Pages

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Hà Nội ‘dạo đờn’ sửa hiến pháp

Tư Ngộ/Người Việt


HÀ NỘI - “Phát biểu tại Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội (UBTVQH) sáng 4 tháng 1, 2011, Bộ Trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường cho hay, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến Pháp năm 1992 là một trong các trọng tâm của cải cách sắp tới, với nguyên tắc “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.”


Người biểu tình chống cuộc thăm viếng của Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết ở trước Tòa Bạch Ốc ngày 22 tháng 6, 2007. (Hình: Paul J. Richards/AFP/Getty Images)



Bản tin báo điện tử VietnamNet ngày Thứ Ba viết như vậy về lời “dạo đờn” của ông Hà Hùng Cường.

Ðây không phải là lần đầu tiên kể từ khi có bản Hiến Pháp 1992 đến nay mới thấy có lời đề nghị sửa Hiến Pháp. Những năm gần đây, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có những lời “dạo đờn” tương tự như thế rồi cũng không thấy sửa gì.

Trong bản tin nói trên, VietnamNet dẫn lời ông Cường nói rằng: “Việc thể chế hóa quyền con người trong 5 năm qua vẫn còn rụt rè. Nhiều dự án luật đưa vào rồi lại rút ra.”

Nhưng liệu cái Quốc Hội “đảng cử dân bầu” của chế độ Hà Nội sẽ tự làm lấy một bản Hiến Pháp “không rụt rè” hay không? Ðây là một nghi vấn không ai tin chế độ Hà Nội sẽ cải cách để trả lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân theo đúng ý nghĩa của sự tự do, dân chủ.

Bản Hiến Pháp đang áp dụng, do Quốc Hội CSVN biểu quyết năm 1992, ghi ở Ðiều 4, xác định Ðảng CSVN “là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.”

Tuy Ðiều 4 xác định: “Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và pháp luật” nhưng trong thực tế, Ðảng CSVN cũng đầy đủ tất cả các ban bệ đi song hành với guồng máy nhà nước, ngôi lên trên nhà nước và Quốc Hội.

Dù vậy cái bản Hiến Pháp 1992, điều 83 xác định Quốc Hội là “cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCNVN.”

Từ trên xuống dưới, bất cứ ai ở trong đảng có cái chữ “ủy” dính theo là quyền trùm người khác.

Rất nhiều người đã từng kêu gọi chế độ Hà Nội sửa Hiến Pháp, bỏ Ðiều 4 và trả lại nhân dân quyền làm chủ đất nước.

Năm 2007, trong thời gian có một số người lên tiếng, kể cả Cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Ðình Lộc phát biểu về sự cần thiết phải sửa đổi Hiến Pháp, ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước, ngày 27 tháng 8, 2007 tuyên bố “Bỏ Ðiều 4 Hiến Pháp đồng nghĩa với tự sát” trong cuộc nói chuyện với các sĩ quan thuộc Tổng Cục Chính Trị.

Bản tin VietnamNet ngày 4 tháng 1, 2011 không đả động gì tới điều mọi người muốn biết là bản Hiến Pháp 1992 sẽ được sửa những điều gì. Ðiều 4 có bị bãi bỏ hay không? Các điều viết về các quyền tự do căn bản của công dân có được sửa đổi để “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” hay không? Hay chỉ là những lời tuyên truyền vừa mị dân, vừa có tính cách thả bóng thăm dò.

Trong bản Hiến Pháp 1992, tất cả các quyền căn bản của công dân (tự do báo chí, hội họp, biểu tình, tự do nghiệp đoàn/lập hội, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú đều có cái đuôi “theo qui định của pháp luật.” Từ đó, các đạo luật và các văn bản dưới luật đưa ra các qui định hoặc giới hạn chặt chẽ, hoặc cấm đoán để giới hạn hay tước bỏ các quyền mà Hiến Pháp đã xác định.

Một trong những lý do bỏ tù Luật Sư Nguyễn Văn Ðài năm 2007 là ông viết bài phổ biến quan điểm hiến pháp CSVN không cấm đa đảng trên trang web đài BBC.

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ hai lần nộp đơn kiện ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, cáo buộc ông này vi phạm Hiến Pháp và luật pháp khi ra các văn bản cho phép khai thác bauxite và cấm dân chúng khiếu kiện tập thể.

Khi trả lời cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ ngày 8 tháng 10, 2007, ông Nguyễn Ðình Lộc, nguyên bộ trưởng Tư Pháp đã đặt câu hỏi: “Trong một nhà nước pháp quyền, nếu tư cách cầm quyền của Ðảng không được thể chế hóa về mặt pháp luật, bằng Hiến Pháp, vô hình trung chúng ta muốn đưa vị trí lãnh đạo, cầm quyền đó đứng ngoài pháp luật?!”

Dịp này, ông còn cho thấy Việt Nam cũng không có tòa án hiến pháp vì “để bảo đảm cho hiến pháp được tôn trọng, các nước thường lập tòa án hiến pháp.”

Mà muốn thiết lập tòa án hiến pháp thì “phải sửa hiến pháp,” theo ông Lộc.

Không có nhận xét nào: