội Đảng: Long môn đối Hổ môn
Đông A – Đại hội Đảng lần thứ XI có một điểm quan trọng mới, theo cách nhìn của tôi. Đó là điểm quy định mới trong Điều lệ Đảng: “Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”. Điểm quy định mới có thể làm tăng lên vai trò của Chủ tịch nước.
Đây là điểm rất tốt làm đòn bẩy hình thành hệ thống chính trị kiểu Bán Tổng thống trong thể chế chính trị một Đảng. Các nước có hệ thống chính trị Bán Tổng thống có thể ví dụ như Pháp hay Nga. Trong hệ thống chính trị như vậy, Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, và Tổng thống thường có vai trò và vị thế quan trọng hơn Thủ tướng. Chuyện chia sẻ quyền lực giữa Tổng thống và Thủ tướng phần nhiều mang tính thực tiễn chính trị hơn là quy định hình thức trong Hiến pháp. Tuy vậy, Hiến pháp của một số quốc gia có hệ thống chính trị Bán Tổng thống có quy định rõ ràng Tổng thống quyết định chính sách đối ngoại. Và như vậy vai trò của Thủ tướng chỉ mang tính chất điều hành công việc mang tính đối nội của Chính phủ.
Nếu ông Trương Tấn Sang làm Chủ tịch nước thì vai trò của ông rất quan trọng trong hình thành hệ thống chính trị Bán Tổng thống. Để làm được chuyện này đòi hỏi vị Chủ tịch nước phải có bản lĩnh, tầm nhìn và đảm lược chính trị. Quy định mới trong Điều lệ Đảng là một nhân tố thuận lợi, nhưng thực tiễn vẫn cần phải có vai trò cá nhân của vị Chủ tịch nước, bởi vì Phủ Thủ tướng chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn để vuột mất quyền lực của mình. Nếu hình thành được hệ thống chính trị Bán Tổng thống thì đấy sẽ tạo ra tiền lệ tốt cho các đời Chủ tịch sau. Hiện nay trong Bộ Chính trị, xem xét các khía cạnh nhân sự, vẫn thấy khuyết một người phụ trách ngoại giao. Ngoại giao là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, nhất là trong thế giới hiện đại. Đây là cơ hội tốt để Phủ Chủ tịch đảm nhiệm nốt lãnh đạo đường lối ngoại giao của Việt Nam. Nếu Phủ Chủ tịch nắm trong tay quân đội, công an, ngoại giao thì hệ thống chính trị Bán Tổng thống trong chế độ một Đảng tự nhiên sẽ hình thành. Trong trường hợp như vậy, chuyện hợp nhất giữa lãnh đạo Đảng và lãnh đạo Nhà nước không còn phải là một vấn đề quan trọng cần phải làm nữa.
Vậy hệ thống chính trị Bán Tổng thống có ích lợi gì? Hệ thống này nhằm hạn chế nhược điểm của một Quốc hội yếu và hạn chế, khó kiểm soát được hoạt động của Chính phủ. Nhược điểm này rất phổ biến trong các quốc gia có chế độ một Đảng. Hệ thống chính trị Bán Tổng thống sẽ bù đắp lại điểm yếu của Quốc hội. Hệ thống chính trị Bán Tổng thống có thể mở ra những cải cách chính trị dài hạn khác, nhưng tôi sẽ không bàn tới.
http://donga01.blogspot.com/2011/01/goc-nhin-ai-hoi-ang-long-mon-oi-ho-mon.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét