BẮC KINH (TH) - Một viên chức quân sự cao cấp của Trung Quốc kêu gọi Hà Nội “hướng dẫn dư luận quần chúng” để “tránh làm mọi vấn đề trở nên phức tạp, thổi phồng, đa phương hóa và quốc tế hóa để bảo vệ mối quan hệ song phương và ổn định hòa bình an ninh ở khu vực xuyên qua các hành động cụ thể.”
Tướng Mã Hiểu Thiên (bên phải) phó tham mưu trưởng Quân Ðội Trung Quốc tiếp Tướng Võ Tiến Trung (bên trái) giám đốc Học Viện Quốc Phòng Việt Nam ở Bắc Kinh ngày 29 tháng 6, 2011. (Hình: Bộ Quốc Phòng TQ)
Mã Hiểu Thiên, phó tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc được tường thuật trên bản tin của báo mạng Bộ Quốc Phòng Trung Quốc nói như vậy với ông Võ Tiến Trung, trung tướng giám đốc Học Viện Quốc Phòng Việt Nam, khi ông này cầm đầu phái đoàn sang Trung Quốc.
Chuyến viếng thăm của ông Trung, tiếp theo sau chuyến đi của Thứ Trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn, có vẻ như Hà Nội muốn làm dịu xuống những căng thẳng đang diễn ra giữa hai nước mà một tướng Trung Quốc đe dọa dùng quân sự “cho Việt Nam một bài học” và cướp luôn những hòn đảo Việt Nam đang giữ ở Trường Sa.
Tuy ông Thiên không nói thẳng ra những gì đã xảy ra trên Biển Ðông nhưng người ta hiểu điều ông muốn ám chỉ là gì.
Theo sự tường thuật của báo mạng nói trên, ông Mã Hiểu Thiên “hy vọng phía Việt Nam giải quyết các vấn đề nhạy cảm một cách thích hợp và hướng dẫn dư luận quần chúng và tâm lý đám đông.”
Khi ông Hồ Xuân Sơn đến Bắc Kinh ngày 25 tháng 6, 2011 vừa qua, báo chí cũng cho thấy ông đã bị nhà cầm quyền Hoa Lục đòi dẹp các cuộc biểu tình ở Việt Nam. Tuy bắt phía Việt Nam cấm dân biểu tình hay báo chí viết bài đả kích Trung Quốc, những lời cảnh cáo hay đe dọa của các chức sắc Bắc Kinh vẫn thấy xuất hiện trên báo chí nước họ.
Căng thẳng bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc leo thang hồi tháng qua khi tàu Trung Quốc cản trở và cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) mà cả hai nước đều là thành viên.
Việt Nam lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền của nước mình trong khi Bắc Kinh cáo buộc ngược lại. Phát ngôn viên Ngoại Giao Việt Nam từng tố cáo Trung Quốc “biến khu vực không tranh chấp” của Việt Nam thành “khu vực tranh chấp” theo chính sách bá quyền của Bắc Kinh.
Nhà cầm quyền Hà Nội chỉ giới hạn tới tối đa các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Hải Phòng nhưng không hoàn toàn cấm hẳn.
Nhà cầm quyền Hà Nội xưa nay chưa khi nào loan báo tập trận hải quân nhưng sau khi xảy ra hai vụ cắt cáp đã tổ chức một lần nhưng cũng chỉ nằm sâu trong biển phía mình. Ðối lại, Bắc Kinh loan báo tổ chức ít nhất 6 cuộc tập trận qui mô khác nhau của nhiều binh chủng, không kể những lời đe dọa trên báo.
Bản thông cáo chung giữa thứ trưởng Ngoại Giao của hai nước đều cam kết thương thuyết giải quyết tranh chấp trong hòa bình và hữu nghị nhưng trong sự thức đẩy của Trung Quốc, đòi hỏi giải quyết song phương không có sự can thiệp của một nước thứ ba. Bắc Kinh công khai bày tỏ thái độ dị ứng với sự tham gia giải quyết tranh chấp của Hoa Kỳ dù dưới bất cứ hình thức nào.
Bắc Kinh rất khó chịu từ năm ngoái khi bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố ở Hà Nội là Hoa Kỳ “có lợi ích quốc gia trên Biển Ðông” và hô hào giải quyết các tranh chấp trên Biển Ðông bằng các cuộc thương thảo đa phương. Bắc Kinh lập lại rất nhiều lần đòi hỏi thương thuyết song phương với từng nước nhỏ để dễ hà hiếp. (TN)
Nguồn Người Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét