Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011
Đại diện ngư dân Việt gửi kháng thư tới Trung Quốc
Anh Dương Văn Rin, thân nhân của một ngư phủ từng bị Trung Quốc giữ hồi năm 2010, nói: ‘Sợ bị bắt chứ. Sợ phía Trung Quốc bắt chứ. Nhưng cái sợ đó không sợ bằng cái sợ đói. Phía Trung Quốc bắt cũng chịu thôi, giờ làm sao? Điều kiện kinh tế, sinh nhai mà. Không ra khơi thì lấy gì người ta ăn? Ngư dân lấy gì họ ăn? Chứ vùng biển Việt Nam, phía gần bờ thì hết cá rồi, họ phải ra khơi thôi’.
VOA- Thưa quý vị, Trung Quốc mới đây thông báo lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông) trong hơn hai tháng (từ 16/5 tới 1/8). Đáp lại, giới hữu trách Việt Nam cho biết, các ngư dân vẫn tiếp tục ra khơi, dù bị ảnh hưởng tinh thần và tâm lý. Mời quý vị theo dõi tường thuật của Nguyễn Trung trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhận định rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ‘ảnh hưởng tới tinh thần và tâm lý của ngư dân’
Như thường lệ, chính quyền Hà Nội đã lên tiếng bác bỏ việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Khi trao đổi với VOA Việt Ngữ, các giới chức địa phương cũng lặp lại tuyên bố này, đồng thời khẳng định rằng ngư dân Việt có quyền đánh bắt cá trên vùng biển của Việt Nam.
Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi, cho biết các ngư phủ của tỉnh này vẫn ra khơi và tới nay vẫn chưa gặp trở ngại gì.
Ông nói: ‘Ngư trường của mình mà? Ngư trường chủ quyền của mình, thì mình ra đánh bắt như bình thường thôi. Ngư dân không có lo ngại gì hết là vì các cơ quan hữu trách vẫn có những biện pháp để bảo vệ ngư dân’.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, tán đồng quan điểm của ông Hoàng.
Ông cho hay rằng lệnh cấm của Trung Quốc ‘ảnh hưởng tới tinh thần và tâm lý của ngư dân, nhưng hội luôn động viên họ thực thi cái quyền của mình, là được đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam’.
Ông Thắng cho biết thêm rằng Hội Nghề cá Việt Nam đã gửi kháng thư lên cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc ở Hà Nội hôm 14/5, nhưng tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói: ‘Rõ ràng lệnh cấm đó vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không đúng với luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã có thư gửi cho đại sứ quán Trung Quốc và chúng tôi đã phản đối cái việc này. Chúng tôi đã có công văn gửi cho chính phủ Việt Nam, phải lên tiếng phản đối việc làm sai trái đấy của Trung Quốc’.
Theo giới chức này, các hội nghề cá ở các tỉnh miền trung như Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Bình Định thường xuyên động viên ngư dân tiếp tục công việc.
Hồi năm 2010, Trung Quốc cũng ban hành lệnh cấm đánh bắt trong khoảng thời gian như trên.
Khi được hỏi là liệu ông có lo ngại cho sự an toàn của các ngư dân khi họ bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc, ông Thắng cho hay rằng Hội luôn cảnh báo ngư dân để họ có tinh thần sẵn sàng.
Giới chức này nói: ‘Tất nhiên là chúng tôi luôn luôn chuẩn bị một cái tinh thần, tâm lý để làm sao cho bà con ngư dân yên tâm trên biển. Và chúng tôi đã kiến nghị với chính phủ, những lực lượng bảo vệ bờ biển thì phải luôn luôn sẵn sàng để hỗ trợ cho bà con ngư dân. Tất nhiên, trong những năm trước, cũng có những vụ bị bắt thì chúng tôi đã lên tiếng phản đối và Trung Quốc đã trả về’.
Năm ngoái, hàng chục ngư dân và tàu bè của họ đã bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đánh bắt cá ở khu vực biển Đông.
Tin cho hay, nhiều người đã phải trả tiền phạt để được thả về nhà.
Dương Văn Rin, thân nhân của một ngư phủ từng bị Trung Quốc giữ hồi năm 2010, cho rằng cuộc sống khó khăn buộc các ngư dân phải chấp nhận mạo hiểm.
Anh Rin nói: ‘Sợ bị bắt chứ. Sợ phía Trung Quốc bắt chứ. Nhưng cái sợ đó không sợ bằng cái sợ đói. Phía Trung Quốc bắt cũng chịu thôi, giờ làm sao? Điều kiện kinh tế, sinh nhai mà. Không ra khơi thì lấy gì người ta ăn? Ngư dân lấy gì họ ăn? Chứ vùng biển Việt Nam, phía gần bờ thì hết cá rồi, họ phải ra khơi thôi’.
Hồi đầu tháng Năm, tờ China Daily đưa tin, Trung Quốc đang tăng cường lực lượng tuần duyên tại các khu vực lãnh hải tranh chấp để bảo vệ chủ quyền.
Theo nhật báo này, Tổng đội Hải giám của Trung Quốc sẽ tuyển mộ thêm 1 nghìn nhân viên, nâng tổng số lên hơn 10 nghìn người.
Cùng với một số quốc gia khác trong khu vực, cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh hải ở khu vực biển Đông là quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ.
Tờ Inquirer của Philippines mới dẫn lời ông David Carden, đại sứ Mỹ tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nói rằng các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cần phải thiết lập một cơ chế khu vực để giải quyết tranh chấp.
Ông Carden cũng cho rằng khó có khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang với sự tham gia của Hoa Kỳ tại quần đảo Trường Sa.
http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam-china-fishing-ban-122169764.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét