Quế Ngân – Quỳnh Chi
Kỳ sau: Tướng Quắc tiết lộ về chuyên án Dũng “chim xanh”
Trong vụ án Khánh ‘trắng”, có một số chuyện mà cho đến bây giờ cũng chưa tường minh là: Làm thế nào để công an có thể buộc tội Khánh “trắng”, có hay không sự bao che của một số cán bộ công an Hà Nội khi đó cho hắn? Lần đầu tiên, Tướng Quắc chia sẻ về những vấn đề này.
Vụ án gây căm phẫn
Từ năm 1990 đến năm 1995, băng nhóm xã hội đen do Khánh “trắng” cầm đầu đã phân chia thị phần quản lý thế giới ngầm ở Thủ đô. Thế chân kiềng bề nổi được biết đến là Khánh “trắng”, Phúc “bồ”, Dương Tử Anh… Chợ Đồng Xuân, gầm cầu Long Biên là lãnh địa bất khả xâm phạm của Khánh “trắng”. Chúng ức hiếp tiểu thương, thu tiền trông xe, tiền gửi hàng hoá cao vô tội vạ. Và một trong những vụ việc cho thấy sự lộng hành của băng nhóm này là khi chúng đâm chết Nguyễn Đức Thắng (tức Đạt) trong băng buôn bán mũ cối giả ở chợ Đồng Xuân.
Khánh “trắng” lúc bị bắt và chợ Đồng Xuân – địa bàn hoạt động một thời của hắn
Trước đó, Đạt có xích mích với Trần Đại Dương, đàn em của Khánh “trắng”. Khi Khánh “trắng” cùng các đàn em gồm: Trần Đại Dương, Vũ Quốc Dũng, Phạm Gia Chiến, Tống Văn Thắng có “công chuyện” đi ngang số nhà 44 Hàng Chiếu vô tình bắt gặp anh Nguyễn Tiến Hưng, anh ruột của Đạt. Khánh “trắng” hô đàn em bắt anh Hưng và đánh đập không thương tiếc. Thấy vậy Đạt giật một con dao thái thịt ngay cạnh đó, xông vào đâm Chiến và Dũng bị thương.
Đàn em của Khánh bỏ lại anh Hưng bị thương nặng, quay sang đánh anh Đạt. Chúng bắt, trói, rồi ấn anh Đạt lên xích lô. Chính Khánh “trắng” đã dùng dao thái thịt do Đạt giật được đâm liên tiếp nhiều nhát vào người làm anh này chết ngay trên xích lô. Sau đó Khánh “trắng” ngông cuồng bắt đàn em đem xác của nạn nhân vứt ngay ở cổng công an phường Đồng Xuân rồi đi về.
Tướng Quắc cho biết thêm: Sau khi bỏ xác anh Đạt ở công an phường, Khánh “trắng” tự vẽ kịch bản cho một đàn em là Dũng ra nhận tội thay. Khi công an điều tra, biết không thể chối bỏ được trách nhiệm với cái chết của anh Đạt, Khánh “trắng” đưa Dũng đến khai báo toàn bộ nội dung vụ việc theo “kịch bản” mà hắn đã “dàn” trước. Theo đó, Khánh ở ngoài sẽ lo liệu cho Dũng được án nhẹ nhất; nuôi vợ con, cha, mẹ cho đàn em đến lúc hắn ra trại. Ngoài chuyện bố trí Dũng nhận tội giết người Khánh “trắng” còn móc nối với một số điều tra viên của công an TP. Hà Nội (ngày ấy) dựng hiện trường giả, lập hồ sơ giả, lấy lời khai nhân chứng giả… để Dũng được hưởng mức hình phạt nhẹ nhất.
Với sự sắp đặt của Khánh “trắng”, Dũng chỉ bị phạt 1 năm tù giam. Chính vì thấy mạng người quá rẻ, tước đoạt nó quá dễ, chỉ cần tiền là điều khiển được nên Khánh cùng 19 đồng bọn trong băng nhóm càng lộng hành, làm nhiều chuyện vô đạo. Đỉnh điểm là việc chẳng có lý do gì cũng đến nhà người khác siết nợ theo kiểu xã hội đen chứ không nhờ cơ quan pháp luật giải quyết. Chính lần siết nợ mà Khánh “trắng” nghĩ đơn giản này lại kéo y về với sự trừng phạt nhanh hơn.
Cuộc đấu trí với “tốt thí” của Khắng “trắng”
Sự lộng hành của băng nhóm Khánh “trắng” đã “bay” đến Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an). Nhận thấy đây là một băng tội phạm cực kỳ nguy hiểm, gây bức xúc lớn trong nhân dân nên C14 đã thành lập chuyên án và Tướng Quắc – Cục trưởng trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo chuyên án này. Tướng Quắc cho biết: Khánh “trắng” rất mưu mô, xảo quyệt. Hắn thường chỉ đạo đàn em thực hiện các phi vụ chỉ thỉnh thoảng mới trực tiếp ra tay. Nhưng tất các vụ việc hắn đều tính toán rất kỹ “kịch bản” để đối phó khi cơ quan công an “sờ” đến. Tài liệu trinh sát đã đủ nhưng để có được chứng cứ trực tiếp, khép tội Khánh “trắng” không hề dễ dàng.
Thời gian đó, một số đàn em của Khánh bị “xộ khám” nhưng chúng vẫn rất sợ uy của hắn, không dám khai vì gia đình của chúng đang “chịu ơn” nhưng cũng là con tin nằm trong tay Khánh “trắng”. Chúng hiểu nếu không kín tiếng thì Khánh sẽ cho đàn em đến “xử” người thân của mình trước. Chính vì vậy các trinh sát, điều tra viên mà trực tiếp là Tướng Quắc đã tốn rất nhiều công tìm nhân chứng, thuyết phục, thậm chí dỗ dành nhân chứng, tội phạm để họ dám khai hành vi phạm tội của Khánh “trắng”.
Tướng Quắc tâm sự: Dù có đầy đủ tài liệu khẳng định Khánh phạm 4 tội gồm: “Giết người”; “Cướp tài sản công dân”, “Trốn thuế” và “Che giấu tội phạm” nhưng nhân chứng trực tiếp khai và chứng kiến việc Khánh “trắng” đâm chết anh Đạt, tội nặng nhất của hắn thì chưa dám khai. Bọn đàn em đi cùng Khắng ‘trắng” trong vụ sát hại anh Đạt như Dương, Thắng, Chiến đều một mực khai rằng, do có mâu thuẫn, chửi bới nhau, anh Đạt cầm dao xông vào đâm Dũng, Dũng né được và phản công. Việc Dũng đâm lại anh Đạt dẫn đến cái chết là hành vi phòng vệ chính đáng. Khánh “trắng” không có mặt ở hiện trường, không tham gia vào vụ ẩu đả, đánh, chém nhau. Tuy nhiên, khi tên Dũng cứ khăng khăng nhận mình đã đâm chết nạn nhân nên cơ quan điều tra xác định tập trung “đấu trí” để hạ gục tên Dũng, cởi nút thắt của vụ án.
Chính vì vậy, Tướng Quắc quyết định trực tiếp gặp Vũ Quốc Dũng. Cả buổi sáng tâm sự đủ thứ chuyện với tư cách là “đàn ông với nhau”, Dũng vẫn không đề cập gì đến “chuyện cũ”. Dũng nói với Tướng Quắc: “Chuyện đã qua rồi, cháu cũng thi hành án xong rồi, tòa án cũng xử lên, xử xuống rồi, khơi lại cũng chẳng làm gì. Hơn nữa, quá trình cháu đi thụ án, anh Khánh đã chăm sóc cho gia đình cháu, cho vợ con cháu rất chu đáo, cháu không thể làm khác được”. Từ những lời này, Tướng Quắc nhận định có thể dùng tình cảm để thuyết phục được hắn. Ông tiếp tục kiên trì áp dụng tâm lý tội phạm, vừa răn đe, vừa dỗ…Cuối cùng Dũng cũng xin khai thật với Tướng Quắc.
Theo lời khai của Dũng, sở dĩ Khắng “trắng” chọn hắn là tốt thí vì thời điểm đó, chỉ mình Dũng là có “lý lịch trong sạch, chưa tỳ vết với pháp luật” nên nhận thì sẽ có tình tiết giảm nhẹ. Dũng còn kể tỉ mỉ tư thế ngồi trên xích lô, đâm anh Đạt, đâm bao nhiêu nhát… của Khánh “trắng”. Kể xong, Dũng như như chợt tỉnh, lại quay ra van xin Tướng Quắc rằng: “Chú thương cháu, cháu ra mặt bây giờ, cả nhà cháu chết chắc. Anh Khánh rất tàn độc với những ai mà anh ta cho là kẻ phản bội. Cháu sợ lắm, cả nhà cháu đang nằm trong tay anh ấy đấy.” Sau cuộc gặp với Dũng, Tướng Quắc ký lệnh bắt khẩn cấp Khánh “trắng” trước sự ngỡ ngàng của nhiều cá nhân và công an Hà Nội.
Giải mã sự thật về những lời đồn thổi
Tướng Quắc cho biết: Khi C14 lập chuyên án điều tra Khánh “trắng”. Trinh sát của Cục phải tự làm từ những nguồn tài liệu của chính mình thu thập được chứ không được địa phương giúp đỡ ngoài những việc đã thành án rồi. Vì thế, C14 đã phải “tung” vào chuyên án này rất nhiều trinh sát, điều tra viên. Mỗi một nhánh làm một việc, không biết công việc của nhau để giữ bí mật, rồi báo cáo về trưởng ban chuyên án.
Khi được hỏi về chuyện dư luận cho rằng vì Bộ “đánh” Hà Nội nên mới làm to chuyện vụ Khánh “trắng”, Tướng Quắc khẳng định: Chuyên án này được lập lên để giải quyết những bức xúc trong dư luận về một tên trùm xã hội đen ngay giữa Thủ đô, tội của Khánh “trắng” đến đâu, xử lý đến đó. Khi Khánh bị bắt, đã có rất nhiều đơn thư tiếp tục tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Khánh. Triệt phá băng nhóm và trừng phạt tên này đúng là trừ hậu họa lớn cho dân. Vì trước khi bị bắt, Khánh đã vận động hành lang xong cho việc tham gia ứng cử và cơ hội đắc cử vào là Đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội là rất cao. Nếu để hắn thực hiện xong âm mưu này thì không hiểu hậu hoạ sẽ đến mức nào.
Ngày đó, dư luận còn đồn thổi: vì Bộ “đánh” Khánh “trắng” nên Hà Nội “trả đũa” bằng “đánh” Vũ Xuân Trường (Nguyên đại úy công an công tác tại Bộ) về tội buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy, Tướng Quắc cười mà rằng: “Làm gì có chuyện “đánh nhau” như dư luận lúc đó nghĩ. Chẳng qua, ngày đó triệt phá Khánh “trắng” xong thì đến ngay Vũ Xuân Trường nên mọi người nghĩ vậy thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét