Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Tiết lộ của Wikileaks: Tô Huy Rứa: Thủ cựu, thân Phiêu, chống Kiệt, ‘bad boy’

Ông Tô Huy Rứa

Đông Bàn

-
Công điện ngày 15 tháng 12, 2009 của đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Michael Michalak, gởi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, chỉ để phân tích về nhân vật Tô Huy Rứa, vừa được bầu vào Bộ Chính Trị, và “được nhiều người tiên đoán sẽ là ứng cử viên nặng ký cho vị trí Tổng Bí Thư Ðảng vào năm 2011.” Nội dung công điện, theo cách nhìn của Ðại Sứ Hoa Kỳ, cho thấy một Tô Huy Rứa “thủ cựu,” “gần gũi Lê Khả Phiêu,” một “đối thủ chính yếu của Võ Văn Kiệt.”
Công điện có tựa: “Ðánh Giá Sơ Khởi Tân Thành Viên Bộ Chính Trị – Bad Boy Tô Huy Rứa.”

Siết báo chí, chống Mỹ
Sự tham gia của Tô Huy Rứa vào Bộ Chính Trị, theo đánh giá của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ, “tương ứng với quan điểm cứng rắn của Ðảng (Cộng Sản), với ‘diễn tiến hòa bình’ được gắn liền với “phê và tự phê.’”
Công điện viết: “Theo quan điểm của chúng tôi, sự thăng tiến của nhân vật này phản ánh và tái khẳng định khuynh hướng bảo thủ, trùng hợp với việc bắt các nhà báo đưa tin vụ PMU-18 hồi năm ngoái. (Sự thăng tiến của Tô Huy Rứa) cũng đánh dấu sự gia tăng quyền lực của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, do Rứa đứng đầu từ năm 2006. Rõ ràng là Rứa chính là nhân vật quyết định công bố đoạn ghi âm lời nhận tội của Lê Công Ðịnh.”
Mặc dầu khẳng định Tô Huy Rứa là nhân vật “thủ cựu,” phía ngoại giao Hoa Kỳ nhận định rằng “không nên cho rằng mọi khó khăn mà chúng ta (Hoa Kỳ) đang đối mặt đều do Rứa mà ra.” Công điện giải thích, Tô Huy Rứa là người làm việc trực tiếp với Trương Tấn Sang, Thường Trực Ban Bí Thư Bộ Chính Trị, và qua ông Sang, làm việc với Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh. Do đó “Rứa không thể làm được gì nhiều nếu không có sự chống lưng của Sang, Mạnh, và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.”?
Hai ví dụ được nêu trong công điện.
Công điện ngoại giao từ Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội gởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về nhân vật “đang lên,” Tô Huy Rứa. (Hình: Người Việt)
Thứ nhất, chính Trương Tấn Sang từng bác một số đề nghị của Tô Huy Rứa, trong đó có đề nghị liên quan đến việc cho truyền thông đưa tin về bauxite. Thứ nhì, Nghị Ðịnh 97 – nội dung cấm các tổ chức khoa học công bố những ý kiến phản biện liên quan đến đường lối chính sách của Ðảng và Nhà Nước CSVN – không đến từ Tô Huy Rứa mà đến từ Nguyễn Tấn Dũng, “nhân vật nhiều người lầm tưởng là có đầu óc cải cách chính trị.”
Công điện cho rằng “những cuộc đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến phản ánh sự đồng thuận của các thành viên Bộ Chính Trị cũng như thời điểm Ðại Hội Ðảng đang đến gần,” và “điều này phù hợp với quán tính làm việc của họ trong quá khứ.”
Ông Tô Huy Rứa, người đứng đầu bộ máy tuyên truyền của Ðảng CSVN, không có tiếng nói trong các vấn đề kinh tế, đồng thời có khuynh hướng chống Mỹ rõ rệt. Tuy nhiên, “những quan điểm chống Mỹ của Rứa không ngăn cản được thăng tiến trong quan hệ quân sự giữa hai nước.”
“Dấu ấn Tô Huy Rứa” rõ nét nhất ở các lãnh vực báo chí, văn học, nghệ thuật, theo chiều hướng “siết chặt.” Công điện viết: “Ảnh hưởng của Rứa được thể hiện rõ rệt nhất trong việc siết chặt báo chí, đến một mức cao hơn, quan tâm nhiều hơn về chính trị trong tiến trình tuyển cán bộ (mặc dầu điều đó có thực sự như vậy hay không thì không rõ).”
Và quan điểm “chống Mỹ” là điều rõ nhất nơi nhân vật này. “Chắc chắn là ông ta sẽ lôi kéo sự chống đối các chương trình của Hoa Kỳ, chẳng hạn chương trình Peace Corps, Fulbright, và những chương trình huấn luyện về điều hành chính quyền minh bạch.”
Chính vì Tô Huy Rứa, theo nhận định của công điện ngoại giao, mà nhiều việc “đã không thể xảy ra.” Chẳng hạn, “những bài giảng về tư tưởng của Rứa khiến các tranh luận về cải tổ không còn chỗ để nói.”?
Thân Phiêu, chống Kiệt
Người ta không ngạc nhiên khi Tô Huy Rứa thân Lê Khả Phiêu, đối thủ chính yếu của ông Võ Văn Kiệt, một cựu thủ tướng và người có đầu óc cải cách. Vẫn theo công điện.
“Những người đi theo ông Kiệt thấy rõ ảnh hưởng của họ giảm đi đều đều kể từ thời điểm ông Kiệt qua đời.”
Cả Lê Khả Phiêu và Tô Huy Rứa cùng là người Thanh Hóa. Ðiều khác nhau giữa hai nhân vật này là: Tô Huy Rứa đã không thực sự có quyền ảnh hưởng trong việc cài đặt nhân sự – mà điều đó có nghĩa là tiền – cho đến khi ông ta vào Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng trong năm 1996 và được chỉ định làm Bí Thư Thành Ủy Hải Phòng từ năm 1999.
Tô Huy Rứa là ví dụ cụ thể của “lực lượng nòng cốt về tư tưởng,” là những nhân vật thành viên của nhóm quyền lực trung tâm Hà Nội, chiếm được quyền lực thông qua kiến thức và tư tưởng/tuyên truyền Ðảng hơn là kinh qua các vị trí đứng đầu các tỉnh hoặc bộ.
Công điện ghi nhận, chống Mỹ, nhưng có vẻ không góp phần vào cuộc chiến tranh Việt Nam, Tô Huy Rứa lại được tưởng thưởng huân chương cho “cuộc chiến chống Mỹ.”
Nhân vật này học Triết học Marxist, học Toán, lấy tiến sĩ Triết tại Liên Xô, làm bí thư thành ủy Hải Phòng, được bổ nhiệm phó giám đốc Học Viện Chính Trị- Hành Chánh Quốc Gia Hồ Chí Minh năm 1996. Ông ta nắm chức giám đốc vào năm 2004, rồi vào Ban Bí Thư năm 2006, sau đó, ông ta giữ chức Trưởng Ban Tư Tưởng-Văn Hóa Trung Ương.
Sau khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại Washington nhận được công điện từ Tòa Ðại Sứ ở Hà Nội, đầu năm 2010, họ có công điện trả lời.
Công điện trả lời nói rằng “chúng ta có rất ít thông tin về Tô Huy Rứa,” và “với khả năng thăng tiến của Rứa tại Ðại Hội Ðảng 11, và với khuynh hướng chống Mỹ của cơ quan của ông ta, chúng tôi sẽ tiếp tục đọc, với sự quan tâm, bất cứ tường trình nào liên quan đến Tô Huy Rứa. Ðại Hội Ðảng đang đến gần, chúng ta cần bất cứ thông tin nào liên quan đến những diễn tiến quyền lực về vị trí Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Bộ Chính Trị, và các vị trí chủ chốt của Ban Bí Thư.”
Tại Ðại Hội Ðảng CSVN lần thứ 11, ông Rứa tiếp tục được ở lại Bộ Chính Trị nhưng không “thăng tiến” như dư luận tiên đoán. Tuy nhiên, ông làm Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương từ tháng 2, 2011 đến nay.
Cả hai công điện, một gởi đi từ Hà Nội, và một gởi trả lời từ Washington D.C., đều đánh dấu “MẬT.”

Không có nhận xét nào: