Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Chính sách Cận Biển Đông của Trung Quốc gây bất ổn khu vực

Bhaskar Roy
20-09-2011
Phản ứng trước báo cáo nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ về những chuyển biến quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, năm 2011, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun, ám chỉ phần về Ấn Độ, nói rằng Trung Quốc và Ấn Độ không phải là kẻ thù, không phải là đối thủ, mà là láng giềng và đối tác (Nhật báo Trung Quốc, ngày 1 tháng 9). Báo cáo của Lầu Năm Góc nói rằng hệ thống tên lửa tiên tiến mới của Trung Quốc là một sự răn đe đối với Ấn Độ và sự ngờ vực giữa hai nước đang dẫn tới căng thẳng. Tuy nhiên, các chính sách cận biển đông của Trung Quốc đang gây lo lắng nghiêm trọng, không chỉ với Ấn Độ mà còn cả Nhật Bản, Úc, Mỹ và các quốc gia ASEAN.
Trong khi Yang Yujun trịnh trọng cam kết tình hữu nghị với Ấn Độ, có điều gì đó đang xảy ra ngoài điều này. Một tàu hải quân Ấn Độ, INS Airavat, đang chạy trên Biển Đông hồi tháng 7 thì bị hải quân Trung Quốc yêu cầu ra khỏi vùng biển vì đó là lãnh hải của Trung Quốc. Điều càng làm cho Trung Quốc khó chịu là con tàu này của Ấn Độ đang có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam.

Có vẻ như bị kích động trước tin tức trên báo chí Ấn Độ rằng nước này phản đối Trung Quốc về vụ việc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Khương Du đã tuyên bố tại một cuộc họp báo chính thức ở Bắc Kinh ngày 15 tháng 9, rằng Trung Quốc phản đối bất kỳ nước nào tham gia các hoạt động mở rộng và thăm dò dầu khí ở vùng biển thuộc quyền thực thi pháp lý của Trung Quốc. Mặc dù bà Khương Du không nêu cụ thể cái tên Ấn Độ, thông điệp của bà là để trả lời một câu hỏi đã sắp sẵn của một phóng viên Trung Quốc về việc tập đoàn ONGC Videsh của Ấn Độ thăm dò ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền theo thỏa thuận với các nhà chức trách Việt Nam. Bà Khương Du tái khẳng định rằng, Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi về Biển Đông, và hy vọng nước ngoài sẽ không tham gia vào cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền khác đối với các phần của vùng biển này, cùng các đảo và các dải đá ngầm có tên Quần đảo Trường Sa. Trong khi Trung Quốc nhận toàn bộ vùng biển này, các nước khác gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan nhận một số phần.
Việc Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định họ ủng hộ tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế trong đó có Biển Đông, tờ báo chính thống của Trung Quốc, ngày 16 tháng 9, tờ Hoàn Cầu Thời báo, một phụ trương của tờ Nhân dân Nhật báo, thuộc cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng một bài xã luận gay gắt. Bài báo đề nghị chính phủ Trung Quốc dùng mọi biện pháp có thể để ngăn chặn ONGC xúc tiến việc thăm dò, cảnh báo Ấn Độ, rằng bất kỳ sự hợp tác nào với Việt Nam đều có nghĩa là một sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng mà sẽ đẩy Trung Quốc vào giới hạn. Báo này cũng cảnh báo rằng, Trung Quốc nuôi dưỡng mối quan hệ hữu nghị Trung – Ấn, nhưng như vậy không có nghĩa là Trung Quốc coi trọng nó hơn tất cả.
Bài viết mạnh mẽ này rõ ràng truyền tải quan điểm của Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc, và rất nghiêm túc. Quan trọng hơn, nó còn bình luận một cách ngạc nhiên rằng, xã hội Trung Quốc đã rất căm phẫn về sự can thiệp của Ấn Độ vào vấn đề Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Đưa Đức Đạt Lai Lạt Ma vào một vấn đề hoàn toàn tách biệt là điều chưa từng có từ lâu. Ấn Độ công nhận lập trường của Trung Quốc về Tây Tạng bằng văn bản khi Thủ tướng Atal Behari Vajpayee tới thăm Trung Quốc năm 2003. Ấn Độ liên tục giải thích quan điểm của nước này về Đức Đạt Lai Lạt Ma và người tị nạn Tây Tạng ở Ấn Độ, và đổi lại, Trung Quốc bày tỏ sự hài lòng.
Vậy tại sao có sự thay đổi đó trong lập trường? Trung Quốc cũng đã thay đổi quan điểm về chuyện Kashmir. Và lối hành xử của nước này về một số vấn đề khác cho thấy, có một sự thay đổi đáng kể về chính sách chiến lược đối với Ấn Độ, thể hiện một sự xói mòn lòng tin, và nhìn nhận Ấn Độ theo một góc cạnh khác. Cuối cùng, Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về các mối quan hệ Việt – Ấn đang lớn mạnh, trong đó có quan hệ về quân sự mà sẽ khuyến khích Hà Nội đứng lên chống Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Bắc Kinh vẫn hồ nghi rằng Ấn Độ đang lặng lẽ liên kết với Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Tuy nhiên, có một bức tranh lớn hơn. Đã rõ trong vài năm qua việc Trung Quốc cố gắng chế ngự châu Á, và rất gấp rút. Năm 2010 đặc biệt đáng chú ý về cách hành xử quyết đoán và hung hăng của Trung Quốc. Mặc dù có một số dấu hiệu vào cuối năm 2010, đặc biệt là từ cố vấn chính sách ngoại giao Đới Bỉnh Quốc, rằng Trung Quốc sẽ tập trung vào phát triển và không khiêu khích các nước khác, hành xử của nước này trong năm 2011 lại hoàn toàn trái ngược.
Tại sao? Từ một góc độ, nước này hiện đang chuẩn bị sẵn sàng cho một sự thay đổi lãnh đạo ở quy mô lớn, cả trong quân đội, vào năm 2012-2013. Có một cuộc tranh giành quyền lực giữa phe kiên định lập trường và phe cải cách, những người không nhất thiết phải tự do theo kiểu phương Tây nhưng có đầu óc thực tế hơn. Những bất đồng về chính trị và tư tưởng trong ban lãnh đạo sắp tới đang trở nên rõ nét hơn. Đúng là về mặt kinh tế, Trung Quốc đang ở một cao điểm lịch sử, và điều đó đang tiếp sức cho sự tăng vọt về sức mạnh quân sự của nước này. Cưỡi trên lưng sự suy giảm kinh tế của phương Tây, họ cũng hiểu rằng điều đó chẳng thể kéo dài mãi. Ban lãnh đạo Trung Quốc thực sự lo ngại về tệ tham nhũng đang lan tràn vốn đang là một vấn đề đối với người dân. Những bất bình trong công chúng tăng cao. Chính quyền trung ương đã để mất đáng kể quyền năng ở các tỉnh và các cấp chính quyền thấp hơn. Các chính sách và tác phong làm việc của Đảng đang chịu sự chỉ trích ngày càng nhiều, không chỉ từ dân chúng và những người bất đồng mà còn cả từ các cựu lãnh đạo và giới trí thức hiện nay. Tính hợp pháp của Đảng đang bị đe dọa và điều này đang chuyển sang các lãnh đạo và cán bộ của đảng và chính phủ. Nếu không có một đảng vững mạnh, sự đoàn kết của đất nước sẽ bị thử thách, trong nhận thức của Đảng. Còn có quá nhiều các thế lực phân chia.
Chính sách một con của nước này cũng đã trở thành một thách thức về nhân khẩu học. Tính đến năm 2025, lực lượng dân số không làm việc sẽ bắt đầu vượt trội lực lượng dân số làm việc. Nếu nhiều con được cho phép, thì tổng dân số hơn 1,4 tỷ người sẽ nhanh chóng tăng gấp đôi – một điều không thể chấp nhận được.
Sự phát triển và lớn mạnh của Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu dầu lửa, khí đốt và các nguồn tài nguyên tự nhiên quan trọng khác. Nước này cũng phải đảm bảo các nguồn lực ở nước ngoài của mình và các tuyến đường vận tải tới nước này.
Trung Quốc đang không ở vào một tình cảnh đáng ghen tị dù không ai phải đương đầu với một sự sụp đổ. Tuy nhiên, những khẩu súng lớn và hàng nghìn tỷ đôla không phải là một giải pháp cho Trung quốc.
Lựa chọn trước mắt Trung Quốc là hoặc hợp tác hòa bình với cả thế giới trong một sự phát triển chung, hoặc dùng những đe dọa và sức mạnh quân sự để mở rộng lãnh thổ và tăng thêm sự giàu có. Thật không may, có sự nhầm lẫn ở Trung Quốc, và những người thích chi phối sức mạnh đang nắm quyền quyết định. Kể từ năm 2004, các học thuyết về chính sách và chiến lược của Trung Quốc đã chuyển hướng thành động lực quân sự, được chấp nhận từ trên cao bởi Hồ Cẩm Đảo, Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch Hội đồng Quân sự Trung ương (CMC). Có thể tóm tắt như sau về trách nhiệm của PLA:
  • Ủng hộ Đảng giữ vững vị thế lãnh đạo
  • Bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển đất nước.
  • Hiện đại hóa và củng cố quốc phòng
  • Giữ gìn hòa bình và ổn định thế giới (Học thuyết năm 2004 của Hồ Cẩm Đào trong phần này về thúc đẩy sự phát triển chung đã bị bỏ khỏi các tuyên bố năm 2010).
Tất cả những điều trên cho thấy rõ ràng dư luận rộng lớn đang lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp quân sự để bảo vệ các lợi ích quốc gia của họ ở trong nước, ở cả gần và xa ngoài nước.
Từ lâu Trung Quốc đã coi Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông là các khu vực có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt. Khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền năm 1949, Trung Quốc đã bắt đầu công bố các bản đồ mà họ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Nhiều bản đồ hơn nữa đã được thêm vào từ khi bao gồm đường biên giới Ấn Độ.
Ba vùng biển này được xem như các lớp đệm an ninh mà lại chứa nhiều tài nguyên dầu lửa và khí đốt. Để thiết lập các tuyên bố chủ quyền của mình, họ đã tổ chức tuyên truyền báo chí, dùng các lý lẽ pháp lý và phô trương sức mạnh quân sự. Hiểu rõ sức tuyên truyền và các lý lẽ pháp lý của mình là rất mơ hồ yếu kém, các biện pháp quân sự dường như đã trở thành một lựa chọn chính.
Trong năm 2010, một tàu lớn của Trung Quốc đâm vào các tàu tuần tra Nhật Bản gần quần đảo Điếu Ngư (hay Senkaku trong tiếng Nhật) gần Biển Đông Trung Quốc. Vụ việc được cho là tàu Trung Quốc cố ý đâm vào các tàu Nhật để gây ra một cuộc tranh cãi. Sự kiện này đã hủy hoại những phụ hồi đã đạt được trong mối quan hệ Trung – Ấn bất chấp thực tế Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Nhật Bản. Nhật Bản đã phản ứng một cách từ từ và mạnh mẽ thông qua các kênh ngoại giao và công khai.
Ở Biển Đông, Trung Quốc tỏ ra hung hăng tương tự với Việt Nam và Philippines, dùng các khiêu khích và hăm dọa quân sự. Hiện tượng này đã gia tăng nhanh chóng. Năm 2002, Trung Quốc ký Tuyên bố Bộ Quy tắc ứng xử (DOC) với các bên tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông. Nhưng nước này chẳng hành động theo DOC, và mặc dù đã ký kết Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS), nước này cũng từ chối tuân thủ. Trung Quốc dùng các thể chế và công ước quốc tế khi thấy phù hợp, nhưng phản đối chúng khi chúng không đáp ứng các đòi hỏi của nước này.
Nguy hiểm nhất là thực tế các lãnh đạo Trung Quốc cùng đội quân trí thức của họ đang thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan về chủ quyền trên Biển Đông và Biển Đông Trung Quốc.
The International Herald Leader, một phụ trương của Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, đưa tin (ngày 25/7) những cân nhắc tại một hội nghị chuyên đề về các chiến lược Biển Đông, bởi các học giả của viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS). CASS là nhóm cố vấn chính thức hàng đầu của Trung Quốc, cung cấp các dữ liệu cho tiến trình đưa ra quyết định. Hội nghị tán thành những vấn đề sau: (a) chiến tranh truyền thông bao gồm cả báo chí nước ngoài; (b) tích cực (về mặt quân sự) ngăn chặn các công ty nước ngoài khai thác ở Biển Đông, và nếu không có sáng kiến về ngoại giao và tuyên truyền, dùng các biện pháp quân sự để chiếm cứ và giành lại Quần đảo Trường Sa; (c) hạn chế sự can thiệp của Mỹ, thậm chí bằng những đe dọa sẽ trừng phạt các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc; (d) tránh xa các công ước quốc tế và Liên Hợp Quốc; (e) nâng cao chủ nghĩa dân tộc, và (f) dùng các hoạt động chống cướp biển như một cách đặt hải quân vào tất cả các khu vực của biển.
Dấu hiệu gần đây nhất của Trung Quốc nhằm leo thang tình trạng xung đột ở Biển Đông đã được phát qua báo Ming Pao của Hồng Kông và sau đó được củng cố thêm bởi Thời báo Toàn cầu. Trung Quốc đang xây dựng Hạm đội Hải quân thứ 4 của nước này để đồn trú ở San Ya, với hai tàu sân bay. The Varyag, con tàu mà Trung Quốc mua được, một lần nữa lại bằng tuyên bố dối trá sử dụng tàu làm một casino hoặc khu giải trí, nhưng tân trang lại thành một tàu vận hành, sẽ sẵn sàng làm nhiệm vụ đầy đủ vào năm 2015. Trung Quốc đang trên đà xây dựng thêm các tàu sân bay vào năm 2020.
San Ya nổi lên như một căn cứ tàu ngầm chủ chốt với các cơ sở đỗ tàu bí mật. Căn cứ này đã được chuẩn bị để chứa các tàu ngầm hạt nhân tiên tiến hơn như Type-93, Type-94, và loại Type-96 đang được chế tạo. Tàu SSBN hạng Jin được trang bị các tên lửa hạt nhân JL-2.
Đảo Hải Nam nhìn ra Biển Đông, và trong một thời gian ngắn, các tàu ngầm Trung Quốc được cho là chạy quanh vùng biển này. Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra.
Vấn đề chính của Trung Quốc là sự can thiệp của Mỹ trong khu vực. Mỹ đã tuyên bố rõ ràng với Trung Quốc trong năm 2010 rằng nước này sẽ đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này như một lợi ích quốc gia của mình. Trung Quốc đang trên đà phát triển các vũ khí từ chối khu vực (Các tên lửa DF-21D), chủ yếu để chống lại Mỹ. Nhưng, các mối quan hệ Trung – Mỹ vẫn luôn khiến nhiều người ngạc nhiên.
Tự do hàng hải ở Biển Đông liên quan đến phần lớn cộng đồng quốc tế, vì 50% giao thương của thế giới đi qua vùng biển này. Nếu Trung Quốc quyết định kiểm soát tuyến hàng hải này, nó sẽ trở thành một vấn đề quốc tế. Nếu một số nước quyết định thương lượng với Trung Quốc về các tuyến đường biển của họ, chi phí sẽ là điều không thể chịu nổi.
Tác giả, Bhaskar Roy là một nhà nghiên cứu về Trung Quốc, thuộc nhóm Phân tích Nam Á (SAAG).
Trúc An dịch từ SAAG
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào: