Pages

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Nợ xấu ngân hàng: Nguy cơ mất trắng 37 nghìn tỷ đồng

http://vneconomy1.vcmedia.vn/ThumbImages/Images/Uploaded/Share/2011/10/27/057_450.jpgNguyễn Hoài
Theo: VnEconomy

“…Điều đáng lo là từ đầu năm đến nay, nợ xấu liên tục tăng, nếu so với thời điểm tháng 8/2010 thì nợ xấu đã tăng từ mức 2,53% lên 3,21%.
Nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng đến hết tháng 8/2011 ở mức chấp nhận được, với tỷ trọng 3,21%/tổng dư nợ, nhưng trong bức tranh chung vẫn nổi lên hai điểm đáng ngại: nguy cơ thất thoát trên 33 nghìn tỷ đồng tiền vốn và vùng kinh tế Bắc Trung bộ đang là điểm đen của nợ xấu.

Số liệu từ một đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết tháng 8/2011, tỷ lệ nợ nhóm 1 (đủ tiêu chuẩn) chiếm 90,89%, nợ nhóm 2 (cần chú ý) chiếm 5,89%, nợ không đủ tiêu chuẩn (còn gọi là nợ xấu từ nhóm 3, 4, 5) chiếm 3,21%.
So tháng 8/2011 với tháng 7/2011, thì nợ nhóm 1 tăng 0,37%, nhóm 2 giảm 0,44%, còn nợ xấu tăng 0,07%.
Chưa kịp mừng, đã vội lo
Tính đến hết tháng 8/2011, tổng dư nợ toàn ngành, kể cả quy đổi ngoại tệ, ước đạt trên 2,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 34 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 1,45% so với tháng trước và tăng 9,58% so với 31/12/2010.
Điểm đáng mừng trong bức tranh nợ toàn ngành của tháng 8/2011 chính là nợ nhóm 1 tăng gần 40 nghìn tỷ đồng mặc dù ở tháng 7/2011, tỷ lệ nợ này giảm. Lý do nợ nhóm 1 của tháng 8 tăng là do tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng dư nợ của tháng này kéo xuống mức 5,89% sau khi giảm được 0,44% so với tháng trước.
Và mặc dù biểu đồ nợ nhóm 1 và 2 diễn biến ngược chiều theo hướng tích cực (nợ nhóm 1 tăng, nợ nhóm 2 giảm), nhất là khi cơ cấu 2 nhóm nợ này chiếm tới 96,78%/tổng dư nợ nhưng không vì thế mà mối lo nợ xấu lại nhẹ đi.
Đầu tiên, tính đến hết tháng 8, nợ xấu toàn ngành ở mức trên 76 nghìn tỷ đồng và nếu xét về tốc độ tăng thì nợ xấu của tháng 8 vẫn tăng 0,07% so với tháng 7/2011. Điều đáng lo là từ đầu năm đến nay, nợ xấu liên tục tăng, nếu so với thời điểm tháng 8/2010 thì nợ xấu đã tăng từ mức 2,53% lên 3,21%.
Trong tổng số nợ xấu trên 76 nghìn tỷ đồng nói trên thì cơ cấu nợ nhóm 3 chiếm 30,18%, nhóm 4 chiếm 20,53% và nhóm 5 chiếm trên 49%. Theo quyết định 493 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro thì nợ nhóm 5 là “nợ có khả năng mất vốn”.
Điều đó đồng nghĩa, các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất trắng khoảng 37,2 nghìn tỷ đồng. Mặc dù nếu so sánh với tổng dư nợ toàn hệ thống thì nợ nhóm 3 chiếm 0,97%, nhóm 4: 0,66%, nhóm 5 chiếm 1,58% và nợ xấu vẫn ở mức an toàn.
Tuy nhiên, đáng lo là tỷ trọng nợ nhóm 5 lên tới 1,58% và chiếm một nửa số nợ không đủ tiêu chuẩn. Và nếu các tổ chức tín dụng không có kế hoạch đốc thúc thu hồi nợ thì con số mất trắng trên 37 nghìn tỷ đồng là nguy cơ nhãn tiền.
Điều đáng lưu ý là trong số 114 tổ chức tín dụng hiện nay, mặc dù số lượng tổ chức tín dụng có nợ xấu đã giảm mạnh so với tháng trước, nhưng vẫn có tới 39 đơn vị có tỷ lệ nợ không đủ tiêu chuẩn tăng mạnh. Đơn cử một số đơn vị có nhiều nợ xấu tăng là các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín, Đệ Nhất, Công ty Tài chính Dầu khí, Ngân hàng Liên doanh Việt Thái, Ngân hàng United Overseas Bank…
Tuy nhiên, trái ngược với các đơn vị để nợ xấu tăng cao, vẫn có nhiều đơn vị kiểm soát nợ xấu rất tốt mà ABBank là một ví dụ. Theo đó, hết tháng 8/2011, nợ nhóm 1 của ABBank tăng cao nhất của khối ngân hàng thương mại cổ phần với mức tăng 3,67% trong khi nợ nhóm 2 giảm mạnh nhất so với toàn hệ thống với mức 3,43%.
Đặc biệt, trong tháng 8, nợ xấu ABBank giảm 3,65%, trong đó, nợ nhóm 4 và 5 giảm rất mạnh so với tháng trước ở mức âm 0,15% và âm 0,14%.
“Chúa Chổm” ở Bắc Trung Bộ!
Tính đến hết tháng 8/2011 so với tháng 7/2011, dư nợ cho vay vùng kinh tế Bắc Trung Bộ tăng thêm 2,3 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 2,15%; còn so với 31/12/2010, con số trên tăng vượt 13 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng trên 13%. Trong đó, nợ nhóm 1 chiếm 92,43%, nhóm 2: 5,63% và nhóm 3,4,5 chiếm 1,95% trên dư nợ cho vay của vùng.
So với 8 vùng kinh tế cả nước thì nợ xấu ở Bắc Trung Bộ đang là nỗi lo ngại thực sự cho các tổ chức tín dụng giải ngân vào khu vực này.
Cụ thể, nợ không đủ tiêu chuẩn (nhóm 3, 4, 5) vùng này đến hết tháng 8/2011 ước đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,8% nợ không đủ tiêu chuẩn toàn hệ thống. Điều đáng lưu ý là trong 3 tháng liền, nợ xấu của vùng tiếp tục tăng mạnh.
Còn so với 31/12/2011, nợ không đủ tiêu chuẩn của vùng tăng 1,11%, trung bình mỗi tháng trong 8 tháng đầu năm, nợ xấu tăng gần 0,14%/tháng.
Trong tổng số nợ xấu 2,1 nghìn tỷ đồng nói trên, nợ nhóm 3 chiếm 54,38%; nhóm 4 chiếm 32,23% và nhóm 5 chiếm 13,39%. Như vậy, những tổ chức tín dụng bị dính nợ nhóm 5 ở khu vực này đang đối mặt với thất thoát vốn 287,7 tỷ đồng.
Trong số các tỉnh ở Bắc Trung Bộ thì Nghệ An là địa phương đứng đầu về tốc độ tăng nợ xấu với mức 0,83%, sau đó là Thừa Thiên Huế: 0,48%, Quảng Trị: 0,43%, Hà Tĩnh: 0,12% và cuối cùng là Thanh Hóa với 0,02%.
Quan sát tổng thể nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng, thấy nổi lên một số điểm chú ý:
Trước hết, tốc độ tăng nợ xấu, đặc biệt là ở các nhóm 3, 4, 5 tăng liên tục qua các tháng. Đây là điều đáng lo khi mà thời điểm cuối năm, các ngân hàng đứng trước áp lực thu hồi vốn trả khách hàng để họ chi trả thanh lý hợp đồng; có thêm nguồn thực hiện các cam kết tài chính; kết chuyển sổ sách cuối năm. Những áp lực này càng tăng thêm khi mà tốc độ tăng trưởng tiền gửi đang có dấu hiệu chững lại.
Thứ hai, tốc độ tăng nợ xấu cao, tỷ trọng nợ xấu ở các nhóm 4, 5 lan rộng thêm trong cơ cấu nợ không đủ tiêu chuẩn, sẽ là những tín hiệu lo ngại về nguy cơ thất thoát vốn ở các tổ chức tín dụng.
Ở một bình diện khác, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì với chính sách thắt chặt tiền tệ: tăng trưởng tín dụng không quá 20% trong năm nay; đồng thời, đến 31/12/2011, họ phải đưa tỷ trọng tín dụng phi sản xuất từ 22% xuống 16%. Như vậy, chẳng những tín dụng không được bơm tiếp mà còn bị thu hẹp lại, dẫn đến các dự án sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là các dự án đang dính vào nợ nhóm 4 và 5. Lúc đó, các tổ chức tín dụng sẽ khó lấp liếm được nợ xấu và quá trình mất vốn sẽ lộ diện nhanh hơn.
Thứ ba, quan sát gần đây trên thị trường thấy rằng, một số đơn vị đã có những xáo trộn về nhân sự lãnh đạo. Theo đó, một số ngân hàng đề bạt tổng giám đốc xuất thân từ nghiệp vụ chính là kế toán, kiểm toán, nhiều năm làm kiểm soát nội bộ như ABBank; hoặc trong ban điều hành của MB có một phó tổng giám đốc với nghề chính là kế toán, kiểm soát nội bộ. Điều này cho thấy, những đơn vị nào biết lo giữ hầu bao, “ăn chắc, mặc bền”, nhất là trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp, đơn vị đó sẽ kiểm soát tốt rủi ro và vẫn cân đối nguồn lành mạnh.

Không có nhận xét nào: