Pages

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Bài quyền Trương Tấn Sang

Vũ Đông Hà
Theo: danlambao

Đường quyền “ấn tượng” ông Trương Tấn Sang tung ra khi ông chưa chính thức trở thành Chủ tịch nước. Nó mang tên là đường quyền… Sâu: “Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy”. Sử dụng diễn đàn cử tri nhỏ nhoi tại quận 1 tp HCM, ngày 7 tháng 5, 2011 ông Sang gửi thông điệp đến cả nước qua hệ thống truyền thông của đảng về tình trạng sâu bọ của nhà nước Việt Nam.

Nếu chỉ đọc câu ông phát biểu “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này”, và dừng lại ở đó với kết luận ông Sang… chém gió cho vui thì có lẽ hơi… đơn giản sự đời. Nhưng nếu nghe tiếp những điều khác ông nói sau đó – cũng tại buổi gặp cử tri này: “Ưu tiên lớn nhất của năm nay, trong những tháng đầu năm, là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, giảm bội chi, tăng hiệu quả đầu tư công… Có vậy đời sống nhân dân mới được cải thiện…” người ta có thể phỏng đoán ông Sang đang nói về trách nhiệm “ổn định kinh tế”, “lạm phát”, “nhập siêu”, “bội chi” và “hiệu quả đầu tư công” đang nằm trên đầu của ai.
Vậy thì trước đây “chỉ một con sâu đã nguy hiểm rồi” thì con sâu BỰ này là ai? Bây giờ “một bầy sâu là chết cái đất nước này” thì BẦY SÂU đó là những ai, thuộc phe nhóm, tập đoàn nào? Chính xác 100% thì chỉ ông Sang mới “bật mí” được. Tuy nhiên, kết hợp những dữ kiện qua mạch phát biểu trong vai trò Chủ tịch đảng nói về lãnh vực của chính phủ – từ “Một con sâu và một bầy sâu” đến “Ưu tiên lớn nhất” thì người ta có thể suy diễn khá sát sườn với sự thật rằng ông ám chỉ con sâu bự nguy hiểm là ai và bầy sâu làm chết đất nước cụ thể là thành phần nào.
Nhiều người cho rằng tuyên bố của ông Sang chỉ là một đòn phép tuyên truyền, mị dân quen thuộc đến nhàm chán của đảng. Điều này cũng có cơ sở vì đã từng có lãnh đạo “siêu sao” tuyên bố “không dẹp được tham nhũng thì tôi sẽ từ chức”. Vì thế kết luận phỏng đoán sẽ khó thuyết phục khi dựa vào một đường quyền để đánh giá toàn bộ bài quyền là đánh thật hay chém… gió. Vậy thì thử nhìn lui và nhìn tới xem những đường quyền của ông Sang kết hợp lại thành bài bản như thế nào và ông đã và đang… thoi vào ai hay đấm vào hư không?
*
Đi ngược thời gian không quá một năm, trong bối cảnh tiền đại hội đảng XI và những đấu đá nội bộ, ông Trương Tấn Sang đã có những đường quyền khá lạ:
Trong bài viết “Bàn cờ tứ trụ và 90 triệu con tốt” tác giả bài viết đã có những nhận xét sau:
“Suốt giai đoạn của thế trận cao tốc, chủ tịch Quốc hội đương thời là Nguyễn Phú Trọng đóng vai trò mờ khuất trước ánh đèn sân khấu nhưng đằng sau đứng về phe Nguyễn Tấn Dũng để vận động phiếu chấp thuận dự án. Nguyễn Phú Trọng đã dùng Ủy ban Thường vụ của Quốc hội để tạo ấn tượng dự án coi như thông qua. Vì thế cho đến giờ thứ 25 khi Quốc hội bấm nút thì không những cả Dũng lẫn Trọng sửng sờ mà cả nước cũng phải ngạc nhiên.”
Bây giờ nhìn lại để hỏi: thế lực nào và ai là người đứng đầu thế lực đó để vận động ngầm và làm nên sự thay đổi sửng sờ vào giờ thứ 25. Đó là chuyện Đường sắt cao tốc – một dự án 55 tỷ USĐ, cục cưng của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa kịp lọt lòng đã bị bóp mũi chết.
Sang đến những cục cưng bộn bạc khác nằm trong vòng tay béo bở của ông Thủ tướng, những điều gì đã xảy ra? Cũng trong cùng bài viết Bàn cờ tứ trụ:
Ngày 22.04.2010, một số các lão thành cách mạng đã gửi Bộ chính trị – Ban bí thư TW bản Kiến nghị trong đó phê bình Nguyễn Tấn Dũng: Không làm tròn trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước; Để lâm tặc phá rừng rất nhiều, rừng cháy nhiều, lại bán rừng mất rừng nhiều quá; Tài chính thất thoát nhiều, do tham nhũng, lãng phí; nói rất hăng, nhưng không ngăn chặn được; Lạm phát không hạn chế được, tiền mất giá, mọi thứ nhu cầu của dân giá cả tăng vọt, có thứ 100%; Vay nợ nước ngoài nhiều nhất, cho cả dự án không cần gấp; xây nhà thờ họ quá lớn, quá qui mô hoành tráng tốn đến 40 tỷ…
Người đứng đầu trong danh sách này là Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một người có quan hệ mật thiết với nhóm trí thức Bauxite Vietnam.
Ngày 03.06.2010 Ông Trương Tấn Sang thân chinh đến gặp trực tiếp tướng Nguyễn Trọng Vĩnh tại nhà riêng ở khu chung cư Kim Liên. Nội dung buổi gặp gỡ sau đó được do tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trình bày và đăng lại trên trang nhà của Bauxite Vietnam. Tuy nhiên, nội dung của buổi gặp gỡ trong đó ông Sang phàn nàn ông Vĩnh sao để tin tức nội bộ đảng tràn lan ra ngoài chỉ là diện. Kết quả của việc ông Trương Tấn Sang đến gặp tướng Vĩnh là gia tăng số lượng quần chúng quan tâm và tìm đọc bản Kiến nghị tố cáo Nguyễn Tấn Dũng. Nước cờ này tương tự như nước cờ của Bộ trưởng công an Lê Hồng Anh đánh Thứ trưởng thượng tướng công an Nguyễn Khánh Toàn bằng cách bắt “con tốt blogger Cô Gái Đồ Long”, thông tin khắp nơi trên các báo lề phải để nhân dân cả nước tò mò và tìm đọc bài viết của Cô Gái Đồ Long về những bê bối của “con tướng Nguyễn Khánh Toàn”.
Đến ngày 22/10/2010 nước cờ kế tiếp được tung ra với hàng loạt nhân sĩ ký tên vào Kiến nghị tạm ngừng khai thác bô-xít. Đây lại là một dự án của Trung Quốc nằm trong tay và phạm vi trách nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng. Trước đây nhóm Bauxite Vietnam đã nhiều lần phổ biến kiến nghị về hiểm họa Bauxite nhưng tất cả đều rơi vào khoảng không. Lần này nhiều nhân vật nổi tiếng ký tên vào danh sách kiến nghị, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Điểm đặt biệt là nhiều báo do đảng và nhà nước kiểm soát đã đăng tải kiến nghị trong đó có Tuần Việt Nam là một thí dụ. Người nào hay nhiều người nào đó có quyền lực đủ trong nội bộ đảng đã bật đèn xanh. Dự đoán đứng đầu nhóm này phải là Trương Tấn Sang.
Song song với nước cờ Bauxite, từ giữa năm 2010, báo chí của đảng và nhà nước cũng được bật đèn xanh chạy tin Vinashin cùng khắp. Mọi tội lỗi, trách nhiệm gián tiếp hoặc trực tiếp được đổ lên đầu ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Những con số nợ của Vinashin bị phanh phui, điều hành bê bối Vinashin bị vạch trần, những con tàu cũ Vinashin, không hoạt động nhưng tiền của đổ vào bạc triệu đô được cho lên mặt báo, hơn 20 đàn em đệ tử Vinashin của Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu là Phạm Thanh Bình bị còng đầu.
Trận chiến Vinashin với xe pháo mã truyền thông kéo dài cho đến ngày 24.11.2010 thì Nguyễn Tấn Dũng buộc lòng tạm thời giương cờ trắng để câu giờ thoát hiểm: Tôi nhận trách nhiệm về Vinashin – “Là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhận trách nhiệm đó. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm”.
Những người nào và ai là người đứng đầu có đủ trọng lượng để “bật đèn xanh” cho những chiếc xe thông tin của đảng chạy tứ tán lúc đó và hạ uy tín của ông Dũng?
Đại hội XI chấm dứt, ông Nguyễn Tấn Dũng lật ngược thế trận nhờ vào sự hậu thuẫn của tập đoàn cán bộ tư bản đỏ có quyền lẫn tiền và tiếp tục ngồi ì ghế Thủ tướng nhiệm kỳ lần thứ hai. Đàn em Nguyễn Sinh Hùng nắm ghế xếp sòng Quốc hội, chuẩn bị cho tương lai hồi hai của đường cao tốc. Món nợ Vinashin 4,41 tỷ còn nguyên vẹn nhưng trách nhiệm của tân Thủ tướng được Bộ Chính trị “quyết” cho vào dĩ vãng ngay tại diễn đàn Quốc hội.
Ông Trương Tấn Sang thất bại trong cuộc đấu đá nội bộ nhưng vẫn còn duy trì phần nào quyền lực nên giữ được vai trò Chủ tịch nước. Trước khi chính thức được đóng dấu cho một quyết định đã được thương thảo và đồng ý với nhau giữa các phe phái về vai trò Chủ tịch nước vào ngày 25 tháng 7 năm 2011 với 97,4% phiếu bầu, ngày 7 tháng 5 ông Trương Tấn Sang đã tung ra đường quyền “sâu bọ”.
*
Ngày 5 tháng 6, 2011 hai cuộc biểu tình lớn phản đối Trung Quốc xảy ra tại Sài Gòn và Hà Nội sau sự cố tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa của Việt Nam vào ngày 26 tháng 5, 2011. Có nhiều dấu hiệu cho thấy có quyết định “bật đèn xanh” hay ít ra là không “bật đèn đỏ” từ phía chính quyền. Tin tức chắc chắn cho biết rằng một số nhân viên, cán bộ nhà nước được công an yêu cầu đi biểu tình. Một vài cán bộ ngành công an và sĩ quan ngành hải quân không ngăn cản biểu tình và chỉ đứng ra thuyết trình, yêu cầu đoàn biểu tình đừng gây bạo động. Nhiều khuôn mặt quen thuộc của những nhân vật thuộc cánh miền Nam của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam như các ông Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông André Mendras Hồ Cương Quyết, Nguyễn Đình Đầu… có mặt.
Với những thông tin hạn chế và được giữ kín, khó mà chỉ nhìn vào một sự cố để có lời giải cho những hiện tượng “đèn xanh”, “vận động”, “tham gia” để dẫn đến cuộc biểu tình nổ lớn tại Sài Gòn với khoảng từ 3000 đến 5000 người tham dự, ngoại trừ một câu hỏi: “ai hay thế lực nào đứng đằng sau những “hiện tượng” này” và một nhận xét: “có sự không đồng nhất trong nội bộ đảng về thái độ và biện pháp đối với cuộc biểu tình”.
Hình ảnh “ta đi không cùng nhịp điệu một hai ba bốn” trong nội bộ đảng được bật rõ khi sau đó, trong suốt nhiều tuần lễ, thông tấn xã và các cơ quan truyền thông của đảng và nhà nước trước sau như một nói rằng đó chỉ là những “tụ tập của một nhóm người”, thì vào ngày 2 tháng 8 Trung tướng công an Hà Nội – ông Nguyễn Đức Nhanh họp báo tuyên bố xác nhận 8 cuộc biểu tình yêu nước tự phát. Tạm thời bỏ qua tuyên bố bất nhất của ông Nhanh về vụ đại úy công an Phạm Hải Minh đạp mặt người biểu tình Nguyễn Chí Đức, câu hỏi vẫn chưa có được trả lời thỏa đáng là: Tại sao ông Nhanh tuyên bố những điều ngược với hệ thống tuyên truyền của đảng? ông Nhanh lên đồng, tự biên tự diễn hay được ai hoặc những ai chỉ thị và “bật đèn xanh”?
Ngày 9 tháng 6 tàu “cá” Trung Quốc mang số hiệu 62226 với hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 lại cắt cáp tàu Viking II tại lô 136/03 thuộc khu vực thềm lục địa của Việt Nam. Những cuộc biểu tình tiếp diễn và kéo dài tại Hà Nội. Sài Gòn, nơi có những dấu hiệu về “vận động”, “tham gia” có chỉ đạo bị kiểm soát và trấn áp gắt gao. Trong suốt thời gian này ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng im lặng, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nín thinh. Chỉ có Tân Chủ tịch nước CHXHCNVN – ông Trương Tấn Sang lên tiếng tuyên bố vào ngày 25 tháng 7 năm 2011: “Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế)…”
Lời tuyên bố của ông được viết cô đọng lại trên biểu ngữ của những người biểu tình yêu nước tại Hà Nội: “Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng và bất khả xâm phạm – Trương Tấn Sang”.
Phải chăng lời tuyên bố này nằm trong bài bản của bài quyền Trương Tấn Sang?
Ngày 18 tháng 8, 2011 UBND T/p Hà Nội ra thông báo, chính thức ra lệnh chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn Thành phố. Thông báo này là cú đạp vào mặt lời tuyên bố của Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh mới được phổ biến khắp nước chỉ 2 tuần trước đó: “Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước”. Bản thông báo cũng ra đời để dọn dẹp đường phố Hà Nội, 2 tuần trước khi Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc sang Việt Nam vào ngày 5 tháng 9, 2011. Những chuẩn bị từ đường phố đến đồng phục cavat hồng đào, lẫn những lời phát biểu êm ái của lãnh đạo Hà Nội rót vào tai lãnh đạo Bắc Kinh, và cho chuyến đi sứ sang Tàu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu.
*
Chuyến thăm Việt Nam 5 ngày của Đới Bỉnh Quốc để lại nhiều “ấn tượng”. Ấn tượng về hình ảnh làm cả nước… xúc động muốn chết là bộ đồng phục áo vét cavát hồng đào của ông Thủ tướng Việt Nam và ngài Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc. Ấn tượng hình ảnh xúc động chết luôn thứ hai là cảnh Nguyễn Phú Trọng nhào đến ôm chầm thắm thiết Đới Bỉnh Quốc. Ấn tượng về lời nói là những phát biểu loại “sao hèn vậy ta” của Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng trong đó không thể thiếu những cụm từ “ghi nhớ, trân trọng, đời đời biết ơn”.
Trong suốt thời gian Quốc-Dũng-Trọng 16 vàng và 4 tốt với nhau, từ hình ảnh đến phát ngôn ấn tượng, hoàn toàn không có mặt Chủ tịch nước trong nhiệm vụ tiếp tân sứ giả Tàu. Ông Trương Tấn Sang về Nghệ An làm việc với lãnh đạo của quê hương Hồ Chủ tịch và thăm… Trung tâm điều dưỡng thương binh (7 tháng 9). Phải chăng thế đánh “vắng mặt” – không có tui – này là một thông điệp chính trị của ông Trương Tấn Sang?
Bên cạnh đó, trong khi tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Chí Vịnh tập trung vào 16 chấm 4 vàng hảo hảo với Trung Quốc thì ông Trương Tấn Sang dự Diễn đàn doanh nghiệp Malaysia – Việt Nam (29/09), tiếp đón Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật-Việt ông Takebe Tsutomu, (7/10), bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Albert F. Del Rosario của Philippines (7/10).
9 tháng 10, hai ngày trước khi lên đường qua Ấn Độ và hai ngày trước khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh cho một “chuyến đi buôn mua lấy sống còn”, ông Trương Tấn Sang tung đường quyền Việt-Ấn bằng lời tuyên bố với hãng tin Ấn Độ: “Lãnh đạo Việt Nam đã hoan nghênh hợp tác Việt – Ấn trong lãnh vực dầu khí, đồng thời, ông cho biết sẽ tăng cường quan hệ chiến lược và quốc phòng với New Delhi”. Ông nói:
“Thực tế là tất cả các dự án hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác khác, bao gồm tập đoàn Ấn Độ ONGC trong lĩnh vực dầu khí đều nằm trên thềm lục địa, trong vùng đặc quyền kinh tế và thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển”.
“Chúng tôi hoan nghênh các công ty nước ngoài đến làm việc với đối tác Việt Nam trong các dự án dầu khí trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và phù hợp với pháp luật Việt Nam.”
Nhìn vào thời điểm ông tuyên bố và ngày đi sứ Tàu của Nguyễn Phú Trọng để suy diễn cho sự tính toán nào đó của ông Trương Tấn Sang.
Rõ hơn nữa, đọc lại những tuyên bố của Trung Quốc mới trước đó một tuần:
“Phản đối bất cứ quốc gia nào tham gia thăm dò dầu lửa ở những vùng biển thuộc quyền thực thi pháp lý của Trung Quốc… Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi ở Biển Ðông… Bất cứ nước nào thăm dò dầu khí ở trong vùng này mà không có sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc cũng đều vi phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc, là bất hợp pháp và vô giá trị.” – từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc; hay
“Ấn Độ cần nhớ rằng hành động của họ tại Nam Hải (Biển Đông) sẽ đẩy Trung Quốc tới bờ giới hạn. Trung Quốc quý trọng quan hệ hữu nghị Trung-Ấn, nhưng không có nghĩa quý hơn mọi thứ trên đời.” – trên “Hoàn Cầu Thời Báo”.
Chắc hẳn, đây là đường quyền mới nhất trong bài quyền Trương Tấn Sang.
*
Bài quyền này đánh ai, bảo vệ những gì, mục tiêu ra sao… vẫn còn quá sớm để có kết luận chắc chắn.
Nhưng sẽ quá trễ để thờ ơ và không một chút quan tâm. Vì có thể nó có những ảnh hưởng sâu xa đến hiện tình đất nước, tương lai và vận mệnh của dân tộc.
Cũng dễ bị kết án là ngây thơ nếu tin tưởng rằng ông Trương Tấn Sang sẽ là một Boris Yelsin của Việt Nam và đằng sau ông vẫn còn nhiều đảng viên cộng sản không chấp nhận tình trạng Việt Nam bị Hán hóa. Lịch sử đã có nhiều cú lừa lớn nhỏ để nghi ngờ dẫn đường lý trí và e ngại đã trở thành thói quen. Cũng sẽ có những ném đá vào những ai có “niềm tin ngây thơ” này.
Nhưng cũng dễ dàng luôn cho thái độ giết đi mọi cơ hội và thời cơ chính trị và đẩy những người đang có những nỗ lực tích cực phải ngồi y nguyên ở vị trí “những kẻ cai trị không bao giờ thay đổi”.
Bài quyền là của ông Trương Tấn Sang và những đồng chí của ông ta. Nhưng nó có thành… thật và thành… công hay không còn tùy thuộc vào những hành động tiếp theo của ông trong tương lai. Quan trọng hơn nó tùy thuộc vào sự hậu thuẫn lẫn sức ép của dư luận mà trước mắt là những người đang đứng trong hàng ngũ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn quan tâm đến vận mạng và tương lai của dân tộc. Trong bóng đêm lịch sử quá đen tối, khối dân tộc Việt Nam mang tên Nhân Dân cần có những nỗ lực và phấn đấu vươn lên để cứu nước và giữ nước; nhưng đồng thời cũng cần đến một lực lượng còn biết yêu nước thương nòi đang ở trong guồng máy để góp phần làm nên những chuyển động cần thiết. Ông Trương Tấn Sang có điều kiện và cơ hội để thực hiện một chọn lựa lịch sử đúng đắn. Khi thật lòng thực hiện những điều tốt đẹp và đặt Tổ quốc lên trên hết không những ông sẽ được sự hậu thuẫn của nhiều đảng viên mà còn của nhân dân Việt Nam.

Không có nhận xét nào: