Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011
Làm quan ở Việt Nam sướng thật!
Song Chi - So với đời sống vất vả chạy ăn từng bữa của đại bộ phận dân chúng Việt Nam-nhất là tầng lớp nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị, cho tới những vùng sâu vùng xa, cuộc sống của các quan chức Việt Nam là cả một trời một vực. Người dân Việt Nam chỉ còn biết cho rằng con người có số, các quan sướng vì…cái số sướng, dân khổ cũng tại vì …số khổ!
Từ trái qua: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: tuoitre.vn
Cùng trong ngày 31.12.2010, trên tờ VNExpress có bài “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng-nhân vật của năm 2010” và trên tờ Vietnam Net có bài “Dấu ấn hội nhập và bản lĩnh người đứng đầu sóng ngọn gió” cũng chọn ông Nguyễn Tấn Dũng là một nhân vật của năm 2010.
Tôi hoàn toàn không có ý định bình luận gì về sự bình chọn này. Dù sao, hai tờ báo trên cũng đã đúng ở một điểm: trong bốn nhân vật đứng đầu nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ hiện tại, từ ông Nông Đức Mạnh-Tổng Bí thư Đảng, ông Nguyễn Tấn Dũng-Thủ tướng, ông Nguyễn Minh Triết-Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng-Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng khiến người dân Việt Nam phải nhớ đến nhiều nhất, kể cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực, những cái được và chưa được, trên hai lĩnh vực đối ngoại và đối nội của Việt Nam trong năm qua. Hơn nữa, đã có một số bài báo bình luận về việc này như “Thủ tướng Dũng có xứng đáng là nhân vật của năm 2010” trên trang Đàn Chim Việt, “Việt Nam, cuối năm, đầu năm có gì lạ?” trên trang Dân luận; hoặc thông qua những bài tổng kết về tình hình kinh tế-chính trị-xã hội của Việt Nam trong năm 2010,vô tình hay hữu ý, cũng gián tiếp cho người đọc thấy được năng lực lãnh đạo, quản lý và hiệu quả công việc của chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng nói chung và cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng nói riêng.
Điều tôi chỉ muốn nói đến ở đây là so với những người nắm giữ vị trí lãnh đạo hàng đầu như Tổng thống hay Thủ tướng ở các quốc gia dân chủ, những người đứng đầu một nhà nước độc tài như Việt Nam rõ ràng sướng hơn rất nhiều. Thứ nhất, ở các quốc gia có nền dân chủ pháp trị, không có ông Thủ tướng hay Tổng thống nào tay ngang, ít học hoặc xài bằng giả bằng mua mà leo lên được những vị trí như vậy; ngược lại, họ phải học như điên nếu muốn có được một cái bằng ở những “lò” đào tạo danh giá cỡ như Harvard University, Yale University, Princeton University-US, University of Cambridge, University of Oxford-UK, University of Tokyo-Japan, University of Toronto, McGill University-Canada, Australian National University-Australia v.v… Còn các ông lãnh đạo nhà nước Việt Nam, ngay cấp Bộ Trưởng, Thứ trưởng thôi, nếu nói đến bằng cấp, học hàm, ông nào cũng đầy cả rổ! Có lần, trong bài “Trình độ học vấn của Bộ trưởng Việt Nam, Mỹ và Úc”, tác giả Nguyễn Văn Tuấn đã từng nhận xét: “Một trong những đặc điểm đáng chú ý trong giới quan chức Việt Nam là họ thường có bằng cấp rất cao. Thật vậy, chỉ nhìn qua những danh thiếp của cấp thứ trưởng, vụ trưởng, hay thỉnh thoảng đọc báo về chức danh của các bộ trưởng, chúng ta thấy họ thường là tiến sĩ hay thạc sĩ. Ngược lại, đối với giới quan chức nước ngoài, ấn tượng tôi có qua các danh thiếp của họ là trình độ học vấn trung bình, thường thường là bậc cử nhân, rất hiếm thấy bộ trưởng các nước phương Tây có bằng tiến sĩ.” Và “Về trình độ học vấn, chính phủ Việt Nam có trình độ cao nhất so với Mĩ và Úc.”. Còn trong bài “ Trình độ học vấn, tuổi tác và giới tính của nội các chính phủ Na Uy”, tác giả Nguyễn Quang Minh cho biết:“Điều thú vị thứ nhất là không có ai có bằng tiến sĩ, 1 thạc sĩ (nữ), hơn 2/3 cử nhân và 2 bộ trưởng bậc phổ thông trung học, 2 bộ trưởng chưa xong đại học, chỉ có vài chứng chỉ vắt vai.” Như vậy so với Việt Nam, nội các của chính phủ Na Uy rõ là…thất học. Thế nhưng, dù có “tin yêu Đảng và nhà nước Việt Nam” đến đâu, chắc người Việt Nam cũng chẳng dám tự tin đến mức cho rằng các ông lãnh đạo ở các nước Na Uy, Mỹ và Úc dốt nát hơn, điều hành quản lý đất nước kém cỏi hơn các ông lãnh đạo Việt Nam! Đó là chưa kể, ai cũng thừa hiểu bằng cấp ở Việt Nam “ngó vậy mà không phải vậy”-có thể là bằng mua, bằng giả, bằng dỏm v.v…
Thứ hai, những người lãnh đạo ở các quốc gia độc tài không phải trải qua những vòng sát hạch công khai và phải chứng tỏ năng lực, trí tuệ của mình trước toàn thể quốc dân để rồi sau đó chính mỗi người dân sẽ quyết định có chọn họ hay không. Thứ ba, kể từ khi bắt đầu bước vào con đường chính trị cho đến suốt những năm tại chức và sau đó nữa, cuộc đời riêng và con người của họ luôn luôn nằm trong tầm ngắm của báo chí và dư luận-bất cứ một lời nói, hành động nào của họ, của vợ/chồng, con cái, người thân của họ, những gì đã xảy ra trong quá khứ mười lăm, hai mươi năm trước và hơn nữa…đều có thể bị báo chí lôi ra chỉ trích, bị đối thủ chính trị săm soi, và chỉ cần một tì vết, một sai lầm nhỏ cũng đủ khiến sự nghiệp chính trị của họ tiêu tùng. Thêm vào đó, họ luôn luôn phải chịu trách nhiệm với từng lời nói, việc làm của mình trong cương vị là những người được nhân dân tín nhiệm bầu ra để gánh vác công việc cho nước cho dân, và nếu làm không được việc, thì nhân dân có quyền yêu cầu họ từ chức bất kể lúc nào. Chính vì vậy, ở những quốc gia dân chủ, những người Tổng thống hay Thủ tướng một khi đã được bầu lên, dù người này có trội hơn hay kém hơn một chút so với người tiền nhiệm hay kế nhiệm, nhưng chắc chắn họ không thể là những người bất tài, kém đức, cũng không thể là những người không biết đặt quyền lợi của đất nước và nhân dân lên trên hết.
Còn ở những quốc gia như Cu Ba, Bắc Hàn, Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia độc tài khác, tự trong đảng bầu chọn, sắp xếp, chia ngôi thứ, quyền lợi với nhau, nhân dân chẳng ai biết rõ về những người lãnh đạo: năng lực của họ ra sao, trong suốt thời gian tại chức họ đã làm được gì, chưa làm được gì so với những lời họ hứa; trong đời sống hàng ngày họ là những con người như thế nào, có thực sự có tài đức không; vợ/chồng con cái họ sống ra sao, tài sản họ bao nhiêu v.v…và v.v…Nếu báo chí Việt Nam mà được quyền tìm hiểu về cuộc đời và con người của những “đầy tớ của dân”, tôi tin rằng người dân Việt Nam sẽ choáng váng đến chết ngất khi được biết năng lực thực sự cho tới cuộc sống xa hoa, tài sản…của các quan chức Việt Nam từ trên xuống dưới. Chỉ riêng chuyện “quan trí” thông qua những lời phát ngôn của các ngài được báo chí ghi lại cũng đủ làm người dân choáng rồi, ai muốn tìm hiểu, có thể vào trang “Những phát biểu ở đỉnh cao trí tuệ của ban lãnh đạo Việt Nam” trên facebook hoặc chịu khó theo dõi mục “Phát ngôn và hành động”trên trang Tuần Việt Nam, thỉnh thoảng cũng bắt gặp nhiều câu…rất ấn tượng của các quan. Còn về con người đời thường của các quan, bảo đảm sẽ có khối chuyện hay, nhiều scandal nóng sốt, giúp cho một tờ báo in ra cả vài triệu bản một số mà vẫn đắt hàng, bán chạy như tôm tươi! Lâu lâu dư luận vỉa hè mới xì ra một chút như cuộc sống ăn chơi xa hoa của Viet Dart con trai một thượng tá công an ở Hà Nội qua vụ scandal phim sex với cô diễn viên H.T.L trước đây hay những thông tin về gia đình Thượng tướng Công an Nguyễn Khánh Toàn và con trai Nguyễn Khánh Trọng qua bài viết trên blog của blogger Cô gái Đồ Long, hoặc những khuôn mặt quan chức mua dâm bị lộ ra từ vụ án mua dâm học trò ở Bắc Giang…mà dư luận đã bàng hoàng như thế, thì thử hỏi nếu biết được sự thật đời sống, nhân cách của các quan phụ mẫu ở nước ta, người dân sẽ có cảm giác ra sao.
Quan chức ở những quốc gia độc tài như Việt Nam là thành phần “bất khả xâm phạm”. Từ người dân, báo chí cho tới luật pháp đều không được quyền đụng tới. Blogger Cô gái Đồ Long viết bao nhiêu bài đụng tới đời tư người khác mặc kệ, nhưng chỉ cần đụng tới một ông tướng công an là bị bắt khẩn cấp, vào tù ngay lập tức! Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cứ việc mà làm đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tòa án Nhân dân Hà Nội rồi Tòa án Tối cao cũng đều bác đơn vì “tòa án không có căn cứ pháp lý để thụ lý và giải quyết đơn khởi kiện này”. Còn nếu khi các quan chức phạm tội thì bản án dành cho họ bao giờ cũng…khác với bản án dành cho người dân thường thấp cổ bé miệng. Cùng bị các em nữ sinh tố cáo hành vi mua dâm, nhưng tòa lại buộc tội ông hiệu trưởng vì đủ căn cứ, còn các vị quan chức trong đó có ông Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô thì không đủ căn cứ. Cơ quan điều tra xác định hành vi bán dâm, môi giới mại dâm của Thúy và Hằng, và các em tiếp tục ngồi tù, nhưng hành vi của những kẻ mua dâm thì lại…không xác định được! Cùng một tội lái xe gây tai nạn chết người, nhưng ca sĩ Trí Hải bị 4 năm 6 tháng tù và chết vì bệnh trong thời gian còn đang thi hành án, trong khi ông Chu Văn Thưởng, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tây (cũ) lại được hưởng mức án 36 tháng tù treo (“Hai bản án, cùng một tội danh” đăng trên Talawas ngày 24.10.2009). Hay chỉ vì cướp hai con vịt trị giá khoảng trên dưới một trăm đô la Mỹ mà ba nông dân huyện Lâm Đồng bị 13 năm tù (báo Pháp luật TP.HCM ngày 10.8.2009) trong lúc các quan lãnh đạo tập đoàn Vinashin làm thất thoát, thua lỗ 86,000 tỷ đồng tức hơn 4 tỷ đô la Mỹ (có dư luận còn nói con số thực lên đến 120,000 tỷ đồng) nếu nhân lên thì phải đáng xử bao nhiêu năm tù? Có thể kể ra rất nhiều những ví dụ như vậy. Chưa kể, trong rất nhiều vụ án lớn ở Việt Nam, nếu chẳng may mà các quan chức cấp cao có phải vào tù đi nữa, nếu biết “im lặng là vàng” không khai ra cấp trên, thì chỉ một thời gian sau, dư luận nguôi quên, họ lại đàng hoàng được xét giảm, rồi ân xá, ra tù.
Làm quan ở Việt Nam, sướng thật!
So với đời sống vất vả chạy ăn từng bữa của đại bộ phận dân chúng Việt Nam-nhất là tầng lớp nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị, cho tới những vùng sâu vùng xa, cuộc sống của các quan chức Việt Nam là cả một trời một vực. Người dân Việt Nam chỉ còn biết cho rằng con người có số, các quan sướng vì…cái số sướng, dân khổ cũng tại vì …số khổ! Và chỉ biết nhắn với các quan, nhất là những người đứng đầu nhà nước-mà dù muốn dù không, số phận của đất nước này, dân tộc này đang phải nằm trong tay họ, rằng các quan sướng nhiều rồi hãy biết nghĩ tới dân tới nước một chút, trước khi làm bất cứ việc gì, đặt bút ký bất cứ một quyết định, nghị định gì hãy cân nhắc đến tương lai vận mệnh của đất nước, dân tộc. Tài sản của các quan bây giờ phải dùng đến một hình ảnh ấn tượng là cả gia đình, dòng họ có mài vàng ra mà uống mỗi ngày thì mười đời sau cũng không hết, hà cớ gì phải ăn thêm nữa, tham thêm nữa mà để hại cho dân cho nước, trong những vụ như cho thuê rừng, khai thác bauxite hay làm đường sắt cao tốc chẳng hạn? Rằng các quan hãy biết sợ luật nhân quả mà bớt điều ác, thêm điều thiện, biết chùn tay suy nghĩ lại trước khi ký một cái quyết định bịt miệng nhân dân, lệnh cho công an quân đội đàn áp dân để cưỡng chiếm đất đai hay hạ lệnh tống ai vào tù vì tội nói sự thật…
Và quan trọng nhất, điều mà mọi người dân Việt Nam đều muốn nhắn nhủ với những người đứng đầu nhà nước Việt Nam nhân đầu năm mới 2011 rằng dân Việt vốn có khả năng chịu đựng cao hơn rất nhiều dân tộc khác, và sẵn sàng chịu đựng thêm muôn vàn sự bất công, phi lý của cái nhà nước này nói chung và sự kém cỏi, bất tài, tham lam vô độ của cá nhân các ông nói riêng…nghĩa là chịu đựng cái luật rừng, nạn tham nhũng, một môi trường sống bị ô nhiễm, đạo đức xã hội xuống cấp cho tới đời sống kinh tế bất ổn, vật giá leo thang…hơn nữa…Chỉ trừ một điều: tội bán nước. Đó là điều mà dân Việt sẽ không bao giờ bỏ qua. Những người lãnh đạo Việt Nam vào năm mới xin tâm niệm điều này! Còn nước thì các quan còn có chỗ mà bán rừng bán đất bán tài nguyên, có chỗ mà hưởng thụ giàu sang phú quý, nước mất rồi không chỉ nhân dân phải chịu tủi nhục mà liệu số phận các ông có được yên?
Nguồn : RFA
http://www.rfavietnam.com/node/367
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét