Trịnh Tuấn, trinhtuan.net
Suốt cả chiều hôm thứ bảy, ghé nhà một người bạn chơi, xem và nghe hàng tá đĩa video ca nhạc. Tối về trằn trọc không sao ngủ được. Thức luôn đến sáng. Vào blog Anh Ba Sàm thấy đã điểm tin về vụ xuống đường phản đối Trung Quốc về những hành động gây hấn trên Biển Đông. Móc điện thoại gọi cho nhà văn Trần Nhương, anh em hẹn nhau đến Highland Cafe dưới chân Cột cờ Hà Nội. Phóng xe một mạch, đến nơi đã thấy Trần Nhương, Nguyễn Xuân Diện và rất nhiều những anh chị em phóng viên báo chí (đa phần là lề trái), cùng các chú công an mặc thường phục, có chú còn giắt cả bộ đàm, ngồi kín sân Highland Cafe.
Tôi chào hỏi mọi người và ngồi uống cà phê cùng bàn với nhà văn Trần Nhương. Cả một đêm không ngủ, nhưng chẳng hiểu sao lòng thấy hân hoan rất lạ. Nhớ lại cảm giác lúc đi trên đường Kim Mã, hoa Bằng Lăng sao hôm nay đẹp đến trong ngần, chúng nở diễm lệ dọc hai bên đường. Lâu lắm rồi tôi mới có một cảm nhận về những thứ thật gần gũi ấy một cách cũng… thật gần. Bỗng tiếng loa của các chú công an vang lên, yêu cầu các công dân mặc áo đỏ đang đứng tập trung trước tượng đài công viên Lê Nin trật tự, chắc là thời khắc đã điểm, tôi cùng mọi người ùa sang đường và nhập vào đoàn người.
Phải đến vài trăm người tụ tập trước Đại sứ quán Trung Quốc, người thì khẩu hiệu in trên giấy A4, người thì in bạt, người thì cầm cờ… Tiếng loa lại vang lên: “… Chúng tôi ghi nhận lòng yêu nước của đồng bào nhưng việc quan hệ hai nước cần phải bình tĩnh giải quyết. Chúng tôi yêu cầu đồng bào giải tán…” và, hai chiếc xe tải lớn chở các chú CSCĐ ùa tới. Họ nhận lệnh dàn đoàn người ra khỏi khu vực ĐSQ Trung Quốc và khu vực vườn hoa Lê Nin. Không có sự việc nào đáng tiếc xảy ra, thậm chí, đâu đó tôi còn nhận ra vài nụ cười trên khuôn mặt các chú công an nổi và chìm. Đoàn người tiến ra đường Điện Biên Phủ, rồi qua Tràng Thi, vòng qua Lương Văn Can, ra hồ Hoàn Kiếm, vào sân tượng đài Lý Thái Tổ rồi lại quay về phía ĐSQ Trung Quốc. Một vài xe cảnh sát đi theo đoàn, cũng có những chú công an mặc sắc phục đi cùng đoàn. Tiếng loa thỉnh thoạng lại vang lên: “Để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, yêu cầu người đi bộ đi lên vỉa hè…”, “Đề nghị đồng bào không đi xuống phần đường dành cho xe cơ giới…” v.v… Mặc dù, tiếng hát, tiếng hô của đoàn người rầm rộ, nhưng tôi cố gắng để nghe những tiếng loa. Không có âm giọng nào khác biệt. Các chú công an tỏ vẻ rất ôn tồn. Tôi thầm hiểu nỗi lòng của các chú, chắc cũng như những người con nước Việt, nhưng phận sự trên mình. Hơn nữa, dù thế nào, thì đoàn người kia cũng là đồng bào, đồng bào yêu nước!
Tác giả Trịnh Tuấn, khoác cờ, đeo kính. (Ảnh: Mai Kỳ)
Tôi cố để ý từng khuôn mặt của các anh em trong đoàn. Họ còn trẻ quá và… khỏe quá! Nhiều người trẻ hơn tôi đến hơn chục tuổi. Họ hát, họ hô các khẩu hiệu rất hùng hồn. Những tiếng hô “Việt Nam – Trường Sa”, “Việt Nam – Hoàng Sa” cao vút. Những bài hát như Quốc Ca, Huế-Sài Gòn-Hà Nội, Dậy Mà Đi v.v… được đoàn người liên tục hát không mệt mỏi. Nắng và nóng. Mồ hôi tứa ra đẫm hết các khuôn mặt trong đoàn người. Tôi tách đoàn ghé một tiệm bách hóa ở Hàng Bông mua thêm lá quốc kỳ Việt Nam loại vừa, giơ lên trên đầu. Nhiều người trong đoàn cũng làm theo. Tôi hô như kêu gọi các chủ tiệm: “Đề nghị tặng quốc kỳ cho đồng bào yêu nước!”, và nhiều người cũng hô to câu ấy.
….
Quá nhiều cảm xúc lâng lâng. Nhưng cũng thấy chạnh lòng vì nhiều ánh mắt. Có người quen nhận ra tôi và họ… chẳng dám nhìn, họ vờ như chẳng thấy rồi rú ga phóng xe đi. Tôi cũng nghe được những lời nói không nhiều thiện ý của bà con trên các dãy phố mà đoàn người tuần hành qua. Nhiều ánh thờ ơ vô cảm… Có lẽ, Biển Đông nằm… quá xa khu nhà của họ, hoặc thì là mà gì đó, tôi không hiểu được. Buổi trưa, tôi trở lại Highland Cafe dưới chân Cột cờ Hà Nội, lúc này, mấy khu phố xung quanh ĐSQ Trung Quốc vẫn giới nghiêm, các chú công an người đứng người ngồi trên xe, trên vỉa hè… còn rất nhiều. Trong quán cà phê, các chú công an mặc thường phục vẫn ngồi vài bàn. Tôi ngồi đó, bóng cột cơ gần ú tim chính ngọ. Bốc máy gọi cho một người bạn làm nghề báo ra ngồi tiếp, để lại được thinh lặng nghe, thinh lặng nhìn những hồ hởi, lâng lâng còn chưa kịp tan rữa trong lòng.
Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình. Những câu chuyện mà cha tôi kể lại rằng, ngày cha nhập ngũ đi B, ông đã đi bộ suốt 6 tháng trời… Hôm nay, tôi diễu hành cùng đoàn người chỉ khoảng mươi cây số, bằng… một chân rưỡi (chân trái tôi vẫn đang bị đứt dây chằng gối trái, chưa khỏi hẳn), nhưng không hề thấy đau, không hề thấy mỏi. Tôi đã hiểu ra quá nhiều điều, ngộ ra quá nhiều điều, mà nếu như không tham gia, chắc suốt đời này tôi cũng không thể cảm nhận được.
Xin được tri ân những đồng bào của tôi! Xin được cảm ơn các chú công an đã không những không tỏ thái độ quá cứng rắn, mà có phần còn rất nhẹ nhàng…! Vì đã cho tôi một niềm TIN-YÊU mãnh liệt vào sức mạnh của dân tộc mỗi khi có giặc; TIN-YÊU mãnh liệt vào sự đoàn kết của đồng bọc trong những chia sẻ thiêng liêng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét