Pages

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo 'là sai lầm'


VN có mức tăng trưởng khá cao nhưng đi kèm là lạm phát.

Năm 2010 là năm Việt Nam chứng kiến một số vấn đề kinh tế liên quan tới chính sách vĩ mô với thực trạng lạm phát cao, lãi suất cho vay tăng vọt, chênh lệch tỷ giá trong và ngoài ngân hàng, nhập siêu, dự trữ ngoại hối giảm xuống mức thấp và thâm hụt ngân sách ở mức đáng lo ngại.

BBC Việt ngữ phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ Nam California để lấy đánh giá về nỗ lực chống lạm phát, sự can thiệp của ngân hàng nhà nước và vai trò của các tổng công ty.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta nên nhớ lại bối cảnh từ năm 2008 Việt Nam bị lạm phát nặng. Lúc đó Việt Nam vừa chống lạm phát nhưng đồng thời khi đó cũng bị ảnh hưởng bởi thực trạng tổng suy trầm về kinh tế trên toàn cầu nên Việt Nam đã bơm tín dụng rất mạnh (thông qua các chương trình kích thích kinh tế) theo kiểu giống như Trung Quốc. Vì vậy cũng tạo ra áp lực về lạm phát.

Thứ hai hệ thống quản lý của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, tức là hệ thống tài chính và ngân hàng không được vững mạnh để chịu một liều thuốc quá lớn như vậy. Người ta chỉ nhìn thấy góc độ làm sao về tăng trưởng cao chứ không để ý tới lạm phát, đặc biệt là lạm phát về lương thực là vấn đề ảnh hưởng rất nhiều tới tầng lớp nghèo.

Điểm cũng đáng chú ý là Việt Nam cũng đã phá giá tiền đồng vài lần trong năm 2010 và khoảng cách chênh lệch giữa giá chợ đen và tỷ giá chính thức cho tiền đồng với đôla cũng gây thêm sức ép lên tiền đồng. Đây cũng là yếu tố góp phần thêm lạm phát bởi có nhiều mặt hàng liên hệ với đồng đôla.



Đảng cầm quyền đang chuẩn bị cho kỳ ̣Đại hội XI ở Hà Nội



BBC: Thưa ông, Economist Intelligence Unit hồi tháng 12 năm 2010 có bài nói rằng mô hình tăng trưởng do khu vực nhà nước đóng vai trò chủ đạo của Việt Nam không thể thích ứng được với thực trạng biến động mạnh của nền kinh tế toàn cầu, ông nghĩ sao?
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa: Cách nhà chức trách Việt Nam ứng phó với nạn lạm phát thể hiện sự lúng túng trong quản lý kinh tế vĩ mô. Tức là vừa muốn hãm phanh (chống lạm phát) nhưng lại vừa muốn đạp ga (đẩy mạnh tăng trưởng cao). Đó là việc hết sức khó với bất kỳ quốc gia nào, huống chi là Việt Nam với trình độ quản lý rất thấp. Giới chức trong ngành ngân hàng hay tiền tệ của Việt Nam mỗi ông lại phát biểu theo một cách. Nó có những mâu thuẫn với nhau và cho thấy cách đối phó không đủ linh động và nhất là thông tin của giới có trách nhiệm về kinh tế lại không đủ bén nhậy và hơn nữa không thông tin cho thị trường biết rõ ràng. Cơn sốt vàng thồi tháng 11 năm 2010 cho thấy khả năng quản lý là rất kém, nhất là về vĩ mô.

BBC: Tại các nền kinh tế phát triển, người ta dùng ngân hàng trung ương để can thiệp, điều tiết kinh tế vĩ mô. Ông đánh giá vai trò Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa: Thứ nhất về tư cách pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có tính độc lập như các ngân hàng trung ương tại các nơi khác trên thế giới. Thứ hai có thể có năng lực kỹ thuật ở bên trong mặc dù giới chức chuyên về ngân hàng của Việt Nam cũng có khả năng cao cơn trước thời trước Đổi Mới. Ông Thống đốc Ngân Hàng có thể có khả năng nhưng không loại trừ việc ông không được quyền quyết định do có thể có ý kiến từ Bộ Tài Chính hay cơ quan khác thuộc Đảng chẳng hạn.

Chúng ta thấy rằng hệ thống đưa ra quyết định lại không chịu trách nhiệm đối với thị trường và tiến trình đưa ra quyết định không minh bạch lại càng làm người ta e ngại. Kết quả đưa ra nhiều khi có sự mâu thuẫn trong hệ thống. Khả năng ứng đối đã không linh động mà nhiều khi người ta nghĩ lại còn có tính mờ ám bởi một quyết định này có thể lại có lợi cho một số cơ quan hay tổng công ty của nhà nước kia, thì cái đó càng làm thị trường mất niềm tin và khả năng ứng phó của nhà nước Việt Nam.

BBC: Ông đánh giá thế nào việc những ưu đãi trong đó có vốn mà nhà nước dành cho các tập đoàn nhà nước hay các tổng công ty quốc doanh?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa: Lãnh đạo bị mắc cái bệnh có thể nói là vĩ cuồng, nghĩ tới những chuyện rất lớn trong khi chưa ra khỏi nền kinh tế nông nghiệp. Lấy khu vực doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn quốc doanh đóng vai trò chủ đạo là điều hoàn toàn sai lầm. Hệ thống quản lý vĩ mô đã lỏng lẻo và yếu kém, trong khi lại tập trung phương tiện của quốc gia để trao cho một số tập đoàn kiểm soát kém và không ai chịu trách nhiệm cả. Cái này là cái bế tắc lớn.

Những người lãnh đạo các tập đoàn bằng phương tiện quốc gia này họ đều là đảng viên. Điều xảy ra là mỗi một phe lại được ưu đãi kinh doanh một lĩnh vực. Tức là trở lại việc Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra một mô hình có vẻ là đa nguyên để mỗi phe trong đảng có các cơ sở kinh doanh và khai thác tài nguyên của quốc gia cho mục tiêu riêng. Thành ra chúng ta thấy có rất nhiều đại gia hay còn gọi là các ông tư bản đỏ mà trong khi đó sức mạnh thật của kinh tế đất nước hay người dân vẫn còn rất nghèo.

Trong thời gian chuẩn bị Đại hội XI của đảng cầm quyền ở Hà Nội, BBC sẽ tiếp tục giới thiệu các quan điểm khác nhau về kinh tế và chính trị Việt Nam.

Không có nhận xét nào: