Pages

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Bất động sản: Vỡ nốt boong-ke cuối cùng!

Thị trường bất động sản Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoàiPhan Lợi


“… Riêng các dự án “đối thủ” thì dĩ nhiên không vui bởi rõ ràng việc “phá giá” ấy tức là phá một loại “luật” ngầm trong giới bất động sản Hà Nội là phải luôn tịnh tiến “giá gốc” theo chu kỳ. Hiện tượng này cũng báo hiệu một cuộc “tổng phản công” của thị trường: Đưa giá chung cư tiếp tục tiệm cận giá trị thực…”
Thế là giới đầu tư (đầu cơ) Hà Nội, boong-ke duy nhất “cố thủ” việc giảm giá nhà đất, đã “tháo chạy” ngay khi thông tin tín dụng 2012 tiếp tục siết được tung ra từ hội nghị ngân hàng toàn quốc.
Cụ thể, chủ dự án chung cư VP3 Linh Đàm và CT6 Kiến Hưng (Hà Nội) vừa công bố mức “giảm giá” từ 4 đến 7 triệu đồng/m2 cho tất cả những người mua căn hộ. Với căn hộ chung cư dự án VP3, “giá gốc” trong năm 2011 là 31-32 triệu đồng/m2 thì nay chỉ còn 25 triệu đồng/m2; chung cư CT6 Kiến Hưng từ 19,5 đến 21 triệu đồng/m2 thì nay chỉ còn 15-17 triệu đồng/m2.

Đón nhận thông tin này có nhiều cung bậc thái độ khác nhau. Vui nhất là người đã trót mua nhà chưa nộp hết tiền theo tiến độ. Chẳng hạn có người mua căn hộ diện tích 69,8 m2 với giá 31 triệu đồng/m2, được giảm giá 7 triệu đồng/m2 thì có nghĩa là căn hộ của họ sẽ được giảm tất cả hơn 400 triệu đồng. Với đại diện chủ đầu tư dự án thì cho rằng các mức giảm giá từ 4 đến 7 triệu đồng/m2 không phải là họ “cắt lỗ” mà chỉ là “giảm lãi”. Với mức giảm giá như thế họ vẫn giữ mức lợi nhuận từ 10% đến 15%. Riêng các dự án “đối thủ” thì dĩ nhiên không vui bởi rõ ràng việc “phá giá” ấy tức là phá một loại “luật” ngầm trong giới bất động sản Hà Nội là phải luôn tịnh tiến “giá gốc” theo chu kỳ. Hiện tượng này cũng báo hiệu một cuộc “tổng phản công” của thị trường: Đưa giá chung cư tiếp tục tiệm cận giá trị thực.
Còn nhớ hồi đầu quý II, khi độ ngấm của chính sách siết chặt tín dụng chống lạm phát bắt đầu phát huy, giá nhà đất (đặc biệt là giá chung cư) tại TP.HCM và nhiều đô thị khác bắt đầu làn sóng “tháo chạy” nhưng Hà Nội thì không, mặc cho các chuyên gia và những người có nhu cầu thực mua nhà chờ đợi, rồi đoán già, đoán non. Ngay cả khi Nghị quyết 11 đã ban hành, thị trường thủ đô vẫn lừ lừ tăng đến hết quý I, ngược hẳn xu hướng chung của cả nước.
Khi ấy có người cho rằng giá nhà đất tại thủ đô hình như có quy luật riêng?
Xem ra dự đoán đó không phải không có căn cứ khi nhiều người cho rằng thủ đô thì chỉ có một nên có tâm lý ai cũng muốn sở hữu một căn nhà tại Hà Nội dẫn đến cầu không ngừng tăng. Mặt khác, không giống như TP.HCM, giới đầu cơ nhà Hà Nội thường xài “vốn tự có” nghĩa là tiền mua nhà từ tài sản tích cóp, không phải vay ngân hàng nên các chủ đầu tư cứ “bình chân như vại” v.v…
Song thực tế đã không thế. Cả một thời gian dài giá nhà đất Hà Nội liên tục “thăng thiên” khiến cho nhiều nguồn vốn (trong đó có phần tiền rất lớn từ ngân hàng) đổ dồn vào đây, dẫn đến các chủ đầu tư “chịu không thấu” chuyện trả lãi suất cao và đặc biệt khi ngày 31-12 (ngày đáo hạn các hợp đồng tín dụng) đã cận kề, mà “tín hiệu” 2012 sẽ nới tín dụng (giúp thị trường “ấm” lên) tiếp tục lùi xa.
Vì thế nhiều người đang chờ đợi những cuộc “tháo chạy” khác…

Không có nhận xét nào: