Sau thánh lễ 8 giờ 30, ngày 7/8/2011, tại nhà thờ giáo xứ Cầu Rầm, gần 5.000 giáo dân giáo hạt Cầu Rầm đã xuống đường tuần hành nhằm phản đối quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về việc lấy khu đất nhà thờ Cầu Rầm cũ làm nơi xây dựng đài tưởng niệm liệt sỹ, công viên công cộng… Cuộc tuần hành xuất phát từ nhà thờ Cầu Rầm trên quãng đường 7km tới Thạch Đài Đức Mẹ Lộ Đức tại giáo xứ Yên Đại. Cuộc tuần hành bằng xe máy diễn ra trong trật tự, giáo dân cầm trên tay các biểu ngữ thể hiện quan điểm và quyết tâm của mình. Phóng viên chúng tôi đã phỏng vấn Linh mục Fx. Hoàng Sỹ Hướng, quản xứ và quản hạt Cầu Rầm, xoay quanh sự kiện nói trên, về cái gốc của vấn đề…
Sau đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn:
PV: Xin Cha cho biết một số thông tin về cuộc tuần hành sáng Chúa nhật, ngày 7.8.2011 vừa qua tại Giáo hạt Cầu Rầm?
Lm. Fx. Hoàng Sỹ Hướng (Lm HSH): Sau Thánh Lễ Bế Giảng Năm Học Giáo Lý Giáo Hạt Cầu Rầm, tôi đã công bố nội dung công văn số 4284/UBND-NC, ngày 27/7/2011 của UBND Tỉnh Nghệ An cho giáo dân. Đây là công văn một chiều, UBND Tỉnh đơn phương thông báo lấy khu đất Nhà thờ Cầu Rầm có từ thế kỷ XIX để xây dựng công viên, sau nhiều lần bán đi bán lại cho tư nhân.
Như vậy, mục đích cuộc tuần hành này là nhằm phản đối quyết định trên của chính quyền Tỉnh Nghệ An. Cuộc tuần hành từ nhà thờ Cầu Rầm tới Thạch Đài Đức Mẹ Lộ Đức tại giáo xứ Yên Đại, quãng đường chừng 7km, ước lượng có khoảng 5.000 người tham gia.
PV: Thái độ của giáo dân thì sao, thưa Cha?
Lm HSH: Mặc dù rất bức xúc nhưng người giáo dân vẫn biết kiềm chế sau lời kêu gọi của chúng tôi: “Giữ bình tĩnh, tôn trọng luật lệ giao thông, thể hiện nét đẹp của người Kitô hữu”.
Được biết, lúc đầu mọi người dự định tập trung tại khu đất lịch sử để cầu nguyện rồi tuần hành về Yên Đại nên chiều ngày 6/8/2011, chính quyền phường Cửa Nam có đến gặp tôi và sáng sớm ngày 7/8/2011, các vị chủ tịch UBND, trưởng Công an, chủ tịch Mặt trận Thành phố Vinh cũng đã đến gặp tôi đề nghị ngăn giáo dân lên cầu nguyện tại khu đất nói trên. Tôi bảo: “Giờ thì hơi muộn nhưng vì tôn trọng các vị đã đến đây, với khả năng của mình, tôi sẽ nhắc bà con không lên cầu nguyện trên đó nhưng vì lượng người cả giáo hạt Cầu Rầm sẽ tuần hành về Yên Đại rất đông nên tôi đề nghị chính quyền phải thông đường để cho giáo dân đi trong trật tự. Nếu như có sự cọ xát, dân sẽ tập trung lại, lúc ấy, quý vị mới mời tôi đến ‘giải vây’ thì thật khó lòng”! Và các vị đã hứa sẽ thông đường. Quả thật cuộc tuần hành đã diễn ra trong trật tự, văn minh và đầy tình hiệp thông.
PV: Phản ứng từ phía chính quyền địa phương như thế nào?
Lm HSH: Như tôi đã nói trên, chính quyền tỏ ra rất thận trọng. Chúng tôi cũng thấy rất nhiều công an mặc thường phục nhập đoàn tuần hành, có vị cũng cầm cờ vàng-trắng (?!); số khác rất đông mặc sắc phục của ngành mình, đứng đầy hai bên đường và các điểm quan trọng để giữ trật tự. Các vị tỏ ra rất nhã nhặn. Trong trụ sở UBND và Công an Tỉnh, có rất nhiều xe chữa cháy được huy động về không biết từ khi nào và để làm gì (?)
PV: Xin Cha cho biết thêm về thực trạng đất đai giáo xứ Cầu Rầm hiện nay: Cơ sở cũ gần hồ cá Cửa Nam và Cơ sở tại khối 6A?
Lm HSH: Diện tích 3,5ha của Nhà thờ Cầu Rầm tọa lạc cạnh hồ cá Cửa Nam từ năm 1888, khi lập xứ Cầu Rầm và liên tục tồn tại cho đến nay. Thời xưa về Vinh, người ta hay nói “Thượng Cầu Rầm, hạ Bến Thủy” là thế. Ngày này các văn bản pháp lý của Nhà nước gọi khu đất này là “đất Nhà thờ Cầu Rầm cũ”, chưa bao giờ được chuyển nhượng, bán, cho hoặc bất cứ hình thức trao đổi nào hợp pháp làm mất quyền sử dụng của giáo hạt Cầu Rầm trên khu đất này.
Năm 1968, nhà thờ bị trúng bom. Chính quyền Nghệ An đã làm đường từ Vinh đi Nam Đàn đè trên nền nhà thờ Cầu Rầm. Thế là giáo hạt Cầu Rầm mất nhà thờ. Qua nhiều lần gửi đơn thư, yêu cầu được xây dựng lại nhà thờ nhưng không được chấp nhận.
Năm 1998, giáo dân lên dọn ngôi nhà phòng đổ nát còn lại bức tường, che mái để đọc kinh cầu nguyện. Chính quyền lấy cớ khu đất này đã được quy hoạch làm khu di tích tội ác chiến tranh Đế quốc Mỹ và xây công viên để từ chối việc trả đất cho Cầu Rầm. Nhằm giải tỏa căng thẳng, họ cấp cho giáo hạt mảnh đất hiện tại: 10.800m2/35.000m2 đất cũ và giao phần đất khu vực giáp sông Cửa Tiền cho giáo hạt quản lý, đồng thời giải tỏa giao thông thông thoáng trước sau. Như vậy, khu đất giáo hạt hiện đang sử dụng là khu đất thuộc diện cấp cho chứ không phải trao đổi, với những lý do nêu trên, phía chính quyền phải giữ.
Tuy nhiên, sau năm 1998, chính quyền đã bán khu đất Nhà thờ này cho Công ty Cổ phần Trường Giang Sài Gòn xây khu thương mại và văn phòng cho thuê… Giáo hạt Cầu Rầm đã làm đơn khiếu nại yêu cầu trả lại đất Nhà thờ, nhưng không được chính quyền giải quyết theo đúng pháp luật.
Sau phản ứng dữ dội của bà con Giáo dân về việc làm sai trái này, chính quyền Tỉnh Nghệ An đã đối phó bằng công văn số 4284/UBND-NC Quyết định và giao cho UBND TP Vinh xây dựng công viên… Quyết định này không đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Vì lẽ, rõ ràng chính quyền đã không thấy có nhu cầu sử dụng đất Nhà thờ Cầu Rầm cũ làm công viên, nên đã cấp cho Công ty Trường Giang xây Trung tâm thương mại để kinh doanh, và trong phường Cửa Nam, dù lượng người ít, gần diện tích đất này đã có một công viên đang tồn tại. Việc làm này một lần nữa vẫn chỉ là đối phó, thể hiện ý đồ không trả đất nhà thờ cho giáo hạt Cầu Rầm. Chưa kể, theo Luật đất đai, việc sử dụng đất phải bảo đảm nguyên tắc: đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất (khoản 1, điều 11); và việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được điều tra, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và hiện trạng sử dụng đất; đánh giá tiềm năng đất đai… phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của mỗi kỳ phải được quyết định, xét duyệt trong năm cuối của kỳ trước đó” (khoản 1, khoản 8 điều 21 và điểm a khoản 1 điều 23). Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua đồng thời với kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội; (khoản 6, khoản 7 điều 25) và phải được công bố công khai (điều 28).
Như vậy, việc chỉ bằng công văn, với quãng thời gian ngắn ngủi, chính quyền Tỉnh Nghệ An và Thành phố Vinh đã tùy tiện quyết định sử dụng đất khu vực Nhà thờ làm đất kinh doanh, trưng cầu dân ý xây đài tưởng niệm liệt sỹ, xong lại chuyển sang làm công viên… Rõ ràng chỉ nhằm đối phó, và không tuân thủ luật đất đai.
Việc làm này chỉ khiến người ta thêm nghi ngại về thiện chí của chính quyền và gây bức xúc trong nhân dân mà thôi. Mặt khác, tại khu vực trước cửa nhà thờ đang sinh hoạt, chính quyền cho làm bến cát sạn suốt 13 năm nay, gây ô nhiễm và thể hiện sự thiếu tôn trọng môi trường tôn giáo. Khu vực này trước đây đã có chỉ thị giải tỏa mặt bằng và giao cho giáo hạt quản lý nhưng cuối năn 2010, thành phố Vinh làm đường sinh thái mà không có ý kiến gì với giáo hạt Cầu Rầm.
PV: Cha đã liên hệ với Tòa Giám mục để giải quyết vấn đề đất đai tại giáo xứ như thế nào?
Lm HSH: Mỗi lần gửi đơn tới các cơ quan chính quyền, chúng tôi đều có bản gửi về Tòa Giám mục để báo cáo. Đặc biệt, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp cũng đã ký xác nhận vào Đơn kiến nghị số 106/HCR/11, ngày 03/6/2011 của chúng tôi gửi các cấp chính quyền.
PV: Nếu chính quyền vẫn tiếp tục việc xây dựng công viên trên mảnh đất nhà thờ Cầu Rầm cũ thì giáo xứ sẽ có hướng giải quyết thế nào?
Lm HSH: Chúng tôi tiếp tục làm đơn lên các cấp cao hơn để yêu cầu giải quyết nguyện vọng chính đáng của dân.
Phía giáo dân, chắc chắn họ sẽ phản ứng dữ dội hơn. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của dân trong từng giáo họ, giáo xứ của giáo hạt thì tuyệt đại đa số giáo dân đều cương quyết: nhất định họ không để bị lừa một lần nữa. Dù có chết, họ cũng bảo vệ cho bằng được đất thánh. Chúng tôi rất lo ngại! Không hiểu chính quyền có hiểu được cái lo của chúng tôi không?
PV: Xin cám ơn Cha đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.
Nguồn: giaophanvinh.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét