Pages

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Lần đầu “ý dân” chiến thắng ở Miến Điện

Courtesy BurmaRiversNetwork/KDNG
Sông Irrawaddy của Miến Điện, nơi dự định
 xây dựng Đập thủy điện Myitsone.

Khánh An, phóng viên RFA
2011-10-10
Quyết định dừng việc xây đập Myitsone, do Trung Quốc đầu tư, của Tổng thống Miến Điện Thein Sein vào hôm thứ Sáu vừa qua đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau từ nhiều phía.



Trung Quốc tỏ ra rất giận dữ, người dân Miến vui mừng, còn giới quan sát và những nhà phân tích chính trị lại đặt nhiều câu hỏi về khả năng thay đổi chính sách đối ngoại của Miến đối với nước láng giềng cũng là đồng minh lớn là Trung Quốc. Riêng với Tổng Thống Miến, lý do duy nhất mà ông đưa ra cho quyết định hoãn xây đập trên là do điều đó “chống lại ý dân”.


Khánh An tổng hợp và tường trình về sự kiện lần đầu tiên xảy ra ở đất nước đã từ lâu bị cai trị bởi chế độ quân chủ độc tài.

Chiến thắng của sự đoàn kết

Đập thủy điện Myitsone được xây dựng trên sông Irrawaddy của Miến Điện, do tập đoàn đầu tư điện lực Trung Quốc (CPI) đầu tư với số vốn lên 3,6 tỷ đô-la. Đập được khởi công từ năm 2009, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017 và trở thành một trong 15 đập thủy điện lớn nhất thế giới.

001_GR273038-200.jpg
Bản đồ vị trí xây Đập thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy của Miến Điện. AFP PHOTO.
Tuy nhiên, dự án đập Myitsone kể từ khi bắt đầu hình thành cho đến nay đã vấp phải không chỉ sự phản đối từ phía công chúng mà còn gây ra nhiều tranh luận và chia rẽ ngay trong chính phủ Miến vì những ảnh hưởng của nó đối với môi trường, kinh tế, xã hội. Địa điểm xây dựng đập lại chỉ cách khu vực động đất chính chỉ chưa đầy 100 km.

Kể từ năm 2007, các nhóm hoạt động môi trường và nhân quyền đã gửi thư cho Tướng Than Shwe, người đứng đầu chính quyền quân sự trong thời gian đó, để yêu cầu hủy bỏ việc xây đập. Đồng thời, các nhóm này cũng đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc công khai các thong tin lien quan đến những ảnh hưởng của việc xây đập trên môi trường, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, những thông tin này đã không được tiết lộ.
Hiện Trung Quốc và Hồng Kông là những nhà đầu tư hàng đầu ở Miến trong lĩnh vực thủy điện, khai thác và dẫn dầu khí. Để xây dựng đập thủy điện Myitsone, Trung Quốc đã mang hàng ngàn nhân công, bao gồm cả lao động tay chân, vào làm cho dự án. Những công nhân này được âm thầm đưa vào Miến Điện thành từng nhóm vào ban đêm qua đường biên giới. Sau khi hoàn thành, đập Myitsone chủ yếu sẽ cung cấp điện Trung Quốc trong vòng 15 năm, mặc cho tình trạng khát điện của dân Miến đang xảy ra. Chính vì vậy, nhiều nhà hoạt động môi trường và nhân quyền cho rằng dự án Myitsone hoàn toàn không có lợi cho người địa phương.

Trung Quốc giận dữ

Tôi hy vọng chính phủ Miến Điện dám đối mặt với Trung Quốc về mặt pháp lý.
Ông Aung Din
Ngay sau khi Tổng thống Thein Sein đưa ra quyết định hoãn xây đập, Trung Quốc đã tỏ ra khá giận dữ. Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Trung Quốc kêu gọi chính phủ Miến đối thoại, đồng thời nhấn mạnh đến việc cả hai nước đã thoả thuận với nhau về dự án trên sau khi đã xem xét đến những ảnh hưởng của nó.
Trên Đài truyền hình Phượng Hoàng của Trung Quốc, tin tức về việc hoãn xây đập đã được đưa lên với rất nhiều lời đe dọa, giận dữ:
“Xây đập là một dự án lớn, nếu bị hoãn lại, có nghĩa là phía Miến Điện đã vi phạm cam kết quốc tế. Đây sẽ làm một điển hình xấu của chính phủ Miến. Tổng thống Miến cố gắng làm vừa lòng Hoa Kỳ, với mong muốn chính phủ Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với Miến Điện và nhìn nhận chính phủ Miến là một chính quyền hợp hiến. Đó là vấn đề nội bộ của Miến Điện nếu họ muốn làm vừa lòng Hoa Kỳ, nhưng sẽ không thể chấp nhận được nếu điều đó làm ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc. Chắc là phải có những lý do nào khác khiến cho Miến Điện nói “KHÔNG” với Trung Quốc trong khi nước này luôn tìm trợ giúp từ Trung Quốc trước đây. Đó là bởi vì bây giờ Hoa Kỳ đứng sau Miến Điện. Vậy Trung Quốc phải làm gì? Tôi tin là Trung Quốc không lo lắng vì mất một láng giềng vì lý do họ không đáng tin. Trung Quốc cần phải tỏ ra cứng rắn cho Miến Điện thấy, để họ học một bài học và đối xử tôn trọng với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không tỏ ra cứng rắn lần này, các nước nhỏ láng giềng khác sẽ coi thường Trung Quốc.”

dam2-250.jpg
Người dân đánh bắt cá trên sông Irrawaddy của Miến Điện. Photo courtesy of Burma Rivers Network / KDNG.
Ông Lu Qizhou, quản lý dự án của tập đoàn CPI, nói rằng ông ta kinh ngạc và sốc khi nghe quyết định của Tổng thống Miến. Ông cho rằng quyết định này là “không thể hiểu được” và cái giá phải trả đối với cả hai quốc gia là “không thể tính được”.

Không đề cập nhiều đến ảnh hưởng của con đập đối với môi trường và sinh thái, ông Lu nói để xây dựng hồ chứa cho đập Myitsone thì chỉ cần di dời 2.146 người dân ở 5 ngôi làng. Ông Lu cũng cho biết tập đoàn đã cung cấp nhà 2 tầng, tivi màu 21 inch và trợ cấp 100.000 đồng kyat cho họ.

Không minh bạch?

Tuy nhiên, những nhóm phản đối việc xây đập cho rằng Trung Quốc đã không thành thật trong thương vụ này. Mạng lưới Các Dòng Sông Miến Điện, đại diện cho những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng đập thủy điện, nói rằng Bắc Kinh đã thương lượng việc đầu tư với chính phủ quân sự mà không màng đến nguyện vọng của người dân.
Nhóm này cho biết rất nhiều người dân, các tổ chức chính trị và cộng đồng, các nhóm nhân quyền quốc tế đã cố gắng liên lạc với Tập đoàn đầu tư điện lực Trung Quốc để thảo luận về những ảnh hưởng của dự án, nhưng tập đoàn này đã chẳng bao giờ đoái hoài đến việc trả lời. Vì vậy, tập đoàn không thể đổ lỗi là không hề thấy những phản ứng của người dân Miến đối với dự án được.
Còn người dân Miến, họ không chỉ mong muốn dừng lại mà bỏ hẳn dự án này bởi vì nó quá nguy hiểm cho người dân địa phương và làm ảnh hưởngđến nền kinh tế.
Ông Aung Din
Các nhà hoạt động môi trường và nhân quyền Miến cho biết để xây dựng đập Myitsone, người ta phải di dời đến 10.000 người dân ở các ngôi làng. Những di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc thiểu số Kachin bị tàn phá nghiêm trọng. Ngoài ra, sự hiện diện của một lực lượng lớn nhân công và binh lính cùng với việc tàn phá rừng sẽ gây ra những thiệt hại lớn về môi trường, gây thiệt hại kinh tế cho nông dân trồng lúa và đánh bắt cả ở vùng hạ lưu. Chưa kể đến nguy cơ xảy ra động đất làm vỡ đập Myitsone, đe dọa tính mạng của hàng trăm ngàn người dân ở vùng hạ nguồn.
Người dân và các nhà hoạt động môi trường hoan nghênh quyết định của Tổng thống Thein Sein và cho đây là chiến thắng của sự đoàn kết. Tất cả đều có chung một mong muốn và đã hợp tác với nhau để ngăn chặn việc xây đập. Các nhóm này cũng cho biết sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi để dừng lại ít nhất 6 đập thủy điện ở Kachin.
Ông Aung Din, thuộc tổ chức Hoa Kỳ Vận động cho Miến Điện (USCB) nói:
“Tôi hy vọng chính phủ Miến Điện dám đối mặt với Trung Quốc về mặt pháp lý. Còn người dân Miến, họ không chỉ mong muốn dừng lại mà bỏ hẳn dự án này bởi vì nó quá nguy hiểm cho người dân địa phương và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.”
Quyết định của Tổng thống Thein Sein lần này được cho là một hành động đầu tiên vô cùng hiếm hoi về việc chính phủ Miến lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, ông Soe Nyunt, Chủ tịch của Hội Chim và Thiên nhiên Miến Điện nói rằng quyết định hoãn xây đập Myitsone vẫn chưa đủ. Các khu rừng vẫn đang bị chặt phá, người ta vẫn đang tiếp tục đào bới dọc theo sông Irrarwady. Nhưng dù sao, quyết định của Tổng thống Thein Sein đã cho người dân thấy tia hy vọng mới về một xã hội dân chủ, bởi vì đối với một chính phủ dân chủ, nguyện vọng của người dân luôn luôn là ưu tiên hàng đầu.

Không có nhận xét nào: