Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

TNS Jim Webb yêu cầu ngưng tài trợ cho dự án MIA

AFP photo
Người Mỹ thuộc dự án Joint Task Force-Full
Accounting cùng với người dân bản xứ tìm
kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong
chiến tranh trên một ruộng lúa tại Dân Tiến,
phía bắc Hưng Yên hôm 23/11/1998.

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011-09-23
Thượng nghị sĩ Dân Chủ Jim Web, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương, Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu cơ quan USAID ngưng tài trợ cho chương trình tìm kiếm thi hài chiến binh Việt Nam mất tích.


Và sẽ ngưng cho đến khi biết chắc là ngân khoản một triệu đô la được sử dụng trong việc đi tìm tử sĩ của cả hai miền Nam Bắc, cộng sản và quốc gia. Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết.


Đòi hỏi sự công bằng

Quốc hội Hoa Kỳ quyết định tài trợ một triệu đô la cho công tác tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong cuộc chiến. Phúc trình của Thượng viện Mỹ ghi là số tiền này được sử dụng để tìm hài cốt của tử sĩ cả hai phía cộng sản Bắc Việt và Việt Nam Cộng Hòa.
Theo thông cáo báo chí phổ biến ngày 22 tháng 9, 2011, Thượng nghị sĩ Jim Web của bang Virginia nói rằng, dự án này phải bảo đảm sự công bằng đối với tất cả chiến binh mất tích thuộc quân đội Bắc Việt, Việt Cộng và Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên qua thông tin mà văn phòng ông nhận được thì trong các cuộc thảo luận giữa cơ quan USAID với đại diện của Việt Nam, các binh lính của Việt Nam Cộng Hòa tử trận, mất tích không được tính trong chương trình đó.
Các quan chức Việt Nam cho biết họ muốn nhận dạng trên 650 ngàn bộ đội Bắc Việt và quân Giải phóng Miền Nam, được chôn cất tại các nghĩa trang do nhà nước dựng lên hoặc còn mất tích.
Theo ông Jim Web thì Hà Nội cũng cần phải tìm kiếm thi hài của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa mà không ai biết rõ con số tổng cộng là bao nhiêu.
Dịp này, Thượng nghị sĩ Jim Web cũng cho biết là trong chuyến công tác Việt Nam tháng trước ông trông thấy cảnh nghĩa trang quân đội Biên Hòa là nơi an nghỉ của các quân nhân miền Nam tử trận trước 1975, bị bỏ hoang tàn và cần được sửa sang lại.

ntbhoa-phanchautrinhdanang.com-250.jpg
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nơi an nghỉ của các chiến sĩ VNCH rêu phong không ai chăm sóc. Photo courtesy of phanchautrinhdanang.com
Tòa đại sứ Việt Nam tại Washington, Hoa Kỳ không bình luận gì về thông tin này theo yêu cầu của nhật báo The Virginian-Pilot.
Lên tiếng với RFA về tuyên bố của Thượng nghị sĩ Jim Web, Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc nói lên suy nghĩ của ông:
“Vì lý do nhân đạo, chính phủ ta cũng đã từng tìm kiếm thi hài cho lính Mỹ, là đối tác đã đánh chúng ta, vậy thì cũng trên tinh thần nhân đạo ấy, tôi nghĩ rằng dù là với quân đội Cộng Hòa, Miền Nam, trước đây là đối tượng của Miền Bắc, nhưng với tinh thần nhân đạo, hòa hợp dân tộc ấy, tôi nghĩ tiền được chi cho việc tìm hài cốt của cả binh sĩ hai Miền, tôi đồng ý với Thượng nghị sĩ Jim Web.”
Kế đó, từ Đồng Nai, Mục sư Thân văn Trường, cựu sĩ quan Quân đội Nhân Dân Việt Nam, 13 năm tác chiến, đơn vị cuối cùng, Đoàn 573, Quân Khu I, góp ý:
“Tôi phát biểu trong tư cách một cựu chiến binh của Quân đội Nhân Dân Việt Nam. Tôi rất vui khi thấy Thượng nghị sĩ Jim Web có nhã ý như vậy, nếu không nhầm thì ông cũng đã tới thăm nghĩa trang quân đội Biên Hòa, cách nhà tôi khoảng 3 cây số theo đường chim bay. Đây là một thiện chí của người Mỹ đối với vấn đề lịch sử, vấn đề chiến tranh, quá khứ mấy chục năm rồi.
Đây là một thiện chí của người Mỹ đối với vấn đề lịch sử, vấn đề chiến tranh, quá khứ mấy chục năm rồi. Đối với chiến binh bất cứ bên nào thì về hậu quả cũng phải xem xét công bằng, nghiêm túc...
Mục sư Thân văn Trường
Đối với chiến binh bất cứ bên nào thì về hậu quả cũng phải xem xét công bằng, nghiêm túc, cho nên tôi hoan nghênh tinh thần của Thượng nghị sĩ Jim Web, đã quan tâm đến vấn đề đó. Tin Chúa nên tôi thấy việc đó rất đáng được hoan nghênh, Việt Nam bây giờ sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, làm bạn với Hoa Kỳ cho nên đây là một điều đáng khích lệ.”
Vừa rồi là phát biểu của hai cựu quân nhân Miền Bắc Việt Nam, trình bày cảm tưởng của mình về yêu cầu của Thượng nghị sĩ Jim Web.

Hợp lý, hợp tình

Là một quân nhân Miền Nam, Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh, cựu Tư Lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh/Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng bày tỏ nguyện vọng của ông:
“Vừa qua tôi cũng được tin về đề nghị của Thượng nghị sĩ Jim Web, cảm giác đầu tiên của tôi thấy đây là ý kiến rất thành thực, chính đáng, hợp lý và hợp tình. Đã trên 36 năm rồi việc đối xử của nhà cầm quyền cộng sản thắng trận, với các cựu chiến sĩ, cựu công chức, của Việt Nam Cộng Hòa thật tàn nhẫn, thiếu nhân tính, thiếu tình người, tình đồng bào, thiếu đạo đức, rời bỏ nếp đạo đức Á Đông, trọng về tâm linh.

000_HKG2004090503783-250.jpg
Các ngôi mộ của bộ đội Việt Nam thiệt mạng trong chiến tranh được chôn tại nghĩa trang quân sự lớn nhất nước thuộc tỉnh Quảng Trị. Ảnh chụp hôm 31/7/2004. AFP
Sau cuộc chiến, trên nguyên tắc chiến sĩ cả hai bên, nhất là các tử sĩ phải được kính trọng, từ lâu rồi tôi thấy hình ảnh nghĩa trang Biên Hòa trên báo chí, tôi rất đau xót, 16 ngàn tử sĩ tại đây, phải được đối xử công bình, chứng tỏ tin thần trọng nghĩa khí, chính nghĩa, trọng lẽ phải, đưa lên cái hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam. Tôi rất tán thành đề nghị của Thượng nghị sĩ Jim Web, điều đó phải được chấp nhận.”

Thầy Thích Minh Dương, cựu Tuyên Úy Phật Giáo Vùng 4 Sông Ngòi, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, nay định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO, mong ước rằng :
“Xin cám ơn sự nhân đạo của chánh phủ và nhân dân Mỹ đối với Việt Nam, tôi thấy cuộc chiến vừa qua không riêng gì bất cứ một ai, không nói đến chuyện chính trị, nhưng thấy rằng những người đã nằm xuống ở hai Miền, chúng ta cần làm những gì cho họ, với lương tâm và sự công bằng, vì họ đã đem sinh mạng của mình ra cho quê hương Việt Nam.
Sau cuộc chiến, trên nguyên tắc chiến sĩ cả hai bên, nhất là các tử sĩphải được kính trọng, từ lâu rồi tôi thấy hình ảnh nghĩa trang Biên Hòa trên báo chí, tôi rất đau xót.
Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh
Dù với ý thức hệ nào, sự hy sinh đó là một mất mát cho bản thân người đó, của gia đình và của đất nước. Theo tin thần đạo Phật, làm như vậy mới hóa giải được hận thù, sự buồn phiền, hằn học của cả hai phía, chúng tôi mong mỏi chính quyền nên quan tâm, tu bổ, giữ gìn nghĩa trang quân đội chúng tôi ngày xưa được yên ổn, đừng làm xói mòn, dù ở thế hệ nào. Chúng ta cũng là người dựng xây đất nước, bảo vệ quê hương đến giọt máu cuối cùng của những người con dân Việt.”
Khi được hỏi về lời yêu cầu của Thượng nghị sĩ Jim Web, phát ngôn nhân của USAID giải thích rằng, cơ quan này sẽ tìm kiếm và nhận dạng hài cốt của chiến binh cả hai miền Nam, Bắc, trong cuộc chiến Việt Nam, giúp hàn gắn vết thương của hàng triệu gia đình người Việt, lâu nay vẫn không biết rõ số phận người thân mình biệt tăm tích, bây giờ ra sao?

Không có nhận xét nào: