Pages

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Góc nhìn Đại hội Đảng: Tổng Bí thư


Đông A – Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư ĐCSVN. Ông Trọng có nhiều đặc điểm mà tôi không thích. Những người học ở AON đều bị tôi xếp vào một dạng kiểu như cử tuyển ở đại học ngày nay. Tên của ông bị dính vào một bài đồng dao phổ biến trong dân gian, đến nỗi giờ đây nhiều người gọi lóng ông là Mr này nọ.
Tôi không tin vào những câu đồng dao, mặc dù sách sử đều thấy có chép những câu đồng dao vận vào lịch sử nước nhà kiểu như “Nhất giang lưỡng quốc ngôn nan thuyết / Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường”, nhưng tôi cảm thấy đồng dao là một thứ “bất tường” hay ít nhất là một thứ chẳng lấy làm hay ho, một kiểu bia miệng tiếng đời đi vào cõi bất tử. Tôi không thích câu lẩy Kiều của ông Trọng khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn / Khuôn xanh biết có vuông tròn cho chăng”. Đấy là câu thơ Kiều suýt đã trao mình cho Kim Trọng, nhưng do dự lễ giáo thành ra phải hối về sau của cái kiếp “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Cái tâm thế của con người phải thế nào đấy mới vận ra được câu thơ như vậy. Chính tích của ông hồi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội tôi không nhìn thấy. Ngay một chuyện cỏn con đòi nhà của ông Dương Trung Quốc ông cũng không giải quyết được, phải đợi tới người kế nhiệm ông chuyện mới xong. Chính tích của ông khi làm Chủ tịch Quốc hội thật khó nói. Những pha sủi bong bóng ở mấy kỳ họp Quốc hội cuối khóa thật khó mà nói là chính tích của ông, song nếu bảo nếu người khác chủ trì Quốc hội vị tất đã được vậy cũng thật khó bác, hay nói theo kiểu Kundera thì lịch sử đâu có lặp lại để ta chiêm nghiệm chuyện sẽ xảy ra thế này hay hay thế khác, nhưng cảm nhận của con người vị tất đã sai. Tóm lại có nhiều điểm tôi không thích ông Trọng.

Tuy vậy, lựa chọn ông Trọng làm Tổng Bí thư, tôi lại thấy phải. Tôi thấy đây là một lựa chọn sáng suốt, hay ít nhất đó là một lựa chọn đúng theo cách đánh giá của tôi. Tổng Bí thư càng mờ nhạt, càng không có chính tích, càng không muốn tạo dấu ấn này nọ, càng tốt. Điểm tối quan trọng của một nền chính trị là cân bằng quyền lực. Ổn định chính trị chính là cân bằng quyền lực. Nhiều người đã hiểu một cách phiến diện rằng ổn định chính trị là không có biến động xã hội. Biến động xã hội chỉ là biểu hiện bề nổi của một dạng mất cân bằng quyền lực trong rất nhiều dạng mất cân bằng quyền lực khác nhau trong xã hội. Một xã hội không có biểu hiện biến động xã hội, nhưng cán cân quyền lực không cân bằng vẫn là một xã hội không ổn định chính trị. Một Tổng Bí thư mạnh trước một Chủ tịch, một Thủ tướng yếu là biểu hiện của một nền chính trị không ổn định, tuy nó không biểu lộ ra ngoài bằng những biểu hiện biến động xã hội. Một Tổng Bí thư yếu sẽ tạo ra một số yếu tố tích cực. Một là, tạo ra một cán cân quyền lực mới giữa Phủ Chủ tịch và Phủ Thủ tướng để bù lại khoảng mất cân bằng giữa một Quốc hội yếu và Phủ Thủ tướng mạnh trong thể chế chính trị một Đảng. Hai là, dịch chuyển cơ cấu chính trị một cách đoạn nhiệt sang chế độ Bán Tổng thống và không tạo ra biến động xã hội. Ba là, định vị vai trò lãnh đạo của Đảng về đúng nghĩa của nó. Vấn đề của nền chính trị Việt Nam là tạo ra một Phủ Chủ tịch mạnh, mà không cần phải hợp nhất giữa Đảng và Nhà nước, đồng thời tránh được quyền lực tập trung vào một vị trí.

Tất nhiên, trên đây chỉ là bàn luận suông thuần túy, không có mấy ý nghĩa và giá trị, bởi vì nó không định ra được những quyền lực nào đang tồn tại trong xã hội Việt Nam, là động lực thúc đẩy sự vận động chính trị tạo ra cán cân căn bằng quyền lực. Song vấn đề rốt ráo vẫn là người dân có được hưởng lợi gì không từ những cân bằng quyền lực này? Chắc chắn là có, chỉ không thể định lượng được nhiều hay ít trong so sánh với những hưởng lợi mà những quyền lực đấy thụ hưởng từ cán cân cân bằng mà thôi.

Đông A

Không có nhận xét nào: