Phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm ông TS luật Cù Huy Hà Vũ đã tiến hành xong sau nhiều mong đợi từ các nhân sĩ, trí thức, người dân Hà Nội và khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới rằng sẽ có sự nhìn nhận lại của các cơ quan pháp luật để có bản án hợp lòng dân. Nhưng những hy vọng đó đã tan thành mây khói khi tòa tuyên y án sơ thẩm.
Kết quả đó làm nản lòng những người hy vọng một sự đổi thay, làm đau lòng những người yêu nước, làm thất vọng những niềm tin còn sót lại về một nhà nước pháp quyền.
Sự nản đó, thể hiện ở nhiều nơi, nhiều lúc và nhiều mặt. Ngay cả việc người dân yêu cầu quyền chính đáng, cơ bản tối thiểu của họ khi được vào dự phiên tòa công khai thì người ta cũng không thèm nhắc đến nữa.
Tôi đi dự phiên tòa lịch sử
Trong lịch sử thế giới cũng như dân tộc này, đã có nhiều phiên tòa đi vào lịch sử còn ghi lại đến tận hôm nay. Tôi tin rằng phiên tòa này cũng sẽ được ghi vào lịch sử của đất nước, của dân tộc về một thời kỳ: Thời kỳ Việt Nam có “nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”.
Tôi có may mắn được vào dự phiên tòa lịch sử này một cách hết sức ngẫu nhiên. Điều này không chỉ làm ngạc nhiên những người bạn, những người thân mà ngay cả tôi cũng không kém, kể cả khi đã ở trong tòa.
Sáng 2/8, tôi và vài người bạn lên nhà chị Dương Hà định để cùng đi ra xem quang cảnh phiên tòa vì biết rằng phiên tòa công khai này chỉ dành cho một ít người được chọn. Cái quyền cơ bản đó đã nghiễm nhiên không còn khi tòa án xét xử những vụ án như vụ mấy cục gạch của giáo dân Thái Hà, vụ sơ thẩm Cù Huy Hà Vũ… Đến nơi, chị Dương Hà bảo: cả gia đình có 13 người muốn vào dự, thế nhưng họ chỉ cấp cho có 3 giấy ra vào tòa. Một giấy dành cho ông chú Cù Huy Thước, một giấy của chị, còn một giấy nữa là của cháu Hiếu, nhưng chị cứ phân vân có nên để cháu Hiếu chứng kiến cảnh đau lòng này không. Hay Vinh vào tòa với chị?
Sáng dậy lúc ra đi, trời mưa nhỏ nên tôi chỉ mặc quần soóc, áo phông, chân đi dép lê cho tiện, đến khi này mới khó xử, vậy là phải vội vàng điện về nhà để đứa em mang ngay lên cho bộ vét và đôi giày, mười lăm phút sau, nhu cầu được đáp ứng. Thế là tôi đi.
Dương Hà và Xuân Bích trên đường ra tòa. Ảnh NBG
Trên đường ra tòa
Đeo vội bảng tên
Người chỉ đạo bên ngoài, đám công an không đeo bảng tên và công an Sơn đứng xa xa
Khỏi phải mô tả cảnh ngăn chặn bên ngoài, ngay tại cổng tòa ngoài đường, một tốp cảnh sát hình như được huy động quá vội vàng hoặc cẩu thả, hoặc trá hình nên không có biển tên trên ngực chặn chúng tôi lại đòi giấy tờ. Chúng tôi phản đối: “Giấy tờ không phải để xuất trình ở đây, mà các anh là cảnh sát, biển tên ở đâu, ăn mặc đúng điều lệnh khi làm việc thế này à”? Nghe nói thế một người vội vàng móc biển tên ra đeo lên ngực, nhưng những người đứng trước cổng tòa vẫn thế, một người mặc thường phục mà tôi thường thấy trong các phiên tòa xẳng giọng: “Không cần biển tên”. Tôi hỏi: “Phiên tòa công khai, chúng tôi vào dự tại sao ngăn chặn? anh ta đáp: “Thì cũng phải có quy định của tòa”. Tôi nói: “Sao ngay tại cổng này không có bảng quy định nào mà anh lại chặn”? Anh ta không thể trả lời.
Vào cổng tòa, tôi gặp một công an tôn giáo tên là Sơn, anh ta hỏi: Ông Vinh đi vào đây làm gì? Tôi đáp: “Tôi đi dự phiên tòa công khai” - “Ông có giấy không đưa tôi xem”? – anh ta hỏi. Tôi đáp: “Tòa xử công khai cần gì phải giấy, mà có giấy cũng không phải để đưa cho anh xem, vì đấy đâu phải nhiệm vụ của anh”. Anh ta nói: “Sẽ có người hỏi để xem giấy của ông”.
Quả nhiên vậy, khi mọi người lục tục kéo vào qua cổng an ninh, một người vừa được anh công an tên Sơn thầm thì vào tai và chỉ trỏ tôi lập tức chặn tôi lại: “Giấy đâu”? Tôi đưa giấy ra vào, anh ta cầm và chưng hửng, một lúc sau hỏi tiếp: “Thẻ đâu”? Tôi đáp: “Tôi không phải là nhân viên ở đây, nên không có thẻ và chỉ cần giấy ra vào này tôi có thể ra vào”. Anh ta hỏi: “Chứng minh nhân dân đâu?” . Tôi đưa chứng minh nhân dân, anh ta lại: “Thẻ đâu”?. Tôi nói với anh ta: “Anh đừng cò quay, anh đòi giấy, tôi có giấy, anh đòi thẻ tôi không là nhân viên ở đây nên không có thẻ thì anh đòi giấy chứng minh nhân dân, tôi đưa anh thì anh lại đòi thẻ, chắc lát nữa anh đòi giấy khai sinh hoặc bằng lái xe chắc? Với cái giấy này, có dấu đỏ, nó có giá trị gì không”?
Cũng lúc đó, một người mang bảng trên ngực ghi Ban Tổ chức đi qua, tôi hỏi: “Tôi có giấy này, có vào tòa được không”? Người đó trả lời: “Có giấy này là vào được”. Vậy là anh ta phải để tôi vào tòa.
Vào tòa
Trong tòa, ngoài khu vực dành cho Hội đồng xét xử (HĐXX), các luật sư và bị cáo, phía dưới có ba dãy ghế mỗi dãy có 8 hàng, mỗi hàng có 12 chiếc, vị chi là 96 chỗ. Trong đó theo chị Dương Hà cho biết thì một số là cán bộ phường nơi chị ở, còn lại là những gương mặt trẻ già được cấp giấy màu hồng. Ngồi bên tôi là một cậu trẻ măng, tôi hỏi cậu làm ở đâu thì cậu nói làm công nhân, nhà ở Hai Bà Trưng, tôi hỏi làm công nhân gì thì cậu ấp úng. Thế nhưng, cậu nói chuyện cơ quan với một cậu bên cạnh cầm trên tay tập “Tập huấn nghiệp vụ khóa 7″ thì tôi hiểu cậu đã không dám nói thật. Điều lạ là ngay chính những người dự tòa như thế này, họ cũng đã có tâm trạng không minh bạch.
Gần 8 giờ ông Vũ được dẫn giải ra tòa, lần này ông mặc áo sơ mi, cổ không đeo cà vạt, chân đi giày. Trước khi phiên xử bắt đầu, chị Dương Hà và luật sư của bị cáo đề nghị cho ông được đeo cà vạt vì ông chưa phải là tội nhân. Yêu cầu này không được chủ tọa phiên tòa đáp ứng và nói rằng: “Vấn đề ăn mặc là do nơi trại tạm giữ”. Như vậy là ông Vũ đã không được đeo cà vạt trước tòa như lần trước với hình ảnh hiên ngang.
8h15, phiên xử bắt đầu.
Chủ tọa phiên tòa là Chánh án Nguyễn Văn Sơn, hai thẩm phán là Nguyễn Huy Chương và Nguyễn Đức Nhận đã ngồi tại tòa, phía Viện Kiểm sát có ông Nguyễn Thanh Văn và Lê Hồng Tuấn. Phía bên bị cáo có 4 luật sư: Trần Quốc Thuận, Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải, Vương Thị Thanh. Phía người nhà có ông Cù Huy Thước, chị Dương Hà và tôi. Phần còn lại là những người xa lạ.
Thủ tục ban đầu là kiểm tra căn cước bị cáo, ngay sau khi được mở còng số 8, Cù Huy Hà Vũ giơ tai tay lên cao hình chữ V, các ngón tay hình chữ V và quay lại: “Chào tất cả mọi người. Dương Hà, anh yêu em”.
Phần khai nhân thân Cù Huy Hà Vũ đọc trích ngang lý lịch của mình bị sa thải khỏi Bộ Ngoại giao vì kiện Thủ tướng, tiếp đó ông phản đối việc nêu nhân thân của ông trong bản án nói đến hai con nhưng không nói rõ tên hai con, “đã nêu thì phải có tên tuổi đầy đủ” - ông nói.
Ngay từ đầu phiên tòa, Cù Huy Hà Vũ yêu cầu:
- Thay đổi toàn bộ Hội đồng xét xử vì tất cả đều là đảng viên ĐCS, mà cáo trạng có nói đến việc ông đã phủ nhận sự lãnh đạo của ĐCS. Vì thế, việc dùng các đảng viên ĐCS để xử ông là việc không khách quan.
- Điều thứ 2, ông Vũ nói về vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân gồm có 2 chức năng vừa truy tố vừa kiểm sát xét xử, như vậy là vừa đá bóng vừa thổi còi sẽ dẫn đến không khách quan trong quá trình xét xử.
- Vấn đề thứ 3, ông nói: “Tôi có chuẩn bị bản tự bào chữa cho mình bằng văn bản, có các tài liệu khác như các bộ luật, nhưng hiện nay cảnh sát dẫn giải vẫn đang giữ của tôi, yêu cầu trả lại tôi để tôi thực hiện quyền tự bào chữa của mình”.
Nhưng, yêu cầu đó không được chủ tọa trả lời mà chủ tọa lại đọc một điều trong bộ luật quy định tại tòa về việc luật sư tiếp xúc bị cáo và giải thích về điều đó.
LS Trần Đình Triển phản ứng ngay: Yêu cầu Chủ tọa phiên tòa không suy diễn và yêu cầu Chủ tọa phiên tòa đọc đúng quy định của luật và ông nói: “Nếu với trình độ của chủ tọa đọc luật cũng sai như thế này, thì yêu cầu thay đổi Chủ tọa phiên tòa”.
LS Trần Vũ Hải có ý kiến tiếp theo nhất trí với LS Trần Đình Triển về việc yêu cầu thay đổi Chủ tọa phiên tòa. Ngoài ra, LS Trần Vũ Hải cũng gửi bản kiến nghị của công dân gửi QH nước CHXHCN VN đến Tòa, văn bản của Văn phòng Cù Huy Hà Vũ đã gửi QH luật sư cũng đã gửi đến Tòa và yêu cầu:
- Triệu tập Chủ tịch Quốc hội để trả lời về điều 88 Bộ luật Hình sự.
- Phiên tòa xét xử công khai, mọi người đều có quyền được tham dự, gia đình Cù Huy Hà Vũ có 13 người và bạn bè gồm 20 người đã đề nghị được tham dự phiên tòa, yêu cầu Tòa tạo điều kiện cho họ.
Luật sư Vương Thị Thanh đề nghị:
- Đề nghị HĐXX triệu tập Chủ tịch nước, Tướng Hoàng Công Tư, chị Lê Nguyễn Như Quỳnh, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, RFA…
- Cung cấp cho ông Vũ 10 tài liệu mà Tòa sơ thẩm đã dùng làm căn cứ kết tội ông.
- Yêu cầu Tòa cung cấp giấy bút cho ông Vũ để ông tự bào chữa cho mình.
- Yêu cầu có vật chứng là hai bao cao su đã qua sử dụng.
- Yêu cầu Tòa công bố toàn văn các tài liệu.
- Trước khi nói lời sau cùng, phải để ông Vũ đọc bài tự bào chữa của ông.
- Không hạn chế thời gian tranh luận của luật sư.
- Thư ký phiên tòa phải ghi đầy đủ những diễn biến trong phiên tòa, vì phiên sơ thẩm thư ký Tòa đã bỏ qua nhiều tình tiết.
- Yêu cầu chủ tọa cho Cù Huy Hà Vũ thắt cà vạt vì ông chưa phải là tội phạm và cung cấp cho ông 10 đầu tài liệu…
Luật sư Trần Quốc Thuận có ý kiến:
- Đồng ý với các đề nghị của các luật sư
- Cán bộ, công nhân viên chỉ được làm những gì pháp luật quy định, còn nhân dân được làm những việc pháp luật không cấm.
- Nộp danh sách Kiến nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ và bản kiến nghị 12 điểm của LS về phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Sau khi các luật sư nêu ý kiến của mình, Chủ tọa phiên tòa nói: “Hội đồng sẽ xem xét các đề nghị của luật sư”.
Cù Huy Hà Vũ yêu cầu:
- Hoãn phiên tòa vì tại đây không có các nhân chứng như Đài VOA, RFA, phóng viên Trâm Oanh, BauxiteVN… như vậy là phiên tòa sẽ thiếu các nhân chứng.
- Yêu cầu triệu tập vợ và các con, vì đó là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.
- Chủ tọa phiên tòa đã nói nhưng không đúng theo luật.
- Đề nghị hoãn phiên tòa vì tòa đã không cấp giấy cho LS Nguyễn Thị Dương Hà từ vụ sơ thẩm. Nếu vụ sơ thẩm đã từ chối, giờ vụ phúc thẩm cũng từ chối là không không đúng luật.
- Yêu cầu Tòa cung cấp đơn và tài liệu kháng cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân:
- Căn cứ các điều luật 42,45, bộ luật TTHS, Vũ đề nghị đọc toàn văn…
- Trong quá trình tham gia vụ án, LS Hà đã vi phạm.
- Những người như Hoàng Công Tư, Lê Nguyễn Như Quỳnh không phải là nhân chứng vụ án.
- Bị cáo thừa nhận trả lời các đài, báo liên quan đến An ninh Quốc gia nên không cần triệu tập.
Trong quá trình đó, đại diện Viện Kiểm sát đã nổi nóng, phát biểu tự do không cần chủ tọa cho phép, lập tức được ông Vũ nhắc nhở “Hãy bình tĩnh”. Cũng như khi một vị thuộc Viện Kiểm sát phát biểu giọng nói ấp úng, ông Vũ nhắc ngay và đề nghị nói to, nói rõ để còn nghe, đàng hoàng dõng dạc lên không việc gì phải ấp úng… làm cả phòng xử ồ lên cười, bớt đi phần căng thẳng trong tòa.
Cù Huy Hà Vũ giơ hai tay hình chữ V: ” Chiến thắng, chiến thắng cuối cùng”.
Hội đồng xét xử tạm nghỉ vào phòng nghị án để xem xét.
Hà Nội, ngày 3/8/2011
•J.B Nguyễn Hữu Vinh
______________________________________
Tôi đi dự phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ – Kỳ 2
Trong bài viết kỳ 1, những diễn biến phiên tòa kể từ khi bước ra khỏi nhà đến khi Tòa nghỉ bàn bạc xem xét các yêu cầu của các Luật sư, tôi đã cố gắng nêu đầy đủ, trung thực những gì mình đã chứng kiến và ghi lại được. Có thể quá trình mô tả lại sẽ không logic như các phiên tòa hoặc các cuộc trao đổi, trò chuyện tranh cãi bình thường khác. Điều đó chỉ vì ngay chính phiên tòa đặc biệt này đã xảy ra như vậy.
Mọi lời phát biểu, tranh tụng hoàn toàn dưới sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa. Mà chủ tọa phiên tòa thì ngay từ đầu phiên tòa đã thể hiện thái độ không muốn mất nhiều thời gian.
Ở đây, tôi cố gắng trình bày cụ thể và chi tiết những điều đã xảy ra tại phiên tòa cách khách quan nhất mà mình đã nhớ và ghi chép lại được. Vốn không phải là luật sư hoặc có quyền tranh tụng, tôi chỉ biết ngồi nghe và ghi chép lại những gì mình thấy, nghe và gặp. Cũng có thể có những câu nói quá dài, nghe, ghi không kịp nhưng những yếu tố cơ bản thì đã ghi lại.
Còn việc bình luận, đánh giá về phiên tòa công khai này sẽ phụ thuộc quan điểm của mỗi người khác nhau.
Trong quá trình nghỉ để Chủ tọa phiên tòa xem xét các yêu cầu của các luật sư, tại một dãy ghế của phòng tạm nghỉ phía ngoài, mấy bà đang ngồi nói chuyện trao đổi với nhau. Câu chuyện có vẻ nghiêm trọng và đầy bí ẩn. Có lẽ đây là đám mấy công dân đặc biệt của Phường nơi bị cáo cư trú thì phải. Khi tôi đi vệ sinh ngang qua nghe một bà hùng hồn, vẻ hiểu biết: “Luật sư người ta đề nghị thế là đúng luật đấy, đúng quá đi chứ, yêu cầu chính đáng đó nhất định tòa phải nghe rồi”.
“Hội đồng xem xét” và trả lời
Sau một thời gian bàn bạc, xem xét tại phòng phía trong, Hội đồng xét xử tiếp tục trở lại làm việc.
Những hi vọng mới nhen nhúm lên trong tôi và những người chứng kiến vụt tắt khi chủ tọa phiên tòa quyết định với nội dung như sau:
- Không chấp nhận các yêu cầu của các luật sư và bị cáo theo những điều luật được viện dẫn khác nhau, như khoản 3, điều 103…
- Việc cấp giấy bào chữa cho Ls Nguyễn Thị Dương Hà như yêu cầu, được chủ tọa giải thích: Trong quá trình tham gia vụ án, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà đã vi phạm bí mật an ninh Quốc gia, Tòa sơ thẩm đã thu hồi giấy bào chữa. Do vậy tại tòa Phúc thẩm không cấp giấy cho Luật sư (Ls) Hà (!) (Việc này, Ls Nguyễn Thị Dương Hà đã có văn bản bác bỏ rằng không thể có một việc đưa xử tội hai lần)
- Tại Tòa sơ thẩm đã có 4 Ls, dù có Ls Hải bị mời ra khỏi phiên tòa này, và các Ls vẫn được tạo điều kiện để làm việc.
- Việc yêu cầu triệu tập Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết được tòa giải thích là bị cáo xâm hại lợi ích an ninh Quốc gia, không phải của cá nhân nào nên không triệu tập Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
- Những nhân chứng bị cáo yêu cầu như ông Hoàng Công Tư, Đài RFA, VOA, Pv Trâm Oanh… không phải là nhân chứng, tại phiên tòa Sơ thẩm, bị cáo đã thừa nhận các tài liệu viết, trả lời phỏng vấn… nên không cần triệu tập.
- Những vật chứng mà Ls yêu cầu như hai bao cao su đã qua sử dụng… không phải là những vật chứng mà chỉ là vật chứng của hành vi vi phạm hành chính.
- Việc cung cấp các tài liệu cho bị cáo theo yêu cầu của Ls được Chủ tọa phiên tòa giải thích: Vì bị cáo đã làm ra nên bị cáo sẽ ghi nhớ được, nên không cấp.
- Không cung cấp giấy bút cho bị cáo để tự bào chữa tại tòa.
- Các yêu cầu của Ls là đọc các tài liệu dùng kết án ông Cù Huy Hà Vũ tại tòa sẽ được HĐXX “xem xét”.
- Việc ông Cù Huy Hà Vũ yêu cầu thay đổi HĐXX vì tất cả là đảng viên Cộng sản thì không thuộc quy định của Pháp luật.
Ông Cù Huy Hà Vũ yêu cầu bổ sung, và yêu cầu Chủ tọa đọc nguyên văn điều luật số 42 của Bộ luật TTHS.
Chủ Tọa phiên tòa không để ý đến yêu cầu của bị cáo Cù Huy Hà Vũ và kết thúc phần quyết định về những yêu cầu của bị cáo, Ls. Kể cả việc ông Vũ yêu cầu Chủ tọa đọc nguyên điều 42 trong bộ luật TTHS mà theo Ls và ông Vũ thì đã bị đọc sai, nhưng tòa không chấp nhận.
Ông Cù Huy Hà Vũ kêu to: “Không chấp nhận là độc quyền:.
Như vậy, hầu hết những yêu cầu của bị cáo và các Ls đã không được đáp ứng sau khi Chủ tọa nghỉ để xem xét. Và sau này, những điều chủ tọa phiên tòa hứa xem xét tiếp cũng không được đáp ứng nốt.
Theo các Ls, thì việc yêu cầu của họ là đúng với quy định của pháp luật, việc HĐXX không chấp nhận, đáp ứng yêu cầu đó là trái luật rõ ràng. Nhất là việc đảm bảo quyền tự bào chữa của ông Cù Huy Hà Vũ và việc phải đưa chứng cứ phạm tội là 10 đầu tài liệu mà Tòa sơ thẩm đã dùng để kết tội ông.
Xét hỏi
Nhanh chóng kết thúc phần đầu buổi xử án, Chủ tọa phiên tòa bước vào phần xét hỏi, thẩm vấn.
Chủ tọa đọc nội dung tóm tắt của vụ án. Khi đọc đến đoạn nói rằng Vũ đã viết bài trả lời phỏng vấn đài VOA, RFA… Cù Huy Hà Vũ kêu to: “Tôi không viết bài, nói bậy”.
Chủ tọa công bố bị cáo đã có đơn kháng cáo vào ngày 15/4/2011.
Ông Vũ yêu cầu nhận được bản tự bào chữa của mình, đã chuẩn bị cùng với các tài liệu và bộ luật nhưng đã không cho cầm vào.
Chủ tọa hỏi: Bị cáo có đồng ý các tài liệu do bị cáo viết, trả lời, lưu giữ không?
Cù Huy Hà Vũ: Tôi không viết bài “Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình” mà là của tác giả Trần Thanh Ty có liên quan đến tôi nên tôi lưu giữ… Vũ nói tiếp về việc ông bị bắt vì bị ném hai bao cao su giao hợp đã qua sử dụng vào phòng nghỉ của ông để cơ quan điều tra Bộ Công an vào bắt ông… ông Vũ nói hăng hái đầy phẫn uất, công an bảo vệ giữ tay ngăn ông lại. Ông cãi.
Chủ tọa phiên tòa cắt ngang: Chỉ yêu cầu trả lời có hay không mà thôi.
Cù Huy Hà Vũ: Không thể trả lời như vậy được, tôi phải trình bày rõ ràng…
Chủ tọa: Trong hai bài trả lời RFA và Đài Tiếng nói Việt Nam…
Ông Vũ nhắc: Không phải đài Tiếng nói Việt Nam, mà là đài Tiếng nói Hoa Kỳ, nhắc cho HĐXX.
Chủ tọa: Bị cáo trả lời phỏng vấn như thế nào?
Ông Vũ: Qua điện thoại…
Đến đây, ông Vũ trình bày rõ ràng quá trình diễn tiến sự việc…
Chủ tọa: Bị cáo dừng lại.
Ông Vũ: Tôi có quyền trình bày những nội dung liên quan đến câu hỏi
Chủ tọa: Bài phỏng vấn do bị cáo đăng tải hay do Đài đăng?
Ông Vũ: Đương nhiên do Đài đăng.
Chủ tọa: Có bài nào bị cáo kiểm tra lại và phải đồng ý mới được đăng không?
Ông Vũ: Cơ quan ANĐT và Tòa án đã nhầm lẫn…
Chủ tọa: Những kẻ cướp ngày nhằm chỉ ai?
Ông Vũ: Những kẻ phạm tội trong chính quyền địa phương.
Chủ tọa: Nghĩa là chính quyền địa phương?
Ông Vũ: Chính xác.
Chủ tọa: Bài vế Chính quyền VNCH?
Ông Vũ: Đó là sự dốt nát và kém cỏi, muốn hại tôi vì đó là Kiến nghị tôi gửi Quốc hội, mà tài liệu tôi gửi kiến nghị Quốc hội thì không được dùng làm chứng cứ buộc tội tôi.
Chủ tọa: Bị cáo có gửi Quốc hội?
Ông Vũ: Tôi gửi cả chục kiến nghị mà Quốc hội đã không trả lời tôi.
Tôi có quyền trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước được pháp luật thừa nhận. Kể cả chủ tịch nước lãnh đạo đất nước cũng vậy…
Cù Huy Hà Vũ tiếp tục nói về các bài viết, về kiến nghị gửi Quốc hội đã được đưa vào làm chứng cứ kết tội ông ở phiên tòa sơ thẩm. Ông nói: “Không ai được dùng kiến nghị của công dân để kết tội bất cứ một ai hết.
Khi ông Vũ trình bày chi tiết về các vấn đề Chủ tọa hỏi, Chủ tọa phiên tòa nhiều lần nhắc: Chỉ được nói đúng hay không mà thôi.
Cù Huy Hà Vũ: Việc không cung cấp tài liệu buộc tội tôi cho tôi là việc làm phi pháp.
Chủ tọa: Bài viết Chiến tranh Việt Nam là 1 hay 2 bài? Trong đó có bài: Ts Cù Huy Hà Vũ nghĩ về chiến tranh Việt Nam và ngày 30/4?
Cù Huy Hà Vũ: Vì tòa không cung cấp tài liệu cho tôi nên tôi không nhớ.
Chủ tọa: Có khi nào bị cáo đưa bài phỏng vấn nào mà họ thay đổi tiêu đề hay không? Hai bài đó có cùng 1 nguồn hay không?
Cù Huy Hà Vũ: Không cung cấp tài liệu, tôi không nhớ hết.
Chủ tọa: Trong bài trả lời Đài Tiếng nói Hoa Kỳ…
Cù Huy Hà Vũ: Lần này thì nói chuẩn rồi, không còn là Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chủ tọa: Ngoài phần trích trong cáo trạng, thì còn đoạn về đảng…
Cù Huy Hà Vũ: Tôi không nhớ, nhưng có thể có.
Chủ tọa: Trong bài Đường sắt Bắc – Nam…
Cù Huy Hà Vũ: Đề nghị không bàn bài này
Chủ tọa: Như vậy, bị cáo có viết bài này?
Cù Huy Hà Vũ: Như vậy là cố tình hãm hại tôi.
Chủ tọa: Các bài trả lời phỏng vấn
Cù Huy Hà Vũ: Tôi không nhớ rõ, vì không chú ý
Chủ tọa: Bị cáo có viết bài… có đăng không?
Cù Huy Hà Vũ: Có đăng trên Bauxite Việt Nam
Chủ tọa: Đăng mấy ngày?
Cù Huy Hà Vũ: Không nhớ.
Chủ tọa: Bài Trần Khải Thanh Thủy…
Cù Huy Hà Vũ: Tôi viết tố cáo tội phạm.
Chủ tọa: Trong bài viết, bị cáo nói là tố cáo tội phạm, đó là cơ quan công an Đống Đa?
Cù Huy Hà Vũ: Chính xác, đó là công an Đống đa, thủ đoạn đó là tội phạm.
Chủ tọa: Bài bàn về ĐCSVN?
Cù Huy Hà Vũ: Ở đâu? Bài nào?
Chủ tọa: Bài bàn về Đảng cầm quyền.
Cù Huy Hà Vũ: Nhắc lại là nói cho đúng.
Chủ tọa: Bài Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình của Đặng Thanh Ty, bị cáo có lưu không?
Cù Huy Hà Vũ: Không nhớ vì không có tài liệu trong tay.
Chủ tọa: Tại cơ quan an ninh điều tra, bị cáo có thừa nhận viết để đi tuyên truyền không?
Cù Huy Hà Vũ: Đề nghị bỏ từ “thừa nhận” đi, tôi không có tuyên truyền cho ai cả. Theo Đại Từ điển, tuyên truyền là vận động mọi người làm theo, trong tài liệu tôi không có chuyện đó.
Chủ tọa: Những tài liệu cơ quan điều trra thu giữ là của bị cáo?
Cù Huy Hà Vũ: Không, đó là tài sản của vợ, con tôi. Trong ổ cứng máy tính có nhiều tài liệu tại sao lại thu giữ tất cả mà chỉ có lấy điều tra 10 tài liệu? Tại sao còn lại không trả lại? Việc giữ lại là bất hợp pháp, là cưỡng đoạt tài sản công dân.
Đại diện Viện Kiểm sát (VKS):… (Nói nhỏ nghe không rõ)
Cù Huy Hà Vũ: Đề nghị nói to lên.
VKS: Trong 10 tài liệu bị cáo đã thừa nhận
Cù Huy Hà Vũ: Tôi không “thừa nhận” tôi chỉ “xác nhận” thừa nhận là do quá trình đấu tranh chịu thua mới thừa nhận, tôi chỉ xác nhận.
VKS: Bị cáo đã làm ra các tài liệu đó?
Cù Huy Hà Vũ: Tôi không làm ra, do các đài, báo họ làm ra.
VKS: Trên cơ sở nội dung bị cáo trả lời, người ta mới làm ra bài phỏng vấn
Cù Huy Hà Vũ: Đề nghị Viện Kiểm sát nói to lên, không lẩm bẩm. Dõng dạc, đàng hoàng đi.
VKS: Bị cáo viết lên với mục đích gì?
Cù Huy Hà Vũ: Tôi tố cáo 1 số người trong cơ quan nhà nước đã dùng tiền của của nhân dân để cướp đất khắp nơi. Tôi tố cáo các hành vi lạm quyền.
VKS: Theo bị cáo, việc làm đó là đúng?
Cù Huy Hà Vũ: Tôi hoàn toàn đúng, làm sai, lạm quyền, thì tố cáo là bình thường.
VKS: Bị cáo có thấy đó là hiện tượng
Cù Huy Hà Vũ: Đây không phải là hiện tượng mà là hành vi, tôi còn chưa đủ thời gian sưu tầm nhiều, chứ đủ thời gian sưu tầm thì tôi chứng minh đầy đủ hơn, nhiều hơn những hành vi đó.
VKS: Trong bài…
Cù Huy Hà Vũ: Đề nghị loại bài đó ra vì tôi viết chưa xong mà lấy làm chứng cứ buộc tội tôi?
Khi Cù Huy Hà Vũ đang nói thì đột nhiên mất điện.
Cù Huy Hà Vũ: Như ở trại giam nhỉ.
VKS: Bị cáo có trả lời đài..
Cù Huy Hà Vũ: Tôi có trả lời Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.
VKS (Người thứ 2): Bị cáo có sử dụng máy tính, USB không?
Cù Huy Hà Vũ: USB hay ổ cứng? USB là ổ cứng máy vi tính chứ gì? Đó là hai cái ổ cứng, không phải USB
VKS: Còn 2 USB ở TPHCM cơ quan An ninh Điều tra thu giữ
Cù Huy Hà Vũ: Đó là sự cưỡng đoạt tài sản của cơ quan CA Bộ Công an đã ném 2 bao cao su giao hợp vào phòng tôi lấy cớ cưỡng đoạt tài sản của tôi.
Nhân đây, tôi cũng đề nghị điều tra về vụ này vì trong lịch sử thế giới chưa bao giờ có những hành động như vậy.
Cái tôi đã ký xác nhận lại đi giám định, cái cần giám định lại không giám định.
Phần hỏi đáp thẩm vấn của Chủ tọa phiên tòa và đại diện Viện Kiểm sát đến đây là kết thúc để chuyển sang phần thẩm vấn của các luật sư.
Trong quá trình thẩm vấn của Chủ tọa phiên tòa và các đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, Cù Huy Hà Vũ đứng thẳng, đầu ngẩng cao, hai tay bắt sau lưng, tay trái nắm chặt cổ tay phải và bàn tay phải nắm chặt thành một nắm đấm. Thỉnh thoảng ông giơ tay vuốt lại mái tóc.
Tôi cố tình chú ý xem cả ngày hôm đó thử có lần nào Cù Huy Hà Vũ cúi thấp đầu xuống hay không. Nhưng, ngay cả khi đứng lên ngồi xuống ghế anh vẫn ngẩng cao đầu.
Phần trả lời thẩm vấn của Chủ tọa phiên tòa và đại diện Viện kiểm sát nhân dân, ông trả lời hết sức mạch lạc, vận dụng câu, chữ trích dẫn hết sức thành thạo dù không đươc cung cấp các tài liệu đã được dùng để ghép tội cho ông.
___________________________________________
Tôi đi dự phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ (Kỳ 3)
Hết phần xét hỏi của Chủ tọa phiên tòa và Viện Kiểm sát, Cù Huy Hà Vũ đã cố gắng trả lời đầy đủ, chi tiết, đặc biệt ông lưu ý và hết sức bất bình khi cho rằng cơ quan điều tra Bộ Công an đã dùng hai bao cao su đã qua sử dụng ném vào phòng ở của ông để làm nguyên cớ bắt ông. Thế nhưng, mỗi lần ông nói về nguyên nhân dẫn đến việc bắt giam ông để khởi tố vụ án, đề bị Chủ tọa phiên tòa cắt ngang bằng câu “bị cáo dừng lại, không nói về việc hành vi hành chính”.
Ngay cả người ngồi xem thuộc dạng được chọn lọc kỹ càng, cũng thầm thì với nhau: Tại sao không nhắc, không có hai bao cao su đó làm sao anh ta bị bắt?
Còn Cù Huy Hà Vũ, ông coi đó là một nỗi nhục của ngành tư pháp Việt Nam và chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử hình sự thế giới.
Sau đó đến phần xét hỏi của các Luật sư (Ls). Các Ls hỏi rất từ tốn nhưng xoáy sâu vào các chi tiết, các điều luật cũng như hành vi của Cù Huy Hà Vũ. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa luôn thường trực câu nói cửa miệng là
“Yêu cầu các Ls không nhắc lại những việc mà Ls trước đã nói, đã hỏi”.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người thẩm vấn đầu tiên:
Cù Huy Hà Vũ: Đề nghị HĐXX cho tôi uống nước.
Ls: Từ khi bị cáo viết bài đăng từ năm 2009 đến năm 2010, có cơ quan chức năng nào hỏi bị cáo không?
Cù Huy Hà Vũ: Không có một cơ quan chức năng nào của nhà nước hỏi tôi. Hoàn toàn không, kể cả các kiến nghị gửi Quốc hội cũng không có ai hỏi đến.
Thậm chí, ngay trên các báo chí Việt Nam cũng không có bài nào viết bình luận.
Ls: Các nội dung bị cáo trả lời trước đây có ai nói đến chưa?
Cù Huy Hà Vũ: Tôi nghĩ rằng có nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nói đến. Như đa đảng thì ông Trần Xuân Bách đã nói, còn vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc thì nếu tôi nhớ không nhầm thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói. Ngày 30/4 có một triệu người vui thì một triệu người buồn. Nếu không nói đến điều đó thì làm gì có buồn trong ngày chiến thắng? Nhưng ông đã nói như thế. Vậy mà ông Trần Xuân Bách đâu có bị đi tù hoặc xử án? Ông Võ Văn Kiệt cũng vậy.
Ls: Trong các bài viết, có nội dung nào chống nhà nước CHXHCNVN không?
Cù Huy Hà Vũ: Trong các bài viết trên, không có nội dung nào chống nhà nước CHXHCNVN theo định nghĩa là nhà nước của dân, do dân và vì dân…
Tôi chưa bao giờ có nội dung nào chống lại nhà nước CHXHCNVN theo Hiến pháp và Pháp luật quy định.
Ls: Động cơ và mục đích nào để bị cáo viết các bài viết, trả lời phỏng vấn…?
Cù Huy Hà Vũ: Động cơ, mục đích của tôi là thấy sai thì tôi nói thẳng, là để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam, ngoài ra không có mục đích nào hết.
Ls: Căn cứ pháp luật nào để bị cáo viết, trả lời phỏng vấn…?
Cù Huy Hà Vũ: Căn cứ vào pháp luật Việt Nam, điều 69 Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, là thành viên.
Ls: Ông có hằn thù gì với nhà nước VN hay không? Có bao giờ ông có lòng hận thù với đất nước và nhân dân VN không?
Cù Huy Hà Vũ: Truyền thống gia đình nhà tôi từ bao đời nay…
Viện Kiểm sát chêm vào: Yêu cầu trả lời đúng câu hỏi.
Ls: Điều khiển phiên tòa là Chủ tọa phiên tòa, Viện kiểm sát coi khéo không lại phạm luật.
Cù Huy Hà Vũ tiếp tục nói về gia đình mình có truyền thống lâu đời nay từ đời cụ Cù Huy Xán cho đến đời ông Cù Huy Cận ngay sau năm 1949 đã được Quốc hội chọn làm Bộ Trưởng đầu tiên… là khai quốc công thần và là người đẻ ra chế độ này.
Vì thế, không có lý do gì ông hận thù với Nhà nước, Nhân dân, Tổ Quốc Việt Nam.
“Do vậy, dù có phải trả giá bằng ngục tù, bằng cái chết, tôi vẫn quyết chiến đấu đến cùng – Cù Huy Hà Vũ kết luận.
Đến lượt Luật sư Vương Thị Thanh thẩm vấn:
Ls: Ông khẳng định bài viết “Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình” không phải của ông?
Cù Huy Hà Vũ: Đúng.
Ls: Ông khẳng định…
Ls: Ông yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến Pháp vì nó phi lý?
Cù Huy Hà Vũ: Chính xác. Vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì không có thể có ai cao hơn để lãnh đạo. Vì thế điều 4 HP là phi lý, bất hợp lý.
Đến đây, Cù Huy Hà Vũ giảng giải một hồi dài về Nhà nước pháp quyền… “Chẳng hạn, ở đây không ai được ra lệnh cho các anh ra bản án cả…” – ông Vũ nói.
Tôi không chống đảng CSVN, tôi yêu cầu đa đảng để cùng cạnh tranh, để đất nước tiến bộ. Gia đình tôi, bố tôi, bác tôi là đảng viên, không có lý do gì để tôi chống lại ĐCSVN. Tại Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là sáng lập Đảng Cộng sản, mà còn là sáng lập ra Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội. Sinh thời của chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có đa đảng – Ông Vũ nói tiếp.
Ls: Bị cáo đã viết bài phải đa đảng có đúng không?
Cù Huy Hà Vũ: Đúng, nhất thiết phải đa đảng để cùng nhau chứ không thể độc quyền.
Ls: Bị cáo không xuyên tạc về Chiến tranh Việt Nam và ngày 30/4 mà chỉ nhằm giải quyết hậu quả sau chiến tranh?
Cù Huy Hà Vũ: Chủ tọa bảo xuyên tạc, nhưng tôi không biết xuyên tạc như thế nào.
Ls: Việc bị cáo khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về khai thác Bauxite
Chủ tọa cắt ngang: Yêu cầu không hỏi điều không liên quan, yêu cầu Luật sư không hỏi đến việc khiếu kiện.
Ls: Việc bị cáo khiếu kiện Thủ tướng vì lý do khai thác Bauxite Tây nguyên đã gửi đi nhưng vẫn chưa nhận được trả lời…
Cù Huy Hà Vũ: Đúng, Ngay cả đến giờ, Tòa án Nhân dân Tối cao vẫn không trả lời đơn.
Tôi phát hiện Thủ tướng có dấu hiệu sai phạm và tố cáo.
…
Cù Huy Hà Vũ: Tôi khẳng định làm tất cả vì Tổ Quốc, vì Nhân dân và tôi sẵn sàng chết vì Nhân dân, vì đất nước này.
Tôi không tham gia bất cứ đảng phái, tổ chức nào.
Trên cơ sở đó, tôi khẳng định Tôi là người yêu nước Việt Nam.
Luật sư Trần Đình Triển là luật sư thứ 3 thẩm vấn bị cáo, ông đứng dậy mạnh mẽ đề nghị:
Ls: Đề nghị HĐXX cho cung cấp 10 tài liệu cho bị cáo.
Chủ tọa: Tòa yêu cầu chuyển cho Tòa và yêu cầu Ls chỉ đặt câu hỏi thôi.
Đến đây, nảy ra cuộc tranh cãi về việc tòa không cho cung cấp tài liệu buộc tội cho bị cáo. Với lời lẽ chắc nịch, Ls Trần Đình Triển vạch rõ các quy định luật pháp đảm bảo cho việc bào chữa, tự bào chữa của bị cáo nên việc đưa tài liệu Tòa dùng buộc tội cho bị cáo là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, với quyền quyết định trong tay, bất chấp các lý lẽ luật sư đưa ra, Tòa nhất định không chấp nhận.
Cù Huy Hà Vũ: Đề nghị Ls làm các việc cần thiết. Bản án này đã được định sẵn.
Ls: Bản kiến nghị ngày 30/8/2010, thì Cáo trạng đã ghi là trả lời phỏng vấn?
Cù Huy Hà Vũ: Phần đó là trong kiến nghị gửi Quốc hội nhưng chưa được trả lời.
Ls: Bị cáo đã gửi cho Quốc hội và có bằng chứng?
Cù Huy Hà Vũ: Đúng, tôi còn lưu biên lai.
Ls: Tài liệu này coi như tài liệu của nhà nước và Quốc hội đang lưu giữ tài liệu này thì bị cáo nghĩ gì?
Cù Huy Hà Vũ: Không được dùng kiến nghị để làm tài liệu kết tội người khác.
Ls: Bị cáo nghĩ gì khi từ ngữ trong bản Cáo trạng lại khác với tài liệu của mình?
Cù Huy Hà Vũ: Đó là sự xuyên tạc và cần khởi tố.
Ls: Bị cáo có cần tài liệu để xác định không?
Cù Huy Hà Vũ: Tôi rất cần và luôn luôn đề nghị đến nay.
Ls: Vào hồi 0h5 phút, ngày 5/11/2010 anh thuê khách sạn đó làm phòng ở, là nơi bất khả xâm phạm vậy cảnh sát vào có đọc lệnh không?
Cù Huy Hà Vũ: Tôi khẳng định lúc 0h5 phút, cơ quan Công an Bộ Công an phá cửa xông vào thì không có bất cứ một cái lệnh nào.
Chủ tọa chặn lại: Đề nghị không hỏi về…
Ls: Chúng tôi đề nghị và hỏi để xem xét quý trình thủ tục tố tụng đúng hay sai?
Đến đây nổ ra cuộc tranh cãi khá gay gắt giữ Chủ tọa và Luật sư, Chủ tọa vài lần hô “Tôi cảnh cáo luật sư lần thứ nhất”. Thế nhưng sau đó vẫn còn mấy “lần thứ nhất” nữa mà không có lần nào thứ 2.
Ls Trần Đình Triển tranh cãi kịch liệt, thậm chí khi bị cảnh cáo đe dọa, ông nói thẳng thừng: “Ông định làm gì tôi? Đuổi tôi ra cho xong chăng? Tôi không sợ bất cứ điều đe dọa nào”.
Ls: Việc khám xét tại 24 Điện Biên phủ có đúng quy định Pháp luật hay không?
Cù Huy Hà Vũ: Tôi ở Tp HCM nên không biết.
Ls: Vậy vợ và người nhà anh phải là nhân chứng?
Cù Huy Hà Vũ: Đúng.
Ls: Việc câu chữ tài liệu bị sai với cáo trạng anh nghĩ gì?
Cù Huy Hà Vũ: Tôi đề nghị khởi tố việc làm sai lệch phiên tòa.
Ls: Anh có đề nghị giám định các tài liệu của anh không?
Cù Huy Hà Vũ: Tôi yêu cầu giám định.
Ls: Anh có nhiều bài viết chứ không phải chỉ 10 bài?
Cù Huy Hà Vũ: Đúng, vì lòng yêu nước, nhất là vấn đề Biển Đông.
Tôi cho rằng, yêu cầu cấp thiết của VN để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Chủ tọa chen vào: Yêu cầu Luật sư chỉ hỏi những vấn đề liên quan.
Ls: Tôi đề nghị Chủ tọa làm đúng pháp luật. Anh đề nghị gì khi sai pháp luật?
Cù Huy Hà Vũ: Tôi đề nghị khởi tố ngay các nhân viên an ninh đã ném hai bao cao su giao hợp để ập vào phòng tôi và bắt giữ tôi.
Đó là trò bẩn thỉu và ô nhục. Bẩn thỉu và ô nhục chưa từng có trên thế giới.
Đến đây, chấm dứt phần thẩm vấn của Ls Trần Đình Triển để đến luật sư Trần Vũ Hải thẩm vấn.
Ls Hải: Bị cáo có nghĩ do thù hận với bị cáo hay không?
Cù Huy Hà Vũ: Có, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thù tôi và cơ quan ANĐT Bộ Công an. Tôi đã kiện Thủ tướng và tố cáo ông Vũ Hải Triều trong vụ đánh sập hơn 300 trang mạng.
Quá trình thẩm vấn của Ls Trần Vũ Hải diễn ra với sự hùng biện và trả lời trôi chảy nêu bật những điều cần nói về các bài viết về các tài liệu mà ông Vũ không có trong tay để chứng minh việc buộc tội ông chống Nhà nước CHXNCNVN là vô căn cứ. Ông luôn luôn khẳng định ông là người yêu nước.
Sau phần thẩm vấn bị cáo, Viện Kiểm sát nhân dân đọc lời đề nghị với các nội dung như sau:
- Không cung cấp 10 đầu tài liệu dùng kết tội Cù Huy Hà Vũ cho bị cáo, không đọc toàn văn mà chỉ trích dẫn những câu cần thiết.
- Tại phiên tòa sơ thẩm… bị cáo đã tự tước bỏ quyền bào chữa của mình.
- Về việc khiếu nại Tòa sơ thẩm đã không cho xem biên bản phiên tòa là đúng vì nếu muốn xem phải yêu cầu ngay tại phiên tòa. Nhưng ba ngày sau mới có yêu cầu nên không cho xem.
(Khi đại diện VKS nói đến đây, các luật sư và nhiều người cứ ơ, ơ… hết sức ngạc nhiên. Tôi hỏi Ls Dương Hà, Ls Dương Hà nói: Yêu cầu vào 3 ngày sau là đúng pháp luật quy định. Ông này nói bừa sai luật).
- Giữ nguyên hình phạt cho bị cáo Cù Huy Hà Vũ.
Buổi sáng của phiên tòa chấm dứt ở phần này, chờ phần tranh tụng nảy lửa vào buổi chiều.
Viết ngày 5/8/2011
_________________________________________
Tôi đi dự phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ – Kỳ 4
Sau 3 kỳ viết về việc dự phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội ngày 2/8/2011 tôi chỉ mới nói được những điều mình thấy mình nghe tại phiên tòa ở phần đầu, sau đó một số việc bận rộn nên viết hơi muộn kỳ này. Xin mọi người thông cảm, nhất là những người sốt ruột, cũng như rất nhiều người đã gọi điện, gửi thư… thúc giục muốn biết được chi tiết trong phiên tòa Công khai này đã xảy ra những điều gì.
Một ngày với một phiên tòa mà theo các Ls thì nếu ở phương Tây, phiên tòa này phải xử ít nhất là một tháng. Vì thế rất dài và nhiều nội dung, bài viết muộn và chia làm nhiều kỳ có thể làm người đọc hơi sốt ruột. Nhưng một bài viết thì không thể quá dài làm mất sức người đọc khi mà nội dung của nó đã làm không ít người phải mệt lòng.
Ôi, Việt Nam xứ sở lạ lùng
Hôm qua, khi đang định ngồi viết tiếp những phần cuối, thì một người bạn gửi cho đoạn video của VTV là đoạn “phóng sự” về phiên tòa Cù Huy Hà Vũ vừa qua (Tôi không có thói quen xem VTV từ mấy năm nay). Xem đọan video đó, tôi thấy cũng bình thường dù nhiều người hết sức bức xúc.
Ở đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta, biết đến bao nhiêu việc lạ lùng hàng ngày hàng giờ vẫn xảy ra đấy thôi. Chỉ riêng việc người dân quan tâm nhưng mù tịt những điều gì đã xảy ra trong phiên tòa công khai, cũng đã nói lên sự kỳ lạ của luật pháp và xã hội Việt Nam.
Việc VTV làm phóng sự, đưa những điều bịa đặt là chuyện cũng không lạ gì dù đó là một Đài Truyền hình Quốc gia. Nhớ lại các vụ Khâm sứ, Thái Hà, VTV là kẻ xung kích đi đầu trong việc cắt xén, bóp méo những sự kiện ở đó. Tôi còn nhớ rõ VTV đã đưa một văn bản của nhà nước giao đất trái phép của Giáo xứ Thái Hà, quay lại đưa lên TV để gán cho rằng linh mục Bích (đã chết) trước đã giao đất đó cho nhà nước hoặc chuyện hóa trang giáo gian, thành giáo dân để ca ngợi việc cướp đất nhà thờ biến thành vườn hoa. Hoặc ngay cả việc cắt xén lời TGM Giuse Ngô Quang Kiệt để đánh đòn hội đồng một cách đê tiện, nhục nhã mà trước đó chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, Thông tấn xã Việt Nam còn đưa tin ca ngợi buổi gặp gỡ của ngài với UBND TP Hà Nội.
Điều người ta kiêng kỵ nhất là đụng chạm đến người chết, nhưng ở đây vu cáo cho người chết những chuyện bịa đặt mất nhân tâm mà họ chẳng từ, thì chuyện một người vô danh tiểu tốt nào đó có bịa ra lời ông Cù Huy Cận cũng chẳng có gì là lạ.
Những điều đó không lạ, thì chuyện hôm nay VTV có đưa thêm gì nữa, cũng bình thường. Ở xứ ta, cái không bình thường đã trở thành bình thường là vậy.
Riêng tôi, tôi chỉ nghĩ rằng nếu con người còn chút lương tâm tối thiểu, liệu họ có khi nào nghĩ rằng những việc họ đang làm sẽ được nhận những hậu quả khủng khiếp của quy luật “Nhân – Quả” hay không? Có khi nào họ nghĩ rằng con cái họ sẽ lãnh nhận được những “kết quả tốt đẹp” của những công việc họ làm hôm nay?
Trong suốt phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ, điều mà HĐXX cảm thấy là “tội” lớn nhất, đó là bài viết yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp quy định sự lãnh đạo độc quyền của ĐCSVN mà theo Cù Huy Hà Vũ thì điều đó không chính danh, không đúng vì Hiến pháp cũng đã quy định là chỉ có Quốc hội mới là cơ quan quyền lực cao nhất.
Một bài viết khác cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong phiên tòa nhưng không được đọc toàn văn và bị cáo cũng không có tài liệu trong tay mà chỉ được nghe Cáo trạng, được nghe VKS hoặc Tòa nhắc cho mà thôi là bài “Tam quyền nhất lập, đồng lòng hại dân”.
Mà Cáo trạng với bản án thì đã bị các luật sư vạch rõ là phát hiện có ít nhất 12 điểm bị cắt xén, thêm bớt, sửa nội dung nhằm ghép tội CHHV.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ câu thơ của ai đó: “Ôi Việt Nam, xứ sở lạ lùng”.
Trái với các thông tin về vụ xử án này là không có báo chí, phóng viên báo nào được chụp hình đưa tin trong phòng xử. Tôi thấy ngược lại, trong phòng xử án đầy các loại máy quay phim, chụp hình… chĩa vào từng người dự tòa. Đặc biệt có nhiều người mang thẻ ghi rõ Phóng viên hẳn hoi.
Như vậy, việc không có nhiều tấm hình của phiên tòa được đưa lên báo chí, chỉ có thể là vì không có những tấm hình họ ưng ý muốn đưa mà thôi. Trong cả quá trình xử án, Cù Huy Hà Vũ không một lần tỏ ra lúng túng, sợ hãi hoặc mất tư thế, ngược lại anh luôn bình thản, nhẹ nhàng dù tay được tháo còng hay vẫn bị còng.
Phải chăng, tư thế này của bị cáo đã làm nhiều người lúng túng và sợ hãi?
Phần tranh luận tại phiên tòa
1h43 phút, Cù Huy Hà Vũ được dẫn giải vào tòa.
Theo tiến trình của vụ xử, bây giờ là đến phần tranh tụng.
Chủ tọa phiên tòa nói rằng: Theo luật, phần tranh tụng sẽ không hạn chế thời gian tranh tụng của các Ls, tuy nhiên đề nghị các Ls không trình bày lại những điều mà Ls trước đã nói. Đề nghị các Ls không trình bày về thủ tục tranh tụng.
Một người ngồi bên tôi nói nhỏ: Mỗi luật sư có một cách tranh tụng khác nhau, tất cả vụ án chỉ có mấy vấn đề mà thôi vậy không nhắc lại các vấn đề mà Ls trước đã nói, thì tranh tụng cái gì nhỉ?
Cù Huy Hà Vũ: Tôi có một yêu cầu, chỉ có một câu thôi. Ngay lập tức chủ tọa hô: “Ngồi xuống”.
Khi đó, chiếc Micro nơi Cù Huy Hà Vũ không làm việc, anh yêu cầu HĐXX điều chỉnh để anh có Micro sẵn khi cần sử dụng.
Chủ tọa: Khi nào đến phần bị cáo trình bày thì sẽ có micro.
Mở đầu phần tranh tụng, Ls Trần Quốc Thuận đề nghị Chủ tọa không cắt ngang bài bào chữa của ông.
Chủ tọa: Nếu Ls trình bày ngoài vấn đề thì Tòa sẽ cắt.
Luật sư Trần Quốc Thuận có bẩn bào chữa dài hơn vài chục trang, ông đọc rõ ràng mạch lạc những vấn đề của vụ án cách chi tiết và cụ thể với các nội dung như sau:
- Kiến nghị gửi HĐXX các tài liệu để HĐXX biết.
- Hiện tại ngành từ pháp đang cải cách hành chính, vì vậy phiên tòa này sẽ là biểu hiện của việc có cải cách hành chính không, ở mức độ nào…
- Gửi đến Tòa danh sách các cá nhân ký tên đòi trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ.
- Gửi bản photocopy các văn bản mà cơ quan điều tra đã dùng kết tội ông Cù Huy Hà Vũ khi thu được từ nhà ông là 24 Điện Biên Phủ.
- Văn bản nêu 12 điểm mà cáo trạng đã thêm bớt, sửa đổi sai với hồ sơ vụ án.
- Bản Kiến nghị xây dựng đất nước…
Phần tranh tụng, Ls Trần Quốc Thuận phát biểu một số nội dung như sau:
- Bản án sơ thẩm đã vi phạm Luật Tố tụng hình sự.
- Cơ quan điều tra tố tụng đã có nhiều dấu hiệu vi phạm Bộ luật TTHS của nước CHXHCNVN.
- Việc Tòa không mời các nhân chứng theo các điều luật như điều 54… là Đài VOA, RFA, Trâm Oanh, ông Nguyễn Minh Triết…. là sai pháp luật.
- Việc không công bố toàn văn 10 tài liệu dùng để kết tội thân chủ mà chỉ cắt xén theo ý của tòa và cơ quan điều tra là điều không thể chấp nhận được theo luật pháp hiện hành. Tòa đã tự cho mình quyền không công bố tài liệu.
- Cáo trạng đã sửa chữa, thêm bớt… mặc dù đã có ý kiến vẫn không được trả lời.
- Các bài viết trên mạng của ông Cù Huy Hà Vũ đã từ lâu, nhưng đã không được ai nhắc nhở.
- Các nhận định của Tòa án Nhân dân TPHN không khách quan. Nội dung nhận định không có điểm nào khác với cáo trạng (Kể cả các chỗ sai). Chứng tỏ Tòa chỉ nói theo, vi phạm về sự độc lập trong xét xử của Tòa án.
- Việc không công bố toàn văn các bài viết để xem xét, phân tích nguyên nhân và hành vi có phạm tội hay không mà chỉ trích dẫn nhằm kết tội là trái quy định của một phiên tòa.
- Hai bài viết về Đường sắt cao tốc và về Đảng cầm quyền ông Vũ viết chưa xong cũng được đưa ra luận tội. Không ai đi làm cái việc truy tố cái bào thai.
- Những bài trả lời phỏng vấn theo điểm C điều 88 Bộ luật Hình sự: Không có dầu hiệu nào của ông Vũ có mục đích, động cơ, hành vi, ý chí nhằm chống nhà nước CHXHCNVN. Đây là dấu hiệu bắt buộc phải có khi truy tố.
Trong khi ông Vũ không công nhận việc chống lại đảng, nhà nước và luôn luôn tự hào với truyền thống gia đình mình.
-Câu nói: “Chỉ có những ai mang hận thù với dân tộc mới có những hành vi….” không rõ tòa đã nói đến ai?
- VOA, RFA là đài từ Hoa Kỳ, mà VN hiện đang đám phán để liên kết chiến lược.
- Không thể coi bài viết “Bom hạt nhân nổ giữa Ba Đình của Đặng Thanh Ty là tàng trữ.
- Nếu nói rằng làm ra các bài phỏng vấn, thì phải là các đài FRA, VOA… chứ không phải là Cù Huy Hà Vũ. Tại sao Tòa không có một câu nào nói đến các đài như RFA, VOA…
- Bổ đẻ của ông Cù Huy Hà Vũ là Cù Huy Cận, Huân chương Sao vàng, gia đình có truyền thống…
Chủ tọa: Yêu cầu Luật sư không nói về những vấn đề liên quan đến vụ án.
Luật sư tiếp tục nói đến nhân thân Cù Huy Hà Vũ.
Chủ tọa nhắc tiếp: Đề nghị Ls không nói lại.
Ls tiếp tục phần trình bày về gia đình.
Chủ tọa: Đề nghị Ls không nói về gia đình.
Dường như, trong phiên tòa này, mỗi khi nhắc đến nhân thân và truyền thống gia đình Cù Huy Hà Vũ là một điều gây sự khó chịu cho HĐXX thì phải, họ chặn ngay bằng câu: “không nói lại, không liên quan đến vụ án”… và những câu tương tự để ngăn chặn mọi người tại phiên tòa được nghe. Điều này làm tôi khác ngạc nhiên lúc đầu, có phải truyền thống gia đình của Cù Huy Hà Vũ khi được nói lên, hẳn đã làm ngạc nhiên và giật mình nhiều người đang nắm giữ cán cân quyền lực khiến họ cảm thấy xấu hổ khi đưa xét xử một người con trong một gia đình có công khai quốc như ông Cù Huy Cận? Hay là chính ngay yếu tố đó đã bác bỏ lời buộc tội Cù Huy Hà Vũ đã chống nhà nước CHXHCNVN vì không đưa ra được lý do nào khả dĩ?
Thế nhưng, nhân thân Cù Huy Hà Vũ theo nhóm phóng viên VTV sau đó thì được chiếu cho cả nước, cả thế giới biết? Những chuyện đời tư, có hoặc không, bịa đặt hoặc có thật… được VTV đưa lên màn hình rất có chủ ý và ác ý.
Luật sư: Khi nói đến bố mẹ, vợ con mà không cho nói thì chắc phải nói về gia tộc Cù Huy Hà Vũ…
Nhưng, mỗi khi nói đến vấn đề đó, thì Chủ tọa lại yêu cầu “không nói đến những điều không liên quan vụ án” và cảnh cáo luật sư để ngăn chặn.
Luật sư Trần Quốc Thuận tiếp tục bài bào chữa với các nội dung như sau:
- Cách nói của Vũ làm người khác khó chịu, đó là do tính chất vùng miền, chứ không phải là sự vi phạm pháp luật.
- Điều 69 Hiến pháp quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận… Nhưng đến nay, 19 năm sau vẫn không có Luật như Luật Lập hội, biểu tình…
- Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1960 mà VN là thành viên đã thừa nhận các điều khoản về quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân. Cù Huy Hà Vũ khi trả lời phỏng vấn báo chí, chính là thực hiện các quyền nêu trên được phá luật bảo vệ.
- Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi cũng đồng tình rằng Cù Huy Hà Vũ đã không vi phạm như bản án đã tuyên.
- Nếu coi Vũ là người xuyên tạc qua những bài viết của mình khi đề cập các vấn đề xã hội VN hôm nay, thì bộ phim chiếu trên VTV mới đây còn nêu rõ hơn rất nhiều… Tuy rằng phim là hư cấu, thế nhưng khi VTV1 phỏng vấn, nhiều người đã khẳng định những tệ nạn như trong phim nêu là có thật.
Chủ tọa: Yêu cầu Ls không phát biểu những vấn đề không liên quan.
Ls Trần Quốc Thuận đã phải cắt đi rất nhiều trong bài bào chữa của mình. Đến mức ông phải nói rằng: “nếu tại Tòa mà Chủ tọa không cho tôi nói, e rằng tôi phải phát biểu ở nơi khác mà quyền tự do của tôi không bị hạn chế”.
Ls: Kết luận, Cù Huy Hà Vũ không có tội, yêu cầu tòa trả tự do ngay tại tòa cho Cù Huy Hà Vũ.
Câu cuối cùng của bản bào chữa này, Ls Trần Quốc Thuận đề nghị: “Tôi đề nghị HĐXX ban hành một bản án đúng quy định của pháp luật”.
Trong quá trình các Luật sư, Đại diện VKS thẩm vấn hoặc các Ls bào chữa cho mình, Cù Huy Hà Vũ luôn quay lại phía người đang nói. Điều này được Tòa nhắc nhở rằng bị cáo phải quay lên phía trên nơi Chủ tọa. Nhưng Cù Huy hà Vũ đã phản ứng rằng: Khi người ta thẩm vấn hoặc nói với tôi, tôi quay về phía họ để nghe chăm chú, rõ ràng hơn, đó là phép lịch sự tối thiểu. Vì thế ông vẫn tiếp tục quay lại phía Luật sư và sau đó Tòa đã không nhắc về chuyện đó nữa.
Ls Trần Quốc Thuận dứt lời, Cù Huy Hà Vũ “Cảm ơn Luật sư”.
Ngày 7/8/2011
________________________________________
Tôi đi dự phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ - Kỳ 5
Bản bào chữa của ls Trần Quốc Thuận mở đầu cho phần trang tụng khá dài và gay gắt, Chủ tọa phiên tòa đã cắt, bỏ và liên tục thúc giục, cảnh cáo Ls nên đã gây sự căng thẳng ngay từ đầu cuộc tranh tụng.
Sau khi Ls Trần Quốc Thuận ngồi xuống với đề nghị HĐXX ban hành một bản án đúng quy định pháp luật. Một đề nghị đơn giản nhưng là cả một ước mơ cho phiên tòa.
Phần tranh tụng tiếp theo là của Ls Vương Thị Thanh, thuộc Đoàn Ls Hà Nội.
Rút kinh nghiệm phần tranh tụng của Ls Trần Quốc Thuận, ngay từ trước khi đọc bản bào chữa, Ls Vương Thị Thanh đã đề nghị mấy điểm như sau:
- Đề nghị Tòa tạo điều kiện để Ls trình bày đầy đủ bản bào chữa của mình.
- Trong đơn kháng cáo của ông Vũ ghi rõ: “Tôi kháng cáo toàn bộ bản án”.
Sở dĩ Ls Vương Thị Thanh nhắc lại điều này, là vì quá trình từ trước đến đó, Chủ tọa phiên tòa chỉ nhắm một số điểm để nhắc bị cáo và Ls rằng chỉ nói về những điểm kháng cáo còn những vấn đề khác chủ tọa không thích liền bị coi là không liên quan.
Chủ tọa phiên tòa lập tức yêu cầu Ls nói về những vấn đề chính, khi Ls trình bày lý do yêu cầu như trên, Chủ tọa phiên tòa yêu cầu: Nếu Ls không trình bày, thì Ls ngồi xuống.
Không tin được, dù đó là sự thật: Tòa vi phạm luật, kết tội không cần đưa bằng chứng
Ls Vương Thị Thanh bắt đầu bài bào chữa của mình.
Ls: Sau khi nghiên cứu tài liệu, Ls đưa ra quan điểm:
- Việc khám xét, bắt giữ ông Cù Huy Hà Vũ là một kịch bản đã được sắp xếp từ trước.
Chủ tọa: Những hành vi vi phạm hành chính đề nghị Ls không nói đến. (?)
Ngay lập tức, các luật sư đồng loạt đề nghị có ý kiến phản đối Chủ tọa. Một cuộc tranh cãi râm ran rằng nếu phiên tòa xét xử mà không được nói đến việc tố tụng sai pháp luật thì nên xử cái gì? Nhiều người ngồi bên dưới ngán ngẩm lắc đầu khi Chủ tọa điều hành phiên xử nhưng luôn trong tư thế cầm cái kéo đối với bị cáo và các Ls của bị cáo.
Điều này cũng khá dễ hiểu vì ngay sau khi Cù Huy Hà Vũ bị bắt, trong một thông tin thì Trung tướng Hoàng Công Tư đã khẳng định rằng việc bắt giữ tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là đúng pháp luật, không có chuyện theo dõi trước mà chỉ tình cờ kiểm tra hành chính, thấy có dấu hiệu quan hệ nam nữ. Như vậy việc khẳng định của Ls rằng khám xét, bắt giữ Cù Huy Hà Vũ là một kịch bản đã được sắp xếp từ trước là một vấn đề để Chủ tọa phiên tòa phải đặt ra một cách nghiêm túc khi xét xử.
Thế nhưng dường như việc ngồi nghe các Ls tranh tụng, đưa ra các ý bảo vệ thân chủ của mình là điều Chủ tọa phiên tòa không mặn mà và nhiều ý kiến là không cần thiết.
Chủ tọa: Ls chỉ nêu ý chính thôi.
Ls tiếp tục phần bào chữa của mình:
- Các tài liệu của ông Vũ đã bị cắt xén, làm sai lệch để kết tội ông Vũ.
- Cáo trạng vụ án đã nêu không đúng sự thật.
- Đến nay, 10 tài liệu của Vũ vẫn không được đưa ra để chứng minh việc phạm tội hay không. Nhưng Viện Kiểm sát đã cắt xén, làm sai lệch hồ sơ vụ án, làm thay đổi nội dung các chứng cứ, thay đổi nội dung phần trả lời phỏng vấn của ông Vũ.
- Ls nêu một số nội dung bài trả lời phỏng vấn của Cù Huy Hà Vũ, bài viết… đã bị Viện kiểm sát cắt xén, sửa chữa, làm sai lệch bằng cách đọc trích dẫn cả hai bên, nguyên gốc và cáo trạng… Những điều Ls nêu ra làm cả phòng xử hết sức ngạc nhiên vì không ai nghĩ rằng lại có thể xảy ra những điều như vậy trong một vụ án quan trọng như thế này.
Những phản ứng thấy rõ trong những người được lựa chọn tham dự phiên tòa đã làm Chủ tọa phiên tòa có ý kiến.
Chủ tọa: Nội dung mà bị cáo nêu không liên quan đến nội dung phiên tòa.
Ở đây, có lẽ do lúng túng hoặc trạng thái tâm lý không ổn định hoặc đang suy nghĩ điều gì đó, nên Chủ tọa đã gọi nhầm Luật sư là bị cáo.
Ls Vương Thị Thanh tiếp tục nêu lên 12 điểm sai, sửa trong cáo trạng của VKSND làm sai lệch nội dung sự việc cũng như các chi tiết chứng minh việc vi phạm các thủ tục tố tụng hình sự ở phiên tòa sơ thẩm.
Chẳng hạn việc hỏi cung bị cáo có trước bản kết luận giám định là… 2 ngày.
Ls khẳng định: Ông Cù Huy Hà Vũ đã nói đúng các vấn đề về nhà nước và xã hội. Đồng thời, Ls đã nêu các dẫn chứng chứng minh điều ông Vũ đã nói. Dù ai có muốn bảo vệ Chủ nghĩa Mác – Lê Nin thì cũng không ai có thể giấu được các vấn đề thực tế đã xảy ra.
- Việc lấy các bài viết trong máy tính của ông Cù Huy Hà Vũ để làm căn cứ kết tội ông Cù Huy Hà Vũ là trái pháp luật hiện hành.
- Cù Huy Hà Vũ đã nói lên sự thật rằng chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là thối nát.
Chủ tọa: Những nội dung đó không liên quan đến vụ án (?)
Ls: Cù Huy Hà Vũ chỉ nói lên hiện trạng xã hội lấy đất của dân khắp nơi như trường hợp ở Sài Gòn, Cồn Dầu…
Đồng thời Ls đọc lại một số đoạn trong bài viết của Cù Huy Hà Vũ để chứng minh luận điểm của mình vừa nói.
Chủ tọa: Đề nghị Ls không đọc lại bài viết của bị cáo.
Ls: Tôi không đọc lại, tôi chỉ trích dẫn và phân tích các bài viết của Cù Huy Hà Vũ mà thôi.
Rồi Ls tiếp tục bài bào chữa với các nội dung:
- Ông Vũ đã thực hiện quyền công dân của mình.
- Tôi khẳng định ông Vũ đã viết đúng sự thật.
- Chúng tôi thấy những việc làm của ông Vũ là ích nước, lợi dân, không thể là có tội. Ông đã can đảm nói lên sự thật và nói lên những điều người khác đã không dám nói.
- Các lãnh đạo đã không tạo điều kiện cho công dân có thể tham gia điều hành đất nước.
- Nếu nói ông Vũ có tội, thì đó là tội yêu nước, thương dân và muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền.
- Đề nghị tuyên án: Cù Huy Hà Vũ không có tội và trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ.
Những điểm Ls nêu lên trước phiên tòa Cù Huy Hà Vũ làm nhấp nhổm nhiều người, làm xuýt xoa các “khán giả” đang ngồi xem phiên tòa dù các khán giả này đã được chọn lọc kỹ càng và luôn tỏ ra “kiên định ý thức” với bị cáo.
Luật sư Vương Thị Thanh kết thúc bản bào chữa của mình với nhiều đoạn bị cắt bớt, nhưng những điều đã trình bày nói lên một quan điểm rõ ràng: Cù Huy Hà Vũ không có tội và đề nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ. Đồng thời bản bào chữa cũng đã nêu lên nhiều khuất tất, nhiều vấn đề không hợp lý, việc vi phạm quy trình tố tụng của phiên tòa sơ thẩm.
Tiếp sau đó là phần bào chữa của Ls Trần Vũ Hải.
Cần nói rõ rằng, Ls Trần Vũ Hải đã từng bị chủ tọa phiên tòa sơ thẩm buộc ra khỏi tòa thì tưởng rằng tại phiên tòa này ông sẽ bớt gay gắt khi bảo vệ thân chủ của mình. Trái lại, ngay từ khi bắt đầu bản bào chữa, ông đã khẳng định: “Chúng tôi muốn làm rõ nhiều điều, để làm rõ sự thật của vụ án”.
Trước hết, Ls Trần Vũ Hải yêu cầu cung cấp chứng cứ vụ án. Chứng cứ vụ án ở đây bao gồm cả hai bao cao su đã qua sử dụng mà những ai theo dõi vụ án Cù Huy Hà Vũ ngay từ đầu đã biết, đã được báo chí nhà nước đồng thanh đăng tải, coi đó là nguyên nhân ông bị bắt. Vì như phát biểu của một quan chức ngành công an – ông Hoàng Công Tư sau khi bắt ông Vũ thì việc bắt giữ tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là đúng pháp luật, không có chuyện theo dõi trước mà chỉ tình cờ kiểm tra hành chính, thấy có dấu hiệu quan hệ nam nữ. Chính vì việc “tình cờ” này mà dẫn đến việc bắt giữ, vậy đây là chứng cứ của vụ án.
Khi nói đến những vấn đề này, Ls gặp thái độ căng thẳng ngay từ đầu của Chủ tọa phiên tòa. Nhiều lần Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Ls chỉ nói vấn đề chính, nhưng Ls Hải đã vẫn tiếp tục nói về những vấn đề yêu cầu HĐXX phải thi hành, và đã bị Chủ tọa phiên tòa nhắc nhở.
Chủ tọa căng thẳng: Hội đồng xét xử sẽ yêu cầu cảnh sát đưa Ls ra ngoài tòa.
Ls: Tòa có cho trích dẫn Luật pháp hay không?
Chủ tọa: Không cho trích dẫn, yêu cầu đi vào nội dung.
Câu trả lời này làm nhiều người thắc mắc, tại Tòa mà không cho trích dẫn điều luật thì lấy gì làm căn cứ xét xử và bào chữa?
Ls: Chúng tôi muốn nói: Các cơ quan tố tụng đã vi phạm Luật Tố Tụng Hình sự.
Luật sư hỏi Viện Kiểm sát một số vấn đề trong cáo trạng, trong quá trình xét xử vụ án sơ thẩm, trong quy trình tố tụng mà theo ông thì đã bị vi phạm nghiêm trọng.
Những câu hỏi ông dành cho Viện Kiểm sát đã dồn mọi cặp mắt về hai vị đại diện VKS đang ngồi như phỗng ngay tại Tòa và vốn từ đầu đã bị các Ls, bị cáo tấn công dồn dập chỉ ra những sai phạm theo chiều hướng kết tội bị cáo khi làm sai lệch hồ sơ vụ án và quá trình theo dõi vụ án đã để ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng.
Chủ tọa: Nếu Ls không đồng tình với Viện Kiểm sát, thì Ls trình bày, không có quyền hỏi Viện Kiểm sát.
Ls Trần Vũ Hải tiếp tục nêu quan điểm bào chữa của mình:
- Kiến nghị, không thể là chống lại nhà nước.
- Nếu có những sai phạm mà được chỉ ra, thì có chấp nhận được không?
- Bài viết đang để trong USB chưa đưa vào sử dụng thì không thể gọi là tuyên truyền, mà ở đây chính cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát mới là nơi tuyên truyền các tài liệu này. Vì khi đưa ra để truy tố, chính họ đã tạo điều kiện để người khác biết đến tài liệu này.
- Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ và thấy rằng không có tài liệu nào có hành vi chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Ls công bố một số điều luật liên quan đến vấn đề mà mình đang bảo vệ thân chủ, làm căn cứ biện hộ trong vụ án.
Chủ tọa: Yêu cầu Luật sư không công bố điều luật và giải thích điều luật tại phiên tòa.
Ls: Yêu cầu Viện Kiểm sát cho biết: Tội chống nhà nước là chống như thế nào? Điều 88 quy định về tội chống nhà nước, quy định những điểm như thế nào là chống nhà nước?
Các kiến nghị, các bài viết của Cù Huy Hà Vũ liên quan đến đảng như bàn về Đảng cầm quyền, thì bên đảng có đầy đủ các bộ phận, ban ngành, nhưng chưa có bất cứ ai bác bỏ được quan điểm của Cù Huy Hà Vũ đưa ra.
Bản án sơ thẩm đã chứng tỏ Tòa sơ thẩm không độc lập trong xét xử, không đọc các tài liệu mà chỉ làm theo Viện Kiểm sát.
Phần tranh tụng của Ls Trần Vũ Hải mạnh mẽ và khá dài, nhiều khi gây nóng cả không khí trong phiên tòa dù ông ở vào thế luôn bị cắt ngang và nhiều lần bị Chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, dọa đưa ra khỏi phòng xử án.
Có những lúc, lực lượng cảnh sát đã như được khởi động, sẵn sàng làm lại cú đúp việc đưa ông ra khỏi tòa. Nhưng ông đã không sợ hãi và vẫn mạnh mẽ bảo vệ thân chủ theo quan điểm của ông.
Quan điểm của Luật sư: Tòa Phúc thẩm cần tuyên hủy bản án, tuyên Cù Huy Hà Vũ là vô tội.
Với ba Ls đã đọc bản bào chữa, không khí căng thẳng trong phiên tòa có nhiều lúc đến tột độ qua cách điều hành của Chủ tọa phiên tòa, ông Chủ tọa luôn đặt mình vào tình thế căng thẳng và cảnh giác. Cảnh giác khi các Ls động đến các điều luật mà Phiên tòa sơ thẩm đã vi phạm cũng như những bài viết của Cù Huy Hà Vũ đã động thẳng đến những vấn đề nhạy cảm nhất như hủy bỏ điều 4 Hiến pháp, bài viết bàn về đảng cầm quyền, bài “Tam quyền nhất lập đồng lòng hại dân” mà các Ls đã lấy nhiều ví dụ để chứng minh sự đúng đắn, việc kiến nghị với QH bị đem ra làm căn cứ kết tội là trái pháp luật…
Đồng thời với việc chứng minh những vấn đề đã đề cập nói trên, họ đồng thanh nói rõ: Cù Huy Hà Vũ vô tội theo đúng luật pháp Việt Nam. Điều này quả là “không thể chấp nhận được” ở những phiên tòa kiểu này.
Có lẽ vì vậy mà phiên tòa công khai này được tiến hành theo phương thức chúng ta đã biết chăng?
Ls Trần Vũ Hải và Ls Trần Đình Triển tại phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ
Những phán đoán của ông Vũ sẽ được thực hiện trên thực tế?
Sau phần bào chữa, tranh tụng của Ls Trần Vũ Hải là phần bào chữa của Ls Trần Đình Triển.
Ông đứng dậy phát biểu rằng: “Mặc dù các Ls chưa được bày tỏ quan điểm hết, nhưng tôi hoàn toàn nhất trí với các Ls. Chúng tôi đã cố gắng bình tĩnh nhưng nhiều khi đã không chịu nổi nữa”.
Ls Trần Đình Triển nói đại ý rằng: Chúng tôi muốn tìm ra sự thật, muốn tìm hiểu một cách khách quan sự thật như thế nào và tại phiên tòa là nơi để tìm ra sự thật đó.
Ls: Ông Cù Huy Hà Vũ đã kháng cáo toàn bộ bản án.
Chủ tọa: Yêu cầu Ls không nói về vấn đề vi phạm hành chính.
Sau quá trình theo dõi phiên tòa này từ đầu, tôi mới hiểu rằng ông Chủ tọa kỵ nhất và hay yêu cầu “không nói về vấn đề vi phạm hành chính” tức là không được nói về việc bắt giữ với “hai bao bao su đã qua sử dụng” – điều mà Cù Huy Hà Vũ coi là vết nhơ lần đầu tiên có trong lịch sử hình sự thể giới.
Ls: Điều Chủ tọa vừa nói, chứng tỏ Tòa đã không đọc hồ sơ bản án.
Điều ông nói làm cả phòng xử án ngạc nhiên, khi ông giơ cao bản án và đọc rõ ràng: “Vào hồi 0 giờ 5 phút, tại khách sạn Mạch Lâm…”, như vậy những điều chúng tôi đang nói đến không phải không nằm trong vụ án kháng cáo hôm nay.
Chủ tọa đe dọa: Chúng tôi sẽ xử lý.
Ls: Xử lý như thế nào? Ông định đuổi tôi ra khỏi đây cho xong chứ gì? Ông đừng dọa tôi, kể cả chết.
Sau đó, Ls tiếp tục:
Ls: Phiên tòa này đã vi phạm Luật Tố tụng hình sự khi không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Ls Nguyễn Thị Dương Hà. Lý do được ông giải thích rõ ràng theo điều luật không được tiết lộ bí mật điều tra trong quá trình điều tra. Nhưng ở phiên tòa sơ thẩm, ông và Ls Nguyễn Thị Dương Hà chỉ được cấp giấy chứng nhận sau khi đã kết thúc quá trình điều tra chuyển sang Viện Kiểm sát. Như vậy không thể nói là tiết lộ bí mật điều tra và như vậy, việc thu hồi, không cấp giấy phép bào chữa cho Ls Nguyễn Thị Dương Hà sau khi kết thúc điều tra và tại phiên tòa là trái với pháp luật quy định và vi phạm Luật Tố tụng hình sự.
- Chủ tọa phiên tòa đã đọc sai điều luật ngay tại phiên tòa này.
- Chủ tọa phiên tòa đang vi phạm pháp luật tại phiên tòa này.
- Đến nay, việc khám xét nhà của ông Cù Huy Hà Vũ tại 24 Điện Biên phủ – Hà Nội vẫn chưa được Viện Kiểm sát nhân dân phê chuẩn. (Cả phòng xử án ồ lên ngạc nhiên).
- Hội đồng sơ thẩm đã vi phạm pháp luật Tố tụng hình sự khi đã không có một phiên tòa độc lập, khách quan theo yêu cầu luật pháp.
Ông chứng minh bằng việc đưa ra bản Cáo trạng và bản án sơ thẩm, những chỗ sai hoàn tòa giống hệt nhau. Chứng tỏ rằng Tòa chỉ viết lại theo những gì VKS đã viết mới có tình trạng đó.
- Cách lập luận về việc thu hồi giấy bào chữa của Ls Nguyễn Thị Dương Hà là trái pháp luật.
- Theo luật pháp Việt Nam và Quốc tế thì cơ quan báo chí là nơi chịu trách nhiệm về việc đưa các thông tin của mình, tại sao không nói đến các cơ quan báo chí đã đăng tải các bài viết của Cù Huy Hà Vũ?
- Để đánh giá các bài viết, thì bài viết phải đầy đủ. Việc cắt xén sẽ không phản ánh được nội dung của bài viết đó.
Ông lấy một số ví dụ về ngôn ngữ khi bị cắt xén sẽ làm sai lạc nội dung để chứng minh điều ông vừa nói.
- Tóm lại: Ls bác bỏ toàn bộ hồ sơ vụ án này vì vi phạm pháp luật với những lý do sau đây:
- Bản Cáo trạng không nêu được là Cù Huy Hà Vũ đã nói đúng hay nói sai.
- Bài viết của Cù Huy Hà Vũ là ý kiến, là sáng kiến.
- Cáo trạng chưa phân tích được cái gì đúng, cái gì sai của ông Vũ.
- Ai cấm các đề xuất, đề nghị? Nếu xã hội không được đề nghị thì sẽ ra sao?
- Cáo trạng đã nhầm lẫn giữa Đảng, Nhà nước và Mặt trận.
- Công ước Quốc tế về quyền con người phải được tôn trọng.
- Cù Huy Hà Vũ đã nói về Biển Đông cách đây 4 năm, hiện đang diễn ra đúng như ông đã nói.
- Những phán đoán của ông Cù Huy Hà Vũ, tôi tin rằng sẽ được thực hiện trên thực tế.
- Đây là sự oan sai và đi ngược lại lợi ích của dân tộc và Nhân dân Việt Nam.
Trong quá trình bào chữa, biện luận của Ls Trần Đình Triển, mỗi lần ông đưa ra một luận cứ hoặc một chứng cứ, trong phòng xét xử càng căng lên để theo dõi. Người ngồi gần cạnh tôi luôn lắc đầu khi Ls đưa ra những tình tiết chứng minh việc vi phạm pháp luật tố tụng, miệng lẩm bẩm: “Thế này thì kết tội sao được”. Sau đó anh ta trấn an tôi: “Bình tĩnh, Tòa sẽ buộc phải ghi nhận và nghiên cứu kỹ những vi phạm này”.
Còn tôi, vốn bình tĩnh hơn khi biết rằng những lập luận, bào chữa của các Ls là chắc chắn, có cơ sở vững chắc trên cơ sở luật pháp Việt Nam. Nhưng tôi không hi vọng nhiều như anh cán bộ ngồi bên tôi.
Vì cuối cùng thi HĐXX mới là người có quyền quyết định vấn đề, việc tranh tụng, bào chữa có ý nghĩa gì hay không, chưa hẳn đã phụ thuộc vào nội dung như vừa diễn ra.
Hà Nội, ngày 8/8/2011
J.B Nguyễn Hữu Vinh
http://jbnguyenhuuvinh.wordpress.com/2011/08/08/toi-di-d%E1%BB%B1-phien-toa-phuc-th%E1%BA%A9m-cu-huy-ha-vu-k%E1%BB%B3-5/
_____________________________________
Tôi đi dự phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ – Kỳ 6
Sau phần tranh tụng, bào chữa của các Ls, nhất là Ls Trần Đình Triển, không khí trong phòng xử án căng như dây đàn. Bởi chủ tọa phiên tòa, Viện Kiểm sát từ thế chủ động tố tụng kết án, chủ động điều khiển phiên tòa… đã bị các Ls đẩy vào trạng thái bị động bằng chính những luận cứ, chứng cớ và các điều luật cách rõ ràng. Ở đó họ chứng minh Chủ tọa phiên tòa đang vi phạm luật pháp, phiên tòa đang vi phạm các điều luật trong bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Sự lúng túng thể hiện rõ nhất là khá nhiều lần, Chủ tọa phiên tòa cứ nhầm lẫn linh tinh như gọi Ls là bị cáo…
Dù phía dưới, thân nhân của bị cáo Cù Huy Hà Vũ là con số hết sức khiêm tốn, đa phần là “nhân dân” được chọn đi dự tòa và công an, nhưng cha ông ta đã nói là “nói phải thì củ cải cũng nghe” nhiều người ngán ngẩm lắc đầu mỗi khi Ls chỉ ra những điều sai phạm theo các điều luật.
Cù Huy Hà Vũ tự bào chữa
Sau khi các Ls xong phần tranh tụng của mình thì đến phần bị cáo Cù Huy Hà Vũ tự bào chữa. Ngay khi bắt đầu được nói, Cù Huy Hà Vũ (CHHV) đã yêu cầu:
CHHV: Đề nghị trả tôi văn bản tự bào chữa.
Chủ tọa: Đã có 4 luật sư rồi nên không cần cung cấp bản tự bào chữa nữa. (?)
Không biết bộ luật TTHS có ghi điều nào quy định là đã có luật sư thì bị cáo không cần văn bản tự bào chữa cho mình hay không, tôi chỉ biết mọi người nhìn nhau ngơ ngác khi Chủ tọa phiên tòa tuyên bố điều này.
CHHV: Tôi đã yêu cầu ngay từ đầu là đưa trả tôi văn bản tự bào chữa của tôi và các bộ luật, tài liệu để tôi nghiên cứu và tự bào chữa. Không đưa cho tôi văn bản và các bộ luật để tôi tự bào chữa tại phiên tòa, có vi phạm pháp luật không?
Chủ tọa đọc bản án
Chủ tọa: Tòa chỉ yêu cầu bị cáo bổ sung, vì đã có 4 Ls bào chữa rồi.
CHHV: Đây là vụ án hoàn toàn trái pháp luật, vì đã được khởi tố và thu thập chứng cứ trái pháp luật. Chứng cứ cho phiên tòa phải được thu thập đúng trình tự pháp luật mới có giá trị xét xử.
- Việc khống chế máy tính của tôi để lấy tài liệu rồi in ra là việc làm bất hợp pháp.
- Do việc bắt giữ đã dựa trên việc lấy chứng cứ bất hợp pháp nên đó là việc làm bất hợp pháp.
- Tôi thấy Tòa cũng mệt nên tôi thông cảm, nhưng tôi là người quan trọng nhất trong buổi tòa ngày hôm nay, tôi mà bị kết án, thì hội đồng xét xử cũng sẽ bị kết án như thế.
- Vì tôi không có hành vi tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN theo pháp luật quy định là nhà nước của dân, do dân và vì dân…
- Trong mọi bài viết, trả lời của tôi không có nội dung nào chống lại nhà nước của dân, do dân, vì dân như pháp luật quy định.
- Tòa và Viện Kiểm sát phải tìm ra được chỗ nào là chỗ chống nhà nước, nếu không thì không thể kết luận tôi có tội.
- Tôi khẳng định gia đình và tôi chiến đấu cho nhà nước Việt Nam từ bao đời nay.
- Tôi viết về Đảng, về cuộc chiến tranh thì không có nội dung nào chống lại nhà nước CHXHCNVN. Còn Chủ nghia xã hội, Chủ nghĩa Mác – Lenin không phải là nhà nước.
Chủ tọa: Thì các Ls đã nói rồi.
CHHV: Tôi là người đang dự bị đi tù nên tôi phải nói.
- Vấn đề đa đảng, đảng không phải là nhà nước.
- Chủ nghĩa Xã hội là phản quy luật xã hội.
Sau đó, Cù Huy Hà Vũ nói thêm một số vấn đề để tự bào chữa, dù ông không được có bản tự bào chữa mà ông viết sẵn, không có các bộ luật cần thiết để trích dẫn, dẫn chứng, không có giấy bút để chuẩn bị cho việc bào chữa của mình.
Nhưng việc tranh luận tự bào chữa của ông chứng tỏ trí nhớ siêu việt và chính xác của ông tại phiên tòa này.
Đến đây, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố cắt đứt phần tranh tụng để chuyển sang phần đối đáp.
Đối đáp, VKS kết tội sai điều luật truy tố
Đại diện Viện Kiểm sát phát biểu, phần này không hề được Tòa nhắc nhở “dừng lại”, “nói đúng nội dung”, hay “không nằm trong vụ án” như khi các Ls hoặc bị cáo phát biểu. Nội dung của VKS đưa ra là:
- Sau khi đã nghe các Ls và bị cáo tranh luận, VKS thấy cần tranh luận một số nội dung như sau:
- Tất cả các vấn đề VKS kết luận đầu phiên tòa sẽ không tranh luận lại.
- Việc bị cáo phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước theo bản án như thế nào?
- Theo đề nghị của Ls và bị cáo, rút một số bài viết khỏi các đầu tài liệu được dùng khởi tố. Viện Kiểm sát khẳng định các tài liệu mà bị cáo và Ls đề nghị rút thì thấy rằng như quan điểm của VKS thì các tài liệu đó đều mang nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Vì vậy 10 tài liệu dùng là có cơ sở.
- Bài “Hòa giải…” hồ sơ thể hiện và kiến nghị có nội dung khác, là 2 tài liệu khác nhau, nên yêu cầu của bị cáo rằng đây là bản kiến nghị là không chính xác…
- Về nội dung có phạm tội hay không, bị cáo và Ls đều cho rằng đó là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, không chống nhà nước, đảng CS, không xuyên tạc chính sách… Nhưng trong thực tế, 10 bài viết và trả lời phỏng vấn đều có nội dung phỉ báng chính quyền nhân dân, đảng CSVN.
Theo từ điển Pháp luật, nhà nước chính là bộ máy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động… Hiến pháp quy định quyền lực nhà nước là thống nhất, trong đó có việc phân công trong hành pháp và tư pháp, lập pháp.
Trong các bài viết của Cù Huy Hà Vũ đã có hành vi bội nhọ, phỉ báng cơ quan nhà nước rằng Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng là chế độ độc tài.
CHHV: Đúng là độc tài.
Viện kiểm sát: – Hành vi của bị cáo vi phạm công ước Quốc tế, điều 1: Mọi dân tộc có quyền tự quyết định… vi phạm Hiến pháp, điều 2, 12…
- Bị cáo phỉ báng thể chế chính trị này là chống nhà nước.
- Đây rõ ràng có hành vi xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
- Điều 2 Luật báo chí: Không ai được dùng tự do ngôn luận để xâm hại lơi ích… (Điều này chắc VTV chưa đọc nên mới có chương trình Nhận diện về phiên tòa này chăng?)
- Điều 19, khoản 2: Mọi người đều có quyền… Bị cáo thực hiện quyền của mình, nhưng quyền phải đi đôi với nghĩa vụ…
- Bị cáo đã phạm điều 2, điều 12 của Hiến pháp: Nghĩa vụ công dân…
- Kích động hằn thù Bắc – Nam
- Án sơ thẩm đã tuyên là đúng người, đúng tội.
- Về một số sai sót trong vụ án sơ thẩm xét thấy bản án sơ thẩm và Cáo trạng có 1 vài sai sót về chính tả, từ ngữ… nhưng về cơ bản không làm thay đổi nội dung bản án. Do đó, không có cơ sở để tuyên hủy bản án.
Khi VKS đọc các ý kiến của mình, khỏi phải nói đến sự ngạc nhiên của các luật sư cũng như những người dự tòa về việc VKS đã nói sai nội dung đang truy tố.
Ngay sau khi VKS dứt lời, thì Ls Trần Đình Triển đề nghị được phát biểu. Ông nói:
- Đề nghị Viện kiểm sát xem xét lại. Vụ án truy tố theo điểm C, khoản 1 điều 88 của Bộ Luật Hình sự là Chống nhà nước CHXHCNVN. Nhưng trình bày của VKS tại Tòa hôm nay, đã chuyển sang điều khoản khác của Bộ luật hình sự (xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân… ở khoản a của điều luật này). Việc sai này là điều không thể chấp nhận được tại phiên tòa. (cả phòng xử xôn xao, VKS lúng túng).
- Đề nghị VKS theo điều 64 là thu thập chứng cứ phải theo đúng trình tự pháp luật quy định. Việc sai sót trong quá trình thu thập chứng cứ thì sao?
- Đây rõ ràng là sự thiếu hiểu biết về pháp luật của công tố viên. Như vậy mà dám đi tranh tụng?
- Cù Huy Hà Vũ có quyền lưu trữ những vấn đề liên quan đến mình, đó là quyền dân sự. Chẳng hạn một người hàng xóm chửi mình, nói xấu mình mình có quyền lưu lại những thứ đó mà không có tội gì.
Chủ tọa: Ls không được dùng lời lẽ xúc phạm đến VKS.
Ls Trần Đình Triển: Tôi không xúc phạm, tôi đang nói đúng ý đảng và lòng dân. Một công tố viên mà trình độ pháp luật thế này thì không có án oan mới là chuyện lạ…
Chủ tọa: Yêu cầu không nói lại.
Ls: Chủ tọa có theo dõi phiên tòa không? Yêu cầu Chủ tọa phiên tòa phải làm đúng quy định của pháp luật. Tôi sẽ đọc điều 218 của bộ luật TTHS.
Chủ tọa: Đề nghị Ls không đọc điều luật.
Ls: Việc kiến nghị trả tự do cho tù nhân chính trị đây là vấn đề nhân đạo và là kiến nghị, nên không thể đưa ra kết tội.
- Văn bản nào của nhà nước đã quy định người dân được nói gì? và cái gì không được nói?
- Nói chống nhà nước? Chống như thế nào?
Ls Trần Đình Triển giải thích một số khái niệm về việc chống, về cấu thành tội phạm phải như thế nào…
Chủ tọa: Đề nghị Ls không giải thích.
Ls: Tại sao lại đưa ra kết tội Chống nhà nước, trong khi đang nói về một khái niệm về Luật học?
- Câu nói “kích động phần tử tội phạm và một nhóm của chế độ CH miền Nam trước đây…”. Đề nghị VKS đưa ra là nhóm người nào, ở đâu? Ở California hay ở đâu?… Cần phải chỉ rõ, chứ không thể nói chung chung để đưa ra kết tội.
- Viện kiểm sát cho rằng: Không thay đổi nội dung phiên tòa. Nhưng thực tế là có thay đổi. Chẳng hạn Cù Huy Hà Vũ không hề nói: “Đại hội 11 là Đại hội cuối cùng”, nhưng Cáo trạng lại có câu đó?
Đến đây, có lẽ sự ngạc nhiên đến sửng sốt của tất cả mọi người đã đến tột đỉnh khi những câu nói được bịa đặt đến cỡ này nhưng đã đưa vào cáo trạng để truy tố một con người mà VKS vẫn tỉnh bơ là “không làm thay đổi nội dung”…
Sự ngán ngẩm đến mức, một người ngồi bên tôi hỏi: “Anh có biết hai tay bên Viện Kiểm sát tên là gì không. Tôi cần phải ghi lại hai cái tên này?”
Sau Ls Trần Đình Triển là Ls Vương Thị Thanh, Ls Thanh có ý kiến như sau:
- Yêu cầu VKS giải thích cho từ “độc quyền” và “tiếp tục” có khác nhau không? Nếu nói hai từ này thay thế nhau là sai sót không ảnh hưởng nội dung, thì tôi không đồng tình, Viện Kiểm sát giải thích như thế nào?
- VKS cho rằng ông Vũ đã phỉ báng chính quyền nhân dân thì phỉ báng như thế nào? Ls Thanh nêu một số dẫn chứng và kết luận.
- Vậy tuyên truyền như thế nào và phỉ báng ở chỗ nào?
Tiếp theo Ls Vương Thị Thanh là Ls Trần Vũ Hải, ông đặt vấn đề:
- Đề nghị VKS đừng quên điều 69 Hiến pháp Việt Nam.
- Có luật nào ở VN nói về ngôn luận không?
- Có luật nào công dân không được đề xuất hủy bỏ Hiến pháp không?
- Tại sao các sai phạm của bản án sơ thẩm và cáo trạng giống hệt nhau? Điều này chứng tỏ HĐXX đã không độc lập.
- Vụ Trần Khải Thanh Thủy có đoạn đề nghị rằng: Đây là tin báo và yêu cầu VKSND Tối cao vào cuộc… Đã có ai giải quyết chưa? Chưa giải quyết thì tại sao lại kết luận là chống phá?
- Viện Kiểm sát có trách nhiệm công bố các tài liệu không?
Luật sư Trần Quốc Thuận thì phát biểu về việc ghép tội nhầm điều luật của Viện Kiểm sát:
- Viện kiểm sát dùng chữ “xuyên tạc, phỉ báng” là truy tố bị cáo theo điểm A, trong khi Tòa đang xử theo điểm C của điều 88 BLHS.
Luật sư Vương Thị Thanh ý kiến tiếp:
- Đề nghị VKS giải thích những sai sót trong cáo trạng?
Liên tiếp những vấn đề đặt ra, vấn đề nào cũng nghiêm trọng, nặng nề dồn vào Viện Kiểm sát với những sai sót không thể chấp nhận được và có nguy cơ làm vỡ những vấn đề VKS đã kết luận chắc như đinh đóng cột làm hai cán bộ VKS hết sức lúng túng.
Lúng túng đến độ cán bộ VKS gọi các Ls là “các bị cáo”, cả hội trường chăm chú nhìn vào hai cán bộ này xem họ tranh tụng lại như thế nào và hi vọng sẽ có những lập luận sắc bén của những người giữ vai trò công tố.
Nhưng, dường như sự trông đợi đó chỉ là sự mơ mộng hão huyền. Đại diện Viện Kiểm sát phát biểu không tranh luận điều gì ngoài những một câu xanh rờn: “Những vấn đề tranh luận của Viện Kiểm sát đã khá đầy đủ”.
Chỉ có thế, còn đầy đủ ở đâu, khi nào thì… tự hiểu lấy.
Cả phòng xử ngạc nhiên nhìn cách tranh tụng của Viện Kiểm sát, người ngồi bên tôi, tóc cắt ngắn vuông vức vẫn chăm chú theo dõi phiên tòa nay ớ người quay lại: “Thôi được rồi, HĐXX sẽ phải hiểu rằng không thể chấp nhận được sự kết tội kiểu này đâu. Sinh ra HĐXX thì họ phải nghe và họ vừa bảo là HĐXX sẽ xem xét mà”.
Tôi mỉm cười, đây mới thật đúng là quần chúng tốt, anh ấy cố tình tin cho đến cùng điều anh ta nghĩ là đúng. Có lẽ chăm chú, nhưng anh ta không nhìn thấy cách điều hành và thái độ của Chủ tọa phiên tòa như thế nào từ sáng đến nay.
Và anh ta vẫn tin phiên tòa có một kết quả tốt đẹp dựa trên kết quả tranh tụng vừa qua.
Kết án, vọng lời của Cựu Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao: Xử kiểu gì cũng được
Cù Huy Hà Vũ tiếp tục ý kiến:
- Tôi đã không gây thiệt hại cho nhà nước CHXHCNVN, vì nếu có thì nhà nước đã thiệt hại như thế nào? Tôi đã đề nghị Chủ tịch nước tham dự phiên tòa với tư cách là người đại diện cho Nhà nước, nhưng đã không được trả lời. Vì thế không thể cấu thành tội phạm chống Nhà nước CHXHCNVN.
Rồi ông nói tiếp:
- Tôi không sợ bị ghép tội, tôi không sợ chết, nhưng cần phải tố tụng đúng để không có những người bị oan như tôi.Cho đến giờ, Viện Kiểm sát cũng không chứng minh được tôi có tội như thế nào.
Chủ tọa phiên tòa: Cho bị cáo nói lời sau cùng.
Cù Huy Hà Vũ: “Tôi, Cù Huy Hà Vũ, khẳng định trong những bài viết, trả lời của tôi đều nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm các thuộc tính: Pháp quyền, của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất “vì chỉ có một chủ nhân là nhân dân, thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp như Điều 2 Hiến pháp định nghĩa.
Tôi hoàn toàn vô tội.
Do đó, nếu Tòa án kết án tôi với lý do các bài viết, trả lời phỏng vấn của tôi có nội dung đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp quy định sự lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên đa Đảng, đòi từ bỏ chủ nghĩa xã hội gắn liền với chủ nghĩa Mác Lê Nin, về việc khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… không gì khác hơn là sự trả thù, đàn áp của Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước hết, đối với tôi.
Do đó, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước hết, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính mạng của tôi trong thời gian tôi bị cầm tù và nếu tôi chết vì bất kỳ lý do nào trong thời gian bị cầm tù thì Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước hết, phải bị nhân dân Việt Nam xét xử theo nguyên tắc “ Sát nhân giả tử – Giết người thì phải đền mạng”
Anh chỉ nói được đến đây, thì anh bị cảnh sát dẫn đi để tòa nghỉ nghị án. Khi đó là 17h50 phút.
Cả phòng xét xử tập trung ra ngoài, những câu chuyện khá râm ran tại mọi góc, mọi nơi, những ánh mắt nhìn nhau nhưng không dám nhìn thẳng, những chi tiết của phiên tòa được bàn tán.
Đứng với các Ls của Cù Huy Hà Vũ, tôi thấy chị Dương Hà rất bình tĩnh và kết quả phiên tòa hình như không làm họ quan tâm lắm. Tôi hỏi một Ls về chuyện bài viết của Cù Huy Hà Vũ khi chưa viết xong, được đưa ra kết tội thì có ý nghĩa gì? Ông nói:
- Việc đó là bậy bạ, làm gì có chuyện kết tội cái bào thai vì có thể sau này nó thành tướng cướp?
Tôi chợt nghĩ đến câu chuyện hồi xưa tôi được nghe thời bao cấp: Một đoàn cán bộ vào bắt và lập biên bản một bà già vì tội nấu rượu lậu, nguyên nhân là xét trong nhà bà có bộ nồi nấu rượu. Sau khi cán bộ lập biên bản tội nấu rượu lậu xong, thì bà già yêu cầu cán bộ và nhân dân lập thêm biên bản thứ hai về tội hiếp dâm. Cán bộ ngạc nhiên hỏi vì sao bà nói đến cái tội đó, ai hiếp dâm ở đây? Bà già thong thả trả lời: “Tôi chỉ có dụng cụ nấu rượu mà bị khép tội nấu rượu lậu. Vậy thì yêu cầu lập biên bản về tội cán bộ hiếp dâm tôi vì hiện nay, cán bộ đang mang dụng cụ hiếp dâm vào nhà tôi”.
Cuối cùng thì cán bộ phải hủy bỏ biên bản bà già nấu rượu lậu.
Có lẽ thời xưa, một bà già ít học và anh cán bộ dốt nát kia chỉ có những lý lẽ đơn giản vậy nhưng vẫn biết việc làm sai và phục thiện.
Vậy thì thời nay, các quan tòa, các công tố viên bằng cấp đầy mình, lý luận đầy mình mà chẳng lẽ không nhìn ra sự thật hay sao?
Nếu cứ kết tội kiểu này, thì điều chắc chắn là ai cũng có thể bị kết tội, ít nhất là tội ỉa bậy vì bất cứ lúc nào, tôi cũng sẵn sàng lôi được từ trong người anh ra một đống… phân người. Mà đã có phân, thì cũng có thể ỉa bậy chứ sao.
18h30 phút, Tòa tập trung tuyên án.
Trái với những chứng cứ hiển nhiên mà các Ls đã đưa ra, cụ thể và chi tiết theo các điều luật rõ ràng, Tòa vẫn kết luận:
- CQĐT không vi phạm thủ tục tố tụng hình sự.
- Tòa án Nhân dân Hà Nội không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.
- Các tài liệu không cần phải giám định.
- Tại tòa Cù Huy Hà Vũ đã thừa nhận có quan điểm trái với đường lối của Đảng và Nhà nước VN.
-…
- Giữ nguyên mức án sơ thẩm.
- Cù Huy Hà Vũ phải chịu án phí: 200.000 đồng.
Tôi giật mình nhớ câu nói của ông Trịnh Hồng Dương, cựu chánh án tòa tối cao trước Quốc Hội: “Ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được”.
Cù Huy Hà Vũ giơ tay: Tổ quốc và Nhân dân phá án cho tôi, Người Việt Nam yêu nước Cù Huy Hà Vũ!
Cảnh sát ập tới lôi anh đi, cả phòng xử không ai bảo ai, lặng lẽ đi ra ngoài.
Chủ tọa, thẩm phán, đại diện Viện Kiểm sát… lục tục ra về. Tôi chợt nghĩ: Họ đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng đêm nay và cả những đêm sau, họ có ngủ ngon hay không và có nhớ đến phiên tòa này?
Còn Cù Huy Hà Vũ, có thể anh sẽ đối mặt với những tháng năm tù tội kéo dài, vất vả gian nan. Nhưng tôi tin rằng anh đang rất thanh thản.
Tôi bước ra khỏi phiên tòa, khi lực lượng cảnh sát, dân phòng, xe cộ, công an chìm, nổi dày đặc khắp mọi ngả đường. Phía trong tòa, các lực lượng báo chí, bảo vệ, nhân viên rầm rập đi lại.
Tôi chợt nghĩ đến con số 200.000 đồng án phí. Hai trăm ngàn đồng của bị cáo Cù Huy Hà Vũ mà huy động được lực lượng, phương tiện khủng khiếp như thế này thì ai bảo là đồng tiền Việt Nam mất giá?
Hà Nội, ngày 9/8/2011
■J.B Nguyễn Hữu Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét