Tổng thống Philippines B. Aquino gặp bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt vào tháng 5/2011 (Reuters)
Theo báo chí Philippines vào hôm nay 16/08/2011, Tổng thống Benigno Aquino III dự trù đi thăm Trung Quốc từ ngày 30/8 đến 3/9. Nhân dịp này, rất có thể là ông Aquino sẽ đề cập với chủ tịch Hồ Cẩm Đào về hồ sơ nóng bỏng trong quan hệ song phương là đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông.
Đây là chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của ông Aquino từ ngày ông nhậm chức Tổng thống Philippines, đáp ứng lời mời của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Theo chương trình dự kiến, ông Aquino sẽ ghé Bắc Kinh, Thượng Hải và Hạ Môn.
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh - Manila đang căng thẳng sau một loạt những hành động hung hăng của Trung Quốc nhắm vào ngư dân cũng như tàu thăm dò dầu khí của Philippines đã bị Manila công khai tố cáo, giới quan sát cho rằng chắc chắn Tổng thống Aquino sẽ tranh thủ cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để đề cập đến vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa hai bên tại vùng Biển Đông.
Theo nhật báo Manila Standard Today, ông Edwin Lacierda, phát ngôn viên của tổng thống Aquino đã thận trọng xác định là việc đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự đã được cả hai nước nêu lên và đang được thảo luận, tuy nhiên, cần phải chờ Ngoại trưởng Albert del Rosario xác nhận.
Đối với Tổng thống Aquino, vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc cần phải được đưa ra trước một tòa án Liên Hiệp Quốc để phân xử, một khả năng bị Bắc Kinh cực lực chống đối. Trung Quốc luôn luôn đòi hỏi giải quyết tranh chấp một cách song phương, thay vì ra trước một định chế trọng tài quốc tế.
Quan điểm bác bỏ giải pháp quốc tế trên đây của Bắc Kinh một lần nữa đã bị ông Aquino phê phán. Theo báo Manila Standard Today, mới đây, Tổng thống Aquino đã khẳng định : « Liên quan đến vùng biển Tây Philippines (tên mà Philippines đặt cho Biển Đông), tại sao ta lại phải qua Trung Quốc để yêu cầu họ xác định xem quyền của chúng ta là gì ? Chúng ta phải ra trước một cơ chế quốc tế mà hầu như ai cũng là thành viên. Cơ chế đó là Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là Tòa án Quốc tế Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét