Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011
Phỏng vấn Bùi Chát - Hội viên Danh dự Trung Tâm Văn Bút Thụy Điển
Dân Làm Báo được thông tin Trung Tâm Văn Bút Thụy Điển, một trong những thành viên lớn nhất của Văn Bút Quốc Tế, đã tuyển chọn nhà thơ Bùi Chát, sáng lập viên nhóm nghệ thuật Mở Miệng và Nhà xuất bản độc lập Giấy Vụn làm thành viên danh dự của Hội. Dân Làm Báo xin chúc mừng nhà thơ Bùi Chát và có cuộc trao đổi với anh nhân sự kiện này:
DLB: Theo anh thì quyết định này của Văn Bút Thụy Điển có liên hệ gì đến giải thưởng Tự do Xuất bản 2011 của Hiệp hội Xuất bản Quốc Tế vừa trao tặng anh vào ngày 25 tháng 4 tại Buenos Aires không?
BC: Tôi không có thông tin chính xác về việc này nên không biết phải nói sao, tuy nhiên tôi vẫn nghĩ rằng những nỗ lực cho tự do xuất bản của Giấy Vụn và các nhà xuất bản độc lập khác ở Việt Nam sau giải thưởng của IPA đã trở nên rõ ràng hơn đối với mọi người, cũng có nghĩa là phong trào này ngày càng được ủng hộ hơn và cũng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn. Có lẽ vì lí do đó mà Swedish Pen Centre đã kết nạp tôi làm thành viên danh dự như một biện pháp bảo vệ và thúc đẩy cho tự do ngôn luận, trong đó có tự do xuất bản, trên khắp thế giới.
DLB: Vào đầu năm 2009, một người Việt Nam khác cũng đã trở thành thành viên danh dự của Trung Tâm Văn Bút Quốc Tế tại Canada (Pen Canada), tuyên dương những nỗ lực, thành quả và sự hy sinh của anh trong việc cổ vũ cho quyền tự do ngôn luận và báo chí tại Việt Nam. Đó là blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Nay Bùi Chát là người Việt Nam thứ hai, được Trung Tâm Văn Bút Thụy Điển tuyển chọn là thành viên danh dự cũng vì những đóng góp cho quyền tự do sáng tác, tự do ngôn luận, đặc biệt trong lãnh vực xuất bản, xin anh chia sẻ những cảm nhận của anh về tầm mức quan trọng của những hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế cho quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.
BC: Những hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế dành cho quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam phải nói là rất cần thiết vì đó là những tiếng nói khách quan, lên tiếng cho những mục tiêu tốt đẹp, nhằm xây dựng một tương lai chung mà ai cũng phải có trách nhiệm đóng góp, vì sự tiến bộ của loài người.
Nói một cách hình tượng thì hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế như những cái phao có thể giúp chúng ta thoát nạn khi quá đuối sức, hoặc như những áo giáp giúp bảo vệ ta khi bị tấn công bất ngờ.
Ngoài ra, tầm quan trọng của những hỗ trợ này, theo tôi nghĩ đã đánh động được dư luận và tạo ra sự ủng hộ từ bên trong, yếu tố quan trọng nhất cho bất cứ nhà hoạt động nào.
DLB: Ngoài ra Dân Làm Báo cũng được biết trong buổi tiếp tân Chào mừng Quốc khánh của Thụy Điển vào ngày 6 tháng 6 năm 2011 tại toà đại sứ Thuỵ Điển ở Hà Nội, anh cũng đã được ông Đại Sứ Staffan Herrström mời tham dự. Theo sự lượng định của anh, liệu anh có bị cản trở gì trong việc ra Hà Nội tham dự buổi tiếp tân này?
BC: Điều này thì tôi chịu, tôi chưa bao giờ hiểu được cách hành xử của cơ quan an ninh, cũng có thể họ sẽ để tôi đi nếu họ thấy vui, buồn thì họ giữ lại, không vui không buồn họ cũng giữ lại, nói chung họ có cách làm việc của họ, rất ngẫu hứng tuy vẫn dựa vào một nguyên tắc: “ngăn cản bất cứ gì người khác muốn mà trái ý mình, bằng mọi giá”
Trong trường hợp tôi bị cản trở thì đành phải trở về nhà thôi, một mình tôi làm sao chống lại họ được. Không giải thích không lý lẽ gì ở đây cả, vì họ có bao giờ nghe người khác nói đâu.
Tuy thế tôi vẫn mong rằng họ không coi việc này quá nghiêm trọng đến nỗi phải dùng biện pháp cản trở, nếu mạnh tay như vậy thì chẳng có lợi cho ai cả.
DLB: Trong buổi tiếp tân Quốc Khánh của Tòa Đại sứ Thụy Điển chắc chắn sẽ có nhiều quan chức của nhà nước cũng như các chính khách ngoại giao cao cấp của nhiều quốc gia tham dự, việc tòa đại sứ Thụy Điển mời anh tham dự buổi lễ này trước cộng đồng ngoại giao thế giới, phải chăng là một thế đối đầu mới, đồng thời cũng nhằm để bảo vệ sự an nguy của Bùi Chát cũng như phong trào xuất bản tự do, sau khi anh nhận giải thưởng cao quý của IPA và bị giam giữ 47 tiếng khi vừa trở về Việt Nam?
BC: Tôi không nghĩ đây là một thế đối đầu mới, chúng tôi không có ý định đối đầu với ai hết, chúng tôi chỉ muốn làm những điều chúng tôi được phép làm như một con người cơ bản, chúng tôi ít khi quan tâm đến những ai xem chúng tôi là kẻ thù, trong thâm tâm của chúng tôi không có những khái niệm như vậy tồn tại.
Những quan chức của nhà nước Việt Nam biết đâu khi gặp gỡ tôi trong buổi tiếp tân lại thấy tôi như một đối tác tiềm năng thì sao!
Về sự an nguy của chúng tôi thì chắc chắn rồi, tôi thực sự cảm thấy an toàn hơn và phong trào xuất bản độc lập cũng cảm thấy yên tâm hơn sau những buổi tiếp xúc này.
DLB: Xét theo diễn tiến từ lúc nhà xuất bản Giấy Vụn được mời tham dự và có bài tham luận tại Đại Hội Các Nhà Xuất Bản Quốc Tế tại Seoul, Nam Hàn, năm 2008, vào năm 2010, tập thơ "Bài Thơ Một Vần" của Bùi Chát và tập thơ "Khi Kẻ Thù Ta Buồn Ngủ" của Lý Đợi được phát hành song ngữ Anh Việt bởi 1 nhà xuất bản tại Macedonia, và năm 2011 anh được trao giải thưởng Tự Do Xuất Bản, và nay anh lại được chọn làm thành viên danh dự của Trung tâm Văn Bút Thụy Điển và cũng được mời tham dự ngày Quốc Khánh Thụy Điển, theo anh 5 sự kiện này mang những ý nghĩa chính trị gì?
BC: Theo những gì tôi biết, những sự kiện này có ý nghĩa rất đặc biệt trong sinh hoạt văn nghệ và xuất bản ở Việt Nam hiện thời. Trong một trình tự có thể thấy, việc tôi tham dự Đại hội các nhà xuất bản quốc tế và được giải thưởng Tự do xuất bản đã tác động không nhỏ đến tư duy làm nghệ thuật và tư duy xuất bản trong giới chính thống cũng như ngoài luồng, tạo điều kiện cho họ nhìn lại những việc đã làm hoặc thêm quyết tâm cho những gì mình đã chọn, điều này có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể trong tương lai. Việc trở thành thành viên danh dự của Văn Bút Thụy Điển và được mời tham dự lễ Quốc khánh Thụy Điển là một vinh dự lớn cho bản thân tôi và những người cùng chí hướng, nhìn rộng ra nó còn có ý nghĩa thiết thực giúp cho những tiếng nói đang bị cô lập trong chính quê hương của họ trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn.
DLB: Tất cả những điều khích lệ trên dành cho cá nhân Bùi Chát, nhà Xuất Bản Giấy Vụn nói riêng và cho phong trào xuất bản tự do tại Việt Nam nói chung đã tạo được nhiều quan tâm từ cộng đồng quốc tế về tình trạng thiếu tự do ngôn luận tại Việt Nam; tuy nhiên, từ đó, cũng đã có dư luận cho rằng, phải chăng đây là kết quả của những nỗ lực vận động ngầm của những người yêu mến nhà Xuất Bản Giấy Vụn một cách "đặc biệt"?
BC: Những điều mà chúng tôi làm được (Giấy Vụn và các nhà xuất bản độc lập khác) cho đến thời điểm này, ngoài những cố gắng không ngừng nghỉ như một yếu tố bắt buộc, còn lại phần lớn là nhờ vào sự ủng hộ của rất nhiều người, chúng tôi luôn cảm kích và tri ân. Theo tôi nghĩ, đa số những người ủng hộ chúng tôi không phải là những người yêu mến Giấy Vụn hoặc các nhà xuất bản độc lập khác một cách “đặc biệt”, mà họ là những cá nhân bình thường, là những người yêu thích văn chương, cái đẹp, yêu những tiếng nói chân thực, yêu tự do và công lý, nói chung họ và chúng tôi là những người cùng chí hướng, cùng chia sẻ một viễn cảnh tương lai. Chính vì thế tôi nghĩ, họ cũng đang ủng hộ các bạn và cũng đang vận động cho các bạn vào 1 thời điểm nào đó, họ không thể yêu mến chúng ta nếu chúng ta không làm gì có ý nghĩa tích cực.
DLB: Anh có thể cho biết thêm những vận động này là từ cá nhân các bạn hữu cùng chí hướng hay có liên hệ đến một tổ chức đảng phái nào hay không?
BC: Chúng tôi không liên hệ với bất kì đảng phái nào, chúng tôi hoạt động từ trước đến nay vẫn theo phương pháp đấu tranh độc lập. Những người ủng hộ và vận động cho chúng tôi là những cá nhân, hoạt động phi đảng phái, là những người yêu Việt Nam, yêu tự do, và lúc nào cũng mong muốn một tương lai sáng sủa hơn cho tất cả mọi người. Nếu có dư luận nào cho rằng những vận động trên phải là từ một đảng phái thì họ đã xem thường nỗ lực của những cá nhân đã hết lòng vì lý tưởng chung.
DLB: Anh có muốn chia sẻ thêm điều gì cùng bạn đọc của Dân Làm Báo không?.
BC: Tôi chỉ muốn chia sẻ thêm rằng những điều chúng ta làm vì mục đích tốt đẹp trước sau gì cũng có người nhận biết và ủng hộ, chỉ cần có niềm tin thì khó khăn nào cũng vượt qua được, không giải quyết tức khắc thì giải quyết từ từ với một sự kiên định cần có.
DLB: Dân Làm Báo xin cám ơn nhà thơ Bùi Chát đã trả lời cuộc phỏng vấn này.
BC: Cảm ơn và chúc Dân Làm Báo ngày càng phát triển, độc giả ngày càng yêu quý và tin tưởng hơn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét