Pages

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Chính quyền Trung Quốc vất vả đối phó với sự bùng nổ thông tin qua các blog

Một quán cà phê internet tại tỉnh Sơn Tây. Ảnh chụp ngày 30/12/2010.
Một quán cà phê internet tại tỉnh Sơn Tây. Ảnh chụp ngày 30/12/2010.
Reuters/Stringer
Đức Tâm
 
 
Chính quyền Trung Quốc ngày càng khó kiểm soát được khối lượng thông tin khổng lồ lưu truyền nhanh chóng qua các blog. Các biện pháp đe dọa và kiểm duyệt chứng tỏ sự khó chịu, căng thẳng của Bắc Kinh.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng internet, các dịch vụ trên blog – được gọi là « vi bác » - rất được người dân ưa chuộng, nhằm trao đổi thông tin, bày tỏ quan điểm, phê phán chính phủ, tố cáo những bất công trong xã hội tại một đất nước mà báo chí của nhà nước – báo chí quốc doanh - chỉ đăng tải các thông tin, bài viết theo chỉ thị của lãnh đạo.

Hiện nay, tại Trung Quốc, có gần nửa tỷ người sử dụng internet. Đặc điểm của blog là các thông tin, nhận định mà chính quyền coi là tiêu cực, có thể tồn tại nhiều giờ, nhiều ngày, trước khi bị kiểm duyệt. Thậm chí, bài bị rút ở blog này lại được lưu giữ ở blog khác.
Theo ông Hồ Vịnh, giáo sư bộ môn báo chí tại trường Đại học Bắc Kinh, được AFP trích dẫn, thì cũng giống như trong các cuộc nổi dậy tại các nước Ả Rập, ở Trung Quốc, mạng xã hội trở thành không gian « hình thành công luận ». Cách nay vài tuần, chính quyền thành phố Đại Liên (đông bắc Trung Quốc) đã phải quyết định di chuyển một nhà máy hóa chất sau khi đông đảo người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu ở địa phương, phản đối. Chính các blog là nơi đã đăng những thông tin và kêu gọi người dân xuống đường phản đối dự án này. Dưới sức ép của công luận, bí thư thành ủy Đại Liên đã phải xuất đầu lộ diện và ra lệnh đóng cửa nhà máy. Giáo sư Hồ Vịnh nhấn mạnh, « Đây là sự việc hiếm thấy và điều này rất quan trọng ».
Theo số liệu chính thức, thì trong sáu tháng đầu năm 2011, số người dùng blog đã tăng gấp ba. Đứng đầu là dịch vụ blog Tân Lãng Vi Bác (Sina Weibo) của tập đoàn internet Sina.com, hiện có tới 200 triệu tài khoản được mở, trong khi đó, mạng xã hội Twitter bị kiểm duyệt tại Trung Quốc.
Vụ tai nạn tàu cao tốc, hồi tháng Bẩy, ở phía đông Trung Quốc, làm 40 người thiệt mạng đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích nhờ có mạng lưới blog : Hàng ngàn người đã đòi chính quyền phải làm rõ vì sao vấn đề an toàn của hệ thống đường sắt không được chú ý và đầu tư đúng mức. Chính quyền đã ngạc nhiên trước sự phản ứng mạnh mẽ của công luận. Sau đó, tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc đã khuyến khích các quan chức chính quyền sử dụng blog để có thể liên lạc, đối thoại với các công dân.
Thế nhưng, đồng thời, Bắc Kinh cũng áp dụng biện pháp răn đe cư dân mạng. Vài tuần sau vụ tai nạn xe lửa, đích thân ông Lưu Kỳ, bí thư thành ủy Bắc Kinh đã đến các văn phòng của tập đoàn Tân lãng (Sina) và Ưu Khốc (Youku), một website khác của Trung Quốc tương đương như Youtube, để yêu cầu chấm dứt truyền tải « những thông tin sai lệch và độc hại ». Còn Tân Hoa Xã kêu gọi các website trừ khử tin đồn trên mạng như một thứ bệnh « ung thư ».
Ông Tiêu Cường, chuyên gia về truyền thông thuộc Đại học California – Berkeley - giải thích, mạng lưới blog cho phép các công dân bày tỏ thái độ dễ dàng hơn và làm cho công việc kiểm duyệt khó khăn hơn. Theo ông, « Vi Bác là một hệ thống truyền thông xã hội đặc biệt có hiệu quả trong việc tập hợp các ý kiến cá nhân để tạo thành một tiếng nói tập thể », « cơ chế hình thành công luận này là mới mẻ và thực sự là một thách thức đối với phương pháp kiểm soát và kiểm duyệt cổ truyền của đảng ».
Sự phát triển của mạng Vi Bác cho thấy người dân ngày càng có nhu cầu thông tin, tham gia vào hoạt động truyền tải thông tin, đã buộc hệ thống báo của Nhà nước phải thay đổi cách thức hoạt động. Ví dụ, sau vụ tai nạn tàu cao tốc, nhiều tờ báo đã có các bài chỉ trích vấn đề an toàn của ngành đường sắt và chỉ ngừng đăng các ý kiến này sau khi chính quyền ra chỉ thị cấm.

Không có nhận xét nào: