Trần Khải
Trong khi đời sống dân Việt Nam liên tục mệt nhọc với nạn lạm phát nhiều tháng qua, những diễn biến chính trị thế giới cũng liên tục xô đẩy hướng đi của quê nhà, nơi đang thấy rõ bập bềnh giữa những triều sóng Biển Đông. Và những dấu hiệu từ nội bộ chính phủ CSVN lại có khi không rõ ràng, có lúc như cứng rắn với Trung Quốc qua ngôn ngữ của Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang và cũng có lúc như nhượng bộ khi đổi ngày tái thành lập tỉnh Lào Cai và buộc dân trong tỉnh này treo lồng đèn TQ để ‘mơ hồ dấu hiệu’ rằng Quốc Khánh TQ cũng được ăn mừng trên đất Việt.
Bản tin Bloomberg hôm 11-10-2011 nói rằng lạm phát tại VN đang “cơ nguy tăng vọt,” dẫn theo lời ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ghi trên trang web chính phủ hôm Thứ Hai. Thông tấn Mỹ nói rằng ngân hàng trung ương VN đã tăng lãi suất chính yếu tuần trước lần đầu tiên kể từ tháng 5 để ghìm lạm phát đã hơn 22%. Bạn có thể hình dung nỗi khổ của dân Việt với con số lạm phát vừa nói, khi tính cụ thể từng tháng theo Bloomberg:
“Vật giá hàng tiêu dùng tăng 22.42% trong tháng 9-2011 so với năm trước, vaàso với mức lạm phát 23.02% trong tháng 8-2011. Đó là mức tăng nhanh nhất trong nhóm 17 nền kinh tế Châu Á được quan sát bởi Bloomberg. Lạm phát tăng vọt đã làm tăng nhu cầu mua vàng và đôla vì dân không muốn thiệt hại [tài sản vì lạm phát].”
Chỉ có một dấu hiệu tốt cho Việt Nam là có vẻ như kết thân thêm với nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc.
Bài viết của Ngoại Trưởng Hillary Clinton trên số báo tháng 11-2011 của tờ Foreign Policy có nhan đề “America’s Pacific Century” (Thế Kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ), nêu rõ rằng hướng tập trung tương lai của Mỹ sẽ là Châu Á Thái Bình Dương. Khẳng định này ít nhất sẽ làm người dân Việt cảm thấy an toàn hơn trong khi TQ liên tục quấy nhiễu ngư dân Việt ở Biển Đông, và hy vọng Đảng CSVN sẽ giảm bớt các nhượng bộ trước những đòi hỏi ngang ngươc5 của TQ.
“Tương lai của chính trị sẽ được quyết định ở Châu Á, chứ không phải ở Afghanistan hay Iraq, và Hoa Kỳ sẽ đứng ngay giữa của những hành động…
Trong khi cuộc chiến tại Iraq dịu bớt và Hoa Kỳ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, Hoa Kỳ đang đứng ở một điểm trọng tâm. Trong 10 năm qua, chúng ta đã đưa nguồn tài nguyên khổng lồ sang 2 chiến trường kia. Trong 10 năm tới, chúng ta cần phải khôn ngoan và có hệ thống về nơi chúng ta sẽ đầu tư thì giờ và năng lực, để chúng ta tự đặt mình vào vị thế tốt nhất để gìn giữ vai trò lãnh đạo, bảo đảm lợi ích của chúng ta, và thăng tiến các giá trị của chúng ta. Một trong những công việc quan trọng nhất của chính phủ Hoa Kỳ trong thập niên tới do vậy sẽ là gắn chặt vào cuộc đầu ngày càng tăng — về ngoại giao, kinh tế, chiến lược, và các mặt khác – trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.
Châu Á Thái Bình Dương đã trở thành lực đầy chính yếu trong chính trị toàn cầu. Trải dài từ tiểu lục địa Ấn Độ tới các bờ phía Tây của Châu Mỹ, vùng này trải dài cả 2 đại dương – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – nơi đang ngày càng nối kết nhau bởi lưu thông chở hàng và bởi tính chiến lược. Nơi đây có tới phân nửa dân số thế giới. Nơi đây bao gồm nhiều động cơ chính yếu của kinh tế toàn cầu, cũng như là nơi phóng nhiều khí thải nhà kính nhất. Đó cũng là quê nhà của nhiều nước đồng minh chính của chúng ta, và nhiều siêu cường quan trọng đang lên như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Vào lúc này, khi vùng này đang thiết kế một kiến trúc về kinh tế và an ninh trưởng thành hơn để thăng tiến thịnh vượng và ổn định, quyết tâm gắn bó của Mỹ nơi đây là cần thiết. Nó sẽ giúp xây dựng kiến trúc đó và mang lợi ích cho vai trò lãnh đaọ của Mỹ tiếp tục trong thế kỷ này, cũng hệt như quyết tâm của chúng ta thời hậu Thế Chiến 2 để xây dựng mạng lưới các định chế và quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã mang lợi ích gấp nhiều lần hơn – và tiếp tục mang lợi ích chưa thôi.
Đã tới lúc Mỹ đầu tư tương tự như một cường quốc Thái Bình Dương, một hướng đi chiến lược đưa ra bởi Tổng Thống Barack Obama từ lúc khởi đầu nắm quyền và là một hướng đang sinh ra nhiều lợi nhuận…
Trong khi Châu Á quan trọng với tương lai Hoa Kỳ, một nước Mỹ gắn kết cũng là chủ yếu cho tương lai Châu Á. Vùng này mong muốn có vai trò lãnh đạo của chúng ta và đầu tư kinh doanh của chúng ta – có lẽ mong muốn nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại. Chúng ta là siêu cường duy nhất có một mạng lưới liên minh mạnh mẽ trong vùng, không có tham vọng nào vễ lãnh thổ [và lãnh hải], và có một quá trình lâu dài đem tới những điều tốt đẹp. Cùng với các đồng minh của chúng ta, chúng ta đã bảo đảm an ninh khu vực trong nhiều thập niên – đi tuần các đường biển Châu Á và giữ gìn ổn định – và rồi giúp tạo ra các điều kiện cho tăng trưởng. Chúng ta đã giúp kết hợp hàng tỉ người khắp vùng này vào kinh tế thế giới băng cách thúc đẩy năngs uất kinh tế, thăng tiến xã hội, và nối kết tương quan giữa người với người. Chúng ta là một đối tác đầu tư và thương mại lớn, một nguồn của những sáng tạo làm lợi ích cho các công nhân và doanh nghiệp ở cả hai bờ Thái Bình Dương, là nơi đón 350,000 sinh viên Châu Á mỗi năm, là nguồn thúc đẩy các thị trường mở cửa, và là quốc gia bênh vực cho nhân quyền có tính phổ quát…”(hết trích dịch)
Nghĩa là, bản văn trích dịch trên là lời mời gọi hợp tác từ các nước Châu Á, đặc biệt là những nước bên bờ cơ nguy bị nhai nuốt bởi Trung Quốc.
Câu hỏi nêu lên rằng, tại sao ấn bản báo tháng 11-2011 của tạp chí Foreign Policy (Chính Sách Ngoại Giao) lại đưa bài của Ngoại Trưởng Hillary Clinton vào hôm Thứ Ba 11-10-2011?
Có phải vì hôm Thứ Ba 11-10-2011 là ngày Thủ Tướng Đức Angela Merkel tới Hà Nội để mời gọi Việt Nam gia tăng trao đổi thương mại với Liên Âu và cũng để nêu lên vấn đề vi phạm nhân quyền tại VN, mà đài RFI ghi nhận:
“…Thủ tướng Angela Merkel đã hứa là sẽ nêu lên tình trạng «thiếu nhân quyền» tại Việt Nam. Tháng 8 vừa qua, bà lên tiếng yêu cầu Hà Nội trả tự do cho blogger Phạm Minh Hoàng, giảng viên trường đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phạm Minh Hoàng bị kết án 3 năm tù giam với tội danh «âm mưu lật đổ chính quyền».
Trong chương trình hai ngày thăm viếng, Thủ tướng Đức sẽ tiếp xúc với đại diện xã hội dân sự, Phật Giáo, Công Giáo và Tin Lành và sẽ đọc một bài diễn văn tại Diễn đàn kinh tế Việt –Đức. Sau Việt Nam, bà Angela Merkel cùng với phái đoàn doanh nhân hùng hậu bay sang Mông Cổ.
Trong khi đó thì Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cùng với một phái đoàn bộ trưởng lên đường thăm Ấn Độ, từ 11 đến 13/10 và Sri Lanka từ 13 đến 15/10.
Cùng thời gian này ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam sang Trung Quốc cũng trong vòng năm ngày từ 11 đến 15/10 nhân dịp Trung Quốc kỷ niệm 100 năm cách mạng tư sản Tân Hợi, lật đổ Thanh triều, khai sáng chế độ Cộng Hòa do Quốc Dân Đảng tiến hành.”(hết trích)
Tại sao bài báo của bà Clinton phải phóng lên mạng Internet sớm vào hôm Thứ Ba, có phải để trùng hợp với ngày ông Nguyễn Phú Trọng bay sang Bắc Kinh, cũng là ngày Trương Tấn Sang tới Ấn Độ, và là ngày Nguyễn Tấn Dũng đón Thủ Tướng Đức ở Hà Nội?
Có phải đây là một ván cờ liên thủ Mỹ-Âu để nhắc nhở Việt Nam rằng đừng có tin vào đàn anh Trung Quốc?
Và như dường cũng để nhắc rằng Mỹ trước giờ vẫn không hề có tham vọng chiếm đất, chiếm biển bao giờ tuy là đã đưa quân trú đóng ở hơn 200 quốc gia toàn cầu, trong khi khéo léo nhắc rằng đàn anh Bắc Kinh đã bảo kê Miền Bắc VN trong Cuộc Nội Chiến Nam-Bắc VN, và rồi bây giờ Hồng Quân Trung Quốc đã chiếm hàng trăm cây số ở biên giới VN trong đó nơi nổi tiếng nhất là có Ải Nam Quan, nửa Thác Bản Giốc và Núí Lão Sơn… và cũng chiếm nhiều đảo ở Biển Đông, trong đó nổi bật là Hoàng Sa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét