Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Những mấu chốt đằng sau vụ án Cù Huy Hà Vũ

Hà Huy Phong (Hà Nội)
Ngày 2 tháng 8, 2011 phiên tòa phúc thẩm xét xử Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ đã tuyên y án sơ thẩm với ông.


Những người ủng hộ Luật Sư Cù Huy Hà Vũ đứng bên ngoài tòa án Hà Nội. (Hình: Ian Timberlake/AFP/Getty Images)

Mức án sơ thẩm là 7 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Trước phiên tòa phúc thẩm này, Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ đã nhận được sự ủng hộ cực kỳ lớn lao từ phía người dân, cả hàng ngàn người ký tên đòi chính quyền Việt Nam công khai phải thả ông. Bất chất thời tiết mưa gió, một số lượng lớn người dân đã đến phiên tòa để bày tỏ sự mến phục với Cù Huy Hà Vũ. Cảnh sát đã phải chặn tất cả các ngả đường vào tòa, một điều chưa từng có tại các phiên tòa ở Việt Nam khi phạm vị chặn đường lớn đến nỗi mà trung tâm Hà Nội ngày hôm đó phải rơi vào cảnh tắc nghẽn giao thông trầm trọng.


Rất nhiều nhân sĩ, trí thức tiến bộ có tên tuổi đã đến dự phiên tòa, nhưng chính quyền đã ngăn chặn họ từ xa. Một số người dân đã bị bắt giữ khi họ khẳng định Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ vô tội. Có nhiều người dân ở tỉnh xa cũng bị bắt giữ tại địa phương khi chính quyền biết họ có ý định về Hà Nội chứng kiến phiên tòa xử ông Vũ.
Lần đầu tiên, người ta thấy một bị cáo được sự ủng hộ đông đảo của nhân dân như vậy, có nhiều giai tầng xã hội khác nhau, rất đa dạng bênh vực Tiến Sĩ Vũ. Ðặc biệt là các nhân sĩ và các tu sĩ, linh mục cùng chung chữ ký trong bản kiến nghị bênh vực ông Vũ, điều chưa từng có trước đây bởi sự chia rẽ của chính quyền. Phiên tòa xử ông Vũ chính là một xúc tác lớn để các giai tầng trong xã hội gắn kết và thêm hiểu nhau hơn.
Hồi 7 giờ 20 phút, đoàn người gồm chị Dương Hà, vợ TS Vũ, và chị Cù Thị Xuân Bích, em gái TS Vũ, đã đến cổng phiên tòa, đi theo gồm có Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Võ Thị Hảo, Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, blogger NJB Nguyễn Hữu Vinh, blogger Người Buôn Gió và một số bạn bè gia đình TS Vũ. Một toán cảnh sát đã chặn đoàn cách tòa gần 200 mét, giằng co, xô đẩy trên quãng đường đến tòa, khi đến cổng tòa một nhóm cảnh sát mặc sắc phục và những người an ninh không sắc phục, xe cảnh sát chặn lại, họ dùng loa bắt mọi người giải tán. Lý do chính quyền đưa ra đây là khu vực cấm. Lại một cảnh tượng xô đẩy của cảnh sát vào những người dân có những người cao tuổi và phụ nữ trước cổng tòa án, một toàn án mà nhà nước Việt Nam tuyên bố là công khai.
Chỉ có 3 thân nhân của gia đình TS Vũ được vào tòa, trong khi đó hàng chục người đến dự phiên tòa là an ninh mặc thường phục, các dân phòng, tự quản, đảng viên quanh nhà TS Vũ.
Phiên tòa không có phần tranh luận, các luật sư chất vấn, tòa án và viện kiểm sát không trả lời.
Hoặc nói sang chuyện khác.
TS Cù Huy Hà Vũ thể hiện một thái độ bình tĩnh, hiên ngang trước tòa. Ông khẳng định mình không có tội với đất nước, phiên tòa này do thù hằn cá nhân mà thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng thuộc hạ là tướng công an Vũ Hải Triều dựng lên để trả thù ông, lý do vì ông đã kiện hai người này ra quốc hội vì những việc làm vi phạm Hiến Pháp.
Bên ngoài cách phiên tòa hàng trăm mét, ở những điểm cảnh sát Hà Nội chăng dây ngăn người vào, người dân tụ lại giăng khẩu hiểu bênh vực tiến sĩ Vũ, đồng thời họ hô vang “Cù Huy Hà Vũ vô tội.” Cảnh sát, an ninh đã đàn áp thô bạo, xô đẩy phụ nữ, người già, bắt bớ người đem đi, trong số người bị bắt đi có 2 phụ nữ. Tiến sĩ Nguyễn Quang A , Nguyễn Xuân Diện bị an ninh đẩy ra ngoài vòng dây, blogger Người Buôn Gió bị 4 an ninh áp tải về tận nhà.
Gần trưa, Hà Nội mưa rất to, ngập úng nhiều nơi trong thành phố.
Nhiều người dân vẫn kiên trì bám trụ quanh phiên tòa, những nơi họ đứng thậm chí còn không nhìn thấy được tòa án bởi sự ngăn chặn từ xa. Thế nhưng đông đảo nhân dân không quản ngại chờ đợi tin tức từ phiên tòa.
Rõ ràng đây là một phiên tòa không những không công khai, mà còn là tuyệt đối kín. Ngay cả việc xét xử mà cũng phải bưng bít, mọi báo chí đều phải theo chỉ đạo của TTX Việt Nam, đến xét xử còn vậy thì còn điều gì mà chính quyền Việt Nam không bưng bít. Và nếu đã bưng bít thì không thể có kết quả khách quan được.
Ðến tối thì tòa tuyên Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ y án sơ thẩm là 7 năm tù giam và 3 năm quản chế. Tòa án phúc thẩm một lần nữa lặp lại cách xử án không đi thẳng vào tranh tụng với luật sư để xác định tội danh, mà ỷ lại vào cáo trạng của VKS để tuyên án. Bản án gây nên sự phẫn nộ cùng với tâm trạng thất vọng đông đảo nhân dân trong và ngoài nước.
Bản án kết tội người công chính yêu nước Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ báo hiệu sự đàn áp sắp tới của chính quyền Việt Nam sẽ ác nghiệt hơn đối với những người bất đồng chính kiến, những người bị oan ức, những người đấu tranh cho tự do tôn giáo và quyền con người ở Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam hiện nay hoàn toàn thuộc về tay thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm soát, một cựu thứ trưởng công an. Trong những năm tháng tới, xã hội Việt Nam có khả năng điều hành của chế độ công an trị. Một thực trạng diễn ra nhiều trong một hai năm trở lại đây là các công an đầu ngành thường chuyển sang bên hành chính, như công an xã làm chủ tịch xã, giám đốc công an tỉnh sang làm chủ tịch tỉnh… những hoán đổi này nhằm để các cấp công an có dịp kiểm soát xã hội và vơ vét như là phần thưởng cho sự trung thành bảo vệ chế độ.
Vì là chế độ công an trị, cho nên không cần thiết phải có tòa án, pháp luật Việt Nam đặt ra chỉ để làm vì để bịp bợp thế giới. Ngay cả những chính khách trong bộ máy nhà nước Việt Nam cũng e sợ, giữ mình trước sự kiểm soát của lực lượng công an. Bản án và cách hành xử của tòa án ngày 2 tháng 8 đối với ông Vũ còn cho thấy sự khiếp nhược, lệ thuộc của tòa án đối với cơ quan công an điều tra. Họ không dám phản bác lại những hồ sơ đầy sai lệch mà phía công an đưa ra. Viện Kiểm Sát và Tòa án chỉ là những nô lệ làm theo lệnh công an mà thôi.
Nội bộ Ðảng Cộng Sản Việt Nam có nhiều sai lầm, nhưng có lẽ sai lầm lớn nhất của họ là đưa Nguyễn Tấn Dũng lên lãnh đạo và sử dụng bộ máy công an trị. Việt Nam từ nước CS đang hình thái thành một nhà nước độc tài do công an kiểm soát. Ðây không những là hậu quả mà nhân dân phải lãnh chịu, mà tới đây chính những người cộng sản Việt Nam cũng sẽ chịu chung số phận.
Kết luận, một xã hội thay đổi khi sự thối nát đã đi đến tận cùng. Ðó là quy luật mà Việt Nam không nằm ngoài được; chế độ công an trị tàn khốc sẽ khiến nhiều người dân, nhiều chính khách, nhân sĩ buộc phải thức tỉnh đi đến hành động là điều tất nhiên. Bao nhiêu lâu còn phụ thuộc vào sự tàn ác của Nguyễn Tấn Dũng cùng thuộc hạ, và cũng như nhận thức của toàn dân.
Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ không chống nhân dân, đất nước như tòa án Việt Nam tuyên bố. Ông bị kết tội vì đã đụng đến bộ máy công an trị đứng đầu là Nguyễn Tấn Dũng đương kim thủ tướng, nguyên thứ trưởng bộ công an, ngay cả những người xử ông cũng biết điều đó, đấy mới chính là nguyên nhân khiến ông Vũ phải chịu tù đày.
Mấu chốt, tóm lại, chỉ trong cụm từ “chế độ công an trị” vậy thôi, khỏi bàn nhiều.

Không có nhận xét nào: