Pages

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Việt-Trung ký thỏa thuận về biển đảo

TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào
Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần đầu từ
 khi ông Nguyễn Phú Trọng nhậm chức Tổng Bí thư
Nhân chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng, Trung Quốc và Việt Nam ký thỏa thuận tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông, vốn đã dẫn tới làn sóng biểu tình chống Trung Quốc ở trong nước hồi mùa hè năm nay.
Ông Trọng đang ở Bắc Kinh trong chuyến thăm 5 ngày, kéo dài tới 15/10. Ông có hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hôm thứ Ba 11/10.

Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết sau đó bao gồm sáu nguyên tắc chính.
Nguyên tắc đầu tiên được hai bên thống nhất, là “Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục", dưới sự chỉ đạo của 16 chữ vàng và tinh thần bốn tốt, "kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển".

Theo thỏa thuận, các vấn đề sẽ được bàn thảo "theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau".
Đặc biệt, phía Trung Quốc đã chấp thuận một sự đàm phán đa phương, khi trong Điểm 3 của thỏa thuận, hai bên nhất trí: "Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác".
Thỏa thuận cũng kêu gọi duy trì việc tiến hành các cuộc họp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần và thiết lập đường dây nóng trong "để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển".
Truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Hồ Cẩm Đào nói tại buổi gặp ông Nguyễn Phú Trọng là "trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết, không nên có hành động làm phức tạp hóa và mở rộng tranh chấp, xử lý những vấn đề nảy sinh bằng thái độ bình tĩnh và mang tính xây dựng."
"Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác."
Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì được dẫn lời nói "Việt Nam sẵn sàng cùng với Trung Quốc nghiêm chỉnh thực hiện tốt Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản về vấn đề trên biển, kiên trì hiệp thương hữu nghị và đàm phán, xử lý và giải quyết ổn thỏa."
Ông Trọng nói thêm rằng hai bên nỗ lực "không để cho vấn đề liên quan ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng và hai Nhà nước, ảnh hưởng đến tình cảm của nhân dân hai nước cũng như hòa bình, ổn định trên biển".
Trong buổi gặp, chủ tịch Trung Quốc cũng đưa ra năm kiến nghị cho quan hệ Việt - Trung.
Đáp lại, ông Nguyễn Phú Trọng nói Việt Nam "sẽ đặt phát triển quan hệ với Trung Quốc lên vị trí ưu tiên trong quan hệ đối ngoại".

Chuyến thăm đầu tiên

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng kể từ khi ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông đã gặp một loạt những nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cùng ngày 11/10, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc nói với ông Trọng rằng cần "giải quyết ổn thỏa những vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, cùng nhau nâng cao năng lực và trình độ cầm quyền của Đảng Cộng sản".
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng hội đàm với ông Giả Khánh Lâm, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường giới thiệu trung tâm khoa học Trung Quan Thôn với Tổng Bí thư Việt Nam
Báo chí Việt Nam bỏ cụm từ 'hữu nghị' mà chỉ nói đây là 'chuyến thăm chính thức'.
Ông Giả Khánh Lâm đưa ra thông điệp hai nước Trung-Việt "cần phải đặt lợi ích chiến lược chung của hai nước lên vị trí hàng đầu".
Ông đề nghị "tìm điểm chung gác lại điểm bất đồng và hiệp thương hữu nghị".
Một tường thuật chính thức đăng trên trang web Chính phủ Việt Nam nói: "Vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhìn nhận đây không phải là toàn cục quan hệ Việt-Trung, nhưng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp đối với cả hai Đảng, hai nước, vì nó liên quan đến chủ quyền quốc gia, dân tộc."
Tường thuật nói tiếp: "Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết được. Nếu hai bên xuất phát từ tầm cao chiến lược, từ lợi ích của nhân dân hai nước và căn cứ vào các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, thì hoàn toàn có thể tìm ra được một giải pháp thỏa đáng, có lý, có tình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước."
Việt Nam và Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1991 sau một thời gian căng thẳng, đánh dấu bằng cuộc chiến biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu hồi năm 1979.
Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với tổng kim ngạch năm 2010 lên đến hơn 27 tỷ đôla.
Tuy vậy, cán cân thương mại song phương chênh lệch đáng kể - sau tám tháng đầu năm nay, mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã là 8,7 tỷ đôla.

Không có nhận xét nào: