Vừa qua, sự việc thứ trưởng Bộ y tế Cao Minh Quang bị phát hiện khai man tự phong mình là tiến sĩ đã gây xôn xao dư luận. Điểm lại trong quá khứ cũng có rất nhiều các trường hợp cán bộ sử dụng bằng cấp giả, khai man bằng cấp đã bị các cơ quan an ninh phát giác.
Quyền giám đốc Ngân hàng có 3 bằng tốt nghiệp THPT
Từ đầu năm 2011 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều vụ cán bộ cơ quan Nhà nước sử dụng bằng tốt nghiệp THPT, thạc sĩ, tiến sĩ… giả , trong đó nhiều người đang giữ các chức vụ lãnh đạo cao ở nhiều huyện, thị, tỉnh thành trong cả nước.
Ngày 7/7/2011, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa làm rõ việc ông Nguyễn Ngọc Khải (SN1959, quê Hải Dương), quyền Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sử dụng nhiều bằng cấp giả trong thời gian dài.
Ông Khải làm Phó giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ tháng 7/2003, đến tháng 7/2010 được bổ nhiệm quyền giám đốc. Trước đó, ông Khải từng giữ nhiều chức vụ khác nhau, trong đó làm Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Vào tháng 3/2010, ông Khải lên TP.HCM đăng ký để thi lấy bằng C Anh văn tại Trung tâm ngoại ngữ – tin học INEC (thuộc Công ty CP văn hóa và giáo dục quốc tế). Trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng, ông Khải thừa nhận đã nộp 1,5 triệu đồng, nhưng chỉ đến ký vào các giấy tờ liên quan, chứ… không đi thi.
Chưa hết, năm 2003, ông Nguyễn Ngọc Khải nộp hồ sơ cho Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam để bổ nhiệm chức danh Phó giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong hồ sơ này có đến 3 bằng tốt nghiệp cấp III khác nhau. Sau khi có dư luận, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào cuộc điều tra xác minh. Kết quả, hồ sơ thi tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hóa khóa thi ngày 2/6/1988 tại Hội đồng thi Châu Thành – Đồng Nai không có tên thí sinh Nguyễn Ngọc Khải. Và tháng 4/2011, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương xác minh văn bằng tốt nghiệp THPT mang tên Nguyễn Ngọc Khải khóa thi năm 1976. Sau đó, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương xác định, khóa thi năm 1976 tại Hội đồng thi Tứ Kỳ (Hải Dương) không có tên học sinh Nguyễn Ngọc Khải.
Trước những sai phạm này, cơ quan chức năng đã đề nghị Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam xử lý kỷ luật ông Nguyễn Ngọc Khải.
140 cán bộ dùng bằng tốt nghiệp THPT giả
Ngày 1/7/2011, ông Lê Việt Khoa, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang, cho biết trong đợt bầu cử vừa qua ủy ban kiểm tra cấp tỉnh và huyện đã tiến hành thẩm tra, xác minh nhiều trường hợp cán bộ trong tỉnh bị tố cáo liên quan việc sử dụng bằng cấp giả. Kết quả phát hiện 140 cán bộ, đảng viên sử dụng bằng tốt nghiệp bổ túc THPT giả.
Đến nay, Huyện ủy Thoại Sơn đã ra quyết định kỷ luật 16 trường hợp, phần lớn là cán bộ chủ chốt và đầu ngành ở cấp xã như phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, thị trấn. Trong số đó có 12 cán bộ bị cách chức hoặc cho thôi giữ chức vụ về mặt Đảng và chính quyền.
Phó GĐ Sở VHTTDL với nghi án “tiến sĩ giả”
Tháng 6/2010, dư luận tỉnh Phú Thọ xôn xao khi được biết ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc sở Văn hóa- Thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ đã có học vị tiến sĩ với đề tài “vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ”.
Những vụ gian lận bằng cấp đình đám bị phát giác
Danh vọng và tiền bạc là lý do khiến nhiều người sử dụng bằng giả để thăng tiến
Đến tháng 10/2010, chủ nhiệm UBKT tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu cho hay, đơn vị của ông đã làm việc với bộ Ngoại giao và đã được bộ này trả lời bằng văn bản nêu rõ (trích nguyên văn): “trường đại học Nam Thái Bình Dương (tên tiếng Anh là Southern Pacific University Inc) được thành lập theo luật định của tiểu bang De Laware, một tiểu bang của miền Đông nước Mỹ, và được ông chánh văn phòng tiểu bang Delaware, Jeffrey W.Bullock cấp giấy chứng nhận (số đăng ký: 1824096 đã được tổng lãnh sự quán VN tại San Francisco hợp pháp hóa lãnh sự) xác nhận SPU được thành lập theo luật định của tiểu bang và hoạt động hợp pháp cho tới nay đúng như hồ sơ lưu giữ tại văn phòng tiểu bang… SPU là doanh nghiệp kinh doanh trong ngành giáo dục, chuyên đào tạo học sinh châu Á không có điều kiện sang học tập tại Mỹ. SPU không nổi tiếng, chưa có sự hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội chuyên môn…”.
Như vậy, UBKT tỉnh ủy Phú Thọ cũng khẳng định trường đại học Nam Thái Bình Dương- Hoa Kỳ, nơi ông Ân theo học và bảo vệ luận án và lấy bằng tiến sĩ kinh tế thực tế đang tồn tại và hoạt động hợp pháp cho tới nay.
Thế nhưng, trao đổi với phóng viên về văn bằng tiến sĩ kinh tế của ông Ân có được công nhận hay không, chủ nhiệm UBKT tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu cho biết, UBKT không có chức năng thẩm định văn bằng này mà chỉ xác minh xem có cơ sở đào tạo mà ông Ân theo học có hay không trên đất Mỹ. Và vấn đề này đã được UBKT tỉnh ủy Phú Thọ làm việc với bộ Ngoại giao. “Còn về việc sử dụng tấm bằng là của ông Ân, UBKT tỉnh ủy Phú Thọ có đề nghị ông Ân không được kê khai văn bằng trên trong lý lịch công chức”.
Về khuyết điểm, hạn chế của ông Ân cũng được UBKT tỉnh ủy Phú Thọ chỉ rõ là trong quá trình học tập ,ông Ân chưa thường xuyên báo cáo kết quả học tập với chi bộ và đảng ủy nơi sinh hoạt. UBKT tỉnh ủy đề nghị ông Ân… nghiêm túc rút kinh nghiệm!
———————–
Hành vi dùng bằng giả tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hoặc là hành chính hoặc là hình sự :
- Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 49 ngày 11-4-2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục người có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp bị phạt tiền từ 500.000 đến một triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi văn bằng, chứng chỉ vi phạm.
- Theo Điều 267 Bộ luật Hình sự, thì người có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức, công dân cũng có thể bị xử lý hình sự, mức án có thể đến ba năm
Vì hành vi của người sử dụng bằng giả không gây hậu quả nghiêm trọng nên không bị cơ quan nhà nước truy cứu, nhưng nếu có người tố giác, người sử dụng bằng cấp giả sẽ bị xử lý như trên.
Khởi Nguyên (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét