Một cuộc đình công của công nhân Công ty Trường Lợi (Khu Công nghiệp Bình Chiểu - TPHCM). Ảnh: VĨNH TÙNG
Dù có tới 5.000 cuộc đình công từ trước tới nay luôn trái luật song dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vẫn chưa đầy đủ các quy định để đình công có thể diễn ra đúng pháp luật
Ngày 5-10, Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Với phạm vi áp dụng cho khoảng 15 triệu người liên quan trực tiếp có quan hệ lao động, dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi bổ sung 64 điều, sửa đổi 157 điều, giữ nguyên 52 điều.
Ưu tiên tiền lương
Tại báo cáo thẩm tra, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định: Tiền lương là vấn đề có tính chất quyết định trong các quy định về tiêu chuẩn lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình tranh chấp lao động, đình công đang diễn ra phức tạp hiện nay.
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại với mức lương tối thiểu hiện nay quá thấp, không đủ đáp ứng mức sống tối thiểu. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh: “Tiền lương, tiền công là gốc của nhiều vấn đề trong các quy định về lao động. Nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài vẫn lợi dụng sơ hở của luật, lợi dụng tiền công giá rẻ để thu lợi nhuận. Ngược lại, nhiều DN Nhà nước báo cáo lỗ nhưng vẫn trả lương quá cao”. Theo ý kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức lương mà người lao động nhận hiện nay chỉ đáp ứng 60%-70% nhu cầu sống tối thiểu.
Không đình công mới là lạ!
Một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm là giải quyết tranh chấp lao động và đình công. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đặt câu hỏi: “Theo quy định, đình công phải do ban chấp hành Công đoàn (CĐ) cơ sở lãnh đạo. Song thời gian qua, CĐ chưa tổ chức và lãnh đạo một cuộc đình công nào. Vậy pháp luật quy định ở đâu và thực tiễn ở đâu?”.
Ông Phan Trung Lý phân tích: “Tại sao hơn 5.000 cuộc đình công không cuộc nào đúng pháp luật? Đó là do pháp luật không phù hợp buộc người ta phải vi phạm. Tuy nhiên, dự án chỉ sửa 6/28 điều về đình công nhưng lại sửa không cơ bản. Tôi đề nghị phải sửa lại. Hiện tổ chức CĐ nói quy định của pháp luật khiến họ không tổ chức đình công được, song dự thảo sửa đổi vẫn chưa sửa gì để CĐ có thể tổ chức, lãnh đạo đình công”.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng trong 15 năm qua, đình công không thể hợp pháp được thì rõ ràng cần phải xem lại luật. Bà Trương Thị Mai chỉ rõ trong thực tế, DN không đối thoại được, các thỏa ước lao động tập thể không phát huy đúng ý nghĩa. “Vì lương thấp, điều kiện lao động kém! Nếu không đình công mới là lạ!”- bà Mai khẳng định.
Băn khoăn tuổi nghỉ hưu
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, nên quy định tuổi nghỉ hưu và quyền nghỉ hưu. Không chỉ nữ mà nam làm việc nặng nhọc cũng cần nghỉ hưu sớm. Tuổi nghỉ hưu nên như nhau để thể hiện sự bình đẳng nhưng quyền nghỉ hưu thì nam, nữ có thể khác nhau. Quyền nghỉ hưu của phụ nữ từ 55 đến trước 60 tuổi.
Ngoài các vấn đề trên, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, cũng chỉ ra một số bất cập chưa được dự thảo luật đề cập rõ ràng. Cụ thể, luật điều chỉnh người lao động nước ngoài tại Việt Nam và cả người giúp việc gia đình song vẫn chưa quy định cụ thể. Ví dụ điều 189 - 190 về người giúp việc gia đình yêu cầu: Người sử dụng lao động phải giao hợp đồng công việc, BHXH, BHYT để người lao động tự lo bảo hiểm; tạo cơ hội học văn hóa, học nghề… Hoặc điều kiện để người lao động nước ngoài vào Việt Nam là “trình độ chuyên môn phù hợp yêu cầu công việc” nhưng chứng chỉ nào để thể hiện điều này, cơ quan nào thẩm định thì lại chưa rõ.
Bỏ quy định ban đại diện trong DN
Theo báo cáo thẩm tra, trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, các quy định đối với người đại diện tập thể lao động chưa phù hợp. Khẳng định này dựa trên kết luận 09/KL-TW của Bộ Chính trị (ngày 16-9-2011): “Không thành lập tổ chức đại diện của người lao động (có chức năng như tổ chức CĐ) ở các DN chưa có tổ chức CĐ. CĐ cấp trên cơ sở khẩn trương vận động thành lập tổ chức CĐ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong DN”.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng trong quan hệ ở DN, tiếp tục khẳng định vai trò đại diện người lao động của CĐ cơ sở trong việc ký kết thỏa ước lao động tập thể và lãnh đạo đình công. Với nơi chưa có tổ chức CĐ, CĐ cấp trên đóng vai trò hỗ trợ cho tập thể lao động giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
NGUYỄN QUYẾT
Người Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét