Võ Long Triều
Dựa vào sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của mình, Trung Quốc lợi dụng lúc cả thế giới đang gặp khủng hoảng kinh tế, đồng thời Hoa Kỳ và các nước Tây phương bị cầm chân bởi chiến tranh ở Afganistan và Iraq, Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông gồm cả vùng to lớn do cái lưỡi bò của họ – tự ý đặt ra – liếm gần hết Biển Đông và khẳng định đó là chủ quyền của Trung Quốc “không thể tranh cãi”. Bắt đầu một âm mưu áp đặt trật tự thế giới mới, trong đó phải có sự dẫn đạo hay chia phần của Trung Quốc.
Tự nhiên Trung Quốc làm cho Biển Đông nổi sóng, gây tranh cãi chủ quyền, làm cho các nước láng giềng chung quanh bất bình trước cảnh ỷ mạnh hiếp yếu. Sự tranh chấp ngày càng lan rộng trở thành gay gắt. Bắc Kinh không ngần ngại dùng vũ lực đối với Việt Nam là đồng chí láng giềng tốt, là chư hầu mang nặng nợ viện trợ trong thời kỳ chiến tranh cho nên Việt Nam sẽ không dám phản ứng vì đã là một vệ tinh thuần phục.
Sở dĩ có sự ngang ngược nầy là sau khi Liên Sô sụp đổ, Trung Quốc âm mưu áp đặt một trật tự thế giới mới mà họ chờ đợi từ lâu khi có cơ hội thuận tiện để chứng minh vị thế siêu cường của mình. Thể theo sự chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh tụ đầy mưu mô được tôn trọng như một chiến lược gia lỗi lạc.
Nói về vấn đề trật tự thế giới mới, cách đây 19 năm tôi có viết bài phổ biến ngày 31 tháng 3 năm 1992 trên đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI). Xin trích lại một vài đọan còn giữ y giá trị của nó. (Trích dẫn):
“Sự tan rã của thế giới cộng sản đương nhiên chấm dứt chiến tranh lạnh giữa hai khối đối đầu bằng ý thức hệ. Vấn đề còn tồn tại là vì không muốn chấp nhận TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI do Hoa Kỳ dẫn đạo, nên Trung Quốc muốn tìm cách tạo thế đứng quân sự cho mình và ráo riết trang bị vũ khí tối tân. Ba lý do buộc Trung quốc ồ ạt tăng ngân sách quốc phòng một cách bí mật và quá đáng gây lo ngại cho thế giới Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, đó là:
1. Sự tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Nga.
2. Sự tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (TQ đã đánh chiếm HS của VNCH năm 1974).
3. Sự giao ước quân sự của Hoa Kỳ đối với Philippines, Nam Triều Tiên và Nhật Bản.
Và cũng vì tham vọng muốn làm bá chủ quân sự ở vùng Đông Nam Á.
Muốn đạt được ý đồ đó Trung Quốc chuẩn bị và dọn đường thực hiện sách lược toàn cầu do chiến lược gia Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo quân sự chính trị, chủ trương và đã thực hiện. Báo “Giải Phóng Quân” của Trung Quốc còn bình luận thêm: Trong bối cảnh quốc tế hiện tại, chúng ta có được một may mắn lịch sử để xây dựng một quân đội và phải nghĩ đến dài hạn, chúng ta không thể bỏ qua sự may mắn đó vì nó sẽ không trở lại…
Kinh nghiệm chiến tranh vùng Vịnh cho ông Đặng Tiểu Bình thấy rằng vũ khí tối tân là cần thiết tuyệt đối. Năm 1978 ông sắp việc phát triển guồng máy quân sự vào ưu tiên thứ tư. Ngày nay (1992) ông đưa nó lên số một…
Trung Quốc hy vọng có được một tiềm năng quân sự thật lớn, càng sớm càng hay, để làm giảm ý đồ của Washington muốn buộc Trung Quốc từ bỏ chủ nghĩa cộng sản bằng vũ lực. Trung Quốc thương lượng với Iran để mua toàn bộ phi cơ của Iraq đã bay sang đó tị nạn hồi chiến tranh vùng Vịnh. Theo một bản báo cáo của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ thì Israel đã bán cho Trung Quốc kỹ thuật tối tân để chế tạo hỏa tiễn Patriot….
Theo tác giả bài báo đăng trên US News and World Report, Susan Lawrence viết: Trung Quốc không hề từ bỏ ý định chiếm lĩnh toàn bộ các quần đảo ở Biển Đông gồm khoảng 500 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Một vùng được ước đoán có nhiều dầu hỏa và khí đốt. Theo lời một nhà ngọai giao Tây Phương, Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh của mình để dựng cờ trên khắp các đảo nầy. Và theo ông Susan Lawrence, nếu có nổ súng trên thế giới trong những năm sắp tới, có nhiều hy vọng điều đó sẽ xẩy ra tại vùng nầy…” (hết trích dẫn).
Sau năm 1949, Trung Quốc lần lượt sát nhập Mãn Châu, Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng. Ủng hộ triệt để hai nước chư hầu cộng sản Bắc Hàn và Việt Nam. Kết thân và nâng đỡ các nước độc tài quân phiệt ở Á Châu là Miến Điện, Iran ở Trung Đông, Lybia ở Phi Châu, Venezuela và Cuba ở Mỹ Châu, kết bè chống lại lập trường dân chủ, tự do, bảo vệ nhân quyền của các nước Tây Phương đứng đầu là Mỹ quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư viện trợ cho các nước nghèo khó trên khắp thế giới để gây ảnh hưởng, tạo uy thế của một cường quốc giàu mạnh như Mỹ đã từng thực hiện qua chương trình “viện trợ Mỹ”. Đặc biệt tại vùng Đông Nam Á người ta thấy Bắc Kinh đầu tư viện trợ nhiều cho Lào và Campuchia, tách rời ảnh hưởng của cộng sản Hà Nội đối với hai nước láng giềng nói trên. Bằng cớ là trong vấn đề tranh chấp chủ quyền các quần đảo trên Biển Đông có lần Lào và Campuchia không ủng hộ lập trường của Việt Nam như thường lệ.
Nói đến ASEAN, Trung Quốc dùng Miến Điện tạo mầm chia rẽ và bất đồng trong nội bộ của tổ chức nầy bởi vì Trung Quốc đầu tư khá nhiều và viện trợ giúp kinh tế Miến Diện đứng vững, quan hệ Trung-Miến luôn luôn tốt đẹp. Ông tổng thư ký hiệp hội ASEAN đã từng tuyên bố: “Chúng ta nói… và nói… còn Bắc Kinh nói và cướp lấy” (We talk and talk, China talk and take).
Gần đây, hội nghị các bộ trưởng ngoại giao bàn về Biển Đông mới thuyết phục được Trung Quốc ký bản hướng dẫn cách ứng xử hòa bình giữa các bên trên Biển Đông. Một chữ ký lấy lệ sau bao nhiêu năm từ chối chỉ vì bây giờ vấn đề đó trở thành quốc tế hóa sau khi Hoa Kỳ tuyên bố “trở lại Á Châu” và “Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia thiết yếu trên Biển Đông”, ngoài ra Đô Dốc Mike Mullen, lãnh đạo quân sự cao nhứt nước Mỹ, và Đề Đốc Robert Willard, tư lệnh lực lượng quân sự Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, tuyên bố sự hiện diện của Mỹ trên Biển Đông còn tiếp tục lâu dài.
Sự dè dặt, chấp nhận ký kết bản tuyên bố về ứng xử của Trung Quốc chỉ là giai đoạn và giả tạo mà thôi. Sự cạnh tranh và giành quyền ảnh hưởng trên thế giới thấy rõ qua những lời tuyên bố chính thức của phát ngôn viên Hồng Lỗi nói nhiều lần: Các quần đảo Tam Sa nằm trong hải phận thuộc chủ quyền của Trung Quốc là điều không thể tranh cãi. Vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề của Trung Quốc và Á Châu. Mỹ Quốc không nên can dự vào. Sự tranh chấp chủ quyền chỉ giải quyết bằng sự đàm phán song phương mà thôi. Những cuộc tập trận hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và các nước Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản là có tính khiêu khích Trung Quốc.
Những sự lên tiếng có tính cách đe dọa đó chỉ có mục đích cổ võ cho tham vọng bành trướng của Bắc Kinh và âm mưu áp đặt một trật tự thế giới mới, trong đó Trung Quốc, nếu chưa lãnh đạo được hoàn toàn, thì ít nhất cũng chia phần chủ động trên nhiều lãnh vực trên thế giới. – (VLT)
29-7-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét