Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Một trang sử mới đã mở ra

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjSFvFMVES9PdnOkzurEUxf5Y-7vdVoRzpmpm1rVCvs28J2cChbIr86kwDdIpbezqkzioTgx9RUnKXjo-nmq7E7iBokqgrFon7Bus1HLRjCgAzD_aXA72JkFXiDD8xFRvAPc1091pzB0pM/s320/stock-vector-china-flag-globe-on-stadium-background-original-illustration-56157679.jpgNguyễn Gia Kiểng
 
-
trang_su_moi1.jpg
Việc Mỹ và Châu Âu mắc nợ nặng là
điều đã được biết từ lâu
“… Giai đoạn của mô hình phát triển hướng ngoại dựa trên xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đã chấm dứt. Các nước như Trung Quốc và Việt Nam sẽ phải trông cậy trước hết vào thị trường nội địa và phải chấp nhận một khối nhân dân giàu mạnh hơn, tự do hơn, với khả năng đòi dân chủ lớn hơn…”
Trong hai tuần lễ cuối tháng 7 và đầu tháng 8 các thị trường chứng khoán chính trên thế giới đã mất khoảng 10.000 tỷ USD, tương đương với những gì mà một tỷ rưỡi người Trung Quốc sản xuất ra trong hai năm. Các thị trường chứng khoán đã tuột dốc một lần nữa sau khi các chính quyền Châu Âu và Mỹ tỏ ra lúng túng trước những khó khăn mới và định chế thẩm định Standard & Poor’s hạ thấp mức độ đáng tin về khả năng hoàn trả của Hoa Kỳ, và tiếp tục mất giá sau đó. Kinh tế thế giới vừa đi vào một giai đoạn khủng hoảng mới.

Hai nguyên nhân được mọi người đồng ý là:
  1. Từ năm 2008, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, các chính phủ phương Tây đã phải liên tục vay tiền để kích thích hoạt động kinh tế, nhưng tăng trưởng kinh tế đã không đến, tiền thuế thu được không đủ khiến khối nợ của Hoa Kỳ và các nước phát triển tiếp tục gia tăng và đã đạt tới mức báo động
  2. Các nước Châu Âu và Mỹ trong nhiều năm đã tiêu xài quá khả năng sản xuất của họ, tình trạng này không thể tiếp tục được nữa.
Tuy vậy, việc Mỹ và Châu Âu mắc nợ nặng là điều đã được biết từ lâu. Các chuyên gia đều đã đồng ý. Sự kiện các nước Châu Âu và Hoa Kỳ tiêu thụ nhiều hơn sản xuất cũng đã được ý thức rõ rệt như là một nguy cơ. Mọi người đều biết là phải giảm chi và tăng thu. Như vậy tình trạng hốt hoảng đột ngột vừa qua phải có nguyên nhân gần khác.
Nguyên nhân gần đó là hình ảnh của một Châu Âu và một nước Mỹ lủng củng nội bộ không thể lấy những quyết định bắt buộc để ra khỏi khủng hoảng, giống như một máy bay không còn phi công, tạo cảm tưởng là có thể cuộc khủng hoảng không có lối thoát.
Hai người có trách nhiệm trực tiếp tạo ra tình trạng mới này.
Người thứ nhất là bà Angela Merkel, thủ tướng Đức. Bà này làm như bất chấp tình trạng tài chính nguy ngập của Châu Âu và chống lại mọi giải pháp chung. Thái độ của bà vừa vô trách nhiệm vừa thiển cận. Không thể nào bà và các cố vấn của bà lại không thấy rằng một sự sụp đổ của Châu Âu nhất định sẽ kéo theo sự sụp đổ của Đức vì lý do đơn giản là một khi đã thống nhất tiền tệ thì không thể có chuyện đèn nhà ai nấy sáng. Hơn nữa Đức chính là nước được hưởng lợi nhiều nhất nhờ sự thành lập khu vực Euro. Nhưng bà mỵ dân và muốn tỏ ra bảo vệ tận tình quyền lợi của Đức để lấy lòng cử tri.
Người thứ hai, còn đáng trách hơn, là tổng thống Barack Obama.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ phải nâng cao mức nợ công. Năm nào Mỹ cũng đã phải làm việc này. Trong 30 năm qua quốc hội Mỹ đã phải biểu quyết tăng mức nợ công 39 lần. Lần này chỉ là lần thứ 40. Đây là một điều bắt buộc để đương đầu với những chi tiêu cấp bách. Vấn đề là lần biểu quyết này diễn ra trong một bối cảnh rất đặc biệt, mọi người đều hiểu là phải có ngay những biện pháp cụ thể để giảm nợ, hơn nữa lần này tổng số nợ của chính phủ Mỹ sẽ vượt quá mức tâm lý 100% GDP.
Mâu thuẫn giữa chính phủ Obama và quốc hội Mỹ trong đó đảng Cộng Hòa chiếm đa số là, để giảm bớt áp lực của nợ công, Obama muốn tăng thuế trong khi đảng Cộng Hoà muốn giảm chi ngân sách. Giải pháp đương nhiên là một thỏa hiệp giữa hai quan điểm trong đó dĩ nhiên quốc hội có thế thượng phong, và trong tình trạng nợ nần chồng chất hiện nay thế thượng phong đó lại càng áp đảo vì giảm chi đã được coi là bắt buộc.
Thay vì thành thực tìm kiếm một thỏa hiệp phù hợp với hiện tình của nước Mỹ Obama đã lấy thái độ mỵ dân bằng cách tỏ ra chống giảm chi và hăm dọa phủ quyết, gây căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu cơ. Obama không những không làm gì để giảm bớt căng thẳng mà, ít nhất trong những ngày đầu, còn muốn gây thêm căng thẳng để tỏ ra bênh vực dân nghèo. Ông liên tục đưa ra những tối hậu thư cho đảng Cộng Hoà, một tuần, rồi 72 giờ, rồi 48 giờ, rồi 36 giờ vì ông tin là lập trường bênh dân nghèo của mình đang dồn đảng Cộng Hoà vào thế bí. Cuối cùng khi hai bên đạt tới thỏa hiệp các chuyên gia đều đánh giá là Mỹ đã giảm chi quá ít và quá dưới mức độ cần thiết. Ngay cả Trung Quốc, nước có mọi lý do để mong Mỹ tiếp tục tiêu thụ và nhập cảng thật nhiều, cũng phải lên tiếng cảnh giác là Mỹ và Châu Âu không thể tiếp tục sống trên mức mà khả năng của họ cho phép. Các thị trường chứng khoán, và định chế S&P, đã phản ứng một cách bi quan. Obama đã chơi với dao và làm thế giới đứt tay.
(Ở đây thiết tưởng cũng nên mở một ngoặc đơn về một chi tiết kỹ thuật. Việc nâng cao mức tối đa của nợ công nằm trong khuôn khổ của cuộc thảo luận ngân sách . Cuộc thảo luận này gồm hai phần, phần thu ngân sách, nghĩa là thuế, và phần chi. Cả hai phần thu và chi này phải được qui định tùy theo mức gia tăng nợ. Nếu bỏ qua sự du di ngân sách từ tài khoá này sang tài khóa kế tiếp thì ba khoản thu, chi và gia tăng nợ liên kết chặt chẽ với nhau trong phương trình Chi – Thu = Tăng nợ. Khi hai trong ba khoản này đã được quyết định thì khoản thứ ba cũng mặc nhiên được quyết định. Quốc hội Mỹ đã thảo luận xong phần thu ngân sách trong đó tổng thống Obama không có ý kiến; như vậy với một số gia tăng nợ đã dự đoán trước được thì khối lượng giảm chi cũng đã hiển nhiên, chỉ còn vấn đề là cắt bao nhiêu trong những khoản chi nào mà thôi. Nhưng Obama, qua các dân biểu Dân Chủ, lại phản đối các cắt giảm và đòi tăng thu dù phần này đã thảo luận xong rồi. Và tạo ra bế tắc. Thực ra cũng có vấn đề gia tăng số nợ công ở mức độ vừa đủ cho năm 2011 (như đảng Cộng Hòa muốn) hay cho tới hết năm 2012 (như Obama và đảng Dân Chủ muốn) để nó không còn là một đề tài tranh cãi trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, nhưng nếu Obama chỉ tìm thỏa hiệp trên điểm này thì đã không đến nỗi gay go như vậy).
Thái độ của Obama còn đáng để ý ở một điểm khác: Lúc đầu ông than phiền rằng thỏa hiệp đáng lẽ phải tốt hơn nữa (nghĩa là giảm chi ít hơn và tăng thuế nhiều hơn), ngay sau đó khi các chuyên gia đánh giá là mức giảm chi còn quá thấp, ông lại ra sức biện bạch rằng thỏa hiệp ngân sách này là rất tốt và sẽ đưa Hoa Kỳ ra khỏi khó khăn. Ông tỏ ra không hiểu tình trạng nghiêm trọng của kinh tế Mỹ và thế giới.
Barack Obama và Angela Merkel, và bộ tham mưu của họ, không phải không nhìn thấy những biện pháp bắt buộc. Cách ứng xử cửa họ cần được nhận định trong khuôn khổ của văn hóa chính trị mà họ vừa là sản phẩm vừa là con tin. Và đó chính là vấn đề.
Điều mà mọi người có thể nhận xét, dù không có lý thuyết nào chứng minh, là trong hai thập niên vừa qua hình như có một quan hệ mật thiết giữa dân chủ và nợ công. Các chính quyền dân chủ dù giầu mạnh vẫn nợ chồng chất trong khi các chế độ độc tài ngay cả trong những nước nghèo cũng ít khi mắc nợ, có khi còn có tiền cho vay như trong trường hợp Trung Quốc. Lý do là vì muốn giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử các chính khách phải lấy lòng dân, và cách dễ nhất để được lòng dân là gia tăng ngân sách xã hội, dù đặc tính của các chi phí xã hội là tăng thì dễ nhưng giảm thì rất khó.
Thâm thủng ngân sách và nợ công là hậu quả của một văn hóa chính trị xuất phát từ Hoa Kỳ và nhanh chóng tràn qua tại các nước dân chủ khác. Trong văn hóa này âm thanh và hình ảnh gần như là tất cả trong việc chọn lựa các cấp lãnh đạo quốc gia, kinh nghiệm và tài đức không quan trọng; hình thức cần hơn nội dung, bề ngoài cần hơn bề trong. Thành tích và công lao cũng không đáng kể bởi vì văn hóa nghe nhìn này không có ký ức, nó chỉ biết cái trước mắt; điều quan trọng nhất của một lãnh tụ chính trị là trẻ đẹp và mới. Nó được tăng cường với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng thuận lợi cho sự phổ biến những ý kiến giản dị dù sai (economy, stupid) và dễ nghe dù hời hợt (yes, we can!). Lập luận nền tảng ở đây là người lãnh đạo tối cao không cần giỏi, chỉ cần có những phụ tá và cố vấn tài ba. Không gì sai hơn. Các vấn đề ngày càng nhiều và càng phức tạp, muốn trọng tài nhanh chóng giữa các giải pháp mà các phụ tá đề nghị thì phải hiểu rõ những lợi hại của từng giải pháp và có cái nhìn bao quát và thấu đáo hơn họ. Trong kỷ nguyên tri thức này người lãnh đạo cao nhất cũng phải là người giỏi nhất. Chính cái văn hóa chính trị này phải được xét lại bởi vì chính nó đã đưa lên cầm quyền những người không đủ bản lĩnh và quyết tâm để lấy những quyết định khó khăn và nhức nhối, khiến Hoa Kỳ và Châu Âu sa lầy.

Trong hai mươi năm qua Hoa Kỳ đã ba lần bầu sai tổng thống. Năm 1992 Bill Clinton, một thanh niên trốn lính với đạo đức kém và kinh nghiệm chính trị không đáng kể, đánh bại Geoge Bush, một anh hùng trong thế chiến II và một nhà chính trị đầy thành tích, kinh nghiệm và bản lĩnh, để trở thành tổng thống Mỹ. Năm 2000 George W. Bush (Bush 43) một người lương thiện và quả quyết nhưng hầu như không hiểu gì về thế giới, đánh bại Al Gore xuất chúng và kinh nghiệm để trở thành một trong những vị tổng thống vụng về nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Năm 2008, Barack Obama hoàn toàn không có một kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý nào đánh bại John McCaine dũng cảm và lão luyện. Cả ba tổng thống Mỹ gần đây đều đã được bầu vì họ trẻ đẹp, mới xuất hiện và có bộ tham mưu tranh cử giỏi chứ không phải vì thành tích, tầm nhìn và bản lĩnh. Họ đều là những người hời hợt, quá thành công và bận rộn với danh vọng để có nhu cầu và thời giờ để học hỏi và suy nghĩ. Họ không hiểu rằng một biện pháp kinh tế có thể có lợi trong ngắn hạn nhưng độc hại trong dài hạn. Họ không nhìn các chế độ độc tài như một sự xúc phạm bởi vì họ không ý thức được rằng chính trị chỉ có ý nghĩa nếu lấy con người -và tự do và phẩm giá con người- làm cứu cánh. Đối với họ chính trị là vận động tranh cử, là diễn thuyết như thế nào trước đám đông, là xuất hiện như thế nào trên màn ảnh. Họ là những người quá vội vã để có thể dành thời giờ cho triết lý chính trị và những ưu tư dài hạn.
Những người lãnh đạo được bầu như vậy dĩ nhiên không có tư cách và uy tín để áp đặt những cố gắng lớn, dù cần thiết. Họ chỉ có thể đưa ra những chính sách dễ dãi và tránh né những quyết định khó khăn. Và nói chung trong hai mươi năm qua Hoa Kỳ và Châu Âu đã chỉ có những người cầm đầu như thế. George W. Bush (Bush 43) đã rất mất lòng dân vì ông áp đặt những cố gắng lớn – tuyên chiến với khủng bố, đánh đổ Saddam Hussein, dân chủ hóa khối Hồi Giáo, hỗ trợ nhân quyền trên khắp thế giới v.v.- mà không hiểu rằng nếu đó là những mục tiêu của dân chúng Mỹ thì họ đã không bầu ông.
Hậu quả chính trị đã rất nặng nề. Clinton đã không dám can thiệp vào Somalia, để nước này tan rã và trở thành vùng đất dung thân của các tổ chức khủng bố và đạo tặc, đã để mặc cho Bin Laden mặc sức phát triển tổ chức Al Qaeda dù Bin Laden đã trắng trợn khiêu khích và gây những thiệt hại lớn cho Mỹ. Theo đuổi chính sách đối ngoại thực tiễn Clinton đã bình thường hóa quan hệ với mọi chế độ độc tài miễn là chúng không ra mặt chống Mỹ. Trào lưu dân chủ rầm rộ trên thế giới trong thập niên 1980 làm sụp đổ khối cộng sản và các chế độ độc tài quân phiệt ở Châu Mỹ La Tinh đã khựng hẳn lại từ khi Bill Clinton lên cầm quyền tại Mỹ. Chính sách đối ngoại thực tiễn còn được công khai hóa như một chọn lựa chính trị cơ bản của Hoa Kỳ với Obama. Ngay trong bài diễn văn nhậm chức Obama dõng dạc tuyên bố: “Đối với các chế độ độc tài bịt miệng đối lập chúng tôi nói quí vị đi sai chiều lịch sử nhưng nếu quí vị chìa tay ra chúng tôi vẫn nắm lấy”. Vài tháng sau, tại Cairo ông nói thêm: “Không một quốc gia nào có quyền quyết định thế nào là một chế độ tốt cho một quốc gia khác”. Hoa Kỳ không còn coi dân chủ và nhân quyền như những giá trị phổ cập. Kinh tế là tất cả. Cuộc Cách Mạng Ả Rập mà chúng ta đang chứng kiến đã diễn ra không phải vì Hoa Kỳ muốn, mà mặc dù Hoa Kỳ không muốn.
Nhưng kinh tế nào?
Clinton tranh cử với khẩu hiệu “Economy, stupid” có nghĩa là “kinh tế, thế thôi” hay “kinh tế là tất cả” nhưng thực ra chỉ là “kinh tế ngu xuẩn” vì độc hại về lâu về dài. Ông đã đắc cử vì lúc đó kinh tế Hoa Kỳ đã khựng lại từ 1991. Sự khựng lại này một phần có nguyên nhân kỹ thuật tự nhiên vì kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng liên tục và mạnh mẽ trong mười năm, thời gian trung bình của một chu kỳ tăng trưởng, và một phần vì những chi phí lớn cho cuộc đấu tranh đánh bại khối cộng sản và cho cuộc chiến vùng Vịnh đầu tiên. Với lập trường “Economy, stupid” Clinton đã tạo ra một giai đoạn phồn vinh giả tạo. Tiêu thụ được khuyến khích tối đa, tài chính là tất cả thay vì là một dụng cụ quản lý kinh tế, các sản phẩm đầu cơ tài chính và địa ốc –Credit default swap, derivatives, short selling etc.- mà Warren Buffet gọi là “những vũ khí giết người hàng loạt” được hoàn toàn thả lỏng. Clinton còn cho biểu quyết một đạo luật cấm mọi kiểm soát đối với các sản phẩm đầu cơ. Tình trạng bệnh hoạn này tiếp tục trong tám năm của Geoge W. Bush vì Bush 43 dù có nhìn thấy mối nguy cũng quá sa lầy tại Iraq để có thể thay đổi chính sách đang còn được lòng dân này. Sau Bush 43, Obama lên cầm quyền vào giữa lúc Hoa Kỳ khủng hoảng nặng và kéo theo cả thế giới vào khủng hoảng, nhưng chính sách quan trọng nhất của ông là gia tăng chi phí xã hội, một điều dù nhân bản và đúng trong lâu dài cũng không đúng lúc. Cách giải quyết khủng hoảng kinh tế của Hoa Kỳ và hầu hết các nước là bơm thêm hàng ngàn tỷ USD vào hệ thống ngân hàng. Nhưng đây chỉ là những biện pháp cấp cứu, chờ đợi những biện pháp mạnh để giải quyết những nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng: nợ công quá cao, thâm thủng mậu dịch kéo dài, tiêu thụ nhiều hơn sản xuất. Những biện pháp triệt để này các nhà lãnh đạo được bầu ra vì trẻ đẹp và hoạt bát chứ không phải vì uy tín, tài đức và kinh nghiệm không thể áp đặt. Họ chỉ có thể theo đuổi những chính sách dễ dãi, nghĩa là mỵ dân và ngắn hạn.
Nói chung tư tưởng kinh tế thời thượng trong hai thập niên qua, kể từ khi Bill Clinton đắc cử tổng thống Mỹ, là kích thích tăng trưởng bằng cách khuyến khích tiêu thụ và thả lỏng đầu cơ. Đó là chủ thuyết kinh tế của J.M. Keynes đã từng được thử nghiệm và làm nhiều nước điêu đứng trong thập niên 1970, không phải vì sai mà vì không thể áp dụng trong một sinh hoạt kinh tế toàn cầu hóa. Keynes chỉ lý luận trong khuôn khổ một sinh hoạt kinh tế quốc gia khép kín và ông cũng không bàn tới đầu cơ tài chính. Trong “chủ nghĩa Keynes tân trang” này một tỷ lệ tăng trưởng GDP khả quan được coi như có khả năng biện minh cho tất cả, bất kể nó được đạt tới bằng cách nào, với những hậu quả nào. Các lý thuyết gia của nó lạc lõng trong các lý thuyết phức tạp mà quên một điều rất cơ bản là không ai -dù là một cá nhân, một gia đình, một công ty hay một nhà nước- có thể mãi mãi vay nợ để chi tiêu nhiều hơn thu nhập. Tình trạng thâm thủng càng để lâu càng khó chữa, và nó đã kéo dài quá lâu. Nợ công đã đạt tới, trong nhiều nước đã vượt qua, cái ngưỡng đáng sợ 100% GDP. Một cách cụ thể cột mốc này có nghĩa là nếu lãi xuất gộp trung bình của các khoản nợ là 4%, một lãi xuất vừa phải, và tăng trưởng kinh tế cũng là 4%, một tỷ lệ tăng trưởng khả quan, thì toàn bộ tăng trưởng sẽ bị chiếm đoạt để trả tiền lãi của khối nợ công thay vì để cải thiện đời sống của dân chúng.
Ý thức về nguy cơ của nợ công vào lúc này, sau những biến động vừa xảy ra, đã mạnh đến nỗi nhiều chính đảng đề nghị đưa vào hiến pháp một điều khoản cấm bội chi ngân sách. Thế giới đã bừng tỉnh. Các chính sách giảm chi không còn thất nhân tâm như trước nữa. Mọi người đều hiểu là đã đến lúc phải thắt lưng buộc bụng, làm việc nhiều hơn, tiêu thụ ít hơn, các chính quyền phải giảm chi tiêu và tăng thuế ngay cả nếu vì thế mà tạm thời tăng trưởng kinh tế bị giới hạn. Những người biểu tình tại Athens, Madrid và Roma thừa biết là không có chính sách nào khác, họ bày tỏ trước hết sự phẫn nộ với các chính quyền mỵ dân đã đưa họ tới thảm kịch.

Một trang sử mới của thế giới đã mở ra

Những thất vọng và thiệt hại do cuộc khủng hoảng kéo dài này gây ra chắc chắn phải khiến người Mỹ chọn lựa một cách nghiêm chỉnh hơn tổng thống và nhân sự lãnh đạo chính trị của họ. Chúng cũng có thể khiến họ ý thức được sự tai hại của chế độ tổng thống, một chế độ bầu cho một người và do đó cho phép một cá nhân chiếm được vai trò lãnh đạo quốc gia nếu có khả năng truyền thông, phương tiện tài chính dồi dào và một nhóm vận động tranh cử giỏi mà không nhất thiết phải có bản lĩnh chính trị. Các nước Châu Âu cũng sẽ bị lôi cuốn vào một xét lại tương tự song song với một kết luận mà họ bắt buộc phải rút ra sau những lủng củng vừa qua là phải nhanh chóng tiến gần tới một cơ cấu liên bang. Châu Âu, cái nôi của dân chủ, sẽ mạnh hơn sau khúc ngoặt này. Đàng nào thì Hoa Kỳ và Châu Âu cũng sẽ phải thay đổi cách chọn lựa những người lãnh đạo. Những chính trị gia chân chính đương nhiên sẽ gắn bó hơn với các giá trị dân chủ và nhân quyền và họ cũng có bản lĩnh và quyết tâm hơn để thăng tiến những giá trị này. Đó là một điều chắc chắn, và đáng mừng.
Điều còn chắc chắn hơn là từ đây mọi cố gắng của các nước dân chủ phát triển sẽ phải dồn vào hướng giảm tiêu thụ, song song với tăng thuế, để thăng bằng ngân sách và giảm khối nợ công đã đạt quá giới hạn chịu đựng. Hậu quả tự nhiên là nhập khẩu và đầu tư ra nước ngoài sẽ sút giảm nặng. Giai đoạn của mô hình phát triển hướng ngoại dựa trên xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đã chấm dứt. Các nước như Trung Quốc và Việt Nam sẽ không còn có thể bóc lột công nhân tối đa để xuất khẩu thật nhiều với giá thật rẻ mà sẽ phải trông cậy trước hết vào thị trường nội địa. Và muốn như vậy thì phải chấp nhận một khối nhân dân giầu mạnh hơn, tự do hơn, với khả năng đòi dân chủ lớn hơn.
Nhưng phải chăng sự kiện các nước dân chủ giảm nhập khẩu, giảm đầu tư ra nước ngoài và giảm viện trợ cũng sẽ đồng thời làm giảm khả năng gây áp lực bênh vực dân chủ và nhân quyền? Không, trái lại. Khi xuất khẩu trở thành khó khăn hơn thì các nước bắt buộc phải ít nhiều lệ thuộc xuất khẩu, như phần lớn các nước chưa phát triển, còn lệ thuộc áp lực bên ngoài hơn trước. Người ta càng phải chiều khách hơn khi khó bán hàng. Trong trường hợp Việt Nam áp lực bênh vực dân chủ sẽ chỉ có thể mạnh hơn. Hiện nay nó hầu như không có. Và áp lực dân chủ hóa đến từ bối cảnh thế giới còn mạnh hơn nữa vì chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của một làn sóng dân chủ mới.
Tuy vậy, bối cảnh quốc gia và thế giới dù thuận lợi đến đâu cũng không đủ. Dân chủ sẽ chỉ đến với đất nước nếu người Việt Nam, trước hết là trí thức Việt Nam, dám tranh đấu và, quan trọng hơn, biết tranh đấu để giành lấy. Chúng ta chỉ có quyền lạc quan sau một cố gắng tự xét không khoan nhượng.
Nguyễn Gia Kiểng
(09/2011)

Không có nhận xét nào: