Pages

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

ĐỐC TỜ K. DÙNG “CAO ĐƠN HOÀN TÁN” TÀU BỐC THUỐC “AN THẦN” CHO NGƯỜI MỸ

Nhân Henry Kissinger cho ra sách “On China”

Trích Diễn Đàn Paltalk VietnamExodus ngày 22-5-2011

Henry Kissinger (K.) không xa lạ gì với người Việt Nam. Tài liệu Mỹ đã giải mật, tiết lộ một câu nói “để đời” của ông này, những ngày cuối Tháng Tư 1975, khi khối “nạn nhân bị Mỹ bỏ rơi” ở VN bu quanh các cơ sở Mỹ, đòi được “di tản”, gây trở ngại cho việc “bốc” các quan chức Mỹ cuối cùng ra khỏi VN. Câu nói ấy, đại khái là : “ … sao chúng nó không chết hết đi cho rồi …”. Lối ăn nói và phong cách ngoại giao thô lỗ của K. từng gây phẫn nộ khắp nơi, bất cứ dịp nào mà K. dính dự vào việc“làm ngoại giao” của nước Mỹ. Thí dụ : ngày 3-1-1973 bà thủ tướng Do Thái Golda Meir sang gặp tổng thống Mỹ vận động di dân Do Thái ra khỏi Liên Xô. Tài liệu giải mật sau này tiết lộ lời K. nói với Nixon ngay sau đó : “ … vấn đề di dân Do Thái ra khỏi Liên Xô không phải là mục tiêu của chính sách Hoa Kỳ. Nếu người ta có đưa dân Do Thái ở LX vào phòng hơi ngạt, thì đó cũng không phải là mối quan tâm của Hoa Kỳ. Đấy là quan tâm có tính nhân đạo”. Dòng họ Kissinger có gốc Do Thái sinh sống ở Đức; khi K. mới có chừng 10 tuổi, đã phải theo gia đình “di tản” sang Mỹ để khỏi bị Hitler đem vào phòng hơi ngạt. Nhưng đến khi đồng chủng Do Thái của K. bị cộng sản LX kỳ thị, vận động di dân hợp pháp ra khỏi LX, thì K. coi đó không phải là mối quan tâm. Dù Mỹ không quan tâm, nhưng cá nhân người có gốc Do Thái là K. có nên / có phải quan tâm không ? Câu nói – trong vòng riêng tư – của K. bộc lộ con người bất nhân bất nghĩa của K. đã đành, nhưng vì K. là một trong những chiến lược gia “sáng giá” của Mỹ, nên bất cứ chính quyền nào của Mỹ mà dùng K. làm “nhà ngoại giao”, ở bất cứ đâu, cũng bị lên án là “đế quốc mới”, là “hách dịch như thực dân”, hay là“bất chấp thủ đoạn”.

K. gọi lề thói ngoại giao của mình là “Realpolitik” – tạm dịch là “chính trị thực lợi” – theo cách nói của Ludwig von Rochau, một cây bút chính trị Đức, thế kỷ 19. Trên thực tế, khái niệm này coi “mạnh được yếu thua” là “qui luật tự nhiên”, đã được các quốc gia phát-xít Đức và Nhật dùng biện bạch cho mưu đồ bá chủ thế giới của Khối Trục (Axis). Khái niệm này lại còn được “Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa” Cộng Sản xào nấu thành khẩu hiệu “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, để lấp liếm “tội ác phản nhân loại” của nó. Nó có thể “bất chấp thủ đoạn”, dùng bất cứ phương tiện nào (tous les moyens sont bons), miễn đạt mục đích. Từ Thế Chiến I qua Thế Chiến II, rồi Chiến Tranh Lạnh, Chiến Tranh Cục Bộ … loài người đã phải trả giá hàng trăm triệu sinh mạng cho cái thứ “chính trị thực lợi” “bất nhân bất nghĩa, bất chấp thủ đọan” này. Bước vào Thế Kỷ 21, nhà báo Christopher Hitchens xuất bản sách “The Trial of Henry Kissinger”, kêu gọi truy tố K. về các “tội phạm chống nhân loại, vi phạm thông tục và luật lệ quốc tế công pháp, bao gồm các tội mưu sát, bắt cóc, và tra tấn”. Năm 2002, có phổ biến một tập tài liệu cùng tên với cuốn sách, lấy các thông tin từ cuốn sách này. Hết thời làm ngoại giao cho Mỹ, nhưng thỉnh thoảng vẫn được quan chức Mỹ “tư vấn”, K. còn thoát khỏi mấy lần bị trát đòi của các tòa án Mỹ, Pháp, Chile, Argentina, để trả lời về khả năng dính líu đến sự mất tích nhiều công dân các nước này. Cái gọi là “sự nghiệp”một đời của K. có thể tóm gọn vào một tiếng “controversy” – gây tranh cãi. Còn hơn cả “controversy”, K. luôn luôn cho rằng, với “chính trị thực lợi”, phải biết gác “giá trị tinh thần” qua một bên, mới mong “được việc”. Cụ thể, để chấm dứt chiến tranh VN, đồng thời “chuộc” tù binh Mỹ về, K. đã đưa ra mô thức “Việt Nam hóa chiến tranh”, nhắm thực hiện “hòa bình trong danh dự” – “peace with honor”. Kết quả : sau Hiệp Định Paris 1973, K. chia đôi giải “Nobel Hòa Bình” với Lê Đức Thọ. Biết trước là ký xong sẽ vi phạm, sẽ “đánh dấn” để chiếm trọn Miền Nam sau khi “Mỹ cút”, Lê Đức Thọ không nhận nửa cái “giải” về hoà bình. Biết hơn ai hết khi ký Paris 1973, là ngay khi “Mỹ cút” để cho “được việc” theo Realpolitik của K., nước Mỹ làm gì còn danh dự, nhưng vì biết bỏ qua “giá trị tinh thần”, nên K. vẫn nhận “giải”, và viết thư cho Uỷ Ban Nobel, nói rõ rằng mình nhận giải “với sự ngượng ngùng” – with humility.

Thôi “nghề” ngoại giao, K. quay sang nghề “tư vấn đầu tư”, chuyên trách thị trường Tàu, vì đã tỏ ra vô cùng “được việc” cho nước Tàu “xã hội chủ nghĩa với đặc thù Trung Quốc”. Chính công ty tư vấn đầu tư của K. đã phụ họa với bộ máy tuyên truyền của Tàu, cổ võ nước Mỹ “sống chung” – “co-existent” – và “cùng diễn tiến” – “co-evolution” – với Tàu, xây dựng Cộng Đồng Thái Bình Dương – Pacific Community – cùng lắm, thì “cạnh tranh nhưng không đối đầu” trong thế lưỡng cực kinh tế – economic bi-polar – v.v… Bắc Kinh đã “tẩy não” đủ để cho K. thành thật tin rằng Tàu “bằng lòng với lãnh thổ hiện có”, không có tham vọng bành trướng; và rằng Mỹ nên gác qua một bên những “giá trị tinh thần” – những “lý tưởng” Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền, v.v… – để chấp nhận một nước Tàu “kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa”, ngõ hầu “đôi bên cùng có lợi”. Nhóm của K. đặt tên cho mô thức “chính trị thực lợi” này là “Đồng Thuận Bắc Kinh”. Mô thức này nuôi con mèo đen Tàu Cộng – đeo kính “thực lợi” của K., nhìn nó thành mèo trắng – lớn lên thành con cọp, đúng theo tục ngữ “dưỡng hổ di họa” của Tàu.

Không lâu sau vụ “thảm sát Thiên An Môn”, thế giới bắt đầu thấm đòn “lấy mỡ tư bản rán nó” của Tàu. Từ Á sang Âu, Trung Đông, Phi Châu và Nam Mỹ, “bàn tay lông lá” Tàu thò vào khắp nơi. Các chiến lược gia Mỹ viết hàng loạt sách về “hiểm họa Tàu”. Nhóm của K. cũng viết sách, viết báo, tiếp tục “trấn an” Mỹ và thế giới, “giải nghi” cho Tàu với những luận điệu cũ rích đến mức lố bịch, khiến cho “thuốc an thần” K. đưa ra trở thành “cao đơn hoàn tán” Tàu, không bõ làm trò cười cho giới học thuật, chiến lược gia, chính trị gia quốc tế, của loài người Thế Kỷ 21. Đơn thuốc “an thần” mới nhất K. đưa ra là quyển sách On China, được quảng cáo rộn ràng suốt mấy tuần qua. Khi quyển sách ấy còn đang in những trang cuối cùng, thỉ̀ Cách Mạng Hoa Nhài nổ ra khắp Trung Đông, Bắc Phi, và dư luận bắt đầu nói đến “sự phá sản của Đồng Thuận Bắc Kinh”, khiến cho Tàu Cộng “nhột”, đưa ra những “đối phó” quá mức cần thiết. Cách mạng lan sang Libya. Liên Đoàn Ả Rập đưa vụ việc ra Liên Hiệp Quốc. Hội Đồng Bảo An quyết định “can thiệp quân sự”. Tàu Cộng có phiếu phủ quyết mà không dám dùng vì sợ “lộ tẩy”. Sau khi bỏ phiếu trắng, lại e các “đồng minh truyền thống” hoang mang, Tàu Cộng buộc lòng phải lên tiếng chỉ trích “can thiệp quân sự” vào Libya “là tiền lệ xấu”. Thụt tới thụt lui, Tàu Cộng lúng túng, chưa kịp xoay trở, thì Mỹ đột kích vào sâu lãnh thổ Pakistan, giết chết trùm khủng bố Bin Laden, lòi ra thêm một “láng giềng bốn tốt” của Tàu, can tội “chứa chấp trùm khủng bố”. Chính Pakistan là nước đã giúp tổ chức chuyến ‘đi đêm” đầu tiên của “Đốc Tờ K.”, qua trạm Karachi vào Bắc Kinh, khởi đầu “sự nghiệp cao đơn hoàn tán Tàu” của con người tự cho là “hiểu biết về Tàu hơn ai” khi đặt tên cuốn sách của mình là “On China” – “Về Nước Tàu”. Điểm sách, thấy K. dịch khái niệm “đại đồng” của Tàu là “Great Harmony”, người Việt Nam không khỏi bật cười. K. không hề biết rằng ngôn ngữ Tàu chưa bao giờ – và sẽ không bao giờ – được dùng làm ngôn ngữ ngoại giao, vì một chữ Tàu có thể có nhiều nghĩa, tùy theo chữ ấy được dùng trong “ngữ cảnh” nào. Thí dụ : chữ “đồng” đi sau chữ “đại”, mà nằm trong “cụm từ” “Thế Giới Đại Đồng”, thì đó là hình ảnh của “thiên đường cộng sản”, khi “cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công”, tiêu diệt sạch tư bản. Đốc Tờ K. gọi cái đó là “Great Harmony”, nghe có được không ? K. đồng hóa những cảnh báo “hiểm họa Tàu” ngày nay với “môn phái Crowe” trước Thế Chiến I, khi nhà ngoại giao Anh, Eyre Crowe kêu gọi đề phòng tham vọng đế quốc của Đức. Trong thực tế, nước Tàu ngày nay giống nước Đức của Hitler hơn là nước Đức trước Thế Chiến I. Và, ông K. ngày nay giống nhà ngoại giao Anh, Chamberlain, hơn ai hết.

Không có nhận xét nào: