Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Nhật Bản sẵn sàng dùng ODA thúc đẩy chương trình vệ tinh của Việt Nam


Trọng Nghĩa
Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản, ngày hôm qua, 31 tháng 12, cho biết là trong thời gian tới đây, Tokyo sẵn sàng sử dụng ngân sách dành cho viện trợ vì phát triển, gọi tắt là ODA, để tài trợ cho các kế hoạch phát triển vệ tinh không gian của các quốc gia đang phát triển. Một trong những quốc gia đầu tiên được hưởng sẽ là Việt Nam.
Theo hãng tin Kyodo, hình thức này nhằm giúp đỡ các công ty Nhật Bản giành được hợp đồng liên quan đến một kế hoạch phóng vệ tinh đã được Việt Nam dự trù.

Việt Nam mới đây đã yêu cầu Nhật Bản cho vay để thực hiện đề án trị giá 30 tỷ yen nhằm xây dựng một trung tâm không gian và phóng một vệ tinh thời tiết. Trong số các tập đoàn Nhật Bản, hai công ty NEC và Mitsubishi Electric đều tham gia sản xuất vệ tinh.

Quyết định của chính quyền Tokyo đương nhiệm thể hiện một thay đổi rõ nét so với lập trường trước đây, vốn không cấp vốn ODA cho các dự án vệ tinh, viện lẽ rằng ODA chủ yếu phục vụ mục tiêu xóa đói nghèo. Tuy nhiên Nhật Bản đã đổi ý sau khi thấy là các nước châu Âu sử dụng thành công ngân sách viện trợ phát triển để làm lợi cho ngành công nghiệp không gian vũ trụ của họ.

Trong trường hợp của Việt Nam chẳng hạn, Nhật Bản nhận thấy là các công ty Pháp và Bỉ đã giành được hợp đồng liên quan đến chương trình không gian của Việt Nam, dường như với sự hỗ trợ của nguồn ODA đất nước của hai nước này.

Các công ty Nhật Bản đang lo ngại bị đối thủ cạnh tranh phương Tây bỏ lại đằng sau trong cuộc đua giành thị trường vệ tinh đang phát triển mạnh, đặc biệt là tai các nước đang vươn lên. Cho đến nay, Nhật Bản mới chỉ xuất khẩu được duy nhất một vệ tinh, với các thành phần chính do các công ty Nhật Bản chế tạo.

Với chủ trương mới, Tokyo sẽ mở rộng đối tượng cung cấp các khoản tín dụng bằng đồng yen với lãi suất hạ dành cho các nền kinh tế mới nổi để có thể trợ giúp các công ty Nhật Bản trong cuộc chạy đua giành các hợp đồng vệ tinh ở nước ngoài.

Nhật Bản đang đặt mục tiêu xuất khẩu từ 5 đến 10 vệ tinh trong thời gian 5 năm săp tới.

Không có nhận xét nào: