Tổng Hợp Tin Tức ngày 22-5-2011 – Trích Diễn Đàn Paltalk VietnamExodus
Không phải ngẫu nhiên nước Mỹ chọn bầu một người lai da đen, gốc đạo Hồi, làm tổng thống. Ngay sau khi đắc cử, điểm tâm lý thuận lợi cho ông Obama trong thế giới Hồi Giáo nói chung, Ả Rập nói riêng, cao hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào của ông ở nước Mỹ. Với Obama, quan hệ quốc tế của Mỹ với thế giới cải thiện rõ rệt, nhưng ông không khai thác ngay được thuận lợi ấy, vì sức khỏe của Mỹ phục hồi chậm sau khủng hoảng kinh tế tài chính 2007-2008. Bước vào năm 2011, “dấu ấn” nhiệm kỳ đầu của Obama bắt đầu rõ nét, với cách mạng ở Tunisia, rồi Egypt, mà giới báo chí đặt tên là “Cách Mạng Hoa Nhài”. Cách mạng ấy tràn sang các nước Trung Đông và Bắc Phi, biến tướng ra nhiều dạng khác nhau, với trả giá khác nhau, và dĩ nhiên, điểm dứt không giống nhau. Tùy theo tình hình biến dạng ấy, và tùy theo cách ứng phó của Mỹ với từng nước cá biệt trong cuộc, mà điểm thuận lợi cho nước Mỹ và ông Obama cứ lên lên xuống xuống thất thường. Cũng là ủng hộ “lòng dân chống bạo quyền”, nhưng đôi khi Mỹ “nặng tay” – như ở Libya – được khen nhiều chê ít đã đành, mà “nhẹ tay” – như ở Saudi hay Bahrain – cũng bị chê nhiều khen ít. Trong khi đó, dường như không quan tâm đến chuyện khen chê, Obama và nước Mỹ cứ để cho tình hình triển khai như “tự nhiên” theo lòng dân, rồi ứng phó từng trường hợp, một cách có chọn lọc – selective. Đặc biệt, chính giới Mỹ không gọi cách mạng ở Trung Đông và Bắc Phi là Cách Mạng Màu hay Cách Mạng Hoa – liên tưởng tới Đông Âu và Trung Á trong và sau khi Liên Xô sụp đổ. Chính giới Mỹ, mới đây đã gọi phong trào Lòng Dân Chống Bạo Quyền ở Trung Đông và Bắc Phi là “Mùa Xuân Ả Rập”. Cách gọi ấy làm rõ nét hơn một phần rất quan trọng trong toàn bộ trật tự thế giới toàn cầu mà Mỹ đang ra công sắp đặt lại, ở vùng thuộc thế giới Ả Rập theo đạo Hồi. Cho dù Mùa Xuân Ả Rập có lan tràn ra nhiều nước không thuộc thế giới Ả Rập hoặc không chịu ảnh hưởng nặng của đạo Hồi, nhưng cách gọi ấy chứng tỏ chiến lược đối ngoại Mỹ hiện tập chú vào nơi nào và cái gì.
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, một nhóm khủng bố có đạo Hồi tấn công nước Mỹ, khi nước này mới thắng “Chiến Tranh Lạnh”, tưởng đâu không còn đối thủ. Chủ nghĩa cộng sản đi vào thùng rác lịch sử chưa bao lâu, thì nước Mỹ đứng trước thử thách mới, mà có người đã vội cho rằng đây là sự va chạm văn minh – clash of civilization – như lời cảnh báo của Samuel P. Huntington. Cách ứng phó lụp chụp lúc đầu của tổng thống Bush đã tô đậm thêm “nét” va chạm văn minh này. Mất 10 năm ở Afghanistan và Iraq, Mỹ mới chỉ chặn đứng, chưa tiêu diệt được nạn khủng bố quốc tế, vì “hướng đối phó” chưa chính xác. Các trung tâm chiến lược Mỹ đã nhận ra điều đó, và năm 2008 họ đã vận động tích cực để nước Mỹ bầu ra một tổng thống với một hệ thống lãnh đạo thích hợp với sách lược mới, nhắm cô lập và tiêu diệt thiểu số “quá khích Hồi giáo”, không để chúng trở thành “tiền đề” dẫn đến va chạm văn minh giữa đạo Hồi và tất cả các tôn giáo khác, như cách chúng cắt nghĩa kinh Koran. Cho đến nay, Mỹ chỉ truy lùng chúng gắt gao ở ngoài thế giới Ả Rập, đuổi theo “cái ngọn”, trong khi “cái gốc” nằm trong thế giới Ả Rập. Điều nên chú ý : Mùa Xuân Ả Rập đã triển khai trước khi Bin Laden bị Mỹ hạ sát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét