Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Ý kiến về Đại hội Đảng

Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa khép lại tại Hà Nội, với một dàn lãnh đạo mới được công bố.

Giới quan sát nước ngoài nhìn nhận đại hội lần này ra sao, BBC xin giới thiệu với quý vị một số ý kiến:

Tiến sỹ Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam: Việc lựa chọn người lãnh đạo đất nước là công việc của nhân dân Việt Nam.

Quan điểm của Anh quốc là quá trình bầu cử cần được thực hiện một cách dân chủ nhất có thể được. Hệ thống bầu cử của Anh tuy chưa hẳn là hoàn hảo, nhưng cũng có thể mang lại một số kinh nghiệm hữu ích mà chúng tôi có thể chia sẻ với các bạn nước ngoài.

Tôi cho là một trong những điều quan trọng nhất đối với hoạt động của chúng tôi tại đây là giúp chính phủ Việt Nam cải thiện tính chịu trách nhiệm trong hệ thống chính trị.

Lẽ dĩ nhiên, người dân Việt Nam toàn quyền quyết định việc chọn lãnh đạo nào và lãnh đạo như thế nào. Tôi hy vọng là các vị lãnh đạo mới sẽ cam kết giải quyết các vấn đề kinh tế ở trong nước. Và chính phủ Anh cũng cam kết đóng vai trò hỗ trợ cho dù còn khiêm tốn trong quá trình đó.

BBC: Việc thay đổi ban lãnh đạo ở Việt Nam liệu có ảnh hưởng gì tới sự phát triển quan hệ Anh-Việt hay không, thưa ông?

TS Antony Stokes: Hai nước Việt Nam và Anh có những nền tảng hết sức tích cực cho quan hệ song phương. Môi trường hiện nay hết sức thuận lợi cho cam kết hợp tác chung giữa hai chính phủ.

Hai bên có thể làm việc với nhau một cách có tính xây dựng và cùng giải quyết nhiều điều khó khăn.

Tôi nghĩ là hiện quan hệ hai bên đang ở giai đoạn phát triển ngày càng tốt đẹp hơn.

Kết quả không quá bất ngờ
Giáo sư Carlyle Thayer, nhà nghiên cứu Việt Nam tại Úc châu: Sự thay thế đội ngũ lãnh đạo trong Đại hội lần này, với 58% Ban Chấp hành Trung ương khóa XI là người từ khóa X và 42% là người mới, theo tôi thuộc loại trung bình trong các kỳ đại hội.

10 bộ trưởng trong chính phủ không tái cử vào Ban Chấp hành, nên chắc sẽ bị thay thế sau cuộc bầu cử Quốc hội tới.

Đó là các ông Phạm Gia Khiêm (Ngoại giao), Võ Hồng Phúc (Kế hoạch-Đầu tư), Hồ Nghĩa Dũng (Giao thông-Vận tải), Trần Văn Tuấn (Nội vụ), Hoàng Văn Phong (Khoa học-Công nghệ), Nguyễn Hồng Quân (Xây dựng), Trần Văn Truyền (Thanh tra Chính phủ), Lê Doãn Hợp (Thông tin-Truyền thông), Phạm Khôi Nguyên (Tài nguyên-Môi trường) và Nguyễn Quốc Triệu (Y tế).

Câu hỏi lớn nhất mà tôi đang tìm trả lời là ai sẽ đảm đương chức Bộ trưởng Ngoại giao. Con số người của bộ này trong Ban Chấp hành khóa XI đã tăng lên.

Có lẽ, bộ trưởng ngoại giao sẽ không phải người trong Bộ Chính trị, như đã từng xảy ra với trường hợp ông Nguyễn Dy Niên.

BBC: Xin ông cho biết một số dự đoán về nội các?

GS Carl Thayer: Tôi chỉ có thể nói rằng việc một số thứ trưởng các bộ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương cho thấy họ có thể trở thành bộ trưởng trong tương lai.

Thí dụ, ông Bùi Quang Vinh có thể thành Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư; ông Nguyễn Quân thành Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ; ông Trịnh Đình Dũng thành Bộ trưởng Xây dựng và bà Nguyễn Thị Kim Tiến thành Bộ trưởng Y tế.

Chức bộ trưởng ngoại giao còn là ẩn số.

Có một chi tiết mà tôi chú ý là khi thông báo danh sách Bộ Chính trị mới, các tên tuổi được nhắc tới theo thứ tự tỷ lệ phần trăm phiếu bầu của Ban Chấp hành Trung ương.

Ông Trương Tấn Sang là người đứng đầu danh sách. Tiếp đó là ông Phùng Quang Thanh. Ông Nguyễn Tấn Dũng đứng thứ ba trong khi ông Nguyễn Sinh Hùng về thứ tư.

Ông Nguyễn Phú Trọng, người nay trở thành tổng bí thư, đứng thứ tám.

Không có nhận xét nào: