Pages

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Vai Trò Nước Lớn

Vai trò của nước lớn như thế nào? Từ thời xưa vào đầu Thế kỷ 19 dân tộc Việt Nam đã biết đến nước lớn là nước Pháp. Vậy vai trò của nước này như thế nào? Họ bảo họ có lòng tốt muốn nước ta được văn minh. Tôi còn nhớ vào năm 1933, báo Phong Hóa chuyên trào phúng đã đưa ra một hí họa trong đó vẽ một chiếc phi cơ đang thả một quả bom, trên quả bom có ghi hai chữ “văn minh”. và dưới bức hình có phụ đề “Reo rắc hạt giống văn minh”. Chuyện cũ xin bỏ qua, nay nhắc đến chuyện mới ngày nay là vai trò của nước lớn giữa lúc một số nước ở Bắc Phi như Ai Cập và vài nước lân cận đang có các cuộc biểu tình gây rối loạn lớn, trong khi báo chí Mỹ từ hai tuần qua đã ghi dưới các tấm hình biểu tình hai chữ hấp dẫn nổi bật bằng mực đỏ: “Cách Mạng”.

Chữ Cách Mạng gốc tiếng Anh “Revolution” có nghĩa là lật đổ hoặc xóa bỏ chính quyền bằng sức mạnh tức võ lực. Chữ Cách Mạng gốc Hán tự của Việt ngữ còn thêm ý nghĩa lật đổ một ông vua, “cách” là bãi bỏ, mạng hay mệnh tức là lệnh của vua. Trong những thế kỷ trước, ở Âu châu khi người ta nói Cách Mạng là lật đổ một ông vua bị coi như một kẻ độc tài, để lập một chế độ do dân làm chủ. Ðến thời chủ nghĩa Cộng sản ra đời ở Nga nó cũng làm như vậy, nhưng thêm một tham vọng là mấy ông trùm CS lúc đó muốn đem thứ cách mạng này phổ biến thật rộng để nhuộm đỏ cả thế giới. Khi Cách mạng đỏ đến Việt Nam, mấy ông Cộng sản chiếm đất cai trị thì chính quyền về tay nhân dân chăng? Thực tế cho thấy chính quyền nằm gọn trong tay một ông Tổng bí thư đảng và ông ta cũng độc tài có quyền sinh sát chẳng kém gì một ông vua thời xưa.

Bây giờ hãy trở lại những biến chuyển mới đang làm cả thế giới băn khoăn theo dõi. Ðó là cuộc đại loạn ở Ai Cập mà báo chí Mỹ từ hai tuần qua đưa ra hai chữ “Cách Mạng” mầu đỏ tía trên bìa hay hình ảnh các vụ biểu tình ở Ai Cập. Chúng tôi muốn chua thêm hai chữ của “Thế kỷ 21” để phân biệt hiện tại với quá khứ. Ðồng thời tôi đặt cuộc cách mạng tối tân này duới tựa đề “Vai trò nước lớn”. Chúng tôi không nói đến “siêu cường” bởi vì ngày nay xét về võ lực binh khí, kể cả bom hạt nhân, nhất là xét về kinh tế, tất cả những cái gọi là siêu cường của Thế kỷ 20 nay cũng chỉ nhàng nhàng như nhau mà thôi.

Vậy vai trò của nước lớn như thế nào trước sự đại loạn đã và đang lan rộng, chẳng hạn bắt đầu từ Tunisia qua Ai Cập, rồi qua Yemen và có thể qua cả các nước Hồi giáo khác? Hãy nhìn lại tình hình thế giới vào thời kỳ chiến tranh lạnh cuối thế kỷ 20, ngay sau cuộc Ðệ nhị Thế chiến. Thời đó Liên Sô là một trong hai siêu cường đã chiến thắng Ðức quốc xã và Ý phát xít, và đã có những chế độ Cộng sản mọc ra, nước Việt Nam cũng mắc kẹt vào cái họa này. Lẽ tất nhiên Mỹ phải can thiệp bằng võ lực để bênh vực các nước nhỏ lâm nạn.

Chúng ta đã thấy chế độ Cộng sản xuất hiện ở Trung Quốc. Thế nhưng không nói chi đến phe Cộng sản, Mỹ cũng phải tăng cường sức mạnh quân sự và đem quân can thiệp trực tiếp vào Việt Nam. Bài học của các nước nhỏ như Việt Nam cần phải hiểu rõ là Mỹ đem quân sang Việt Nam trước hết vì nhu cầu chiến lược của Mỹ, chớ không phải vì dân tộc Việt Nam. Cố nhiên khi Mỹ đánh cộng sản, những người quốc gia (tức dân tộc chủ nghĩa) ở Việt Nam đã hợp tác với Mỹ để chống lại cái họa cộng sản ở đất nước của mình.

Sau mấy đoạn mở đầu như trên, bây giờ vấn đề đặt ra cho Mỹ, cho TT Obama là Mỹ có nên đem quân đội trực tiếp đến giúp chính quyền Ai Cập lập lại trật tự hay không? Câu trả lời là tuyệt nhiên không. Các nước lớn như Mỹ ngày nay nên tránh mọi sự can thiệp võ lực hay chính trị vào việc nội bộ của Ai Câp, hãy để cho nhân dân Ai Cập tự giải quyết những vấn đề nội bộ của họ theo đúng tinh thần dân tộc tự quyết. Tuy nhiên Mỹ vẫn có thể theo dõi sự tự quyết đó sẵn sàng cùng các nước lớn khác giúp đỡ bằng mọi cách để Ai Cập, cũng như các nước khác trong khu vực Bắc Phi như Tunisia hay ở Trung Ðông như Yemen cũng đang có có các cuộc biểu tình mà báo chí Mỹ nêu ra hình ảnh mầu đỏ với chữ “Cách Mạng” ở ngoài bìa các tờ báo lớn.

Vào sáng thứ Ba tuần này, tin tức loan đi khắp thế giới có vẻ đã xác nhận quan điểm đó. Phó Tổng Thống của chính phủ Mubarak đã công bố một kế hoạch và thời điểm để chuyển giao quyền hành một cách ôn hòa cho những phe biểu tình chống đối, nhưng sự đòi hỏi Mubarak phải từ chức ngay vẫn mạnh. Ðặc biệt sự đòi hỏi đó còn tăng thêm sức mạnh vì một biến chuyển mới bất ngờ đã xẩy ra. Lần đầu tiên một nhân vật quan trọng của phong trào biểu tình chống đối đã được phóng thích. Ðó là thanh niên 30 tuổi, Wael Ghonim, Trưởng ban Tiếp thị của Công ty Google Inc. Chính quyền Mubarak phóng thích Ghonim với mục đích thoa dịu phong trào biểu tình để những người biểu tình chấp thuận kế hoạch chuyển giao từ từ quyền hành cho những phe chống đối với hy vọng thủ đô Cairo sẽ trở lại yên tĩnh như trước. Nhưng không ngờ, tình thế đã đi ngược lại.

Tại Công trường Tahrir nơi tập trung lớn nhất của phong trào chống chính phủ, với hàng chục ngàn nguời biểu tình vai kề vai sát cách, Wael Ghonin đã xuất hiện lần đầu tiên sau 12 ngày bị giam giữ, nhỏ lệ khóc trước ống kính thu hình của các phóng viên nước ngoài loan truyền ngay tức khắc cho cả thế giới nhìn thấy. Ghonim ngẹn ngào nói: “Chúng tôi không phải là những kẻ phản bội”. Ghonim đã khóc cho những người bị bắn chết trong các cuộc biểu tình diễn ra trong suốt hơn hai tuần qua.

Lập tức những tràng pháo tay nổ ra như sấm. Ghonim nói với các phóng viên báo chí mước ngoài những cuộc biểu tình này là “một cuộc cách mạng trên Internet”. Bà Fifi Shawqi, 33 tuổi thuộc giai cấp giầu sang đi biểu tình lần đầu tiên cùng 3 cô con gái và một người em gái của bà. Bà nói với các phóng viên: “Tôi đã nhìn thấy Wael trong cuộc phỏng vấn hôm qua và tôi đã khóc. Tôi thấy Wael cũng như con trai của tôi và tất cả những người trai trẻ biểu tình ở đây cũng như con tôi. Tôi nghĩ hình ảnh Wael đã khiến nhiều người, rất nhiều người đến đây”.

Những người khác trong đám biểu tình cũng nói họ ra khỏi nhà đến đây lần đầu tiên sau khi nghe nói Wael Ghonim đã xuất hiện. Ghonim đã trở thành một cây cột trụ chính để lôi cuốn những người biểu tình, có vẻ như đã bác bỏ một vài thành phần biểu tình đã tách ra chấp nhận đề nghị kéo dài thời gian của Mubarak để hòa hợp hòa giải. Trước đề nghị và kế hoạch nhượng bộ mới của Mubarak, các nhóm người biểu tình lần này cùng có chung một lập trường dứt khoát: “Không có sự tương nhượng nào hết trừ phi Mubarak từ chức”.

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh

Không có nhận xét nào: