Pages

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Lạm thu hơn cướp cạn.

Mặc dù Bộ GD và nhiều sở GD đã có văn bản hạn chế bệnh lạm thu, nhưng cho đến nay, sau khai giảng 10 ngày, bệnh không được chữa mà đang bùng nổ.
Trường THPT Vân tảo mới họp PHHS ngày chủ nhật 11.9.2011 vừa qua đã thông báo tới phụ huynh các khoản thu đầu năm.
Riêng khoản thu có tên "QUỸ HỘI PHỤ HUYNH" thì mỗi HS phải đóng 85.000 đ/tháng/hs
Nếu nhân 9.5 tháng, khoản này là 900.000 đ/năm/hs
Chắc chắn là vô địch tại địa phương về lạm thu rồi.

Năm nào cũng vậy. gần 1 nửa số đó chia gv ngày lễ tết , 20.11. Còn lại đi đâu không ai giám sát.
Chỉ 1 cái thẻ đeo ngực, năm nay HS cũng phải nộp 20.000 đ/cái, chưa tính tiền chụp ảnh. Vô địch nốt về sự móc túi hs. ( Trường THPT Thường Tín A thu 20.000 đ/hs thẻ có ảnh.)
Còn nhiều khoản thu khác. Mong lãnh đạo xử lý ngay.
------------------------------------
Dưới đây là chuyện lạm thu ở Hà Tĩnh:

Hà Tĩnh: Trường “loạn thu”, “bóp nặn” dân nghèo!

Vừa bước vào năm học 2011-2012, nhiều trường trên địa bàn Hà Tĩnh tự “sáng tạo” hàng loạt khoản thu trái phép và vô lí “đánh” thẳng vào túi dân nghèo.


Bản “Dự kiến các khoản thu 2011 – 2012 do học sinh đóng đậu” của trường THCS Lê Văn Thiêm với 14 khoản thu, không ghi khoản thu tự nguyện hay bắt buộc, nghĩa là tất cả đều bắt buộc.
“Xin đểu”, phụ huynh!
Tamnhin.net nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh, qua tìm hiểu cho biết việc “loạn thu” trong một số trường học ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) là có thật. Điển hình là trường THCS Lê Văn Thiêm thuộc xã Trung Lễ.

PV “hoa mắt” khi đọc bản “Dự kiến các khoản thu 2011 – 2012” của trường: Tiền xây dựng (dao động từ 260 đến 320 nghìn đồng), Hỗ trợ dạy và học (100 nghìn đồng), Quỹ khuyến học (50 nghìn đồng), Bảo vệ (50 nghìn đồng), Vệ sinh – điện nước (50 nghìn đồng), Xây dựng tủ sách dùng chung (30 nghìn đồng), Đồng phục (dao động từ 69 đến 126 nghìn đồng), Bảo hiểm thân thể (40 nghìn đồng), Bảo hiểm y tế (210 nghìn đồng), Quỹ đội – chữ thập đỏ (30 nghìn đồng), Quỹ hội phụ huynh (20 nghìn đồng), Quỹ lao động học sinh (50 nghìn đồng), Quỹ y tế học đường (10 nghìn đồng), Học phí (mỗi tháng 35 nghìn đồng).


Trường THCS Lê Văn Thiêm dù đã hoàn thiện nhưng năm học nào cũng thu tiền xây dựng trường xấp xỉ hàng trăm triệu đồng.

Có đến 13 - 14 khoản thu đè nặng lên vai mỗi phụ huynh. Trung bình, mỗi phụ huynh có 1 học sinh đi học phải đóng 1,3 triệu đồng cho nhà trường.

Điều đáng nói là trong 14 khoản thu nói trên, có đến hàng chục khoản trái phép. Điều 105, Luật Giáo dục quy định: “Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”.

Các loại quỹ đội – quỹ chữ thập đỏ, quỹ hội phụ huynh thì phải do các tổ chức đó đứng ra thu, tiền bảo hiểm chỉ là tiền thu hộ…thế nhưng nhà trường đã sốt sắng “giúp” luôn các tổ chức này. Tiền đồng phục là để phục vụ học sinh, vì vậy trường cũng phải thảo luận, thống nhất ý kiến phụ huynh trước khi nêu ra phương án cụ thể.

Do đó, các khoản như tiền xây dựng trường, quỹ khuyến học, hỗ trợ dạy và học, xây dựng tủ sách dùng chung, quỹ hội phụ huynh…đều là các khoản thu tự nguyện, phải xin ý kiến phụ huynh, phải có kế hoạch rõ ràng. Đã gọi là tự nguyện thì trường phải đứng ra “xin”, còn “cho” hay không, “cho” bao nhiêu là quyền của mỗi phụ huynh. Thế nhưng, trường THCS Lê Văn Thiêm đã tự cho mình quyền buộc cha mẹ học sinh phải nộp tiền, vậy chẳng khác nào “xin đểu”?

Quỹ “4 trong 1” và phản giáo dục
Trong 14 khoản thu nói trên có hiện tượng quỹ chồng lên quỹ, thực chất là do trường “sáng tạo” ra để “bóp nặn” dân nghèo. Cụ thể có sự trùng lặp về mục đích các khoản thu: Hỗ trợ dạy và học, quỹ khuyến học, quỹ hội phụ huynh và xây dựng tủ sách dùng chung. Cả 4 khoản thu này đều có chung một mục đích trọng tâm là “khuyến học”.

Dường như trường này đã “bỏ quên” khoản học phí, khoản thu hợp pháp duy nhất. Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Cơ sở giáo dục - đào tạo …được sử dụng toàn bộ học phí thu được vào các việc sau:

-Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy - học tập;

-Bổ sung kinh phí cho các hoạt động sự nghiệp giáo dục đào tạo kể cả hỗ trợ cho việc tổ chức thi tốt nghiệp;

-Hỗ trợ cho hoạt động trực tiếp giảng dạy, phục vụ giảng dạy..”.

Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định cơ sở giáo dục công lập được sử dụng học phí “theo quy định của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”.

Như vậy, các khoản hỗ trợ dạy và học, bảo vệ, vệ sinh, điện nước…đều là những khoản thu sai quy định, vì tất cả đều thuộc danh mục chi của học phí.

Mục đích của việc lao động trong nhà trường là để giáo dục ý thức, kỹ năng lao động cho học sinh theo phương châm học đi đôi với hành, giáo dục kiến thức gắn với giáo dục lao động. Thế nhưng trường đã “đè” mỗi em ra thu đến 50 nghìn “Quỹ lao động học sinh”. Đây là một việc làm phản giáo dục.

Trong quá trình tìm hiểu PV còn phát hiện ngoài việc “loạn thu” đối với học sinh, trường THCS Lê Văn Thêm còn “ép” luôn cả giáo viên phải nạp nhiều khoản thu vô lí khác.
Ý kiến bình luận (1)
(Tamnhin.net)- Tiếp tục tìm hiểu về việc “loạn thu” ở trường THCS Lê Văn Thiêm (Đức Thọ - Hà Tĩnh), PV phát hiện không ít chuyện khuất tất.

Thầy Nguyễn Trường Cao, Hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Thiêm: “Tiền quỹ lao động là để thuê người cắt cỏ trong khuôn viên. Còn tiền vệ sinh thuê bảo vệ làm công tác vệ sinh”.
Năm nào cũng thu tiền xây dựng trường!
Ông Nguyễn Trường Cao – Hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Thiêm cho biết: trường có 10 lớp, 300 HS của 2 xã Trung Lễ và Đức Thủy. Trước khi vào năm học mới BGH trường đã có tờ trình dự toán các hạng mục cần tu sửa gửi UBND hai xã và đã được thông qua.

Theo đó, kinh phí dự trù các hạng mục xây dựng, sửa chữa trong năm học 2011 - 2012 lên tới 117 triệu đồng, dự kiến thu từ học sinh khoảng 83 triệu, còn thiếu 34 triệu đồng xin 2 xã hỗ trợ.


Tờ trình về xây dựng do trường gửi xã, trong đó, khoản “sửa chữa hệthống nhà vệ sinh” lên tới 20 triệu đồng, “thay bản lề” lên tới 30 triệuđồng.

Điều lạ là có những hạng mục ở năm học trước đã được tu sửa thì đến năm nay lại làm tiếp và số tiền lại cao hơn nhiều lần. Như hạng mục “sửa hệ thống điện nhà vệ sinh” trong năm học trước hết gần 6 triệu đồng thì năm nay lại thêm hạng mục “sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh” nhưng số tiền dự toán lên tới 20 triệu đồng. Mục “sửa bản lề cánh cửa” lên tới 30 triệu đồng.

"Tiền xây dựng hàng năm cũng phải đóng, tiền bảo vệ năm nào nhà trường cũng thu nhưng không hiểu làm sao mà các công trình này luôn luôn bị hỏng", một phụ huynh ngán ngẩm.

Những điều khuất tất
Mặc dù ở trường này không có nhân viên y tế học đường nhưng các em vẫn phải nộp quỹ y tế học đường 10.000đ. Thầy Cao giải thích là nộp quỹ này là để hợp đồng với cán bộ y tế của trạm xá xã (?). Chúng tôi hỏi nếu không làm hợp đồng với trạm xá lỡ các em có bị tai nạn đưa vào trạm xá không được họ chữa trị hay sao thì thầy Cao không trả lời.

Bà Trần Thị Liệu, Quyền Trạm trưởng trạm Y tế Trung Lễ khẳng định: “Trường Lê Văn Thiêm không làm hợp đồng gì với trạm”. Bà Phan Thị Hồng Minh, Trạm trưởng trạm Y tế Đức Thủy cũng khẳng định như vậy. Mặt khác, theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế, nhà trường đã được trích lại gần 10% tổng số tiền BHYT thu được (210 nghìn đồng/em) để phục vụ công tác y tế học đường.


Trong Báo cáo thu chi quỹ xây dựng năm học 2010 – 2011 của trường THCS Lê Văn Thiêm có sự chính xác đến "từng milimet" giữa số tiền thu và chi.


Bản “Dự kiến các khoản thu 2011 – 2012 do học sinh đóng đậu” của trường THCS Lê Văn Thiêm với 14 khoản thu, không ghi khoản thu tự nguyện hay bắt buộc, nghĩa là tất cả đều bắt buộc.

Mặc dù HS đã nộp Quỹ lao động (50 nghìn đồng), nhưng lại còn phải nộp tiền làm vệ sinh + điện nước (50 nghìn).

Ông Cao giải thích: Tiền quỹ lao động là để thuê người cắt cỏ trong khuôn viên (?). Còn tiền vệ sinh + điện nước thuê bảo vệ làm công tác vệ sinh và mua nước uống, nước sinh hoạt và tiền điện. Theo thầy Cao thì cắt cỏ và làm vệ sinh không thể gộp chung vào khái niệm “lao động”! Mà tiền thuê cắt cỏ ở trường này cũng cực đắt, lên tới 15 triệu đồng/năm học!

Về phần quỹ đội + chữ thập đỏ 30.000/HS (quỹ đội, sao 25.000; quỹ chữ thập đỏ 5.000) thầy Cao nói đã có sự cho phép của Huyện đoàn. Nhưng ông Hoàng Xuân Hùng - Bí thư Huyện Đoàn Đức Thọ lại khẳng định: "Huyện đoàn và phòng giáo dục đã thống nhất cho việc thu quỹ đội + sao là 19.000 (quỹ đội 11.000, quỹ sao 8.000) chứ không phải là 25.000 đồng. Và việc thu quỹ không nhất thiết bằng tiền. Các trường có thể thông qua các kế hoạch nhỏ như thu gom giấy loại, sắt vụn rồi bán lấy làm quỹ". Chỉ riêng quỹ này, trường đã “ăn chêch lệch” lên tới 1,8 triệu đồng.

Giáo viên cũng bị “bòn rút”?
Không chỉ HS bị “loạn thu” mà ngay cả giáo viên cũng bị nhà trường “bòn rút”. Trong tháng 7/2011, BGH nhà trường đã tự ý trừ 4 ngày lương của mỗi người mà không thông báo trước khiến các giáo viên rất bức xúc. Theo Luật Lao động, việc trừ lương chỉ được tiến hành khi người lao động nhất trí.

Thầy Cao nói: "Tháng 7, chúng tôi có trừ 4 ngày lương cho 4 loại quỹ, khoản trừ này nhà trường đã thông báo từ hồi tháng 6; còn tên của 4 loại quỹ thì tôi không nhớ". Theo chúng tôi được biết, đây là 4 loại quỹ của UBND huyện giao chỉ tiêu vận động, trong đó có 3 loại quỹ mỗi loại bằng 1 ngày lương của cán bộ giáo viên, còn quỹ phòng chống thiên tai chỉ khoảng 2 trăm ngàn cho cả trường. Thế nhưng trường không cần vận động ai cả, mà trừ “thẳng cánh” 4 ngày lương/người. Phải chăng là kiểu “lập lờ đánh lận con đen” để tư túi?

Khi chúng tôi xin được xem các văn bản cho phép thu, chi các khoản thì thầy Cao trả lời là tất cả các khoản thu đều có văn bản nhưng hôm nay kế toán nghỉ nên không cung cấp được.

Công khai… nửa vời
Để tỏ rõ tính minh bạch, hợp lý, trường THCS Lê Văn Thiêm đã công bố bản công khai tài chính khoản thu xây dựng của năm học 2010 – 2011. Trường thu được 97.992.000 đồng, và chi hết vừa vặn chừng đó tiền. Tuy nhiên, rất nhiều khoản thu khác lại không được công khai, nên phụ huynh không thể biết trường đã làm gì với khoản những khoản tiền đó. Đây là việc làm trái với quy định của Bộ GD – ĐT về công khai tài chính trong các cơ sở giáo dục.

Quyết định là ở phụ huynh!
Trao đổi với PV Tamnhin.net, ông Võ Viết Tình, Phó Chủ tịch HĐND xã Trung Lễ cho biết: "Việc lập tờ trình là do nhà trường đề ra. Quyết định chính ở đây vẫn là phụ huynh. Nếu phụ huynh cảm thấy những khoản nào không hợp lý thì hãy đề xuất lên xã, xã sẽ có ý kiến với BGH nhà trường xem xét”.

Đa số phụ huynh đều không nắm được các quy định thu chi của ngành giáo dục, lại vốn “nể” thầy cô, “sợ” nhà trường, nên dù có biết thu sai cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Trách nhiệm “thổi còi” những khoản thu trái phép của nhà trường thuộc về xã, nhưng xã lại “chuyền bóng” sang cho dân.

Ông Tình cho biết thêm: “Để đảm bảo việc đóng góp của học sinh là thiết thực, phát huy được hiệu quả cho việc giáo dục UBND xã đang có kế hoạch sẽ lập đoàn kiểm tra vào ngày 11/9 tới".

Tamnhin.net sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Kê Sơn
http://tamnhin.net/tieu-diem/14351/Ha-Tinh-Truong-loan-thu-bop-nan-dan-ngheo-bai-2.html

Không có nhận xét nào: