Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011
Lời khẩn cầu của những ngư dân đảo Lý Sơn
Hơn 85 tàu cùng hơn 1062 ngư dân của các làng chài huyện đảo Lý Sơn đã bị Trung Quốc bắt giữ, cướp tài sản, đánh đập khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam từ năm 2002 đến nay. Ngoài bắt giữ người, thu tàu, cướp tài sản, đánh đập ngư dân, phía Trung Quốc còn bắt ngư dân nộp phạt hơn 2,5 tỷ đồng và đã bắn bị thương 1 người…
Yêu cầu Trung Quốc không chỉ thả vô điều kiện các tàu đánh bắt cá của ngư dân Lý Sơn mà còn phải bồi thường thiệt hại tinh thần, vật chất cho bà con ngư dân. Bởi ngư dân Lý Sơn đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Hơn 85 tàu cùng hơn 1062 ngư dân của các làng chài huyện đảo Lý Sơn đã bị Trung Quốc bắt giữ, cướp tài sản, đánh đập khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam từ năm 2002 đến nay. Ngoài bắt giữ người, thu tàu, cướp tài sản, đánh đập ngư dân, phía Trung Quốc còn bắt ngư dân nộp phạt hơn 2,5 tỷ đồng và đã bắn bị thương 1 người… Đó là con số thống kê chưa đầy đủ của Văn phòng UBND huyện đảo Lý Sơn.
Gặp bão không ngán bằng bị tàu Trung Quốc cướp
Nhiều ngư dân tôi gặp tại những làng chài vùng biển Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung, đều nói về nỗi kinh hoàng khi ra biển là gặp bão biển và tàu Trung Quốc có vũ trang bắt giữ. Gặp bão không ngán bằng bị tàu Trung Quốc cướp, đánh đập tàn nhẫn để đòi tiền chuộc.
Thuyền trưởng Trương Minh Quang cùng 13 thuyền viên trở về từ đảo Hoàng Sa kể lại: sau hơn 3 ngày đêm bị bão quật tơi bời khi chạy vào tránh bão dữ tại đảo Hoàng Sa, khi bão tan, cả 16 tàu đánh bắt cá của ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn) đã bị tàu Trung Quốc cướp toàn bộ phương tiện, máy móc, ngư cụ và bị đánh đập tàn nhẫn.
2 tháng sau sự kiện này, những chiếc tàu của ngư dân Lý Sơn lại ra khơi và lại bị những kẻ có vũ trang trên tàu ở vùng biển Hoàng Sa bắt người, cướp tàu.
Thuyền trưởng Dương Lúa vừa bị cướp tàu trở về nói: “Ra khơi đánh cá nếu may mắn không gặp tàu Trung Quốc cướp, không gặp bão biển thì có cơ may kiếm được miếng cơm nuôi sống vợ con. Hên xui thôi mà…”.
Lên 7 tuổi, Dương Lúa đã theo cha ra khơi phụ việc đánh bắt cá. Khi trưởng thành, anh có hơn 15 năm làm chủ tàu, kiêm thuyền trưởng đánh bắt nơi vùng biển Hoàng Sa. Có lẽ đối với người đàn ông chài lưới can trường này đã thấm thía và thấu hiểu cuộc mưu sinh nhọc nhằn giữa biển khơi xa với bao mồ hôi, máu và nước mắt.
Chính con tàu vừa bị tàu Trung Quốc cướp đã cùng anh và các thuyền viên ra khơi suốt 15 năm qua để tìm kiếm miếng cơm manh áo cho hàng trăm con người đang ngóng chờ trên đảo Lý Sơn.
“Mỗi chuyến ra hơn 1 tháng, nếu trời yên biển lặng không gặp cướp thì cũng kiếm được miếng cơm. Còn gặp bất trắc bão tố, gặp cướp thì coi như trắng tay. Đói!” - thuyền trưởng Dương Lúa nói.
Nhọc nhằn mưu sinh như thế mà món nợ vay mượn đóng tàu 15 năm trước giờ đây vẫn còn hơn 300 triệu đồng chưa trả nổi.
Thuyền trưởng Lê Văn Lộc thì bảo: ”Ở cái huyện đảo nghèo khó ni, đất sản xuất bình quân đầu người chưa quá 100m2 lấy đâu ra việc mà làm? Nếu không ra biển biết lấy chi để nuôi vợ con…”.
Lão ngư Lê Tân, người được xem là may mắn vì cả đời ông chưa bị Trung Quốc cướp lần nào, nói như một triết gia: đời đi biển không biết đâu mà lần. Cho dù có gặp bất trắc hiểm nguy cũng cứ phải bám biển để sống.
Lời khẩn cầu từ những làng chài
Hơn 1.000 ngư dân trắng tay trở về từ đảo Hoàng Sa trong những năm qua đã trải qua những giờ phút kinh hoàng khi phải đối mặt với hiểm nguy. Hiểm nguy họ không sợ, điều mà họ sợ nhất là không được ra biển đánh cá kiếm cơm.
Tôi vẫn còn nhớ như in lời thuyền trưởng Dương Lúa: “Mấy trăm năm trước cha ông chúng tôi đã làm chủ và đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của đất nước. Con cháu tụi tui tiếp nối. Không có bất cứ một lý do nào mà Trung Quốc ngăn cản không cho bà con tui đánh bắt…”.
“Nếu được Nhà nước giúp sức, hỗ trợ, tui sẽ tiếp tục đóng tàu lớn ra đánh bắt. Cho dù có gặp hiểm nguy cũng không sao, bởi đó là chủ quyền của Việt Nam. Tàu Trung Quốc cướp tàu của chúng tôi, đe dọa chúng tôi thực chất là họ chỉ cần không có sự xuất hiện của ngư dân Việt Nam tại đảo Hoàng Sa.
Nhưng chúng tôi không chấp nhận như thế được. Chúng tôi vẫn sẽ ra khơi đánh cá, chúng tôi chỉ khẩn cầu các cấp chính quyền hãy can thiệp và có biện pháp bảo vệ ngư dân đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam…”, thuyền trưởng Dương Lúa khẳng định.
Ngư dân cần những đội tàu hùng mạnh
Phó Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Xuân Hước đã có một buổi chiều trò chuyện cùng tôi, ông nói:
"Giúp đỡ những ngư dân trước mắt cũng như lâu dài để tiếp tục ra khơi là vô cùng cần thiết. Huyện đã tìm mọi cách để giúp bà con ngư dân bị đánh, cướp, mất tàu từ Hoàng Sa trở về sớm ổn định cuộc sống. Nhưng huyện còn nghèo, việc giúp bà con nhân dân của huyện trong lúc khốn khó này cũng chỉ giới hạn. Huyện đã có văn vản gửi lên tỉnh đề nghị đảm bảo an toàn cho ngư dân ra khơi đánh bắt cá".
Trầm ngâm một lúc, ông Hước nói thêm: "Theo tôi, Nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp như cho ngư dân vay ưu đãi để đóng tàu lớn và hình thành những đội tàu đánh bắt hùng mạnh giống như các nước trong khu vực. Có tàu lớn, lực lượng mạnh, bà con ngư dân sẽ bám biển dài ngày không lo sợ bão tố, cướp giật.
Bí thư huyện ủy Lý Sơn Trần Huy Thông cũng đồng quan điểm và khẳng định: Quần đảo Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam. Không vì bất kỳ lý do nào mà Trung Quốc có những hành vi thô bạo với ngư dân Việt Nam khi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của đất nước.
Theo ông Thông, Đảng và Nhà nước cần sớm có chính sách phù hợp để giúp ngư dân khai thác kinh tế biển. Trước mắt là bằng con đường ngoại giao yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay những hành vi thô bạo với ngư dân Việt Nam và yêu cầu họ thả ngay các tàu bị giam giữ cũng như đền bù thiệt hại cho họ.
“Chúng tôi đã có văn bản gửi tỉnh, Trung ương đề nghị can thiệp và đấu tranh cương quyết bằng con đường ngoại giao để bảo vệ an toàn cho ngư dân…” - Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Hước khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cũng khẳng định: “Tỉnh đã chính thức có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam báo cáo vụ việc, đề nghị Nhà nước can thiệp bằng đường ngoại giao yêu cầu Trung Quốc không chỉ thả vô điều kiện các tàu đánh bắt cá của ngư dân Lý Sơn mà còn phải bồi thường thiệt hại tinh thần, vật chất cho bà con ngư dân. Bởi ngư dân Lý Sơn đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Hàng nghìn ngư dân nơi huyện đảo Lý Sơn và ngư dân ven biển miền Trung nói chung đều khẳng định: nếu được Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ, họ sẽ đóng tàu to, thành lập những đội tàu hùng mạnh để ra khơi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của đất nước.
http://www.baomoi.com/Loi-khan-cau-cua-nhung-ngu-dan-dao-Ly-Son/144/3653993.epi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét