Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011
Đặc điểm và vai trò của giới blogger trong đời sống thông tin Việt Nam đương đại...
Phạm Viết Đào - Ở đâu tồn tại thể chế độc tài, độc đoán trong đời sống thông tin, ở đó giới blogger chính trị - kinh tế - xã hội sẽ nảy sinh và phát triển; blogger trở thành một kênh thông tin bù đắp những mảng thông tin mà bạn đọc thật sự quan tâm, cần nhưng đang bị hụt hẫng do báo chí chính thống lẩn trốn, né tránh…
Căn cứ vào định đề này thì, hiện nay các quốc gia sau đây đã trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho các blogger xuất hiện và phát triển đó là: Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Việt Nam, Cu Ba…
Viết blog xuất phát điểm là một dạng nhật ký cá nhân mở, nhưng do những nét đặc thù về thể chế và cơ chế quản lý nhà nước về thông tin, do vậy nên nó đã nhanh chóng trở thành phương tiện để các blogger bày tỏ chính kiến của mình; blog không còn là nơi chuyển tải các cảm nhận suy tư mang tính chất cá nhân, nó đã trở thành nơi dốc bầu tâm sự, tâm huyết có liên quan tới thời cuộc, đó là các vấn đề kinh tế-chính trị- xã hội…Chính vì vậy nên blog đang được nhiều người tham gia và độc giả ngày càng tìm đến các blog mà mình tín nhiệm để tìm kiếm thông tin…
Sở dĩ xuất hiện trạng thái này là do ở các nước có đời sống thông tin tự do, có báo tư nhân; các chính kiến liên quan tới thế sự được tự do bày tỏ công khai trên các phương tiện truyền thông, báo chí; kể cả các thông tin trái chiều, bất đồng với chính thể đương nhiệm, với đảng đang nắm quyền điều hành nhà nước và chính phủ…
Các báo theo định nghĩa của BT Bộ 4 T, đó là các báo do Chính phủ cấp phép và chỉ có loại báo này được hành nghề và được in ấn công khai, được kinh doanh, đó là báo được mệnh danh là “lề phải “; ngoài việc phải tuân thủ các quy định của luật pháp, báo “lề phải” còn phải chịu sự điều chỉnh bởi cái gọi là “tôn chỉ mục đích” được ẩn dưới cái mũ của đủ loại định hướng: Định hướng ngành, định hướng chủ quản, định hướng giới, định hướng hội, định hướng của Đảng và nhà nước…
Do bị điều chỉnh, điều tiết rườm rà, nhiêu khê và ngặt nghèo nên giới báo chí “lề phải” đang có nguy cơ bị “đặc san” hóa; Báo quân đội nhân dân là “đặc san” của giới quân nhân cả trong các vấn đề liên quan tới quân sự lẫn chính trị và văn hóa; Báo Công an là “đặc san” của giới công an; Báo Nhân Dân là “đặc san” của các cơ quan Đảng… Các báo ngành là “đặc san” ngành…
Gần đây một nhà văn đã lên tiếng trên trang Trannhuong.com: báo cáo hóa báo chí… Người đọc đã phải tiêu hóa các loại thông tin bị hành chính hóa, danh nghĩa là báo chí nhưng thông tin lại được biên soạn theo lối đặc san chuyên ngành, một hình thức báo cáo công vụ hàng quý, hàng tháng, hàng ngày của một cơ quan nào đó, ngành nào đó, giới nào đó…
Do bởi các tác nhân đó nên báo lề phải đang dần mất khách, đang bị bạn đọc xa lánh… Rất nhiều bạn đọc có thể hàng ngày, hàng tháng, hàng năm không ngó ngàng gì tờ báo A,B,C,Đ… nào đó nhưng lại không bỏ sót bài nào của blog A,B,C,Đ…
Một hiện tượng hy hữu ở Việt Nam, báo lề phải chỉ có Vietnamnet là tờ điện tử bị hacker tấn công, cản phá, còn 800 tờ báo khác phần lớn đều có trang tin điện tử nhưng không thấy có chuyện bị tấn công, bị mất cắp dữ liệu, bị xóa trắng… Trong khi đó thì có trên một chục trang tin điện tử bị hacker dấu mặt tấn công, hủy dữ liệu, đánh sập… Điều này cho thấy giới blogger Việt Nam đang trở thành đối tượng, đối thủ thù ghét, đáng bị đánh sập của ai đó, giới nào đó… Ở Việt Nam đã có người bị tù do viết blog…
Xuất phát từ nét đặc thù của đời sống thông tin tại Việt Nam, giới blogger xông ra đảm trách cái nhiệm vụ chuyển tải những loại thông tin đích thực là báo chí, những thông tin liên quan tới các vấn đề chính trị xã hội- các vấn đề mà bạn đọc thật sự quan tâm nhưng lại bị báo lề phải trốn tránh.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đài báo, nước ngoài khi đưa tin về tình hình chính trị-xã hội Việt Nam thì lại hay sử dụng lại các thông tin của các blog mà không bắt tay với các tờ báo lề phải?
Tất nhiên khi đưa những thông tin đó lên blog cá nhân, chủ nhân bao giờ cũng phải suy tính đảm bảo giữ cho mình được sự an toàn tối thiểu về cuộc sống cá nhân, tức là không phạm luật và giữ tín nhiệm với bạn đọc… So với cánh báo chí, giới blooger có được sự tự do không bị các cơ quan chủ quản kìm kẹp bởi các định hướng mơ hồ; họ chỉ bị các bà vợ kiềm chế, quản lý, định hướng về phương diện thời gian và nội dung bài viết: viết gì thì viết nhưng đừng để vợ con phải mang cơm đi thăm nuôi và còn giành thời gian để kiếm tiến về nuôi vợ con ngoài chuyện viết blog… Đó là thứ định hướng duy nhất, quan trọng nhất mà giới blog phải bị điều chỉnh, tuân thủ…
Quan sát hoạt động của giới blog, thấy rất nhiều blog, trang website cá nhân có lượng bạn đọc truy cập lên tới hàng vạn bạn đọc/ ngày lớn hơn nhiều so với các tờ báo lề phải…
Nhiều blog không còn là tiếng nói cá nhân mà là nơi chuyển tải các ý kiến do bạn bè gửi gắm…Bạn đọc đã thấy rất nhiều những tên tuổi khả kính đã gửi bài cho các blog, trả lời phỏng vấn các blog dưới dạng hầu chuyện, nổi đình đám trên blog…Ví như trường hợp Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, như Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư-Tiến sĩ Đình Quang nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, Tiến sĩ Nguyễn Quang A…
Nhiều vị trong đời sống thông tin hiện tại, trở nên nổi tiếng do được bàn nhiều trên các blog cá nhân hơn là trên báo chính thống như trường hợp Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa; ông Nguyễn Văn An, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ .v.v. được cư dân mạng chăm sóc kỹ hơn, được biết đến nhiều hơn qua các trang blog cá nhân chứ không phải do các tờ báo chính thống…
Một số tin bài thậm chí do báo lề phải đưa nhưng không gây tiếng vang, thế nhưng khi các blog đưa lại đẩy lên, chuyền tay nhau thì thông tin đó mới tác động kích nổ dư luận xã hội. Đó là trường hợp bài viết trên báo Nông nghiệp VN về nạn đói ở Thanh Hóa… Báo Nông nghiệp VN đưa tin vài tuần rồi mà không thấy dư âm gì! Phải đến khi hàng loạt blog lên tiếng thì bài báo trên mới phát huy được giá trị thông tin, mới làm cho xã hội nháo nhào, Chính phủ mới bắt tay vào cuộc…
Một số trường hợp các blogger còn “sờ gáy”, chỉnh đốn về nghiệp vụ đưa tin viết bài do các tờ báo lề phải đã đưa, khiến cho các tờ báo này bị tẽn tò trước độc giả, thậm chí còn phải đính chính, phải điều chỉnh thậm chí bị kỷ luật như trường hợp Báo Điện tử Đảng Cộng sản VN trong việc đưa tin không bình luận hành động tập trận của hải quân Trung Quốc trong khu vực lãnh hải của Việt Nam. Gần đây là vụ TTXVN đưa tin không chuẩn xác về các cuộc biểu tình phản đối hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, phát hiện ra việc đưa tin sai này không phải do các cơ quan quản lý báo chí hay ác cơ quan chủ quản mà lại do các blogger…
Vẫn thỉnh thoảng xảy ra các cuộc đối chất, phản biện, tranh luận giữa một số blogger có tên tuổi, có số đông bạn đọc truy cập với một số tờ báo lớn như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Báo Điện tử Đảng cộng sản VN, báo Đất Việt, Quân sử Việt Nam… về các thông tin đã đưa và kết cục cuối cùng chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”…
Trong vụ biểu tình phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, một sự biểu thị thái độ chính trị, lòng dân cần thiết, đúng pháp luật hết sức đáng lưu ý; tin này được nhiều hãng thông tấn lớn của nước ngoài đưa tin, thế nhưng ở trong nước thì bạn đọc lại phải tìm đọc qua các thông tin do các blogger đưa… Còn cơ quan thông tin của chính phủ thì lại đưa ra một bản tin đáng ngờ…
Tất nhiên, giới blogger hiện nay cũng còn nhiều khiếm khuyết, kém cỏi, ẩu tả trong viết bài, bày tỏ chính kiến cá nhân nhưng về cơ bản những gì họ viết để đưa ra với công chúng đều do cá nhân tự chịu trách nhiệm, còn người đọc thì đã trưởng thành. Họ gần như không tiêu tốn của xã hội một giá trị vật chất nào, những đóng góp của giới blogger chỉ có thể nói là từ tích cực trở lên, hệ lụy, phiền phức mà họ gây ra cho xã hội là rất không đáng kể… Lúc cần muốn dẹp các blogger gai góc thì chỉ cần một cú điện thoại hay một cú kích chuột là xong…
Thôi thì “không có trâu bắt mèo đi cày”, “gặp thời thế thế thời phải thế”; giới blogger VN đang phải làm nhiệm vụ chuyển tải không công: tự nguyện bù đắp những thông tin mà giới báo chí chính thống vì tôn chỉ mục đích riêng chung, vì lý do tế nhị, nhạy cảm, vì miếng cơm manh áo, vì “vào triều thì phải đi theo bước của cung phi”…đang bỏ lọt...
Do vậy, không lý do gì mà nhân ngày báo chí Việt Nam, 21/6 giới blogger cũng nên ké vào để lên tiếng, để động viên nhau hoàn thành cái sứ mệnh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng!!!”
Nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6, Blog Phamvietdao.net xin gửi tới các blogger lời chúc "chân cứng đá mềm"; Blog Phamvietdao.net xin trân trọng gửi tới quý vị xa gần thường hay lui tới "khu vườn chữ nghĩa" Phamvietdao.net lời cảm ơn về sự quan tâm, chia sẻ, động viên và cả sự đóng góp ý kiến, phê bình, chê trách... những cảm nhận, suy tư cá nhân chắc chắn dở nhiều hơn hay...
Xin thêm một câu khuôn sáo cuối cùng: Sự chia sẻ của quý vị là niềm hạnh phúc to lớn của chủ blog!
Phạm Viết Đào
Bài viết gửi tặng giới blogger Việt Nam nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6…
http://phamvietdao2.blogspot.com/2011/06/ac-iem-va-vai-tro-cua-gioi-blogger.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét